Hiển thị các bài đăng có nhãn Gia Đình. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Gia Đình. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Hoài Trần

-Những thói quen ăn uống nên dạy con từ nhỏ

Aimée Wimbush-Bourque (Canada), bà mẹ 3 con, một food blogger nổi tiếng đồng thời là tác giả nhiều cuốn sách về nấu ăn đã chia sẻ 10 bí quyết trong việc nuôi dưỡng những đứa con có khẩu vị tốt, ăn uống luôn ngon miệng và lành mạnh.

Không lãng phí thức ăn
Bỏ thừa đồ ăn luôn là một thói quen xấu. Chẳng ai thích ăn lại đồ ăn cũ, vì vậy, nấu vừa đủ, giảm kích thước khẩu phần ăn sẽ là cách để không hình thành thói quen này.

Khi có đồ ăn thừa nên cất vào tủ lạnh để tìm cách tái chế biến chứ không nên bỏ phí.

Cha mẹ có thể kể cho con về những người còn không có được bữa ăn no và dạy chúng biết về tác hại của lãng phí thực phẩm.

Dạy con về giá trị thực phẩm
“Mùa nào thức nấy” là một bí quyết của các bà nội trợ để mua được thực phẩm vừa tươi ngon, giá thành tốt mà lại giúp đỡ cho người nông dân địa phương tiêu thụ được sản phẩm theo đúng mùa vụ. Hơn một bữa ăn, hãy dạy cho trẻ biết được lợi ích dinh dưỡng của các món ăn cũng như sự đóng góp thầm lặng của những người nông dân để nuôi trồng được các thực phẩm tốt.


Thực đơn theo kế hoạch

Bạn sẽ ít lãng phí đồ ăn và nguyên liệu hơn nếu biết mua vừa đủ. Hãy lên kế hoạch cho bữa ăn trước khi đi siêu thị, đi chợ để đảm bảo mình không “cao hứng” nhặt thêm quá nhiều thực phẩm.

Tin tưởng và giao việc

Hãy giao những công việc làm bếp vừa sức cho trẻ, con sẽ cảm thấy được tin tưởng và có “cơ hội tỏa sáng”.

Trẻ được tin cậy cũng sẽ cảm thấy tự tin và sẵn sàng hơn trong việc chia sẻ các công việc gia đình khác. Cha mẹ nên mạnh dạn thử các công thức mới để “biến hóa” bữa ăn gia đình, ngay cả khi thành phẩm không thành công thì trẻ cũng học được bài học dám thử và trải nghiệm để phát triển bản thân.

Ăn uống không căng thẳng

Con bạn chỉ thích ăn trứng và rất lười ăn rau? Đó là những câu chuyện bình thường bên bàn ăn của mỗi gia đình.

Không nên kỳ vọng trẻ bữa nào cũng ăn đầy đủ, cân bằng các chất dinh dưỡng. Tâm trạng ăn uống cũng ảnh hưởng nhiều tới khả năng hấp thụ. Hãy để trẻ được thoải mái và cha mẹ cũng không cần quá lo lắng hay căng thẳng chỉ vì cách ăn uống của trẻ.

Tích trữ thực phẩm thông minh

Nếu bạn tích trữ những thực phẩm tốt trong bếp của bạn, thì chế độ ăn của bạn cũng sẽ tốt hơn. Ví dụ như thay vì tích trữ mỳ ăn liền, bánh quy, hãy trữ nhiều trái cây, rau củ… Điều này sẽ tốt cả cho thói quen lựa chọn thực phẩm sau này của các bé.

Thể hiện sự hiếu khách
Hãy để trẻ nhận thấy bạn luôn mở rộng cửa chào đón mọi người đến quây quần quanh bàn ăn gia đình. Thông qua hành động này, trẻ sẽ học được những kỹ năng để trở thành người chủ nhà sành ăn, quảng giao.


Cân bằng thực phẩm
Không có đứa trẻ nào cưỡng lại nổi sự hấp dẫn của những đồ ăn vặt và thức ăn nhanh. Bạn không thể loại bỏ hoàn toàn nhưng hãy đưa ra vài ví dụ về tác hại của chúng, bọn trẻ sẽ dần dần nhận ra vấn đề để biết cách lựa chọn đúng. Cấm cản chỉ hạn chế được trong thời gian ngắn, nếu để trẻ thay đổi được nhận thức chúng sẽ hình thành thói quen lựa chọn đồ ăn tốt cho sức khỏe ngay cả khi trưởng thành.

