Hiển thị các bài đăng có nhãn Gia Đình. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Gia Đình. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Hoài Trần

-Những thói quen ăn uống nên dạy con từ nhỏ

Aimée Wimbush-Bourque (Canada), bà mẹ 3 con, một food blogger nổi tiếng đồng thời là tác giả nhiều cuốn sách về nấu ăn đã chia sẻ 10 bí quyết trong việc nuôi dưỡng những đứa con có khẩu vị tốt, ăn uống luôn ngon miệng và lành mạnh.

Không lãng phí thức ăn
Bỏ thừa đồ ăn luôn là một thói quen xấu. Chẳng ai thích ăn lại đồ ăn cũ, vì vậy, nấu vừa đủ, giảm kích thước khẩu phần ăn sẽ là cách để không hình thành thói quen này.

Khi có đồ ăn thừa nên cất vào tủ lạnh để tìm cách tái chế biến chứ không nên bỏ phí.

Cha mẹ có thể kể cho con về những người còn không có được bữa ăn no và dạy chúng biết về tác hại của lãng phí thực phẩm.

Dạy con về giá trị thực phẩm
“Mùa nào thức nấy” là một bí quyết của các bà nội trợ để mua được thực phẩm vừa tươi ngon, giá thành tốt mà lại giúp đỡ cho người nông dân địa phương tiêu thụ được sản phẩm theo đúng mùa vụ. Hơn một bữa ăn, hãy dạy cho trẻ biết được lợi ích dinh dưỡng của các món ăn cũng như sự đóng góp thầm lặng của những người nông dân để nuôi trồng được các thực phẩm tốt.


Thực đơn theo kế hoạch

Bạn sẽ ít lãng phí đồ ăn và nguyên liệu hơn nếu biết mua vừa đủ. Hãy lên kế hoạch cho bữa ăn trước khi đi siêu thị, đi chợ để đảm bảo mình không “cao hứng” nhặt thêm quá nhiều thực phẩm.

Tin tưởng và giao việc

Hãy giao những công việc làm bếp vừa sức cho trẻ, con sẽ cảm thấy được tin tưởng và có “cơ hội tỏa sáng”.

Trẻ được tin cậy cũng sẽ cảm thấy tự tin và sẵn sàng hơn trong việc chia sẻ các công việc gia đình khác. Cha mẹ nên mạnh dạn thử các công thức mới để “biến hóa” bữa ăn gia đình, ngay cả khi thành phẩm không thành công thì trẻ cũng học được bài học dám thử và trải nghiệm để phát triển bản thân.

Ăn uống không căng thẳng

Con bạn chỉ thích ăn trứng và rất lười ăn rau? Đó là những câu chuyện bình thường bên bàn ăn của mỗi gia đình.

Không nên kỳ vọng trẻ bữa nào cũng ăn đầy đủ, cân bằng các chất dinh dưỡng. Tâm trạng ăn uống cũng ảnh hưởng nhiều tới khả năng hấp thụ. Hãy để trẻ được thoải mái và cha mẹ cũng không cần quá lo lắng hay căng thẳng chỉ vì cách ăn uống của trẻ.

Tích trữ thực phẩm thông minh

Nếu bạn tích trữ những thực phẩm tốt trong bếp của bạn, thì chế độ ăn của bạn cũng sẽ tốt hơn. Ví dụ như thay vì tích trữ mỳ ăn liền, bánh quy, hãy trữ nhiều trái cây, rau củ… Điều này sẽ tốt cả cho thói quen lựa chọn thực phẩm sau này của các bé.

Thể hiện sự hiếu khách
Hãy để trẻ nhận thấy bạn luôn mở rộng cửa chào đón mọi người đến quây quần quanh bàn ăn gia đình. Thông qua hành động này, trẻ sẽ học được những kỹ năng để trở thành người chủ nhà sành ăn, quảng giao.


Cân bằng thực phẩm
Không có đứa trẻ nào cưỡng lại nổi sự hấp dẫn của những đồ ăn vặt và thức ăn nhanh. Bạn không thể loại bỏ hoàn toàn nhưng hãy đưa ra vài ví dụ về tác hại của chúng, bọn trẻ sẽ dần dần nhận ra vấn đề để biết cách lựa chọn đúng. Cấm cản chỉ hạn chế được trong thời gian ngắn, nếu để trẻ thay đổi được nhận thức chúng sẽ hình thành thói quen lựa chọn đồ ăn tốt cho sức khỏe ngay cả khi trưởng thành.

Tương tác trên bàn ăn
Những bữa cơm gia đình luôn là thời điểm tuyệt vời để kết nối tình cảm các thành viên. Chia sẻ, lắng nghe, quan tâm đến cuộc sống của từng người trong nhà, trẻ sẽ học được những bài học về tình thân thông qua bữa cơm gia đình đầm ấm.


Thể hiện lòng biết ơn
Các nước phương Tây có thói quen cầu nguyện trước khi ăn, đó là cách họ thể hiện sự trân trọng với bữa ăn, trân trọng những người đã góp sức để có được bữa ăn ngon cho họ. Gia đình không theo đạo, bạn không nhất thiết phải cầu nguyện, nhưng một chút lắng lại trước bữa ăn để cảm nhận, thấu hiểu giá trị của thức ăn là cần thiết. Đó là bài học dạy trẻ quý trọng đồ ăn, thức uống.

Night-fly
Read More

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

Hoài Trần

- 5 hình thức ngoại tình không sex mà bạn dễ vướng vào

5 hình thức ngoại tình không sex mà bạn dễ vướng vào

Tác giả: Tham vấn y khoa: BS. Nguyễn Thường Hanh.
Bạn nghĩ rằng mình và người ấy chưa một lần nắm tay, ôm ấp hay lên giường thì hoàn toàn “trong sáng”? Thật ra, bạn vẫn có thể ngoại tình không sex với các mối quan hệ như đồng nghiệp và bạn bè mà cứ ngỡ là mình chẳng làm gì sai cả.

Ngoại tình trong hôn nhân xảy ra khi bạn nghĩ đến việc trở nên gắn bó, thân mật với một ai đó khác ngoài người bạn đời. Điều này có thể phá hủy tình cảm mà bạn đã dành cho đối phương mặc dù hoàn toàn không liên quan đến yếu tố tình dục (sex).
Đặc biệt, phụ nữ càng có nguy cơ ngoại tình không sex nhiều hơn, trong khi đàn ông quan tâm đến vấn đề tình dục và nhu cầu sinh lý. Rất nhiều hình thức ngoại tình có thể trở thành mối nguy hiểm cho cuộc hôn nhân của bạn. Hãy cùng xem bạn có đang vướng vào các kiểu ngoại tình không sex phổ biến sau đây không nhé.

