Người ta đã chứng minh rằng thiền định có thể giúp các em học sinh giảm bớt căng thẳng và áp lực học đường. Nhiều trường học đang bổ sung thêm các khóa dạy trẻ thiền định vào chương trình học.
Thiền định giúp học sinh giảm bớt căng thẳng và áp lực học đường. (Ảnh qua collective-evolution.com)
Những nhà giáo dục có định hướng nhìn xa trông rộng ngày một nhiều lên. Những trường công lập ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ cũng không ngoại lệ khi đưa mô hình thiền định vào chương trình giảng dạy hàng ngày cho học sinh. Nhìn vào những lợi ích mà việc thiền định mang lại so với những biện pháp giáo huấn kỷ luật trước đây, chúng ta sẽ thấy được hiệu quả của phương pháp này. Chúng ta biết rằng hệ thống giáo dục truyền thống cần được cải tiến ở nhiều khía cạnh. Không ít trẻ em phải đối mặt với rất nhiều căng thẳng và áp lực từ những đòi hỏi, yêu cầu của hệ thống giáo dục công lập. Bên cạnh đó, các em còn phải chịu nhiều áp lực xã hội khác phát sinh trong môi trường học đường. Robert Scherrer, Giám sát viên tại North Allegheny đã đưa các bài tập thiền vào các trường nhằm mục đích giải quyết vấn đề này.
Ông nhận xét: “Chúng tôi nhận thấy một số học sinh đã gặp phải rất nhiều căng thẳng. Chúng tôi muốn rèn cho học sinh của mình một số chiến lược và kỹ năng có thể giúp các em đối phó với sự căng thẳng đó”.
Các em học sinh, đặc biệt là học sinh Mỹ đang phải chịu nhiều áp lực và căng thẳng hơn vì các vụ sả súng xảy ra thường xuyên ở trường học, từ đó an ninh ngày càng được tăng cường, kỷ luật được siết chặt và căng thẳng cũng vì thế mà gia tăng trong môi trường học đường. Có thể chắn chắc một điều rằng thiền định có thể giúp học sinh bình tĩnh và xua tan mọi sợ hãi, lo âu kéo dài vì những hành vi bạo lực đáng tiếc này. Thiền định thay vì cấm túc
Nhiều trường công lập ở Mỹ đã đưa thiền định vào trong giảng dạy. (Ảnh qua Rujug)
Một số trường đang thử áp dụng phương pháp thiền định trước khi cấm túc học sinh để xem xét kết quả và cũng nhằm thử ngăn chặn sự việc tái diễn. Trường ở Pittsburgh không phải là những trường đầu tiên thực hiện phương pháp này, San Francisco đã thành công rực rỡ với các chương trình này vài năm trước đây, NBC News đưa tin.
Phóng viên của NBC Cynthia McFadden đã có buổi phỏng vấn O’Driscoll về suy nghĩ của ông đối với phương pháp giáo dục mới này:
“Ông có tin vào điều này ngay từ đầu không, hay ông đã ngập ngừng, nghi ngờ phương pháp thiền này?”
“Tôi đã nghĩ đó là một trò đùa. Tôi nghĩ, việc làm ‘lập dị’ này đã không có hiệu quả vào những năm 70 thì làm sao bây giờ lại có thể chứ?”, O’Driscoll thừa nhận.
Tuy nhiên, không lâu sau, người thầy hoài nghi này đã bắt đầu tin vào điều đó. Bốn năm sau khi ‘giờ yên lặng’ được đưa vào thời khóa biểu hàng ngày của học sinh các cấp, đã mang lại một số kết quả đáng chú ý, như việc đình chỉ học giảm 79%, số học sinh đi học đều tăng 98,3%, và điểm trung bình chung cũng tăng lên 4 điểm.
Ngày nay, hơn 1.500 học sinh, sinh viên và 170 công nhân viên đã được hướng dẫn thiền định ở bốn trường, trong đó có Burton High, nơi từng được gọi là ‘trường bạo loạn’. Bill Kappenhaggen, hiệu trưởng trường Trung học Burton, thừa nhận ban đầu ông khá lo lắng về việc rút bớt thời gian trong lịch học của học sinh, vì vậy ông đã tăng thêm nửa giờ một ngày để dành thời gian thiền định. Nhưng sự lo lắng của ông là không cần thiết, vì trường đã giảm được hẳn 75% số trường hợp bị đình chỉ và nhảy vọt từ trường có thành tích kém ở California lên vị trí những trường có thành tích trên trung bình.
Hy vọng rằng phương pháp đưa thiền định vào chương trình học này sẽ tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới. (Ảnh qua steppingforwardcounselingcenter.com)
Một số học sinh trường Trung học Burton đã chia sẻ những gì mà phương pháp mới này mang đến cho các em.
“Thiền định làm cho bạn ý thức hơn về hành động của mình”, một nữ sinh chia sẻ.
“Thiền đưa bạn đến một cảnh giới “bình tĩnh” nhất định”, một nam sinh khác nói.
Em nhỏ tên Tobias cho biết thiền định thậm chí còn giúp em đối phó với cơn giận dữ thường trực: “[Trước đây], em luôn muốn gây sự với mọi người vì một lý do nào đó”.
Trong phần kết của buổi phỏng vấn, McFadden hỏi Hiệu trưởng Kappenhaggen liệu ông có thực sự nghĩ rằng thiền định có thể thay đổi tình hình bạo lực và căng thẳng bên ngoài trường hay không, ông trả lời: “Tôi không nghĩ vậy, nhưng tôi tin rằng [điều đó] có thể giúp [các học sinh, sinh viên] thay đổi cách nhìn nhận và đối phó với bạo lực, chấn thương tâm lý cũng như những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày”. Đi cùng nhận thức là sự thay đổi Dường như, cuối cùng chúng ta cũng phải thừa nhận sự thật rằng những biện pháp giáo dục cũ, kể cả rất nhiều biện pháp đang được áp dụng tại các trường công lập, đã không còn hiệu quả nữa. Cùng với việc tiễn đưa cái cũ, đã đến lúc chúng ta nên đón nhận cái mới.
Hy vọng rằng, sự đổi mới bằng phương pháp thiền định này sẽ tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới để học sinh rèn được những kỹ năng có thể giúp các em khám phá được tiềm năng của mình và luôn duy trì tâm thái khỏe mạnh.
Cổ nhân có câu: Muốn làm nên sự nghiệp lớn thì trước tiên phải học cách làm người.
Giáo dục con cũng vậy, việc đầu tiên nên làm là “dạy làm người”, sau đó mới “dạy làm việc”, đây chính là nguyên tắc cơ bản trong giáo dục một con người.
Muốn làm nên sự nghiệp lớn thì trước tiên phải học cách làm người Cha mẹ luôn coi trọng việc dạy trẻ kiến thức, nhưng chỉ thế thôi vẫn chưa đủ, điều quan trọng là phải dạy trẻ làm người. Nếu cha mẹ làm tốt công việc dạy trẻ làm người thì nhiệt huyết trong trẻ sẽ ngày một nhiều lên, năng lực học tập cũng từ đó mà được phát huy. Còn nếu không thể dạy trẻ “làm người” được thì mọi sự giáo dục sẽ đều trở nên vô ích.
Cổ nhân có câu: Muốn làm nên sự nghiệp lớn thì trước tiên phải học cách làm người. Giáo dục con cũng vậy, việc đầu tiên nên làm là “dạy làm người”, sau đó mới “dạy làm việc”, đây chính là nguyên tắc cơ bản trong giáo dục một con người.
Vậy đạo lý làm người được hiểu như thế nào? Mỗi người sẽ có những nhận thức khác nhau nhưng ít nhất thì cha mẹ cũng nên giúp con hiểu được bổn phận của mình đối với gia đình, xã hội và quốc gia. Trong gia đình, con cái phải biết vâng lời, biết ơn, hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ. Trong mối quan hệ giữa người với người trong xã hội thì phải lấy thiện đãi người, biết nghĩ cho người khác, không vì lợi ích của cá nhân mình mà làm tổn hại người khác. Là một người con tốt trong gia đình thì người đó nhất định sẽ làm một người có ích cho xã hội.
Thật đáng tiếc là trong cuộc sống ngày nay, có rất nhiều cha mẹ khi nuôi dạy con thường làm những điều ngược lại. Họ cho con đi học nhạc, học đàn, học vẽ, học toán từ rất sớm, dãi nắng dầm mưa đưa đón con vất vả vô cùng, khổ cho con khổ cho cả cha mẹ. Ấy vậy mà, ở trường nhiều trẻ vẫn là học sinh cá biệt. Chỉ coi trọng việc dạy kiến thức và kỹ năng mà xem nhẹ việc dạy làm người khiến nhiều gia đình rơi vào bi kịch, cùng quẫn. Còn đối với xã hội cũng sinh ra nhiều vấn nạn bởi nhận thức và hành vi của con người không được ước thúc bởi các phạm trù đạo đức cơ bản.
Mục đích của giáo dục không chỉ dạy kiến thức mà còn phải dạy đạo lý làm người
Một trường đại học tổ chức xét tuyển sinh viên xin du học, các vị giáo sư trong quá trình phỏng vấn những sinh viên có thành tích thi cử xuất sắc đã có một đoạn hội thoại như thế này:
Giáo sư: “Em học tốt như vậy để làm gì?”
Sinh viên: “Dạ để kiếm tiền”
Giáo sư: “Em kiếm tiền để làm gì?”
Sinh viên: “Dạ để đi du lịch vòng quanh thế giới.”
Giáo sư: “Ngoài chuyện đi du lịch em còn muốn làm gì khác không?”