Tương tác trên bàn ăn
Những bữa cơm gia đình luôn là thời điểm tuyệt vời để kết nối tình cảm các thành viên. Chia sẻ, lắng nghe, quan tâm đến cuộc sống của từng người trong nhà, trẻ sẽ học được những bài học về tình thân thông qua bữa cơm gia đình đầm ấm.


Thể hiện lòng biết ơn
Các nước phương Tây có thói quen cầu nguyện trước khi ăn, đó là cách họ thể hiện sự trân trọng với bữa ăn, trân trọng những người đã góp sức để có được bữa ăn ngon cho họ. Gia đình không theo đạo, bạn không nhất thiết phải cầu nguyện, nhưng một chút lắng lại trước bữa ăn để cảm nhận, thấu hiểu giá trị của thức ăn là cần thiết. Đó là bài học dạy trẻ quý trọng đồ ăn, thức uống.

Night-fly
Read More

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

Hoài Trần

- 5 hình thức ngoại tình không sex mà bạn dễ vướng vào

5 hình thức ngoại tình không sex mà bạn dễ vướng vào

Tác giả: Tham vấn y khoa: BS. Nguyễn Thường Hanh.
Bạn nghĩ rằng mình và người ấy chưa một lần nắm tay, ôm ấp hay lên giường thì hoàn toàn “trong sáng”? Thật ra, bạn vẫn có thể ngoại tình không sex với các mối quan hệ như đồng nghiệp và bạn bè mà cứ ngỡ là mình chẳng làm gì sai cả.

Ngoại tình trong hôn nhân xảy ra khi bạn nghĩ đến việc trở nên gắn bó, thân mật với một ai đó khác ngoài người bạn đời. Điều này có thể phá hủy tình cảm mà bạn đã dành cho đối phương mặc dù hoàn toàn không liên quan đến yếu tố tình dục (sex).
Đặc biệt, phụ nữ càng có nguy cơ ngoại tình không sex nhiều hơn, trong khi đàn ông quan tâm đến vấn đề tình dục và nhu cầu sinh lý. Rất nhiều hình thức ngoại tình có thể trở thành mối nguy hiểm cho cuộc hôn nhân của bạn. Hãy cùng xem bạn có đang vướng vào các kiểu ngoại tình không sex phổ biến sau đây không nhé.

1. Cảm xúc rung động trước một ai đó

Cảm xúc này có thể xuất hiện từ một cuộc trò chuyện qua mạng hoặc tình bạn tưởng chừng như đơn thuần ở nơi công sở. Thậm chí, điều này có thể bắt đầu từ suy nghĩ rằng anh ấy không giống với chồng bạn và anh ấy thực sự hiểu bạn. Cuộc hôn nhân đôi khi xảy xa vấn đề phức tạp và bạn muốn tìm đến một ai khác để lấp đầy khoảng trống.
Không những thế, bạn bắt đầu chia sẻ thông tin riêng tư và giãi bày vấn đề về mối quan hệ của mình để tìm kiếm lời khuyên từ đối phương. Những biểu hiện này nghe có vẻ vô hại, nhưng thực chất lại đặc biệt nguy hiểm vì sẽ dẫn đến việc ngoại tình về thể xác và sự lừa dối trong thời gian dài.
Sự không chung thủy về mặt cảm xúc có thể khiến bạn không thấy tội lỗi và xấu hổ vì thiếu sự tiếp xúc vật lý. Mặc dù điều này có thể không liên quan đến thể xác nhưng vẫn có nguy cơ phá hủy cuộc hôn nhân của bạn.

2. Coi trọng người thân hơn bạn đời

Tất cả người thân trong gia đình đều có ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách và bản chất của mỗi người. Đó có thể là cha mẹ, anh chị em và những người xuất hiện trong thời thơ ấu của bạn. Một số người không bao giờ cho phép bản thân họ tin tưởng tuyệt đối trong tình yêu, vì họ không muốn vợ hay chồng trở thành người quan trọng nhất trong cuộc sống của họ.
Thay vào đó, sự gắn kết với các thành viên trong gia đình mới là thứ tự ưu tiên hàng đầu và vì thế người bạn đời không có được vị trí xứng đáng trong trái tim họ. Đây là kiểu ngoại tình rất khó để có thể nhận ra vì liên quan đến gia đình của bạn.
Một số dấu hiệu của kiểu ngoại tình không sex là bạn thường không quan tâm đến chuyện yêu đương và hôn nhân đối với bạn chỉ là một điều nên làm. Khi ấy, sự tôn trọng và yêu thương nửa kia không đủ để bạn tránh các cám dỗ bên ngoài. 