1. Cảm xúc rung động trước một ai đó

Cảm xúc này có thể xuất hiện từ một cuộc trò chuyện qua mạng hoặc tình bạn tưởng chừng như đơn thuần ở nơi công sở. Thậm chí, điều này có thể bắt đầu từ suy nghĩ rằng anh ấy không giống với chồng bạn và anh ấy thực sự hiểu bạn. Cuộc hôn nhân đôi khi xảy xa vấn đề phức tạp và bạn muốn tìm đến một ai khác để lấp đầy khoảng trống.
Không những thế, bạn bắt đầu chia sẻ thông tin riêng tư và giãi bày vấn đề về mối quan hệ của mình để tìm kiếm lời khuyên từ đối phương. Những biểu hiện này nghe có vẻ vô hại, nhưng thực chất lại đặc biệt nguy hiểm vì sẽ dẫn đến việc ngoại tình về thể xác và sự lừa dối trong thời gian dài.
Sự không chung thủy về mặt cảm xúc có thể khiến bạn không thấy tội lỗi và xấu hổ vì thiếu sự tiếp xúc vật lý. Mặc dù điều này có thể không liên quan đến thể xác nhưng vẫn có nguy cơ phá hủy cuộc hôn nhân của bạn.

2. Coi trọng người thân hơn bạn đời

Tất cả người thân trong gia đình đều có ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách và bản chất của mỗi người. Đó có thể là cha mẹ, anh chị em và những người xuất hiện trong thời thơ ấu của bạn. Một số người không bao giờ cho phép bản thân họ tin tưởng tuyệt đối trong tình yêu, vì họ không muốn vợ hay chồng trở thành người quan trọng nhất trong cuộc sống của họ.
Thay vào đó, sự gắn kết với các thành viên trong gia đình mới là thứ tự ưu tiên hàng đầu và vì thế người bạn đời không có được vị trí xứng đáng trong trái tim họ. Đây là kiểu ngoại tình rất khó để có thể nhận ra vì liên quan đến gia đình của bạn.
Một số dấu hiệu của kiểu ngoại tình không sex là bạn thường không quan tâm đến chuyện yêu đương và hôn nhân đối với bạn chỉ là một điều nên làm. Khi ấy, sự tôn trọng và yêu thương nửa kia không đủ để bạn tránh các cám dỗ bên ngoài. 

3. Xuất hiện suy nghĩ phản bội nửa kia

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến sự tan vỡ của các cặp vợ chồng ngày nay. Ngoại tình trong suy nghĩ là khi nhìn vào đối phương với khao khát thỏa mãn dục vọng quan hệ tình dục của cá nhân.
Thậm chí là có suy nghĩ phản bội người bạn đời của mình nếu có cơ hội tiếp xúc thể xác với người kia. Thông thường, một hoặc cả hai người đều không muốn phá bỏ hoặc làm cản trở mối quan hệ thực tại, thậm chí còn cố gắng biến nó trở nên thuần khiết hơn.
Mối quan hệ ngoại tình không sex có thể tồn tại trong tâm trí và vượt xa hơn tình bạn. Tuy nhiên, không khó để bạn lỡ vượt quá giới hạn nếu không chấm dứt tư tưởng trên càng sớm càng tốt. 

4. Thân thiết quá mức với bạn khác giới

Tình bạn khác giới cũng có khả năng phá vỡ một cuộc hôn nhân. Đó là khi bạn có bị thu hút và quan tâm quá nhiều đến bạn bè hơn nửa kia. Nhiều người còn tin rằng tình bạn là vô cùng thiêng liêng và mang lại cho họ nhiều cảm xúc hơn tình yêu.
Thực tế, một người bạn tốt luôn tôn trọng tất cả những mối quan hệ quan trọng xung quanh bạn, đặc biệt là gia đình và người bạn yêu thương. Họ luôn mong muốn chuyện tình yêu của bạn sẽ tích cực và tốt đẹp.
Nếu bạn thường nhắc đến chồng hay vợ với một người bạn mà người ấy phớt lờ và hoàn toàn không quan tâm thì đây hoàn toàn không phải tình bạn mà bạn nên duy trì.

5. Xem hình nhạy cảm từ người khác gửi

Hình thức ngoại tình không sex này bắt đầu từ sự tiếp xúc về thị giác. Đối tượng thường là người quen biết hoặc cũng có thể là người mà bạn chưa bao giờ gặp gỡ. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của Internet cũng tác động rất lớn đến sự thiếu chung thủy của các cặp vợ chồng.
Chẳng hạn như các hình thức khiêu dâm trực tuyến, phòng chat nhóm đã khiến cho nhiều người cảm thấy không thỏa mãn trong hôn nhân. Không những thế, điều này còn khiến chúng ta dễ dàng nghĩ rằng ngoại tình bằng thị giác không nghiêm trọng vì không liên quan đến thể xác.
Nhiều người có suy nghĩ rằng miễn là họ không chạm vào người khác ngoài bạn đời thì đó không phải là sự phải bội. Tuy nhiên, một khi vướng phải hình thức ngoại tình không sex này, bạn sẽ càng có nguy cơ dẫn đến hành động phản bội thực sự.  
Những hình thức ngoại tình không sex trên sẽ dễ dàng phá hủy cuộc sống hôn nhân vì nguy cơ làm rạn nứt mối quan hệ của cả hai. Vì thế, mặc dù bạn không hề có ý nghĩ phản bội chồng hay vợ thì bạn vẫn nên lưu ý để giúp gia đình hạnh phúc vững bền!
Read More

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

Hoài Trần

- Cha mẹ không có nguyên tắc thì chẳng thể dạy dỗ con nên người

Yêu thương con trẻ là bản năng của chúng ta, nhưng cha mẹ phải kiên trì nguyên tắc của bản thân. 

Lập ra quy tắc cho trẻ nhỏ, để chúng trưởng thành thành một người có phẩm đức cao thượng, đây cũng là trách nhiệm của chúng ta.


Gần đây có một đoạn video vô cùng nổi tiếng. Một người cha dẫn theo hai đứa con gái đi siêu thị, con gái nhỏ cố tình đánh rơi đồ trong tay của chị mình. Người cha kiên trì muốn nó phải xin lỗi chị mình, con gái nhỏ cố chấp không làm theo, người cha càng tỏ thái độ kiên quyết nhất định phải xin lỗi. Không còn cách nào khác, đứa trẻ ấy nằm lì trên đất bắt đầu khóc nháo, còn chối trách nhiệm nói bản thân không phải cố ý.
Tuy nhiên người cha không hề lung lay: “Không cần biết con có cố ý hay không, nhưng con bắt buộc phải xin lỗi chị”. Người chị đứng một bên muốn phá vỡ tình cảnh này bèn nói: “Thôi bỏ đi ạ, không cần xin lỗi đâu”. Con gái nhỏ vội vàng tìm cho bản thân bậc thang đi xuống: “Chị ấy đều nói không cần xin lỗi rồi”. Mặc dù vậy người cha vẫn một mực không đổi: “Không cần biết chị con có muốn nhận lời xin lỗi này hay không, con cũng phải xin lỗi chị”.

Hành vi của cha con ba người hấp dẫn sự chú ý của mọi người xung quanh, có người không nhịn được nữa khuyến khích người cha nên đánh đứa trẻ, như vậy nó chắc chắn sẽ ngoan ngoãn nghe lời.