Sinh viên: “Em muốn mua nhà.”
Giáo sư: “Mua nhà để làm gì?”
Sinh viên: “Để em có một cuộc sống độc lập và tự do…”
Sau cuộc đối thoại ngắn này thì hội đồng phỏng vấn đã từ chối thẳng những sinh viên có câu trả lời như trên hoặc chỉ xoay quanh lợi ích bản thân. Họ cho rằng, không thể để những tư liệu giảng dạy quý báu và nguồn ngân quỹ của họ trở thành công cốc khi rơi vào tay những người chỉ có sự ích kỷ hèn mọn của cá nhân, không vì lợi ích xã hội, không biết đến sự cống hiến và đền ơn đáp nghĩa.
Song có một sinh viên tham gia cuộc phỏng vấn, mặc dù thành tích không cao bằng những sinh viên kia nhưng vì cô có những tố chất và quan niệm nhân sinh rất giá trị nên hội đồng tuyển sinh của trường đã quyết định trao học bổng cho cô. Vị giáo sư phỏng vấn cô đã đưa ra lý do cô trúng tuyển là vì cô mong muốn cống hiến cho xã hội, biết cho đi một cách vô tư, không tính toán, đó là bản tính thiện lương đáng trân quý nhất của một con người. Vị giáo sư này còn nói thêm rằng, ông để ý thấy khi cuộc phỏng vấn kết thúc tất cả mọi người đều đứng dậy rời đi, chỉ có cô ở lại sau cùng âm thầm sắp xếp lại ngay ngắn những chiếc bàn ghế bị xô đẩy lộn xộn.
Mục đích của giáo dục không chỉ dạy kiến thức cho con người, mà còn phải khiến họ trở thành người có giá trị biết cống hiến cho xã hội, biết lên tiếng và xả thân để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những giá trị quý báu của cội nguồn văn hóa. Đây chính là trách nhiệm của gia đình đối với xã hội và cũng chính là trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái.
Nhiều cha mẹ hao tâm, tổn sức nuôi con khôn lớn chỉ mong con sau này trở thành thạc sỹ, tiến sỹ, bác sỹ, kỹ sư… làm rạng danh cha mẹ, dòng tộc. Nhưng khi con trưởng thành có cuộc sống riêng thì lại không hạnh phúc, cuộc sống không vui vẻ, như vậy các bậc cha mẹ liệu có hài lòng không? Do đó, ngoài việc dạy con kiến thức thì điều quan trọng là phải dạy con “đạo lý làm người”. Có như vậy thì thành công, hạnh phúc và vui vẻ mới tìm đến con cái chúng ta.
Có nhiều phụ huynh cho rằng, con mình vẫn còn nhỏ, nên nhiệm vụ trước tiên cần làm là học tập, “đạo lý làm người” sau này dạy cũng chưa muộn. Đó là một quan niệm hết sức sai lầm. Nếu con trẻ ngay từ nhỏ đã không biết cách “làm người” thì lớn lên sẽ không biết phân biệt được phải – trái, thiện – ác, tốt – xấu và tất nhiên cũng không biết đến các chuẩn mực đạo đức và hành vi. Rồi đến một ngày, những quan niệm lệch lạc đó sẽ ăn sâu vào tâm thức của con trẻ, cuộc sống gặp phải thất bại là điều không tránh khỏi.
Phẩm chất đạo đức là giấy thông hành để con người hòa nhập xã hội
Có một bà mẹ mỗi khi đi chợ đều đưa con gái mình đi theo. Ngoài chợ, người ta bày hàng hóa la liệt mà đôi khi không có người trông coi, cô bé liền cầm lấy một thứ. Người mẹ phát hiện ra nhưng không nói gì vì nghĩ con chỉ cầm chơi một lát. Về tới nhà, người mẹ phát hiện ra món đồ vẫn còn ở trong tay cô con gái. Thay vì bảo con mang trả lại đồ thì người mẹ lại tỏ ra vui vẻ, âu yếm đầy khích lệ.
Sau này, mỗi lần đi chợ với mẹ, hễ tiện tay là cô bé lại ăn cắp một món đồ nào đó. Về sau, cô bé trở thành người có tật ăn cắp vặt, bất kể là của ai, chỉ cần có cơ hội là cô lấy trộm. Cô bé “tiện tay lấy trộm” không do dự dù chỉ một chút.
Có lần, cô bé ăn cắp đồ của bạn thì bị phát hiện, các bạn liền thưa với thầy cô giáo. Ngoài việc phê bình cô học trò, thầy giáo đã mời phụ huynh đến để nói chuyện. Lúc này, mẹ của cô bé rất bối rối, bấy giờ người mẹ mới nhận ra rằng, ngay từ đầu không nên cổ vũ con làm những chuyện như thế.
Phẩm chất đạo đức là giấy thông hành để một con người hòa nhập xã hội. Sự nghiệp của con trẻ có thành công hay thất bại, cuộc sống có hạnh phúc hay không đều phụ thuộc vào hai từ “đạo đức”. Do vậy, cha mẹ cần đặc biệt coi trọng vấn đề này.
Dạy trẻ đạo làm người ngay từ khi còn nhỏ là điều cần thiết nhất trong giáo dục, cũng là nhân tố cơ bản để con trẻ có một tương lai tươi sáng. Một người có đạo đức tốt thì bản thân họ sẽ có những động lực và mục tiêu phấn đấu riêng, cuộc sống sẽ trở nên phong phú và ý nghĩa hơn. Do đó, đạo lý dạy con “làm người” phải là nhiệm vụ quan trọng nhất của các bậc cha mẹ.
Nguyên tắc “dạy con làm người” của G. Kingsley Ward
Kingsley Ward là một doanh nhân thành công và rất nổi tiếng ở Canada, ông không để lại cho con một chút tài sản nào. Thứ duy nhất ông để lại cho con là những kinh nghiệm thành công mà bản thân đúc kết trong cả cuộc đời mình. Đây chính là những “nguyên tắc nhân sinh” quý giá của ông.
Trong cuốn sách “Những bức thư của người cha doanh nhân gửi con trai”, Kingsley Ward đã dùng bốn mươi năm kinh nghiệm của mình để đúc kết nên nội dung của cuốn sách. Ông coi đó là tài sản quý giá nhất mà con ông nhận được. Trong cuốn sách này, ông viết: “Cha để lại cho các con những nguyên tắc nhân sinh của bản thân mình, hy vọng các con có thể cảm nhận điều đó cùng cha:
Nguyên tắc 1: Thái độ lạc quan,
Nguyên tắc 2: Lập mục tiêu cho bản thân,
Nguyên tắc 3: Kiên trì, bền bỉ,
Nguyên tắc 4: Thái độ nghiêm túc, thành thật,
Nguyên tắc 5: Xây dựng một đội ngũ của riêng mình,
Nguyên tắc 6: Nhanh chóng đưa ra quyết định,
Nguyên tắc 7: Sống tới già, học tới già,
Nguyên tắc 8: Coi trọng sức khỏe,
Nguyên tắc 9: Ngoài sức khỏe, gia đình là tài sản quan trọng nhất.”
Dạy dỗ trẻ “đạo lý làm người” là một việc vô cùng quan trọng và cần thiết. Trẻ em sẽ là công dân tương lai của đất nước, của thế giới, là những nhân vật làm nên lịch sử. Trẻ sau này cũng sẽ trở thành cha mẹ, sẽ gánh vác trọng trách dạy dỗ con cháu, sẽ là chỗ dựa của cha mẹ khi vào tuổi xế chiều. Do vậy, dạy dỗ trẻ đúng đắn ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ sẽ có một tuổi già hạnh phúc. Ngược lại, cha mẹ sẽ có một tuổi già đầy vất vả và gian nan. Cha mẹ không coi trọng việc dạy trẻ đạo lý làm người là một việc làm thiếu trách nhiệm đối với xã hội, đối với đất nước và với chính bản thân mình.
Hồng Ân
Thông qua 3 yếu tố này, Vương Dương Minh đã để lại cho con cháu đời sau bao bài học quý giá. Các bậc cha mẹ hiện đại ngày nay, nếu cũng có thể áp dụng thì chắc chắn sẽ thu được thọ ích.
Vương Dương Minh, còn gọi là Vương Thủ Nhân, là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong cuộc sống thường nhật, tất cả công phu tâm huyết của ông đều dồn hết cả vào việc học tập cũng như giáo dục con cháu đời sau.
Trong việc giáo dục con cái, Vương Dương Minh đặc biệt chú trọng 3 yếu tố sau: LÀM NGƯỜI TỐT quan trọng hơn bất cứ VIỆC GÌ TỐT
Cổ nhân có câu: “Lấy Đạo Đức làm báu vật truyền gia thì gia tộc hưng thịnh trên 10 đời. Lấy việc học hành (đọc sách) làm báu vật truyền gia thì đứng thứ hai, lấy kinh sách (Thi Thư) làm báu vật truyền gia thì đứng thứ 3. Lấy giàu sang phú quý làm báu vật truyền gia thì không quá 3 đời”.
Thế nên bảo trì phẩm chất đạo đức lương thiện mới là nền tảng vững chắc để gia đình kế thừa và phát triển hưng thịnh. Khi Vương Dương Minh bị Lưu Cẩn phái người truy sát, hay bị dân làng Long Trường công kích, đối diện với bao nguy hiểm nhưng tuyệt nhiên ông không làm gì trái với đạo nghĩa nhân tâm, vẫn một lòng tin vào sức mạnh của thiện lương. Sau này ông đã dùng đức báo oán, giúp nhân dân kiến lập nhà cửa trường học canh nông.