3. Xuất hiện suy nghĩ phản bội nửa kia

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến sự tan vỡ của các cặp vợ chồng ngày nay. Ngoại tình trong suy nghĩ là khi nhìn vào đối phương với khao khát thỏa mãn dục vọng quan hệ tình dục của cá nhân.
Thậm chí là có suy nghĩ phản bội người bạn đời của mình nếu có cơ hội tiếp xúc thể xác với người kia. Thông thường, một hoặc cả hai người đều không muốn phá bỏ hoặc làm cản trở mối quan hệ thực tại, thậm chí còn cố gắng biến nó trở nên thuần khiết hơn.
Mối quan hệ ngoại tình không sex có thể tồn tại trong tâm trí và vượt xa hơn tình bạn. Tuy nhiên, không khó để bạn lỡ vượt quá giới hạn nếu không chấm dứt tư tưởng trên càng sớm càng tốt. 

4. Thân thiết quá mức với bạn khác giới

Tình bạn khác giới cũng có khả năng phá vỡ một cuộc hôn nhân. Đó là khi bạn có bị thu hút và quan tâm quá nhiều đến bạn bè hơn nửa kia. Nhiều người còn tin rằng tình bạn là vô cùng thiêng liêng và mang lại cho họ nhiều cảm xúc hơn tình yêu.
Thực tế, một người bạn tốt luôn tôn trọng tất cả những mối quan hệ quan trọng xung quanh bạn, đặc biệt là gia đình và người bạn yêu thương. Họ luôn mong muốn chuyện tình yêu của bạn sẽ tích cực và tốt đẹp.
Nếu bạn thường nhắc đến chồng hay vợ với một người bạn mà người ấy phớt lờ và hoàn toàn không quan tâm thì đây hoàn toàn không phải tình bạn mà bạn nên duy trì.

5. Xem hình nhạy cảm từ người khác gửi

Hình thức ngoại tình không sex này bắt đầu từ sự tiếp xúc về thị giác. Đối tượng thường là người quen biết hoặc cũng có thể là người mà bạn chưa bao giờ gặp gỡ. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của Internet cũng tác động rất lớn đến sự thiếu chung thủy của các cặp vợ chồng.
Chẳng hạn như các hình thức khiêu dâm trực tuyến, phòng chat nhóm đã khiến cho nhiều người cảm thấy không thỏa mãn trong hôn nhân. Không những thế, điều này còn khiến chúng ta dễ dàng nghĩ rằng ngoại tình bằng thị giác không nghiêm trọng vì không liên quan đến thể xác.
Nhiều người có suy nghĩ rằng miễn là họ không chạm vào người khác ngoài bạn đời thì đó không phải là sự phải bội. Tuy nhiên, một khi vướng phải hình thức ngoại tình không sex này, bạn sẽ càng có nguy cơ dẫn đến hành động phản bội thực sự.  
Những hình thức ngoại tình không sex trên sẽ dễ dàng phá hủy cuộc sống hôn nhân vì nguy cơ làm rạn nứt mối quan hệ của cả hai. Vì thế, mặc dù bạn không hề có ý nghĩ phản bội chồng hay vợ thì bạn vẫn nên lưu ý để giúp gia đình hạnh phúc vững bền!
Read More

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

Hoài Trần

- Cha mẹ không có nguyên tắc thì chẳng thể dạy dỗ con nên người

Yêu thương con trẻ là bản năng của chúng ta, nhưng cha mẹ phải kiên trì nguyên tắc của bản thân. 

Lập ra quy tắc cho trẻ nhỏ, để chúng trưởng thành thành một người có phẩm đức cao thượng, đây cũng là trách nhiệm của chúng ta.