Đương nhiên người cha không làm như vậy, chỉ lần nữa biểu hiện rõ thái độ của mình “bắt buộc phải xin lỗi”. Cuối cùng dưới sự kiên trì của cha, cô bé đã nói lời xin lỗi với chị mình. Ở góc độ của người cha, phạm phải sai lầm thì phải xin lỗi người khác, không cần biết đứa trẻ có ăn vạ hay không, hay có người nói đỡ lời giúp đều phải kiên trì nguyên tắc của bản thân, nhất định phải khiến đứa trẻ nói ra lời xin lỗi. Abraham Lincoln từng nói rằng: “Điều quan trọng nhất là có thể kiên trì vào thời điểm quan trọng”, nuôi dạy trẻ cũng như vậy.

Khi làm sai dạy trẻ biết nói xin lỗi đó là lựa chọn của người cha. (Ảnh: Youtube)

Khi nói với trẻ em rằng hành động của chúng là không được thì chúng ta nhất định phải kiên trì

Xem qua chương trình “Mẹ là siêu nhân”, phương thức giáo dục của Mã Nhã Thư khiến rất nhiều người bất mãn. Mọi người không hiểu rằng, tại sao người mẹ này luôn đặt “không được”, “không thể” ở bên môi, lúc nào cũng nghiêm khắc ra lệnh với con trẻ. Đứa trẻ lại không hề để ý lời nói của cô ấy, mà giả điếc làm ngơ. Trong chương trình có một chi tiết như thế này: Cô ấy dẫn con đi chợ, hai đứa trẻ dùng tay mò cá, cho dù cô ấy có nói bao nhiêu lần “không được”, “không thể” thì hai chị em vẫn không nghe khiến cho cô ấy tuyệt vọng. Sau khi chị mò xong, em lại tiến đến tiếp tục mò. Xem đến phía sau, mọi người dần dần hiểu rõ, trẻ em một khóc hai náo, chỉ cần chúng ta lùi bước thì chúng sẽ không thèm nghe lời nữa.

Có một lần, con gái Mia chưa hết bệnh cảm đã muốn ăn kem, Mã Nhã Thư không đồng ý, Mia trực tiếp nằm trên mặt đất, vừa khóc vừa náo. Cuối cùng Mã Nhã Thư chỉ có thể vô phương đồng ý, đi chợ mua kem cho con gái. Nhưng khi đến chợ, bọn trẻ vừa ăn bánh kem xong lại muốn ăn bánh mì, lúc đầu Mã Nhã Thư từ chối, chúng lại bắt đầu khóc náo. Thấy mẹ không để ý, chúng lại đổi phương thức năn nỉ: “Mẹ ơi, xin mẹ mà”. Quả nhiên Mã Nhã Thư mềm lòng ngay lập tức, mua bánh mì cho chúng. Kịch bản này thường xuyên xảy ra ở nhà họ, bọn nhỏ biết mẹ mềm lòng, chỉ cần chúng khóc náo thì mẹ sẽ đầu hàng. Ngay cả Mã Nhã Thư cũng tự thừa nhận: “Có lẽ tôi là một người mẹ dễ thỏa hiệp”, “mỗi lần chúng khóc thì sự kiên trì của tôi lập tức xuống âm”.

Không có nguyên tắc nhường bước, lâu ngày thì những cụm từ như “không được”, “không thể” ở trước mặt bọn trẻ không còn một chút lực sát thương nào.

Có thể nói, Mã Nhã Thư thành công trong việc không nói đến nguyên tắc, sau khi bọn trẻ khóc náo sẽ nhường bước. Cô ấy khiến cho con của mình trở thành những đứa trẻ vô cùng ngang bướng, ngỗ nghịch. Chuyên gia giáo dục nói qua: “Khi nói với trẻ em rằng hành động của chúng không được thì chúng ta nhất định phải kiên trì.

Nhẫn nại dạy cho con biết nói “xin lỗi” tuy trẻ ngang bướng nhưng sự nhẫn nại của cha mẹ sẽ quyết định hành vi tiếp theo của trẻ. (Ảnh: Youtube)

Cha mẹ không kiên trì yêu cầu của bản thân, con trẻ sẽ cảm thấy lời nói “không” không phải là thật

Gần đây, hàng xóm tâm sự với tôi về việc phiền não của cô ấy: Cô ấy dẫn con đi siêu thị, nó muốn mua đồ chơi, nếu không mua, nó sẽ vừa khóc vừa náo thậm chí là ăn vạ không chịu đi. Ở siêu thị nhiều người nhìn thật sự rất ngượng ngùng, cô ấy chỉ có thể vô phương, thỏa hiệp trước đứa trẻ. Cô ấy nói: “Ở nhà đã có rất nhiều đồ chơi, tôi không chủ trương nuôi dạy con trẻ có thói quen muốn cái gì được cái đó. Nhưng khi chúng khóc náo, tôi lại không biết phải làm thế nào?”.

Phiền não của cô có lẽ cũng là phiền não của nhiều phụ huynh, cũng là u nhọt của rất nhiều gia đình: nêu ra rất nhiều quy tắc với con trẻ, nhưng một khi chúng khóc náo thì cha mẹ liền loạn lên, đánh mất nguyên tắc của mình.

Một lần tôi nhìn thấy đạo lý giáo dục con trẻ của giáo sư tâm lý học Lý Mai Cẩn chia sẻ trên facebook

Có một ngày, con gái của giáo sư Lý cũng muốn mua đồ một cách vô lý, sau khi bị bà từ chối, con gái vừa khóc vừa náo. Bà bình tĩnh trước sự khóc náo của con gái, cho dù như thế nào cũng không lay động được bà, kiên trì dẫn con gái về nhà. Sau khi về nhà, bà cùng con gái ở trong phòng, con gái vẫn cứ khóc náo không ngừng. Bà chỉ đưa cho con gái một chiếc khăn nóng để nó lau đi nước mắt nước mũi. Bà yên tĩnh nhìn con gái khóc, đợi đến khi nó khóc hết sức lực, nhìn thấy mẹ vẫn không có chút gì động lòng bèn từ bỏ. Từ đó về sau, đứa trẻ không còn đòi hỏi bất kỳ yêu cầu vô lý nào nữa.

Tôi rất tán thưởng phương thức giáo dục của vị giáo sư này, kiên trì nguyên tắc của bản thân, khiến trẻ hiểu được yêu cầu vô lý của mình. Không có bất kỳ thay đổi nào trước việc con trẻ khóc náo. Đồng thời cũng khiến cho chúng cảm nhận được sự an ủi: “Mẹ không đồng ý con làm nhưng vậy nhưng mẹ vẫn yêu con, vẫn quan tâm con, sẽ không bỏ rơi con”.