Khi Vương Dương Minh viết thư cho con mình, trong thư ông nói: “Phàm làm người, quan trọng chính là tâm địa”.
Làm người tốt còn quan trọng hơn bất cứ việc gì tốt, ví như một trái trên cành, lương tâm của con người cũng như cuống của trái cây, cuống mà hỏng thì quả cũng chẳng còn. Một người mà có được tâm hồn lương thiện, ắt sẽ có càng nhiều thiện duyên, càng có nhiều người yêu mến. Người có trái tim lương thiện sẽ không bao giờ đi làm tổn thương người khác, bởi vậy mà tự nhiên sẽ tránh hung triệu cát.
Sống thiện lương là một loại trí huệ, người thông minh chưa chắc đã là người thiện lương, nhưng người thiện lương ắt là người thông minh trí huệ nhất.
CHUYÊN CẦN ĐỌC SÁCH là ngưỡng cửa thấp nhất tiến lên CON ĐƯỜNG CAO QUÝ
Trong cuốn gia huấn của Vương Dương Minh, yêu cầu đầu tiên chính là chuyên cần đọc sách. Đọc sách chính là con đường căn bản tiếp thu tri thức của nhân loại, cả cuộc đời của Vương Dương Minh luôn chuyên cần đọc sách.
Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi ngày ông đều đọc sách đến đêm khuya, có những lần đọc sách đến độ khạc cả ra máu. Cha của ông lo lắng sức khỏe của ông có vấn đề nên hàng ngày đều phải gõ cửa tắt đèn yêu cầu ông đi nghỉ sớm. Đương nhiên, đọc sách cũng cần phải có quy chuẩn, không thể bất cứ việc gì cũng bị trói buộc vào trong sách, mà cũng cần có sự chắt lọc.
Ví như Vương Dương Minh có rất nhiều sách binh pháp, nhưng ông lại nhìn nhận rằng binh pháp có muôn vàn phương pháp nhưng tất cả binh thư mà ông đọc chỉ dạy ông có một điều, đó là “Tâm bất động” trước mọi thị phi binh biến.
Tiếp theo đó là đọc những kinh sách kinh điển.
Trên thế gian sách có trăm ngàn triệu cuốn, nếu tất cả đều đọc thì có đọc cả đời cũng không hết. Cho nên tốt nhất là chắt lọc những sách kinh điển mà đọc, ngoài ra các sách khác tuy cũng có muôn sắc đủ màu nhưng trên thực tế cũng đều là bám theo nội dung, ý nghĩa của những sách kinh điển mà ra.
Một người có thể nuôi dưỡng cho mình thói quen đọc sách, cả đời cũng chính là đem trí huệ của nhân loại vận dụng cho mình.
Một đứa trẻ có thói quen đọc sách ắt sẽ có tri thức, có tầm nhìn, có nhân cách. Người có nhân cách ắt cũng sẽ có thiện lương. Mà một đứa trẻ có thể nuôi dưỡng tấm lòng thiện lương, vậy các bậc cha mẹ còn điều gì phải lo lắng?
TRÍ HÀNH HỢP NHẤT dũng cảm vào THỰC TIỄN
Cái mà được gọi là trí hành hợp nhất chính là nói giữa tri thức, lý tưởng và hành động phải kết hợp với nhau không thể tách rời, nói được làm được. Thiện lương không phải là tính từ mà là động từ. Khi chúng ta nói về một người thiện lương thì tất nhiên người đó phải là người làm việc thiện. Còn chỉ nói mà không làm thì đó là giả dối không thực, chỉ có hình thức mà không có thực tế.
Đi học cũng vậy. Nếu như không thể vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống thực tiễn thì cũng như bàn việc quân trên giấy. Trong cuộc sống thực tiễn, có rất nhiều sự việc chỉ khi nào chúng ta bắt tay vào hành động mới có thể biết được thực hư.
Ngay từ nhỏ chúng ta cần phải dạy cho trẻ có được năng lực vận động, tạo thành thói quen lao động thực tiễn mỗi ngày. Vương Dương Minh cả đời có được rất nhiều thành tựu, từ thơ ca, hội họa, thư pháp, binh pháp, giáo dục, tất cả đều tinh thông tường tận. Có được điều này chính là nhờ vào việc ông kết hợp được lý thuyết và thực hành trong thực tiễn. Khi gặp vấn đề trong cuộc sống, trước tiên hãy để cho con cái tự học cách giải quyết vấn đề trước. Suy nghĩ chán chê rồi mới bắt tay vào làm, chi bằng bắt đầu tiến về phía bắt tay vào làm từng chút một, dũng cảm thử sai để nhận ra bài học.
Trong hành động từ từ điều chỉnh lại nhận thức của chính mình, tiếp đó dùng nhận thức mới để lại bắt đầu xuất phát, cải biến lại sách lược của bản thân.
Cơm phải ăn từng miếng, đường phải đi từng bước, nếu như dục tốc ắt sẽ bất đạt. Thành thục sẽ thành kỹ năng, kiên trì sẽ tăng sức mạnh, một đứa trẻ như vậy mới có thể có được một cuộc đời hoàn mỹ. Trí phải đi đôi với hành, đem trí tuệ hóa thân thành hành động, nếu không thì không phải là người chân trí.
Theo soundofhope.org Minh Vũ biên dịch
Hàng này hễ mở mắt ra là chúng ta bận rộn với lũ trẻ, nấu cơm, giặt quần áo, đưa đón, dạy học, sau đó mới làm việc của bản thân mình. Ngày nào chúng ta cũng bận tối tăm mặt mũi, mệt đến phờ phạc cả người. Liệu làm vậy chúng ta sẽ trở nên thật vĩ đại?
Kỳ thực không phải vậy…
Trẻ nhỏ trong cuộc sống sung túc thời hiện đại
Ngày nay là thời đại cuộc sống vật chất vô cùng sung túc, nếu chúng ta nói với trẻ rằng cần “tiếp tục giữ gìn tác phong nỗ lực chịu đựng gian khổ” thì chúng sẽ chẳng thể hiểu nổi. Chúng ta cũng không có cách nào giúp chúng cảm nhận được cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Điều kiện sống của những đứa trẻ ngày nay đều khá tuyệt vời: Đi học về chúng có thể xem ti vi, chơi điện thoại, máy tính thỏa thích.
Ngày nay những đứa trẻ giải trí bằng ti vi, chơi điện thoại, máy tính.
Hồi nhỏ, ngoài ti vi ra chúng ta không có thứ nào khác để giải trí. Những đứa trẻ ngày nay đa phần đều lấy mình làm trung tâm, trong tâm chúng chỉ có những điều mình yêu thích, chứ không có điều mình không mong muốn. Điều này là do cuộc sống vật chất sung túc, đủ đầy, mặt khác là do người lớn quá nuông chiều trẻ.
Trong cuộc sống hiện thực rất nhiều ông bố bà mẹ có tâm lý mong con sớm có thể lập công, chỉ ước gì có thể khiến con mình ngay lập tức thành tài nổi danh. Vì vậy cha mẹ đã áp dụng rất nhiều giới hạn để ước thúc trẻ, không được thế này, không được thế khác. Hơn nữa các bậc phụ huynh còn rất đường hoàng nói rằng mình làm vậy đều là vì muốn tốt cho con.
Là trẻ nhỏ, trí tuệ và trình độ nhận thức của chúng là hữu hạn. Nếu trẻ có thể thấu hiểu được nỗi khổ tâm của cha mẹ, đồng thời có những hành động phù hợp… thì đâu phải là yêu cầu quá cao. Trong mắt của trẻ không phải là “yêu cho roi cho vọt”, không thể vì thành tích học tập không tốt hay chúng làm sai điều gì đó mà bị trách mắng hay đánh đập.
Cách giáo dục con trong gia đình Do Thái
Câu chuyện “Giáo dục gia đình trong nhà một người Do Thái” kể về niềm tin và phương pháp của Sara Imas, một người mẹ Do Thái vĩ đại nuôi dưỡng 3 con thành tài. Cô sinh ra ở Thượng Hải, cha cô là người Do Thái. Năm cô 12 tuổi thì cha qua đời. Sau đó mẹ cũng bỏ cô mà đi, cô trở thành một đứa trẻ mồ côi. Sau khi lớn lên cô làm công nhân trong một nhà máy sản xuất đồng Thượng Hải. Sau khi kết hôn cô sinh được 3 người con, nhưng chẳng bao lâu sau chồng cô cũng bỏ cô mà đi. Vì muốn trốn chạy khỏi nỗi thống khổ cô đã trở thành tốp người Do Thái đầu tiên trở về Israel sau khi 2 nước thiết lập mối quan hệ ngoại giao.
Câu chuyện “Giáo dục gia đình trong nhà một người Do Thái” kể về niềm tin và phương pháp của Sara Imas, một người mẹ Do Thái vĩ đại nuôi dưỡng 3 con thành tài. Cô sinh ra ở Thượng Hải, cha cô là người Do Thái. Năm cô 12 tuổi thì cha qua đời. Sau đó mẹ cũng bỏ cô mà đi, cô trở thành một đứa trẻ mồ côi. Sau khi lớn lên cô làm công nhân trong một nhà máy sản xuất đồng Thượng Hải. Sau khi kết hôn cô sinh được 3 người con, nhưng chẳng bao lâu sau chồng cô cũng bỏ cô mà đi. Vì muốn trốn chạy khỏi nỗi thống khổ cô đã trở thành tốp người Do Thái đầu tiên trở về Israel sau khi 2 nước thiết lập mối quan hệ ngoại giao.