Gần đây có một đoạn video vô cùng nổi tiếng. Một người cha dẫn theo hai đứa con gái đi siêu thị, con gái nhỏ cố tình đánh rơi đồ trong tay của chị mình. Người cha kiên trì muốn nó phải xin lỗi chị mình, con gái nhỏ cố chấp không làm theo, người cha càng tỏ thái độ kiên quyết nhất định phải xin lỗi. Không còn cách nào khác, đứa trẻ ấy nằm lì trên đất bắt đầu khóc nháo, còn chối trách nhiệm nói bản thân không phải cố ý.
Tuy nhiên người cha không hề lung lay: “Không cần biết con có cố ý hay không, nhưng con bắt buộc phải xin lỗi chị”. Người chị đứng một bên muốn phá vỡ tình cảnh này bèn nói: “Thôi bỏ đi ạ, không cần xin lỗi đâu”. Con gái nhỏ vội vàng tìm cho bản thân bậc thang đi xuống: “Chị ấy đều nói không cần xin lỗi rồi”. Mặc dù vậy người cha vẫn một mực không đổi: “Không cần biết chị con có muốn nhận lời xin lỗi này hay không, con cũng phải xin lỗi chị”.

Hành vi của cha con ba người hấp dẫn sự chú ý của mọi người xung quanh, có người không nhịn được nữa khuyến khích người cha nên đánh đứa trẻ, như vậy nó chắc chắn sẽ ngoan ngoãn nghe lời.

Đương nhiên người cha không làm như vậy, chỉ lần nữa biểu hiện rõ thái độ của mình “bắt buộc phải xin lỗi”. Cuối cùng dưới sự kiên trì của cha, cô bé đã nói lời xin lỗi với chị mình. Ở góc độ của người cha, phạm phải sai lầm thì phải xin lỗi người khác, không cần biết đứa trẻ có ăn vạ hay không, hay có người nói đỡ lời giúp đều phải kiên trì nguyên tắc của bản thân, nhất định phải khiến đứa trẻ nói ra lời xin lỗi. Abraham Lincoln từng nói rằng: “Điều quan trọng nhất là có thể kiên trì vào thời điểm quan trọng”, nuôi dạy trẻ cũng như vậy.

Khi làm sai dạy trẻ biết nói xin lỗi đó là lựa chọn của người cha. (Ảnh: Youtube)

Khi nói với trẻ em rằng hành động của chúng là không được thì chúng ta nhất định phải kiên trì

Xem qua chương trình “Mẹ là siêu nhân”, phương thức giáo dục của Mã Nhã Thư khiến rất nhiều người bất mãn. Mọi người không hiểu rằng, tại sao người mẹ này luôn đặt “không được”, “không thể” ở bên môi, lúc nào cũng nghiêm khắc ra lệnh với con trẻ. Đứa trẻ lại không hề để ý lời nói của cô ấy, mà giả điếc làm ngơ. Trong chương trình có một chi tiết như thế này: Cô ấy dẫn con đi chợ, hai đứa trẻ dùng tay mò cá, cho dù cô ấy có nói bao nhiêu lần “không được”, “không thể” thì hai chị em vẫn không nghe khiến cho cô ấy tuyệt vọng. Sau khi chị mò xong, em lại tiến đến tiếp tục mò. Xem đến phía sau, mọi người dần dần hiểu rõ, trẻ em một khóc hai náo, chỉ cần chúng ta lùi bước thì chúng sẽ không thèm nghe lời nữa.

Có một lần, con gái Mia chưa hết bệnh cảm đã muốn ăn kem, Mã Nhã Thư không đồng ý, Mia trực tiếp nằm trên mặt đất, vừa khóc vừa náo. Cuối cùng Mã Nhã Thư chỉ có thể vô phương đồng ý, đi chợ mua kem cho con gái. Nhưng khi đến chợ, bọn trẻ vừa ăn bánh kem xong lại muốn ăn bánh mì, lúc đầu Mã Nhã Thư từ chối, chúng lại bắt đầu khóc náo. Thấy mẹ không để ý, chúng lại đổi phương thức năn nỉ: “Mẹ ơi, xin mẹ mà”. Quả nhiên Mã Nhã Thư mềm lòng ngay lập tức, mua bánh mì cho chúng. Kịch bản này thường xuyên xảy ra ở nhà họ, bọn nhỏ biết mẹ mềm lòng, chỉ cần chúng khóc náo thì mẹ sẽ đầu hàng. Ngay cả Mã Nhã Thư cũng tự thừa nhận: “Có lẽ tôi là một người mẹ dễ thỏa hiệp”, “mỗi lần chúng khóc thì sự kiên trì của tôi lập tức xuống âm”.

Không có nguyên tắc nhường bước, lâu ngày thì những cụm từ như “không được”, “không thể” ở trước mặt bọn trẻ không còn một chút lực sát thương nào.