Không thỏa hiệp từ nước mắt ăn vạ là lựa chọn cứng rắn rèn trẻ biết điểm dừng. (Ảnh: Pet Loss Psychotherapy)

Ký giả nổi tiếng Lư Khâu Lộ Vi của Hồng Kông từng nói rằng: “Yêu thương không điều kiện và kiên trì nguyên tắc phải đồng thời tồn tại, nếu không yêu thương sẽ trở nên có hại

Điều này không hề mâu thuẫn, thật ra chúng phải cùng tồn tại, nếu không yêu thương sẽ trở nên có hại. Trong “Mẹ vĩnh viễn yêu con” cũng có một đoạn đối thoại như thế này:

A Lực: “Nếu như con làm gối đầu bay lông đầy trời, mẹ có còn yêu con không?”

Mẹ: “Mẹ vĩnh viễn yêu con, có điều chúng ta cần thu lại đám lông kia”.

A Lực: “Nếu con trét màu vẽ trên người em gái, mẹ có còn yêu con không?”

Mẹ: “Mẹ vĩnh viễn yêu con, có điều con phải chịu trách nhiệm tắm cho em gái”.

Người mẹ này rất nhẹ nhàng bảo đảm rằng bản thân yêu thương con trẻ, nhưng cũng khiến cho con trẻ học được cách thừa nhận và chịu trách nhiệm trước sai lầm của mình.

Hai ngày trước, một câu chuyện được đăng trên trang web cộng đồng đã gây ra nhiều cuộc thảo luận. Một học sinh lớp bốn cao 1m4 từ phía sau đẩy mạnh một thai phụ, thiếu chút nữa đã khiến cho người phụ nữ này sảy thai. Càng khiến cho người ta tức giận chính là khi hỏi nguyên nhân, đứa trẻ này làm như không chuyện gì, nói: “Con xem trên ti vi thấy phụ nữ có thai nếu bị té ngã sẽ sảy thai, con muốn đẩy cô ấy xem cô ấy có sảy thai hay không?”.

Thật sự khó mà tin nổi, một đứa trẻ lớp bốn lại có thể làm ra hành vi điên cuồng như vậy, nói ra lời nói lạnh nhạt đến thế. Khi nghe đến phản ứng của bà nội đứa trẻ, bạn có biết một câu: “Nó chỉ là một đứa trẻ” có thể hủy hoại bao nhiêu đứa trẻ tốt hay không?

Bạn lập tức sẽ biết làm sao để dạy được một đứa trẻ hư. Một câu: “Nó chỉ là một đứa trẻ” có thể hủy hoại bao nhiêu đứa trẻ tốt. Từ nhỏ cha mẹ đã không nói cho con trẻ biết thế nào là đúng sai, chuyện gì có thể làm, chuyện gì không thể làm, mà những điều này lại vô cùng quan trọng. Yêu thương con trẻ là bản năng của chúng ta, nhưng cha mẹ phải kiên trì nguyên tắc của bản thân. Lập ra quy tắc cho trẻ nhỏ, để chúng trưởng thành thành một người có phẩm đức cao thượng, đây cũng là trách nhiệm của chúng ta.

Từ nhỏ cha mẹ đã không nói cho con trẻ biết thế nào là đúng sai, chuyện gì có thể làm, chuyện gì không thể làm, mà những điều này lại vô cùng quan trọng. (Ảnh: Menhon.com)

Trương Bá Chi từng chia sẻ về nguyên tắc giáo dục con trẻ của mình: Mỗi lần chỉ có thể chọn món đồ chơi yêu thích nhất và để chúng biết lời mẹ nói vĩnh viễn không thể thay đổi

Trong chương trình “Thiên thiên hướng thượng”, Trương Bá Chi từng chia sẻ nguyên tắc giáo dục con trẻ của mình. Đối với hai đứa con trai thích đồ chơi của mình, nguyên tắc của Trương Bá Chi là: Mỗi lần chỉ có thể chọn món đồ chơi yêu thích nhất và để chúng biết lời mẹ nói vĩnh viễn không thể thay đổi.

Hai đứa trẻ này cũng rất nghe lời, mỗi lần đều chọn món đồ chơi bản thân thích nhất, bởi vì có được không dễ, nên chúng càng trân quý món đồ chơi này. Tình yêu của cha mẹ đối với con cái vô cùng sâu sắc, nhưng trong tình yêu vô điều kiện này, cha mẹ cần kiên trì nguyên tắc của bản thân, để trẻ tuân thủ nguyên tắc cơ bản, con của bạn sau này sẽ trở thành một người có quy tắc.

Cuối cùng muốn chia sẻ với mọi người, các trường học ở Mỹ nhắc nhở phụ huynh: “Đừng yêu thương trẻ quá độ”.

“Con biết rất rõ con không nên đạt được mỗi một thứ mà con muốn, các yêu cầu vô lý của con chỉ là đang thử người. Đừng sợ duy trì thái độ công chính với con, như vậy mới khiến con có cảm giác an toàn. Đừng khiến con dưỡng thành thói quen xấu. Khi còn thơ ấu, con cần dựa vào người để phán đoán đúng sai. Đừng để con cảm thấy phạm phải sai lầm chính là phạm tội, nó sẽ làm hy vọng của con đối với cuộc sống này suy yếu.”

Theo cmoney.tw - Khải Phong biên dịch
Read More

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Hoài Trần

- Sống ở nông thôn, vùng núi hay thành thị tốt hơn?

hình minh họa (baomai)

Khi lo lắng về tình trạng ô nhiễm hoặc cảm thấy stress, bạn có lẽ đã từng băn khoăn tự hỏi liệu rời khỏi thành phố, thị trấn nơi bạn đang sống để về miền nông thôn liệu có giúp cải thiện được không chỉ niềm vui mà cả sức khỏe của mình hay không.

Nhưng việc nghiên cứu được rút ra dựa trên những bằng chứng cụ thể nhằm giúp ta xác định được các môi trường sống lành mạnh nhất lại cho kết quả khá là khiêm tốn.

Trong lúc bắt đầu tách dần các mối liên hệ giữa việc sống vui sống khỏe ra khỏi vấn đề môi trường, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có nhiều sự khó chịu [nuances] góp phần và làm giảm bớt những lợi ích mà một môi trường sống cụ thể có thể đem đến cho chúng ta, cho dù đó là ở thành thị tập trung cả triệu dân hay ở vùng biển vắng bóng người.

"Điều mà chúng tôi, một nhóm các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, đang thử làm là không cổ súy cho những thứ willy-nilly này, mà tìm ra những bằng chứng ủng hộ cũng như phản bác đối với việc làm sao các môi trường tự nhiên - và việc chúng ta ngày càng xa rời các môi trường đó - có ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe và sự vui vẻ, thoải mái của chúng ta," Mathew White, nhà tâm lý học chuyên về môi trường từ Đại học Y Exeter, nói.

White và các nhà nghiên cứu khác đang cho thấy có rất nhiều các yếu tố khác nhau tác động tới việc môi trường xung quanh ảnh hưởng tới chúng ta như thế nào. Những yếu tố này có thể bao gồm cả hoàn cảnh xuất thân và điều kiện sống của mỗi người chúng ta, chất lượng và thời gian chúng ta tiếp xúc với chúng, và các hoạt động được thực hiện trong môi trường đó.