Vì sinh tồn, vì để 3 đứa con sớm có thể quay trở về Israel, trước tiên cô nỗ lực học tiếng Do Thái, sau đó cô bày một sạp hàng nhỏ bán nem bên đường. Cô đón theo 3 đứa trẻ: Cậu con trai cả 14 tuổi, cậu hai 13 tuổi và cô con gái út 11 tuổi. Ban đầu Sara Imas cố bám lấy nguyên tắc “Dẫu mình vất vả thế nào cũng không để con phải vất vả theo”, giống cách nuôi dạy con của những người mẹ Trung Hoa. Sara Imas đưa con tới trường rồi mới đi bán nem cuốn. Sau khi chúng đi học về thì cô nghỉ bán hàng về nhà nấu mỳ vằn thắn hay tô mỳ cho bọn trẻ.
Hàng xóm của cô bắt gặp cảnh này đã tới trách mắng cậu con trai lớn rằng: “Cháu đã lớn rồi. Cháu cần phải giúp đỡ mẹ mình, chứ không phải để mẹ cháu bận rộn như vậy, còn mình thì như một thứ đồ bỏ đi”. Sau đó bà ngoảnh lại mắng cả người mẹ: “Cô đừng mang cách giáo dục lạc hậu ấy về Israel…”
Gia đình Sara Imas và 3 người con
Bức ảnh chụp cô cháu gái sau này của bà Sara Imas đang bê nồi giúp bà, bé rất thích lao động.
Cậu cả và Sara Imas đều cảm thấy rất buồn, nhưng cả hai đều dần dần thay đổi. Cậu cả không chỉ học được cách làm nem cuốn mà còn mang tới trường bán. Mỗi ngày ba đứa trẻ chỉ có thể kiếm được vài đồng lẻ mang về nhà đưa cho mẹ.
Chắc hẳn các bà mẹ sẽ cảm thấy thật đau lòng khi để những đứa con bé nhỏ của mình cũng phải gồng gánh cuộc sống. Nhưng người Do Thái lại không nghĩ như vậy. Trong các gia đình Do Thái, trẻ con không được cung cấp đồ ăn và sự chăm sóc miễn phí. Bất cứ thứ gì cũng đều có giá của nó, đứa trẻ nào cũng cần học được cách trân trọng đồng tiền mới có thể đạt được những điều mình mong muốn.
Thế là Sara Imas không cung cấp đồ ăn và phục vụ miễn phí cho tụi trẻ nữa mà trao cho chúng cơ hội kiếm tiền. Cô để giá buôn cho các con để chúng đem đến trường bán kiếm tiền, còn lợi nhuận chúng tự mình chia nhau.
Cách bán nem của ba đứa trẻ hoàn toàn khác nhau. Cô út thật thà nhất thì mang nem cuốn đi bán lẻ. Cậu hai thì đổ buôn lại cho nhà ăn trong ký túc, hàng ngày cậu giao được 100 cái nem cuốn. Cậu cả thì tổ chức một buổi tọa đàm “Đưa bạn bước vào Trung Quốc”. Tại đây mọi người có thể được thưởng thức hương vị nem cuốn Trung Hoa miễn phí, nhưng phải mua vé vào hội trường. Kết quả anh cả bội thu. Sau đó 3 anh em còn nghĩ ra rất nhiều cách kiếm tiền mới mẻ. Chúng đều nỗ lực học tập và suy nghĩ, nhưng không hề ảnh hưởng chút nào tới việc học hành.
Trẻ em Do Thái được khám phá và học tự lập ở nhà cũng như ở trường lớp
Đều là cha mẹ, phải chăng chúng ta cũng cần suy nghĩ lại?
Hàng ngày hễ mở mắt ra là chúng ta bận rộn với lũ trẻ, nấu cơm, giặt quần áo, đưa đón, dạy học, sau đó mới làm việc của bản thân mình. Ngày nào chúng ta cũng bận tối tăm mặt mũi, mệt đến phờ phạc cả người. Nhưng hễ nói lời trách móc thì bọn trẻ lại cảm thấy phiền phức, căn bản không hề để ý tới phó xuất của cha mẹ. Nhìn lại chẳng phải mỗi một bà mẹ Việt đều như vậy hay sao?
Liệu làm vậy chúng ta sẽ trở nên thật vĩ đại? Kỳ thực không phải vậy. Chúng ta phó xuất rất nhiều nhưng lại tạo nên những “tiểu hoàng đế”, “tiểu công chúa”… Chúng ta hy vọng con trẻ thành tài, nhưng lại bao bọc chúng quá mức, khiến bọn trẻ trở thành những kẻ vô dụng, chẳng thể tự lập. Quá mức nuông chiều sẽ biến trẻ trở thành những kẻ vô tình. Can thiệp quá nhiều sẽ khiến trẻ bất lực, chỉ trích quá nhiều sẽ khiến trẻ không biết phải làm thế nào, nên chẳng thể tiến về phía trước…
Trẻ em cần được cha mẹ dẫn dắt chỉ bảo làm những việc giúp trẻ sớm tự lập
Muốn tạo nên một không gian vô lo vô nghĩ, để trẻ vui vẻ lớn lên nhưng chúng ta lại phát hiện ra mình đã hoàn toàn chiếm mất vị trí sáng tạo của con trẻ. Kỳ thực vị trí này cũng cần chia sẻ một phần cho trẻ gánh vác. Việc bao bọc hiện giờ có thể tạm thời bảo vệ chúng, nhưng sẽ có một ngày chúng trưởng thành. Sau khi trưởng thành chúng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Lúc ấy làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ chúng…
Có lẽ cha mẹ đều không nỡ để trẻ phải đối mặt với tiền bạc, với danh lợi, với xã hội quá sớm. Nhưng sẽ có một ngày chúng phải đối mặt, sẽ có một ngày chúng phải gánh vác. Vậy nên thay vì bao bọc chúng hãy dạy chúng cách tu tâm dưỡng tính và thái độ ứng xử, cách phân biệt phải trái đúng sai trước những cám dỗ của cuộc sống.
Đừng chê trách con mình kém hơn con nhà người ta
Có một vài ông bố bà mẹ thường so sánh con mình với con nhà người khác: “Con nhìn xem con nhà người ta xuất sắc như thế nào kìa”, mà không biết rằng làm vậy sẽ khiến trẻ bị tổn thương. Nếu nhìn con không thuận mắt thì kỳ thực vấn đề chủ yếu lại nằm ở chính cha mẹ. Con cái vẫn là những đứa trẻ như vậy, chỉ là ánh mắt chúng ta đối đãi với trẻ khác đi mà thôi. Giữa cha mẹ và con cái cần nhiều hơn sự chia sẻ, và cách ứng xử đúng đắn trước cám dỗ của công danh lợi lộc.
Đừng dán mác “ngốc nghếch” cho trẻ: “Sao con ngốc thế!” Không ít ông bố bà mẹ thường trách móc con mình như vậy. Đôi khi cha mẹ còn nói như vậy với người khác ngay trước mặt chúng. Bạn nói con mình thành như thế nào thì sau này chúng sẽ trở thành người đúng như vậy. Một đứa trẻ thường bị coi là gì, thường bị nói là gì, thường bị đối xử như thế nào thì trong tương lai không xa điều đó sẽ trở thành hiện thực.
Trên đời không có những đứa trẻ không hiểu chuyện, chỉ có những bậc cha mẹ không biết cách giáo dục con cái mà thôi. Vì sao chúng ta lại không học theo bà mẹ Do Thái kia, học cách buông tay để trẻ tự mình mở ra bầu trời của riêng chúng?
Khổng Minh Gia Cát Lượng đã từng dạy con rằng: “Hành vi của người quân tử là phải yên tĩnh mà tu thân, cần kiệm để bồi dưỡng đức, nếu không sống đạm bạc thì không thể đạt được những gì cao xa. Người quân tử khi học là phải tĩnh lặng, rồi mới có trí tuệ thực sự để học hỏi, không học thì không có tài năng rộng lớn, không có chí hướng thì cũng không thể thành tài được”.
“Góp gió thành bão”, “tích tiểu thành đại” là những câu nói lên tầm quan trọng của việc tiết kiệm trong đời sống. Cha mẹ nên bồi dưỡng cho trẻ thói quen tiết kiệm, điều đó cũng thể hiện được sự trân trọng đối với công sức lao động của cha mẹ, cũng có lợi cho việc nâng cao khả năng sinh hoạt độc lập cho trẻ.
Đa số các gia đình ngày nay đều ít con, đời sống đầy đủ và tiện nghi hơn trước rất nhiều, bởi vậy con cái cũng được cha mẹ chiều chuộng hết mực. Có thể nói rằng, trẻ muốn gì thì sẽ có nấy, cha mẹ nào cũng đều muốn dành cho con những thứ tốt nhất, đẹp nhất. Kết quả là rất nhiều trẻ hình thành thói quen chi tiêu xa xỉ, không biết tiết kiệm, lãng phí ngày càng nhiều. Chúng sẽ cho rằng, người khác có gì thì mình cũng phải có cái đó, bất kể nó đắt đỏ ra sao, miễn là không được thua người khác. Một khi phát hiện đồ ăn không hợp khẩu vị, đồ chơi không đúng ý, liền nghĩ ngay đến việc mua đồ chơi mới và vứt đồ cũ đi một cách không thương tiếc.
Những hành vi này của trẻ khiến rất nhiều cha mẹ lo lắng. Cha mẹ có lẽ không thiếu tiền để mua đồ chơi, nhưng những đồng tiền kiếm được cũng rất khó khăn, huống hồ nhiều gia đình thu nhập không cao, cha mẹ khi chi tiêu cho mình thì tính toán chi li, nhưng sẵn lòng trả chi phí cao cho nhu cầu của trẻ. Bởi nhiều bậc cha mẹ cho rằng, mình đã nghèo thì không thể để cho con mình nghèo. Tuy nhiên, nếu trẻ luôn được nuông chiều như vậy thì trong tương lai, năng lực đối nhân xử thế của trẻ sẽ bị hạn chế.