Có thể nói, Mã Nhã Thư thành công trong việc không nói đến nguyên tắc, sau khi bọn trẻ khóc náo sẽ nhường bước. Cô ấy khiến cho con của mình trở thành những đứa trẻ vô cùng ngang bướng, ngỗ nghịch. Chuyên gia giáo dục nói qua: “Khi nói với trẻ em rằng hành động của chúng không được thì chúng ta nhất định phải kiên trì.

Nhẫn nại dạy cho con biết nói “xin lỗi” tuy trẻ ngang bướng nhưng sự nhẫn nại của cha mẹ sẽ quyết định hành vi tiếp theo của trẻ. (Ảnh: Youtube)

Cha mẹ không kiên trì yêu cầu của bản thân, con trẻ sẽ cảm thấy lời nói “không” không phải là thật

Gần đây, hàng xóm tâm sự với tôi về việc phiền não của cô ấy: Cô ấy dẫn con đi siêu thị, nó muốn mua đồ chơi, nếu không mua, nó sẽ vừa khóc vừa náo thậm chí là ăn vạ không chịu đi. Ở siêu thị nhiều người nhìn thật sự rất ngượng ngùng, cô ấy chỉ có thể vô phương, thỏa hiệp trước đứa trẻ. Cô ấy nói: “Ở nhà đã có rất nhiều đồ chơi, tôi không chủ trương nuôi dạy con trẻ có thói quen muốn cái gì được cái đó. Nhưng khi chúng khóc náo, tôi lại không biết phải làm thế nào?”.

Phiền não của cô có lẽ cũng là phiền não của nhiều phụ huynh, cũng là u nhọt của rất nhiều gia đình: nêu ra rất nhiều quy tắc với con trẻ, nhưng một khi chúng khóc náo thì cha mẹ liền loạn lên, đánh mất nguyên tắc của mình.

Một lần tôi nhìn thấy đạo lý giáo dục con trẻ của giáo sư tâm lý học Lý Mai Cẩn chia sẻ trên facebook

Có một ngày, con gái của giáo sư Lý cũng muốn mua đồ một cách vô lý, sau khi bị bà từ chối, con gái vừa khóc vừa náo. Bà bình tĩnh trước sự khóc náo của con gái, cho dù như thế nào cũng không lay động được bà, kiên trì dẫn con gái về nhà. Sau khi về nhà, bà cùng con gái ở trong phòng, con gái vẫn cứ khóc náo không ngừng. Bà chỉ đưa cho con gái một chiếc khăn nóng để nó lau đi nước mắt nước mũi. Bà yên tĩnh nhìn con gái khóc, đợi đến khi nó khóc hết sức lực, nhìn thấy mẹ vẫn không có chút gì động lòng bèn từ bỏ. Từ đó về sau, đứa trẻ không còn đòi hỏi bất kỳ yêu cầu vô lý nào nữa.

Tôi rất tán thưởng phương thức giáo dục của vị giáo sư này, kiên trì nguyên tắc của bản thân, khiến trẻ hiểu được yêu cầu vô lý của mình. Không có bất kỳ thay đổi nào trước việc con trẻ khóc náo. Đồng thời cũng khiến cho chúng cảm nhận được sự an ủi: “Mẹ không đồng ý con làm nhưng vậy nhưng mẹ vẫn yêu con, vẫn quan tâm con, sẽ không bỏ rơi con”.

Không thỏa hiệp từ nước mắt ăn vạ là lựa chọn cứng rắn rèn trẻ biết điểm dừng. (Ảnh: Pet Loss Psychotherapy)

Ký giả nổi tiếng Lư Khâu Lộ Vi của Hồng Kông từng nói rằng: “Yêu thương không điều kiện và kiên trì nguyên tắc phải đồng thời tồn tại, nếu không yêu thương sẽ trở nên có hại

Điều này không hề mâu thuẫn, thật ra chúng phải cùng tồn tại, nếu không yêu thương sẽ trở nên có hại. Trong “Mẹ vĩnh viễn yêu con” cũng có một đoạn đối thoại như thế này:

A Lực: “Nếu như con làm gối đầu bay lông đầy trời, mẹ có còn yêu con không?”

Mẹ: “Mẹ vĩnh viễn yêu con, có điều chúng ta cần thu lại đám lông kia”.