Nói chung, các bằng chứng cho thấy những khoảng không gian xanh thì tốt cho những ai sống ở các khu đô thị. Những người sống gần công viên hoặc ở gần nhà có nhiều cây cối thường được hưởng bầu không khí ít ô nhiễm hơn, ít tiếng ồn hơn, và có cảm giác mát mẻ hơn (là điều ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh khí hậu toàn cầu ngày càng ấm nóng lên).

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Những khoảng không tự nhiên ảnh hưởng có lợi tới các hoạt động thể lực và xã hội của chúng ta - và cả hai loại hoạt động này đều gắn với vô số các lợi ích khác.

Có thời gian sống trong tự nhiên từ trước tới nay được gắn với việc giúp giảm bớt căng thẳng. Khi chúng ta bước ra ngoài đi dạo hoặc chỉ cần ngồi bên dưới hàng cây, nhịp tim và huyết áp của chúng ta có xu hướng giảm bớt. Chúng ta cũng tạo ra nhiều 'tế bào sát thủ' tự nhiên hơn: là lymphocytes chạy trong khắp cơ thể chúng ta, săn lùng các tế bào ung thư và các tế bào nhiễm virus.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách xác định tại sao điều đó lại xảy ra, tuy họ đã đưa ra một số giả thuyết.

"Một lý thuyết chiếm ưu thế là các không gian tự nhiên đóng vai trò như một bối cảnh yên bình với những kích thích bận rộn của thành phố", Amber Pearson, một nhà địa lý y tế tại Đại học bang Michigan cho biết. "Từ góc nhìn tiến hóa, chúng tôi cũng kết hợp những thứ tự nhiên như là nguồn lực quan trọng cho sự sống còn, vì vậy chúng tôi ủng hộ chúng".

Tuy nhiên, điều này không nhất thiết có nghĩa là tất cả cư dân đô thị nên di chuyển đến vùng nông thôn.

Cư dân thành phố có xu hướng bị bệnh hen suyễn, dị ứng và trầm cảm cao hơn. Nhưng họ cũng có xu hướng ít béo phì hơn, có nguy cơ tự sát thấp hơn và ít có khả năng thiệt mạng do bị tai nạn. Họ sống hạnh phúc hơn và nhìn chung là sống thọ hơn.
Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Mặc dù chúng ta có khuynh hướng liên hệ các thành phố với tình trạng ô nhiễm, tội phạm và căng thẳng, nhưng việc sống ở vùng nông thôn cũng đòi hỏi phải có những hy sinh nhất định. Chẳng hạn như các loài côn trùng và nhện mang bệnh có thể làm giảm mức độ lành mạnh ở các căn nhà gỗ ở vùng thôn quê thơ mộng Maine.

Trong các trường hợp khác, tình trạng ô nhiễm ở nông thôn tạo ra một mối đe dọa lớn. Tại Ấn Độ, ô nhiễm không khí góp phần vào cái chết của 1,1 triệu người hồi 2015, trong đó người dân sống ở vùng nông thôn chứ không phải thành thị chiếm tới chiếm 75% số nạn nhân. Điều này chủ yếu là do người dân nông thôn phải hít thở không khí bị ô nhiễm phát sinh từ việc đốt ruộng, củi hoặc phân bò (được dùng để đun nấu và sưởi ấm).

Tập quán chặt cây đốt rẫy ở Indonesia cũng tạo ra những thảm khói độc kéo dài nhiều tháng, đôi khi còn tác động cả tới các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trong khi đó, khói ô nhiễm từ các đám cháy ở Nam Mỹ và Nam Phi đã lan ra toàn bộ vùng nam bán cầu. (Tuy nhiên, phải nói rằng bầu không khí ở nam bán cầu nhìn chung là trong lành hơn so với bắc bán cầu, đơn giản là vì có ít người sống ở đó hơn).

Câu chuyện không chỉ ở các nước đang phát triển: cháy rừng ở miền tây nước Mỹ đang tàn phá chất lượng không khí, trong lúc ô nhiễm từ việc sử dụng phân bón hóa học tại trang trại đang làm giảm chất lượng không khí ở châu Âu, Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Vậy ý tưởng lấy không khí trong lành từ các vùng núi cao thì sao? Đúng là tỷ lệ khí cacbon độc hại và các hạt vật chất ô nhiễm trong không khí có xu hướng thấp hơn ở các khu vực trên cao. Nhưng việc tìm cách đưa không khí từ trên cao xuống có thể lại gây ra các vấn đề khác.

Trong khi những người sống ở những nơi có độ cao từ 2.500m trở lên có tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch, đột quỵ và một số loại ung thư thấp hơn, nhưng dữ liệu cho thấy họ dường như có nguy cơ cao tử vong do phổi mãn tính do nhiễm trùng đường hô hấp.

Điều này một phần có thể là vì xe hơi và các loại xe khác hoạt động kém hiệu quả hơn ở những nơi có độ cao cao, xả ra nhiều hơn lượng khí hydrocacbon và carbon monoxide - điều này thậm chí còn gây hại nhiều hơn do bức xạ mặt trời tăng ở những nơi như vậy. Do đó, sống ở độ cao trung bình 1.500 đến 2.500 mét có lẽ sẽ là trong lành nhất.

Mặt khác, có một lập luận mạnh mẽ về việc sống gần biển, hoặc ít nhất là gần nơi nào đó có nguồn nước.

 
Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES 

Ví dụ, những người ở Anh sống gần biển hơn có xu hướng ít phải chi trả tiền chữa bệnh hơn so với những người sống trong đất liền, kể cả khi đã tính đến các yếu tố tuổi tác và tình trạng kinh tế xã hội.

Điều này có thể do nhiều lý do, White nói, trong đó bao gồm cả thực tế là sự tiến hóa khiến chúng ta bị hấp dẫn bởi những mức độ đa dang sinh học cao tồn tại ở đó (trước đây thì vấn đề này là một chỉ dấu hữu ích về nguồn thực phẩm) và những bãi biển khiến chúng ta có nhiều cơ hội để tập thể dục hàng ngày hơn, và có thêm nhiều vitamin D.

Tiếp đến là những lợi ích tâm lý. Một nghiên cứu hồi 2016 do Pearson và các đồng nghiệp của bà thực hiện tại Wellington, New Zealand cho thấy những người được nhìn thấy biển hàng ngày thì có ít căng thẳng thần kinh hơn.

Cứ với mỗi 10% khoảng không màu xanh nước biển mà người ta nhìn thấy nhiều hơn, các nhà nghiên cứu nhận thấy sẽ làm giảm một phần ba điểm trung bình trong thang điểm về mức độ căng thẳng tâm lý Kessler (được dùng để ước đoán mức lo lắng và rối loạn tâm lý) độc lập với tình trạng kinh tế xã hội.