Thói quen lãng phí, xa xỉ không đơn giản chỉ là vấn đề lãng phí tiền, mà nguy hiểm ở chỗ khiến trẻ hình thành thói quen chỉ biết hưởng thụ, lười lao động, không biết nỗ lực, chỉ muốn nhận không muốn cho, sau này trưởng thành sẽ khó thành tài, thậm chí có thể dễ dàng phạm tội. Do đó, cha mẹ cần tích cực áp dụng những biện pháp hiệu quả, giúp trẻ hình thành thói quen tiết kiệm.
Có câu chuyện vào thời Xuân – Thu chiến quốc, Sở Trang Vương rất yêu quý con ngựa của mình, mỗi ngày ông ấy đều cho ngựa mặc áo gấm ngũ sắc rực rỡ, nuôi trong một căn nhà lộng lẫy, ngủ trên giường có màn che, cho ăn bằng đủ loại thức ăn bổ dưỡng. Cuối cùng dẫn đến kết quả là ngựa béo quá mà chết. Câu chuyện trên cho thấy, cái gì thái quá cũng là không tốt.
Nếu như cha mẹ coi nhẹ việc bồi dưỡng tinh thần “lấy khó khăn cố gắng làm vinh, lấy kiêu căng xa xỉ làm hổ thẹn”, nếu không giúp trẻ khắc phục thói quen xấu như lãng phí, chi tiêu mù quáng thì khoảng cách giữa trẻ ngoan và trẻ hư không cách nhau là bao.
Bồi dưỡng cho trẻ hình thành thói quen tiết kiệm còn có thể giúp trẻ tập trung năng lực, bỏ tâm sức vào việc học hành tạo cơ sở tốt cho thành công của trẻ ở tương lai. Tiết kiệm còn bồi dưỡng cho trẻ ý chí kiên cường và tinh thần không lùi bước trước khó khăn, đó cũng là tài sản lớn của đời người. Những điều này đối với sự trưởng thành của trẻ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Bồi dưỡng thói quen tiết kiệm cho trẻ như thế nào?
Mọi người vẫn thường nói với nhau: có tiền cũng không mua lại được thời thơ ấu nghèo khổ. Cho dù điều kiện kinh tế của gia đình có tốt như thế nào, cha mẹ cũng cần bồi dưỡng cho trẻ thói quen tiết kiệm ngay từ khi còn nhỏ, không nên chiều chuộng trẻ quá mức, chỉ nên đáp ứng những yêu cầu hợp lý của trẻ, còn không thì cần kiên quyết từ chối. Không nên lãng phí từ những thứ nhỏ nhất như tờ giấy hay giọt nước. Hằng ngày, cha mẹ nên kể cho bé nghe những tấm gương tiết kiệm để trẻ học theo.
Cha mẹ nên thường xuyên giảng giải đạo lý cho trẻ hiểu rằng, kiếm tiền là việc không hề dễ dàng nên trẻ cần quý trọng những đồ vật mua về, không tùy tiện làm mất hoặc tùy ý vứt đi. Cha mẹ có thể giúp con tìm những công việc ngắn hạn, vừa sức để trẻ làm trong dịp hè, để trẻ kiếm thêm tiền bằng chính sức lao động của mình. Những đồng tiền có được nhờ lao động vất vả, thậm chí pha những giọt mồ hôi, nước mắt của chính mình, chắc chắn rằng khi cầm nó trong tay trẻ sẽ vô cùng trân quý và không thể lãng phí nó.
Cha mẹ cũng có thể để trẻ giúp một số việc trong gia đình rồi trả cho trẻ một chút thù lao. Mục đích là giúp trẻ hiểu được phải trải qua khó khăn gian khổ như thế nào mới kiếm được tiền. Từ đó, bồi dưỡng cho trẻ thói quen tự lực cánh sinh, siêng năng chăm chỉ, đồng thời cũng giúp trẻ hình thành tinh thần dũng cảm, khắc phục khó khăn, vượt qua chính mình. Chỉ khi được trực tiếp trải nghiệm thì trẻ mới học hỏi và đúc rút được cho mình những kinh nghiệm quý báu, tạo nền tảng cho trẻ hòa nhập cuộc sống.
Nếu trẻ có quá nhiều tiền tiêu vặt sẽ là nguyên nhân quan trọng khiến trẻ không biết tiết kiệm. Do đó, cha mẹ cần tính toán chi phí hằng tuần của trẻ, rồi mới cho trẻ số tiền nhất định. Mỗi bậc cha mẹ sẽ có cách khác nhau trong việc đưa tiền cho con nhưng cha mẹ cần nhớ dạy cho trẻ biết cố gắng, biết quý trọng thành quả lao động và cảm ơn cha mẹ đã làm việc vất vả dưỡng dục mình.
Vào dịp Tết, trẻ có thể nhận được rất nhiều tiền “lì xì” của người thân, cha mẹ nên giúp con quản lý và sử dụng số tiền này hợp lý. Có một cách khá hay là cha mẹ nên lập cho con một tài khoản ngân hàng đứng tên trẻ, cho trẻ tự mình giữ sổ tiết kiệm, sử dụng như thế nào để trẻ tự quyết định. Mỗi khi cần gì con sẽ tự cân đối chi tiêu theo số dư trong tài khoản của mình. Dần dần, trẻ sẽ quan tâm đến số dư hằng tháng trong tài khoản nên trẻ sẽ không chi tiêu bừa bãi, lãng phí nữa. Cách làm này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tiết kiệm, đồng thời trẻ cũng biết cân đối và quản lý tài sản của mình.
Tiết kiệm là đức tính tốt đẹp, bởi vậy cha mẹ cần hướng dẫn trẻ học cách tiết kiệm, học cách tiêu tiền vào việc có ích, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với cuộc đời sau này của trẻ.
Các bước xây dựng cho trẻ thói quen tiết kiệm
Hướng dẫn trẻ dùng tiền của mình tự mua đồ dùng học tập như sách vở, văn phòng phẩm, đóng tiền học phí…
Hướng dẫn trẻ quan sát những bạn học có hoàn cảnh khó khăn, so sánh với cuộc sống của chính mình, xem có sự khác nhau nào không.
Cùng trẻ đến thăm những gia đình khó khăn hay cha mẹ đang bị thất nghiệp để hiểu rõ tình hình chi tiêu và sinh hoạt của họ, sau đó so sánh với chi tiêu mỗi tháng của mình.
Khích lệ trẻ dùng một khoản tiền hợp lý dành tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Khích lệ trẻ tham gia những hoạt động ngoại khóa của nhà trường hay của các tổ chức xã hội như tham gia làm kế hoạch nhỏ, làm từ thiện…
Tiết kiệm là một đức tính đáng quý mà mỗi người cần có. Biết tiết kiệm, chúng ta có thể giúp đỡ, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, biết san sẻ những vất vả của bố mẹ, biết ơn đáng sinh thành đã nuôi mình khôn lớn và hơn hết ý thức được giá trị của những gì mình đang có. Cha mẹ đừng quên hình thành cho con đức tính tốt đẹp này.
Hồng Ân (DKN.TV)
Thanh đạm để tu thân, cần kiệm để dưỡng đức
Từ xưa đến nay, người đứng đầu một gia đình, một đất nước mà đạt được thành công thì không một ai là không phải dựa vào cần kiệm, tiết chế.
Còn “vong quốc bại gia” thì hầu hết đều là vì xa xỉ, buông thả dục vọng, thuận theo ham muốn mà thành.
(Ảnh sưu tầm)
Trong cuốn sách xưa có tên “Chính yếu luận” có ghi lại rằng: “Tu thân trì quốc dã, yếu mạc đại vu tiết dục. ‘Dục bất khả túng’. Kiệm giả tiết dục, xa giả phóng tình. Phóng tình giả nguy, tiết dục giả an”. (Tạm dịch: Tu thân trị quốc, phải hết sức tiết dục. “Dục” không thể phóng túng, người phóng túng dục sẽ nguy, người tiết chế được dục sẽ an).
Đoạn văn trên cũng chỉ ra rằng, trong tu thân và trị quốc thì không có gì trọng yếu hơn là tiết chế dục vọng (lòng tham, ham muốn). Trong “Lễ ký” có viết: “Dục vọng bất khả phóng túng.” (Tạm dịch: Dục vọng, ham muốn là không thể phóng túng).
Nhìn chung, từ xưa đến nay, người đứng đầu một gia đình, một đất nước mà đạt được thành công thì không một ai là không phải dựa vào cần kiệm, tiết chế. Còn “vong quốc bại gia” thì hầu hết đều là vì xa xỉ, buông thả dục vọng, thuận theo ham muốn. Người cần kiệm sẽ tiết chế dục vọng, người xa xỉ sẽ phóng túng, buông thả dục vọng. Người phóng túng dục vọng sẽ gặp nguy hiểm, người tiết chế dục vọng sẽ được bình an.
Cần kiệm, tiết chế lòng tham là một loại mỹ đức. Đây là điều tất yếu cần phải có của “tu thân, tề gia, trị quốc”. Đối với một cá nhân mà nói, cần cù tiết kiệm, không xa hoa phung phí chẳng những giúp tu dưỡng đạo đức bản thân mà còn là phương pháp quản gia hữu hiệu.