Dựa trên kết quả đó, Pearson nói, "Người ta có thể hy vọng rằng mức tăng 20-30% về khả năng nhìn thấy biển có thể giúp một người chuyển từ trạng thái suy sụp tinh thần ở mức trung bình sang mức nhẹ hơn."

Pearson tìm thấy kết quả tương tự trong một nghiên cứu tiếp theo được tiến hành gần Great Lakes ở Mỹ (hiện đang được xem xét), cũng như White trong một nghiên cứu đang tiến hành về cư dân Hồng Kông.

 
Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể chuyển tới sống ở bờ biển.
Do đó, Simon Bell, chủ tịch kiến trúc cảnh quan tại Đại học Khoa học Đời sống Estonia và là phó giám đốc Trung tâm OPENspace tại Đại học Edinburgh, cùng các đồng nghiệp đang thử nghiệm xem liệu việc khôi phục các nguồn nước bị lãng quên trên khắp châu Âu có thể tạo tác động tích cực nào không.

Họ phỏng vấn các cư dân trước và sau khi phục hồi, bao gồm cả một bãi biển xuống cấp ở ngoại vi Tallinn, Estonia, và một con kênh công nghiệp gần khu phức hợp căn hộ kiểu Xô-viết ở Tartu, Estonia, cùng các nơi khác ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Anh.

Lần phân tích thứ hai đối với gần 200 địa điểm nguồn nước được tái phát triển trong thời gian gần đây sẽ cho phép họ tìm hiểu các yếu tố như khí hậu, thời tiết, mức độ ô nhiễm, mùi, tính thời vụ, an toàn và an ninh, khả năng tiếp cận và nhiều yếu tố khác nữa.

Mục tiêu cuối cùng, Bell nói, là nhằm tìm ra xem "điều gì tạo ra một không gian xanh dương tuyệt vời." Khi có kết quả, ông và các cộng sự sẽ phát triển một công cụ đánh giá chất lượng giúp tìm cách khôi phục hiệu quả nhất các kênh đô thị, các ao hồ bị khai thác không đúng cách, các bến đậu thuyền, các con sông và những không gian xanh khác bị bỏ quên, nhằm làm cho cuộc sống của cư dân tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, khi nói đến hạnh phúc, các nhà nghiên cứu không biết rằng hồ so sánh với đại dương hoặc sông so sánh với biển thì sẽ ra sao. Họ cũng không so sánh các bãi biển ở Iceland với những bãi biển của Florida.

Điều mà họ biết là các yếu tố phức tạp, bao gồm chất lượng không khí và nước, sự đông đúc, nhiệt độ và thậm chí cả việc thủy triều lên xuống cũng ảnh hưởng đến những chúng ta không khác gì một chuyến đi ra biển.

"Có thể có hàng triệu thứ quan trọng khác, bên cạnh thời tiết và ánh sáng ban ngày, ảnh hưởng đến ai đó ở Hawaii hay Phần Lan," White nói.

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Về mặt y tế, dữ liệu cũng cho thấy rằng, ngược lại, những người thỉnh thoảng thay vì là thường xuyên sống ở những nơi chan hòa ánh nắng - ví dụ như Vermont và Minnesota ở Mỹ, hay Đan Mạch và Pháp - có xu hướng có tỷ lệ ung thư da cao hơn. Điều này nhiều khả năng là vì họ không có thói quen sử dụng kem chống nắng hàng ngày.

Cũng giống như việc có thêm không gian xanh lá và xanh dương có thể đem lại lợi ích hơn so với các màu khác, các nhà nghiên cứu cũng đang nhận ra rằng ảnh hưởng của môi trường đối với sức khỏe không được phân phối đồng đều.
Những người sống trong điều kiện kinh tế xã hội thấp hơn có khuynh hướng được hưởng lợi nhiều hơn từ các không gian tự nhiên so với những người giàu có, White nói.

Điều này có thể là do những người giàu thì được hưởng các đặc quyền cải thiện sức khỏe khác, như có các kỳ đi nghỉ và có cuộc sống nhìn chung là ít căng thẳng hơn - một phát hiện có ý nghĩa quan trọng trong đời thực. "Tại Anh, chính quyền địa phương có nghĩa vụ pháp lý trong việc phải giảm bớt sự bất bình đẳng về sức khỏe. Một cách để làm điều đó là cải thiện hệ thống công viên, "White nói. 
"Người nghèo nhất sẽ được hưởng lợi nhiều nhất."

Điều quan trọng cần lưu ý là việc di chuyển đến một bờ biển hoặc rừng tương đối hoang sơ sẽ không giúp giải quyết được vấn đề. Các hoàn cảnh khác sống - như là bị mất việc làm, xin được công việc mới, kết hôn hoặc ly dị -đều có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đến sức khỏe của chúng ta. Như White nói, cho dù bạn sống ở bất kỳ môi trường nào thì "Có nhà để ở vẫn quan trọng hơn nhiều so với việc sống cảnh vô gia cư vô gia cư trong công viên."

Bell nói thêm rằng sự gần gũi với thiên nhiên thực ra có xu hướng bị xếp hạng thấp trong danh sách những yếu tố quan trọng nhất mà mọi người quan tâm đến khi chọn nơi sinh sống, sau những thứ như an toàn, yên tĩnh và gần gũi với những địa điểm quan trọng như trường học và nơi làm việc.

Thế nhưng những người sống trong những thành phố sạch sẽ bên bờ biển và luôn có thể đến với đời sống thiên nhiên, chẳng hạn như Sydney hay Wellington, thì hẳn đã như trúng số độc đắc khi được sống trong những nơi trong lành nhất cho sức khỏe.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future
Rachel Nuwer BBC Future
Read More

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Hoài Trần

- Người Mỹ dạy 13 điều giúp con gái mạnh mẽ và tự tin

13 điều dạy con gái của bà mẹ Mỹ này rất khác biệt với quan niệm phụ nữ phải đoan trang, giàu đức hy sinh của người châu Á, trong đó có Việt Nam. Tư tưởng dạy con cấp tiến và hiện đại này rất đáng lưu tâm.

Tư tưởng ngàn đời của người Việt Nam luôn kỳ vọng con gái dịu hiền, thùy mị, đoan trang, trung trinh tiết hạnh, giàu đức hy sinh… Ngoài xã hội thì giỏi giang đảm đam. Trong gia đình thì một lòng vì gia đình, chồng con. Tuy nhiên, cách dạy con gái này lỗi thời, vô tình đặt gánh nặng trách nhiệm quá lớn cho con.

Là bố mẹ có con gái, bạn nên đọc 13 điều dạy con gái 5 tuổi thú vị của bà mẹ này.
Dạy con gái yêu bản thân
Một bà mẹ Mỹ tên Toni Hammer đã liệt kê trên Instagram về cách dạy con gái của mình. Bà mong muốn cô con gái 5 tuổi của mình nên yêu bản thân và quan tâm tới cảm xúc cá nhân. Đừng quá quan trọng cách đánh giá của người khác.

1. Khi người khác va vào con, con không cần phải xin lỗi.

2. Không nói: “Xin lỗi, cháu là một người rắc rối”. Con không phải là một người rắc rối, con là một đứa trẻ có suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình, và đáng được người khác tôn trọng.

3. Khi không muốn ra ngoài với một người đàn ông, con không cần phải tìm lý do để từ chối, chỉ cần trả lời đơn giản là: “Không, cảm ơn” là được. Con không nợ bất cứ ai một lời giải thích.

4. Khi ăn uống trước mặt người khác, không cần nghĩ quá nhiều. Nếu như con đói, hãy cứ ăn đi. Hãy ăn bất cứ món gì con thích. Nếu thích pizza, hãy gọi pizza, không nên vì có người khác ở đó mà đổi sang món salad.

5. Không nên vì muốn làm hài lòng người khác mà luôn để tóc dài.

Trong độ 10 - 12 tuổi, con gái có xu hướng trưởng thành nhanh hơn con trai và bước vào giai đoạn...Tiền dậy thì: Top những điều con gái cần ba mẹ hiểu

6. Nếu con không thích mặc một bộ đồ nào đó, con có thể không mặc.

7. Không nên vì không có bạn mà cả ngày không bước chân ra khỏi nhà. Con có thể tự đi một mình, vì bản thân mà tạo ra những trải nghiệm thuộc về chính con.

8. Không nên kìm nén nước mắt. Khóc sẽ giải phóng những cảm xúc bên trong lòng con chứ không phải là biểu hiện của sự yếu đuối. Đó là bản tính của con người.

9. Không nên vì yêu cầu của người khác mà cố gắng gượng cười.

10. Đừng lo lắng hay e ngại khi con cười lớn trước những câu nói đùa của chính con.

11. Không nên vì lịch sự mà việc gì cũng nói “được”. Con có thể nói “không”, bởi đó là cuộc đời của bản thân con chứ không phải cuộc đời của người khác.

12. Không nên che giấu suy nghĩ của mình, hãy dũng cảm nói ra, tiếng nói của con sẽ được lắng nghe.

13. Không nên vì “làm chính mình” mà phải xin lỗi người khác. Hãy trở thành một người dũng cảm, không sợ hãi và xin đẹp, đường đường chính chính, đĩnh đạc làm chính mình theo cách tốt nhất.

Những lời dạy dỗ này trao tặng cho cô con gái nhỏ sự tự tin và khả năng suy nghĩ độc lập quý giá. Quan niệm dạy con này nhanh chóng được các mẹ thích thú và chia sẻ.

Mẹ Việt nên xem lại cách dạy con
Các cô gái thụ hưởng nền giáo dục Tây học, đặc biệt là những cô gái Mỹ, rất xem trọng cảm nhận bản thân. Họ mạnh mẽ, tự tin, sống tích cực… Họ có thể làm được nhiều việc mà đàn ông có thể làm được. Họ tự định đoạt cuộc sống của mình, và luôn nỗ lực đạt được mục tiêu bản thân.

Để làm được điều đó, chính bố mẹ phương Tây luôn tôn trọng và xem con như một người trưởng thành. Bài học dạy con gái của người mẹ Mỹ trên thể hiện bà là người yêu con, biết cách dạy con tích cực.


Trong khi đó, người phụ nữ Việt Nam ngay từ nhỏ đã được dạy về tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh… Chúng ta phải học làm thế nào từ bỏ cảm xúc cá nhân, thích ứng với xã hội.

Bạn hẳn đã nhiều lần tự hỏi: Vì sao con nít nước ngoài độc lập vậy, vì sao phụ nữ nước ngoài tự tin và giỏi giang vậy. Tất cả đều bắt nguồn từ quan điểm giáo dục. Chúng ta chịu ảnh hưởng với cách dạy truyền thống. Nhưng đã đến lúc nên nhìn lại cách dạy con gái của mình, nếu bạn muốn con sống yêu đời và tích cực.

Theo marryliving
Read More

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018

Hoài Trần

- 10 việc bố mẹ nhất định cần "ép" con làm bằng được, trẻ sẽ hưởng ích lợi suốt đời!

Nhà tâm lý học người Mỹ William James từng nói rằng: "Gieo một hành động sẽ thu lại được một thói quen, gieo một thói quen sẽ thu lại được một tính cách và gieo một tính cách sẽ thu lại được một vận mệnh."


Nói như vậy có nghĩa là, vận mệnh của mỗi chúng ta được quyết định bởi tính cách của chúng ta. Mà tính cách thì hình thành từ thói quen. Thói quen tốt sẽ hình thành tính cách tốt và ngược lại.
Sức mạnh của thói quen mạnh hơn rất nhiều so với suy nghĩ của chúng ta, nó có thể đưa một người lên thiên đường nhưng cũng có thể tiễn một người xuống địa ngục.

Vậy thì thói quen của con người nên được hình thành vào thời điểm nào? Câu trả lời đó là khi mỗi người còn là một đứa trẻ. Chẳng thế mà ông bà ta từ xưa đã có câu: "Dạy con từ thuở còn thơ".

Thói quen xấu sẽ đưa trẻ rời xa con đường đúng đắn, thói quen tốt có thể thúc đẩy trẻ dũng cảm, mạnh dạn tiến về phía trước trên con đường mang tên cuộc đời.

Cổ nhân có câu: "Tính tương cận, tập tương viễn", con người khi mới sinh ra, tính tình đều như nhau cả, chỉ là trong quá trình trưởng thành, chịu ảnh hưởng của môi trường hoàn cảnh mà tập tính, thói quen trở nên khác nhau mà thôi.

"Từ tốt trở thành xấu chỉ trong một khắc, từ xấu muốn trở nên tốt phải mất cả năm", câu nói này quả không sai.

Thói quen tốt là đọc sách có thể biến mất chỉ trong tích tắc, thay thế cho thói quen tốt đó là thói quen cày game trên mạng; Thói quen xấu là hút thuốc lá muốn cai, rất muốn cai nhưng để cai được phải mất rất nhiều thời gian.

Vì thế nên, chỉ có hình thành thói quen tốt từ nhỏ, mới có thể khiến đứa trẻ lớn lên được hưởng ích lợi cả đời.
Ảnh minh họa.

Dưới đây là 10 việc – tương đương với 10 thói quen bố mẹ nên cố gắng "ép" con làm càng sớm càng tốt.

1. Việc của mình tự mình làm
Con người sống một đời, có rất nhiều thói quen hình thành từ tấm bé.

Như hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh – Phổ Nghi từ nhỏ đã được chăm theo kiểu: Cơm đưa đến miệng thì há miệng, quần áo đưa đến người thì chỉ việc dang tay ra mặc, ra ngoài đều có người đưa đón…

Đến khi trở thành bình dân, ông hầu như không biết tự sắp xếp cuộc sống của mình, áo mặc ngược, cúc đóng lệch, có lần quét đường thậm chí còn lạc mất đường về.

Con người ai cũng phải biết việc cơ bản nhất là tự chăm sóc bản thân. Cuộc sống phải tự mình trải qua, đó mới là nhân sinh. Như thế, khi có một ngày bố mẹ nên buông tay, mới có thể quá lo lắng, con cái cũng không quá sợ sệt.