Đối với một đất nước mà nói, để sinh tồn và phát triển tất yếu phải tiết kiệm. Đây mới là con đường sung túc lâu dài. Trong sử sách đã ghi chép lại rất nhiều những tấm gương điển hình về cần kiệm, tiết chế dục vọng mà sống an định, thành tựu được sự nghiệp, dưới đây là hai ví dụ:
Hán Văn Đế cần kiệm, lấy “đức” trị quốc
(Ảnh sưu tầm)
Hán Văn Đế (202 – 157 TCN), tên thật là Lưu Hằng. Ông là vị Hoàng đế thứ 5 của nhà Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 180 TCN đến năm 157 TCN, tổng cộng 23 năm.
Trong 23 năm trị vì đất nước, toàn bộ cung điện, vườn ngự uyển, ngựa, quần áo và đồ trang sức, đồ dùng của ông không có gia tăng thêm. Nhưng có điểm nào không phù hợp với dân chúng, ông liền tiến hành cải sửa để làm lợi cho dân.
Hán Văn Đế từng dự định xây dựng một khán đài, ông cho gọi thợ thủ công đến để tính toán chi phí. Sau khi tính toán, số chi phí cần thiết lên đến năm mươi cân vàng. Hán Văn Đế nghe xong liền nói: “Năm mươi cân vàng tương đương với toàn bộ gia tài của mười gia đình giàu có. Vậy thì xây dựng nó để làm gì?“
Trang phục của Hán Văn Đế thường là bằng vải thô, màn trướng cũng không được thêu gấm… Điều này thể hiện ông là vị Hoàng đế đôn hậu, chất phác, vì thiên hạ mà làm tấm gương sáng. Toàn bộ Bá Lăng cũng đều được lợp bằng ngói, không sử dụng vàng, bạc, đồng, thiếc để trang trí. Đồng thời không được xây dựng phần mộ quá cao lớn vì phải tiết kiệm, không được phiền nhiễu đến dân chúng.
Hán Văn Đế đối đãi dân chúng cũng rất khoan dung, độ lượng. Ông từng hạ chiếu cứu tế những người góa vợ, góa chồng, trẻ mồ côi, những người cô độc và người nghèo khổ. Ngoài ra đối với những người trên 80 tuổi, ông cũng hạ chiếu ban phát cho lương thực hàng tháng. Ông được người đời tôn sùng là vị vua tài đức sáng suốt, một vị đế vương mẫu mực của lịch sử Trung Hoa.
Gia Cát Lượng dạy: “Lấy tĩnh tu thân, cần kiệm để dưỡng đức”
(Ảnh minh họa: Qua weibo.com)
Gia Cát Lượng cho đến chết cũng cần kiệm. Theo di ngôn của Gia Cát Lượng, thi thể ông được mai táng ở Định Quân sơn, huyện Hán Trung. Trong phần mộ của ông chỉ có cỗ quan tài, quần áo ông mặc thường ngày, ngoài ra không còn vật phẩm nào khác.
Khi còn sống, Gia Cát Lượng đã để lại cho con trai ông là Gia Cát Chiêm một bức thư dạy con rằng phải lấy tĩnh tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức, sống đạm bạc để chí hướng được minh sáng. Bức thư này của ông chính là “Giới Tử thư” nổi tiếng được lưu truyền ngàn đời nay. “Lấy tĩnh tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức” cũng trở thành thiên cổ danh ngôn được người đời ca ngợi.
Gia Cát Lượng là nhân vật lịch sử Trung Hoa mà hầu hết được người đời biết đến. Ông là một trong những nhân vật trung thành, bậc trí giả tiêu biểu trong văn hóa truyền thống của Trung Hoa. Gia Cát Lượng cả đời cần kiệm, phẩm chất cao quý đã được ghi vào sử sách, lưu truyền ngàn năm.
Người có đức hạnh sẽ tận lực thực hành cần kiệm, khắc chế ham muốn. Nó là một loại phẩm hạnh đáng quý tốt đẹp mà bậc hiền tài xưa tôn sùng. Xa xỉ, phung phí sẽ làm tổn hại đức và gia đình suy yếu.
Người xưa tin rằng, toàn bộ tài sản của con người có được trong cuộc đời này là vì phúc báo mà có, chúng cũng là đã được định sẵn từ trước. Một người có nhiều của cải, hơn nữa phải có đức hạnh thì của cải ấy mới được lâu dài. Người nghèo nếu như cố gắng cần kiệm, khắc chế tham dục, làm nhiều việc thiện thì cuộc sống cũng sẽ đổi khác, được tôn trọng và đặt định tương lai tốt đẹp cho bản thân mình. Đúng như trong “Nhị thập tứ sử” đã viết: “Kiên trì chăm chỉ cần kiệm, thực hành tiết kiệm, là cội nguồn để mở rộng chính đạo, sùng bái xa xỉ, phóng túng dục vọng là cái gốc làm bại hoại đạo đức.”
An Hòa (trithucvn.net)
5 lý do sống tiết kiệm sẽ làm bạn hạnh phúc hơn
Cuộc sống là không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Vậy nên, bạn cần phải chuẩn bị cho mình một khoản tiết kiệm vì nó sẽ giúp bạn vượt qua những trường hợp khó khăn có thể xảy ra.
Tiết kiệm chẳng những giúp bạn có được một khoản để chi tiêu lâu dài mà còn giúp bạn có một cuộc sống thoải mái hạnh phúc hơn về mặt tinh thần, giảm lo âu và căng thẳng trong cuộc sống bận rộn hàng ngày này.
1) Hãy để dành tiền cho những trường hợp khẩn cấp
Với khoản tiền dành dụm tiết kiệm sẽ giúp bạn vượt qua những trường hợp khẩn cấp xảy ra hoặc khi xe của bạn bị hư hỏng bất ngờ hoặc là khi gia đình bạn cần thay một máy nước nóng mới… Dù trường hợp có là gì chăng nữa, khoản tiền này sẽ giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn ấy. Hơn nữa, khi bạn có khoản tiền này bạn có thể chủ động tự xử lý những tình huống bất ngờ phát sinh và chắc chắn điều đó sẽ mang đến cho bạn cảm giác tự tin, tuyệt vời khi bạn xử lý được những khó khăn này.
2) Chuẩn bị cho việc nghỉ hưu
Khi bạn bắt đầu có thu nhập của riêng bản thân mình thì việc tiết kiệm cho quỹ hưu trí cần phải được ưu tiên hàng đầu. Ít nhất bạn cũng nên nghĩ đến quỹ hưu trí của bạn ra sao sau nhiều năm nữa.
Bởi vì có lẽ không ai muốn phải tiếp tục vất vả làm việc để kiếm tiền sinh sống ở độ tuổi 65 hay dựa dẫm vào con cái hoặc hưởng phúc lợi từ Nhà nước. Vì vậy, chuẩn bị cho việc nghỉ hưu yêu cầu bạn cần phải có nỗ lực lớn từ đầu và chúng ta nên dành dụm càng sớm càng tốt.
3) Tiết kiệm tiền cho các sở thích cá nhân
Trên thực tế, chúng ta có rất nhiều khoản phải chi tiêu cho cuộc sống chứ không chỉ đơn giản là vấn đề thực phẩm thường nhật và hóa đơn điện, nước… Khi bạn tiết kiệm và ít chi tiêu hơn, bạn sẽ để dành được nhiều tiền hơn cho điều bạn thực sự yêu thích. Thay vì chi tiêu vô độ, bạn hãy tiết kiệm và sử dụng số tiền đó để thỏa mãn sở thích khám phá thế giới, tham gia các buổi hòa nhạc hay tận hưởng những ngày cuối tuần ở công viên nước cùng với gia đình…
4. Tiết kiệm tiền cũng là một cách để hôn nhân của bạn bền vững
Trong cuộc sống hôn nhân hàng ngày, vấn đề tiền bạc cũng là rất quan trọng, vì sự căng thẳng luôn đi kèm theo nếu nguồn tài chính của gia đình bạn không đáp ứng đủ nhu cầu. Chẳng hạn như khi vợ hoặc chồng ở trong trạng thái nợ nần, không có đủ tiền để chi trả tiền học phí cho con, tiền sinh hoạt phí cho cả gia đình, thì điều đó có thể gây ra áp lực rất lớn cho cả hai, thậm chí còn dẫn đến việc cả hai vợ chồng thường xuyên bực tức, không tin tưởng nhau, thường xuyên cãi vả và cuối cùng dẫn đến tan vỡ.
Vậy nên, để cuộc sống vợ chồng trải qua một cách nhẹ nhàng bạn hãy lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để không phải rơi vào tình trạng túng thiếu.
5) Tiết kiệm tiền giúp bạn giảm lo lắng và căng thẳng
Nếu bạn ở trong tình trạng có nguồn tài chính dồi dào, tinh thần của bạn sẽ cảm thấy phấn khởi, thoải mái và tự tin, ngược lại bạn sẽ cảm thấy rất áp lực căng thẳng và lo âu, khi trong tình trạng lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, chắc chắn là như vậy! Đó là sự khác biệt giữa hai loại tâm thái khi bạn có tiền và không có tiền.
Thực tế là khi không có một khoản tiền tiết kiệm, bạn sẽ liên tục lo lắng và không thể vui vẻ mỗi ngày. Sự căng thẳng sẽ tác động đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Khi bạn có vô số nợ và tín dụng xấu thì đó cũng là nguyên nhân gây ra căng thẳng tài chính. Vì vậy, đây là lý do tại sao bạn phải bắt đầu chủ động về tài chính của mình ngay bây giờ. Một khi bạn đưa ra quyết định để dành tiết kiệm, thì bạn đã thực hiện bước đi đầu tiên hướng tới hạnh phúc và giảm căng thẳng, lo âu cho chính mình.