2. Có việc cần làm sớm nhất có thể, không để nước đến chân mới nhảy

Rất nhiều người trưởng thành hiện nay mắc chứng bệnh "cao su", nước đến chân mới nhảy. Những người này thuộc nhóm thiếu thói quen xử lý mọi việc theo hướng sớm nhất có thể.

Hãy hình thành cho trẻ thói quen này, như thế trẻ sẽ có đủ thời gian để ứng phó với những việc phát sinh, từ đó hình thành nên một tâm thái ung dung tự tại, không vội vã mà hỏng việc.

Ví dụ như nhất định phải yêu cầu trẻ làm xong bài tập mới được đi chơi…

3. Tham gia vào việc nhà, hình thành tính trách nhiệm
Bố mẹ đừng nghĩ rằng trẻ còn nhỏ, chưa thể làm giúp mình việc gì.

Hãy để trẻ làm những việc vặt vừa sức trong nhà, việc này có thể giúp trẻ hình thành nên tính trách nhiệm cần thiết suốt đời. Hãy để trẻ cảm nhận và hiểu rõ mình là một thành viên trong gia đình, phải có nghĩa vụ đảm đương gánh vác một số việc nhất định.

Trẻ hình thành được thói quen làm việc nhà sau này sẽ có lợi cho tương lai, khi chúng lớn lên, xây dựng gia đình của riêng mình.

4. Hình thành thói quen đọc sáchNhất định phải để trẻ đọc một lượng sách thật lớn, vì việc đọc rất quan trọng.

Không cần giới hạn cho trẻ phải đọc sách nổi tiếng hay sách theo chủ đề nào đó, hãy để trẻ đọc những gì chúng hứng thú. Chỉ cần để trẻ hình thành nên thói quen này, ngồi yên và đọc sách là được.

Ngoài ra, bố mẹ cũng nên là những người thích đọc sách, thường xuyên đọc sách cùng con, như thế sẽ tạo thêm hứng thú và động lực cho trẻ.

Sách là nguồn kiến thức vô hạn, từ sách trẻ sẽ có một kho từ vựng phong phú, nâng cao khả năng viết lách, mở rộng kiến thức, nâng cao khả năng diễn đạt…

5. Học cách lựa chọn, biết cho đi và giữ lại

Chúng ta đều hiểu rằng đời người phải có cho đi, mới có nhận lại, nhưng khi thực sự cần cho đi, đặc biệt là khi phải từ bỏ những gì mình thích nhất, chúng ta lại rơi vào đau khổ tiếc nuối.

Từ nhỏ bồi dưỡng cho trẻ khả năng lựa chọn, kiến thức về việc cho đi, giữ lại cũng như thói quen tư duy, điều này giúp con bạn khi đối mặt với những vấn đề lớn sau này sẽ không bị bối rối, đồng thời trẻ cũng sẽ có mục tiêu rõ ràng cho mình.

Người càng sớm có mục tiêu cho mình thì cơ hội thành công càng cao.

6. Hình thành một nếp sống có quy luật, phép tắc

Sinh hoạt có quy luật là một trong những nhân tố giúp cơ thể khỏe mạnh.

Giờ giấc đảo lộn, thời gian ăn cơm không cố định, chơi điện tử thâu đêm… đây chính là những biểu hiện điển hình của việc thiếu khả năng tự kiểm soát bản thân. Và như đã nói, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Vì thế, bố mẹ hãy giúp con hình thành nên thói quen sinh hoạt có nề nếp, quy luật, ví dụ mỗi ngày dậy vào lúc mấy giờ, ăn cơm vào giờ nào, làm bài tập vào giờ nào, đọc sách mấy lần, mấy giờ đi ngủ…

Sinh hoạt có giờ giấc, khi lớn lên trẻ có thể tự quy hoạch cuộc đời mình, tự lên kế hoạch cho mọi việc và có tính kiên nhẫn cao hơn hẳn những đứa trẻ sống không có quy luật.

Ảnh minh họa.

7. Học cách lắng nghe, vui vẻ giúp đỡ người khác
Để làm được việc này, bố mẹ trước tiên hãy chịu khó lắng nghe con nói. Lắng nghe con nói là sự tôn trọng mà bố mẹ dành cho trẻ, làm được việc này, bố mẹ mới có thể dạy con lắng nghe mình và những người khác, hiểu cho người khác.

Hãy dạy trẻ học cách tôn trọng ý kiến của người khác và vui vẻ giúp đỡ những người xung quanh.

Việc này rất quan trọng khi trẻ trưởng thành và tham gia vào các mối quan hệ trong xã hội. Người có khí chất, thấu hiểu và chia sẻ sẽ luôn có những mối quan hệ xã hội rộng rãi.

8. Có sai buộc phải sửa, không được tái phạm lần 2
Khi trẻ mắc sai phạm, chớ vội nóng nảy nhưng không cho phép lặp lại lần thứ 2. Nếu còn tái phạm sẽ không được tha thứ.

Hãy chỉnh đốn sai phạm cho trẻ và dạy trẻ hình thành nên thói con sửa sai, phản tỉnh lại thói quen, lời nói và hành động của mình.

9. Dạy trẻ dám thử sức, dám hoài nghi

Trên thế giới này không có một con đường nào có thể chắc chắn dẫn đến thành công. Trong cuộc sống luôn có những yếu tố tiềm ẩn, thiên biến vạn hóa không dễ dàng nắm bắt.

Vì thế, muốn thành công phải có dũng khí, phải dám thử. Trong bối cảnh chưa thể xác định chắc chắn, tinh thần mạo hiểm sẽ là nguồn tài nguyên hiếm có nhất.

Hãy cổ vũ trẻ dám thử, và cũng nên cổ vũ trẻ dám hoài nghi bằng cách bồi dưỡng sự tự tin, tinh thần dám gánh vác và tư duy độc lập.

Ảnh minh họa.

10. Khống chế cảm xúc của bản thân
Đừng cho rằng trẻ nhỏ mà muốn khóc là khóc muốn cười là cười, muốn cáu giận là cáu giận. Thực ra kiểm chế cảm xúc là việc mà một con người phải làm cả cuộc đời.

Cảm xúc của trẻ nhỏ cũng cần có không gian để trút xả và cũng cần có thói quen khống chế, điều tiết.

Ví dụ trẻ gặp phải vấn đề khó, không kiên nhẫn, hãy nói với trẻ gặp khó khăn mà tỏ ra chán nản, bực dọc không mang lại lợi ích gì, chẳng bằng cứ làm những việc nhỏ dễ dàng hơn, đợi khi bình tâm lại, con sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề trước đó.

Nếu như con bạn chưa hình thành được những thói quen tốt này, vậy thì ngay từ bây giờ, bạn nên "ép" các bé đi là vừa nếu muốn sau này, trẻ có thể tự chăm lo tốt cho cuộc đời mình.

Nguyễn Nhung


Read More