Một nghiên cứu mới cho biết: Căng thẳng tài chính có liên quan đến trầm cảm, lo âu và tim mạch. Thường có sự tương quan giữa vấn đề tiền bạc và những suy nghĩ mang tính cực đoan. Sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn luôn gắn liền với căng thẳng tài chính dù bạn có thích hay không.
Chẳng hạn như khi bạn bị mắc cảm cúm, bạn phải tự chăm sóc bản thân bằng cách giữ ấm và uống niều nước. Điều này cũng tương tự khi nói đến sự căng thẳng về tiền bạc, bạn cũng phải tự chăm sóc bản thân khi gặp phải các vấn đề bằng cách tiết kiệm từ trước. Nói chung, tất cả những vấn đề đến từ tiền bạc đều không tốt cho sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Như vậy làm thế nào để có thể tiết kiệm?
Bạn nên tiết kiệm tiền ngay từ bây giờ, thậm chí dù chỉ một chút thôi, việc này có thể đảm bảo giúp bạn tránh được tình trạng căng thẳng tài chính trong tương lai.
Bạn hãy tự đặt ra ngân sách hoặc giảm chi tiêu hàng ngày của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể thiết lập một kế hoạch tiết kiệm mới hoặc thậm chí đặt ra mục tiêu trả nợ của mình dần dần. Hành động đơn giản này sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng và cảm thấy tốt hơn về tình hình tài chính.
Ngăn chặn những quyết định mua sắm bốc đồng bằng cách lập danh sách những thứ bạn cần mua. Suy nghĩ về danh sách đó một khoảng thời gian, bạn sẽ quyết định thứ nào thực sự cần thiết và thứ nào chỉ đơn thuần là ham muốn nhất thời, từ đó bạn sẽ có kế hoạch mua sắm ít hơn và ít tiêu tốn tiền hơn.
Thay vì tìm đến những cửa hàng chuyên dụng đắt đỏ, bạn có thể đến những siêu thị bán buôn giá rẻ. Bởi vì giá cả các mặt hàng trong loại siêu thị này có thể thấp hơn đáng kể so với cửa hàng chuyên dụng, nó sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí khá nhiều trong việc chi tiêu.
Thanh Mỹ
Dùng tiền cũng có đạo
Thương nhân xưa làm giàu bằng cách nào? Các thương nhân cổ đại dùng cần kiệm, trí huệ, gây dựng nên tài sản kếch xù, giàu có một phương. Họ thích làm việc thiện, tạo phúc cho bách tính và xã hội, cũng làm cho công việc làm ăn của họ ngày càng thịnh vượng hơn
Không sợ gian khổ, nếm trải tận hết mọi cái khổ kinh thương
Huy Châu là tên một phủ cũ ở tỉnh An Huy, Trung Quốc; nơi đây có một bài ca dao lưu truyền đã từ rất lâu: “Kiếp trước không tu, sinh tại Huy Châu, mười ba mười bốn tuổi, ném ra ngoài một cái”. Rất nhiều thương gia Huy Châu lập nghiệp bằng việc buôn bán đường dài, cho nên được gọi là “Lạc đà Huy Châu”, cái khổ cực trong đó thì đương nhiên khỏi cần phải nói.Trong mỗi phân đoạn kinh thương, đều cần phải nỗ lực lao động. Kinh thương ý nghĩa là phiêu bạt, hoặc là bôn ba nơi núi non trùng điệp, hoặc là trường kỳ rong ruổi trên thuyền, lênh đênh theo dòng, gặp được lữ quán thì nghỉ tạm, ba bữa cơm trà rồi nhắm mắt bầu bạn với âu lo.
Dặm đường kinh thương còn tràn đầy rủi ro. Không chỉ có thể bị thua lỗ, thâm hụt, đến cả sinh mệnh của bản thân cũng có khi gặp bất trắc, nguy hiểm. Muốn làm giàu thì phải tôi rèn ý chí “Lao kỳ cân cốt, ngạ kỳ thể phu” (Gân cốt khổ cực, thân thể đói khát).
Trong thời kỳ Minh Thành và Chính Đức, thương nhân Hưu Ninh là Tra Nham Chấn cả đời kinh thương, bôn tẩu từ Lĩnh Nam đến đất Bắc, chịu đủ nỗi khổ cực nóng nực rét mướt quanh năm suốt tháng, chạy ngược chạy xuôi Ngô Việt Kinh Tương, liên tiếp trải qua phong ba nguy hiểm, có thể nói là đã nếm trải tận hết mọi cái khổ kinh thương. Nhưng Tra Nham Chấn không sợ gian khổ, cuối cùng trở thành một đại thương nhân nổi tiếng.
Những năm thời Gia Tĩnh, Đại Minh, thương nhân huyện Hấp là Hứa Thượng Chất gồng gánh hàng hóa từ Giang Nam đi tới Hồ Bắc, rồi đến Tứ Xuyên, trên đường trải qua bao nhiêu khó khăn nguy hiểm. Những năm cuối đời, ông xúc động nói: Nhớ năm đó lúc ở Tứ Xuyên, trên đường bị lạc mất phương hướng, lang thang quanh quẩn trong thung lũng trùng điệp, lê bước trong băng tuyết, cái cảm giác sợ hãi sởn cả tóc gáy đến giờ vẫn còn nguyên vẹn như lúc đó vậy.
Hầu như những đại thương nhân nổi tiếng thời xưa đều đã từng trải qua mọi loại khó khăn, nếm tận hết mọi cái khổ kinh thương. (Ảnh: vyctravel.com)
Thương nhân Huy Châu triều Thanh là Uông Khả Việt cũng quanh năm bôn tẩu làm ăn bên ngoài, màn trời chiếu đất, cái ăn cái mặc đều rất thiếu thốn, chỉ có ôm giữ một tinh thần không mệt mỏi cần cù gian khổ chăm chỉ làm việc, từng trải trong mưa gió mà thành tựu sự nghiệp. Những thương nhân này đều tự mình lao đi buôn bán, chứ không ngồi trong nhà rồi giao những việc nặng nhọc vất vả cho người làm thuê. Cho dù không ra ngoài, đối với tính toán, điều hành, kinh doanh, quản lý, cũng hao tâm tổn trí, quản lý sát sao, nửa điểm cũng không thể buông lỏng.
Cái siêng năng, cần mẫn của kinh thương thời nhà Tấn cũng khá đặc biệt, họ đi Tây khẩu (đi sang phương Tây), xuyên qua thảo nguyên, băng qua sa mạc, đi buôn bán hàng ngàn dặm trường. Bất kể là mùa hè nóng nực, mặt trời nắng cháy trên đầu, cát nóng bỏng dưới chân, mấy ngày không gặp nguồn nước; hay là mùa đông gió lạnh gào rú thổi ngược, trên đường đi có cả người chết vì tê cóng, rét buốt; mùa xuân và mùa thu, bão cát ập tới, trời đất mù mịt lấp hết đường đi, chôn vùi thân người; họ vẫn không nản chí.
Hiệu buôn Đại Thịnh Khôi do người Sơn Tây thời nhà Thanh dựng nên mở ra con đường giao thương giữa Nga – Mông Cổ. Thương hiệu Đại Thịnh Khôi vào thời cực thịnh có đến sáu, bảy ngàn công nhân, thương đội lạc đà gần 20.000. Có bao nhiêu người đã đạp ngàn dặm đường ăn gió nằm sương chịu đựng vất vả mà gây dựng nên thương hiệu Đại Thịnh Khôi trứ danh Trung Quốc.
Giàu mà không xa hoa, cần cù tiết kiệm là nguyên tắc Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, cần kiệm là lời giáo huấn lâu đời nhất: “Khắc cần ư bang, khắc kiệm ư gia” (Nên chuyên cần ở việc nước, nên tiết kiệm ở việc nhà). Mà trong các thương gia thành công qua các thời đại, vẫn luôn thông suốt tinh thần “Bất cần bất đắc, bất kiệm bất phong” (Không chuyên cần thì không được gì, không tiết kiệm thì không thể giàu có).
Đạo buôn bán của thương nhân cổ đại thể hiện ở những câu thơ cổ phong: “Thành tín thị vi thương chi đức” (Thành tín chính là cái đức trong buôn bán), “Cần kiệm thị kinh thương chi bản” (Cần kiệm chính là vốn liếng của buôn bán), “Tiến thủ thị kinh thương chi đạo” (Tiến thủ là cái đạo của buôn bán). Hai đời nhà Minh và nhà Thanh, thương nghiệp phát triển hơn bao giờ hết, càng không hiếm thương nhân giữ vững nguyên tắc cần kiệm.
Thương gia xưa coi cần kiệm thành tín là nguyên tắc quan trọng nhất trong kinh doanh cũng như trong sinh hoạt. (Ảnh minh họa: youtube.com)
Mặc Tử nói: “Cường tất phú, bất cường tất bần” (Cường ở đây chỉ cường lực lao động), “Lại kỳ lực giả sinh, bất lại kỳ lực giả bất sinh” (Người dựa vào sức mình thì sống, người không dựa vào sức mình thì chết). Thái sử công Tư Mã Thiên trong “Sử ký – Hóa thực liệt truyện” cũng nói: “Vô tài tác lực, thiếu hữu đấu trí, ký nhiêu tranh thời” (Khi người ta không sẵn tiền của, thì phải dùng sức người để kiếm sống; khi sức lực, tài lực không đủ thì phải dựa vào trí tuệ, đấu trí; khi đã giàu có thì phải biết nắm bắt tranh thủ thời cơ). Đây có thể nói là bộ tam xe pháo mã của thương nhân làm giàu, bảo trì tinh thần lập nghiệp.
Cùng với cần mẫn (Cần), tiết kiệm (Kiệm) cũng là một điều trọng yếu trong thương đạo. Cần để tăng thu nhập, Kiệm để tiết kiệm chi tiêu, Cần mà còn Kiệm nữa thì mới có thể đầy đủ, phong phú về Tài (tài lực), Trí (trí lực), Doanh (doanh thu). Nếu không, dùng mà không tiết kiệm, cũng như bình rượu bị rò rỉ mà không vá kín lại, chắc chắn gây nên thất thoát tài nguyên, có thể thấy được Kiệm vô cùng quan trọng. Cần và Kiệm đều không thể bỏ qua.
Ngay từ thời kỳ Tiên Tần (giai đoạn lịch sử của Trung Quốc trước khi nhà Tần thống nhất) đã rất nhiều người tán thành “Kiệm” mà không đồng ý với “Xỉ” (xa xỉ, hoang phí). Khổng Tử nói: “Lễ, dữ kỳ xa dã, ninh kiệm” (Lễ cần ở tiết kiệm hơn là xa hoa). Mặc Tử nói: “Tiết kiệm tắc xương, dâm dật tắc vong” (Tiết kiệm thì hưng vượng, phóng túng thì suy vong). Sùng “Kiệm” chính là nhận thức chung của các nhà tư tưởng cổ đại, nhất là tư tưởng sùng “Kiệm” của Nho gia đã có ảnh hưởng lớn hơn đối với hậu thế.
Các nhà kinh doanh thành công bản thân đầu rất tiết kiệm, giản dị. Bạch Khuê thời Chiến Quốc có danh tiếng là “Ông tổ thương nghiệp”. Tư Mã Thiên trong “Hóa thực liệt truyện” tán dương Bạch Khuê tuy là thương gia giàu có nhưng ngày hai bữa ông ăn uống đạm bạc, nhịn hết món ngon vật lạ, phục sức như hạng bần cùng, hòa mình làm lụng vất vả cùng lũ tôi tớ nô bộc của mình.
“Sử ký – Liệt truyện – Hóa thực liệt truyện” còn ghi chép lại, tổ tiên họ Nhâm ở Tuyền Khúc, ngày trước làm quan giữ kho lương ở Độc Đạo. Sau khi nhà Tần bại vong, hào kiệt cùng tranh nhau lùng sục tranh đoạt vàng bạc châu báu. Riêng Nhâm một mình đào hầm chôn giấu hết kho lương. Về sau, quân Hạng Vũ cầm cự với quân Lưu Bang ở Hành Dương, nông dân không cấy trồng gì được, giá thóc vọt lên tới một vạn bạc một thạch, thế là chẳng mấy chốc đống châu báu từ các hào kiệt từ từ mò về hết trong tay nhà họ Nhâm.
Đang lúc các nhà hào phú khác lo ganh đua chưng diện sắm sửa xa hoa, thì nhà họ Nhâm sống đạm bạc, tiết kiệm, chăm lo nông điền, nuôi gia súc. Khi thiên hạ đổ xô tìm giá đất rẻ nhất mà tranh mua, thì nhà họ Nhâm chuyên môn chọn đất nào tốt, giá trị nhất. Nhờ thế mà dòng họ cứ giàu mãi nhiều đời. Nhưng ông Nhâm bắt cả dòng họ thề suốt đời không ai được ăn thịt ngoài loại gia súc do nhà chăn nuôi được, không ai được mặc áo có chất liệu ngoài loại vải bông do đất nhà làm ra. Không ai được chè chén rượu thịt khi chưa mãn hạn công vụ. Nhờ phép tắc gia đình gương mẫu, nhà họ Nhâm trở nên vừa giàu có vừa được nhà vua tôn trọng.
Kế tục những thương nhân giàu có này, lề thói ăn tiêu tiết kiệm được duy trì liên tục qua các đời con cháu.
Nhờ duy trì nguyên tắc cần kiệm thương gia xưa luôn giữ được nề nếp gia phong. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)
Đem giáo dục cần kiệm dung nhập vào gia học và gia quy Thương gia nhà Tấn còn đem giáo dục cần kiệm dung nhập vào gia học và gia quy, dựa vào cần kiệm làm giàu và trị gia. Thẩm Tư Hiếu người thời Minh, trong “Tấn lục”, là một thương nhân thực hành tiết kiệm, tác phong chất phác, mặc dù gia tài vạn quan tiền, ăn mặc cũng không khác người bình thường là bao, cố gắng dồn tích lại thì sẽ nhiều lên, tụ tài, tích lũy vốn liếng.
Mã thái phu nhân của đại thương gia nhà họ Ký ở huyện Giới Hưu quản lý gia đình rất nghiêm khắc. Không chỉ bản thân sinh hoạt giản dị mà còn yêu cầu con cái phải “tự phụng kiệm ước” (ăn tiêu tiết kiệm), nhưng đối đãi người khác lại rất hào phóng. Dưới sự giáo dục nghiêm khắc của Mã thái phu nhân, đời sau mặc dù phú quý hoặc làm quan, cũng không một ai thân mặc áo lông xa xỉ, cưỡi ngựa về quê phô trương danh vọng. Nhà họ ăn uống tằn tiện, đãi khách lại cực kỳ hậu hĩnh.
Mã thái phu nhân bình thường khuyên răn: “Tích phúc thì phúc tự sâu dày”. Vì vậy con cháu các gia đình ở châu Ký (tỉnh Hà Nam ngày nay) “sống trong phú quý mà vẫn có thể ăn cơm thô mà gắng sức”. Không ít thương gia Huy Châu cũng đem tiết kiệm thêm vào gia pháp, tộc quy, dùng để khuyên răn con cháu trong gia tộc. Như “Minh châu Ngô thị gia điển” và “Hoa dương Thiệu thị gia phả” cũng đều có ghi chép lại.
Thương nhân buôn bán muối lớn Bảo Chí Đạo nắm giữ số tiền hàng vạn, nhưng phụ nữ, trẻ con lớn bé trong nhà phải tự mình dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, trước cửa không có xe ngựa, trong nhà không mời gánh hát. Bảo Chí Đạo ở Dương Châu làm nghề buôn muối, trở thành một nhà lãnh đạo trên thị trường trong 20 năm, cũng vào hạng tai to mặt lớn trong thương trường, nhất cử nhất động của ông mỗi thời khắc đều ảnh hưởng đến những người khác. Dưới ảnh hưởng của ông, tác phong sống xa xỉ ở Dương Châu đã được thay đổi đáng kể.
Cứu tế thế nhân, giúp ích cho đời, thương nghiệp ngày càng hưng thịnh Rất nhiều thương nhân cổ đại sau khi kinh doanh phát tài, phát tâm cứu tế thế nhân, giúp ích cho đời. Không chỉ giỏi về tụ tài mà còn giỏi về tán tài. Họ mạnh mẽ ủng hộ cho việc dùng tiền làm điều nhân nghĩa, trọng nghĩa khinh tài.
Tuy tiền kiếm được không dễ nhưng thương nhân xưa lại coi rất nhẹ, họ ủng hộ việc dùng tiền làm điều nhân nghĩa, trọng nghĩa khinh tài. (Ảnh minh họa: sohu.com)
Nho thương thủy tổ Đoan Mộc Tử Cống mặc dù thân đáng ngàn vàng, nhưng vẫn có thể “Phú nhi bất kiêu” (Giàu mà không kiêu), “Phú nhi hảo lễ” (Giàu mà biết cư xử). Chẳng những kết giao với kẻ giàu mà còn giúp đỡ, thăm hỏi người nghèo. Cho nên từ trên là vua cho đến dưới là thường dân đều tán tụng ông là người nhân đức.
Thương gia thời nhà Minh là Hứa Thượng Chất cho rằng, đem tài phú dùng cho việc lễ nghĩa là giỏi về dùng tiền, cho nên ông chủ trương cần phải vì việc nghĩa mà dùng tiền, chớ nên keo kiệt. Đại học sỹ thời nhà Minh là Hứa Quốc Tăng nói: “Các quận đông nam xưa kia luyện quân xây thành, các hộ khách hiến hết tài sản cho quan quân, 10 người thì 9 người là thương gia Huy Châu”.
Phú thương Huy Châu đa số gần gũi thân thiết, rộng rãi cứu tế giúp rộng mọi người, họ cứu giúp người nghèo, giúp những người lữ hành tha phương, cứu vớt che chở cho kẻ yếu hèn… Những việc hành nghĩa này được ghi lại rất nhiều trong các tác phẩm văn chương và trong các ghi ghép địa phương vào đời nhà Minh, Thanh. Những năm triều đại Ung Chính triều Thanh, thương nhân huyện Hấp, An Huy là Dĩ Chính: “Cứu đói, giảm nợ, trợ giúp việc tang, định hôn, thí quan, yểm cách, xây bến đò, sửa cầu, mấy chục năm nỗ lực thực hiện không biết mệt mỏi”.
Các thương nhân cổ đại dùng cần kiệm, trí huệ, gây dựng nên tài sản kếch xù, giàu có một phương. Họ thích làm việc thiện, tạo phúc cho bách tính và xã hội, cũng làm cho công việc làm ăn của họ ngày càng thịnh vượng hơn. Đây chính là điều mà họ gọi là “Ra ơn cho người, mà danh ngày càng cao, thương nghiệp ngày càng hưng thịnh, gia đạo ngày càng thịnh vượng”.
Hy vọng rằng, bài viết này sẽ mang lại phần nào nguồn cảm hứng kinh doanh cho các độc giả. Theo Soundofhope (Mây Trắng biên dịch)