A Lực: “Nếu con trét màu vẽ trên người em gái, mẹ có còn yêu con không?”

Mẹ: “Mẹ vĩnh viễn yêu con, có điều con phải chịu trách nhiệm tắm cho em gái”.

Người mẹ này rất nhẹ nhàng bảo đảm rằng bản thân yêu thương con trẻ, nhưng cũng khiến cho con trẻ học được cách thừa nhận và chịu trách nhiệm trước sai lầm của mình.

Hai ngày trước, một câu chuyện được đăng trên trang web cộng đồng đã gây ra nhiều cuộc thảo luận. Một học sinh lớp bốn cao 1m4 từ phía sau đẩy mạnh một thai phụ, thiếu chút nữa đã khiến cho người phụ nữ này sảy thai. Càng khiến cho người ta tức giận chính là khi hỏi nguyên nhân, đứa trẻ này làm như không chuyện gì, nói: “Con xem trên ti vi thấy phụ nữ có thai nếu bị té ngã sẽ sảy thai, con muốn đẩy cô ấy xem cô ấy có sảy thai hay không?”.

Thật sự khó mà tin nổi, một đứa trẻ lớp bốn lại có thể làm ra hành vi điên cuồng như vậy, nói ra lời nói lạnh nhạt đến thế. Khi nghe đến phản ứng của bà nội đứa trẻ, bạn có biết một câu: “Nó chỉ là một đứa trẻ” có thể hủy hoại bao nhiêu đứa trẻ tốt hay không?

Bạn lập tức sẽ biết làm sao để dạy được một đứa trẻ hư. Một câu: “Nó chỉ là một đứa trẻ” có thể hủy hoại bao nhiêu đứa trẻ tốt. Từ nhỏ cha mẹ đã không nói cho con trẻ biết thế nào là đúng sai, chuyện gì có thể làm, chuyện gì không thể làm, mà những điều này lại vô cùng quan trọng. Yêu thương con trẻ là bản năng của chúng ta, nhưng cha mẹ phải kiên trì nguyên tắc của bản thân. Lập ra quy tắc cho trẻ nhỏ, để chúng trưởng thành thành một người có phẩm đức cao thượng, đây cũng là trách nhiệm của chúng ta.

Từ nhỏ cha mẹ đã không nói cho con trẻ biết thế nào là đúng sai, chuyện gì có thể làm, chuyện gì không thể làm, mà những điều này lại vô cùng quan trọng. (Ảnh: Menhon.com)

Trương Bá Chi từng chia sẻ về nguyên tắc giáo dục con trẻ của mình: Mỗi lần chỉ có thể chọn món đồ chơi yêu thích nhất và để chúng biết lời mẹ nói vĩnh viễn không thể thay đổi

Trong chương trình “Thiên thiên hướng thượng”, Trương Bá Chi từng chia sẻ nguyên tắc giáo dục con trẻ của mình. Đối với hai đứa con trai thích đồ chơi của mình, nguyên tắc của Trương Bá Chi là: Mỗi lần chỉ có thể chọn món đồ chơi yêu thích nhất và để chúng biết lời mẹ nói vĩnh viễn không thể thay đổi.

Hai đứa trẻ này cũng rất nghe lời, mỗi lần đều chọn món đồ chơi bản thân thích nhất, bởi vì có được không dễ, nên chúng càng trân quý món đồ chơi này. Tình yêu của cha mẹ đối với con cái vô cùng sâu sắc, nhưng trong tình yêu vô điều kiện này, cha mẹ cần kiên trì nguyên tắc của bản thân, để trẻ tuân thủ nguyên tắc cơ bản, con của bạn sau này sẽ trở thành một người có quy tắc.

Cuối cùng muốn chia sẻ với mọi người, các trường học ở Mỹ nhắc nhở phụ huynh: “Đừng yêu thương trẻ quá độ”.

“Con biết rất rõ con không nên đạt được mỗi một thứ mà con muốn, các yêu cầu vô lý của con chỉ là đang thử người. Đừng sợ duy trì thái độ công chính với con, như vậy mới khiến con có cảm giác an toàn. Đừng khiến con dưỡng thành thói quen xấu. Khi còn thơ ấu, con cần dựa vào người để phán đoán đúng sai. Đừng để con cảm thấy phạm phải sai lầm chính là phạm tội, nó sẽ làm hy vọng của con đối với cuộc sống này suy yếu.”

Theo cmoney.tw - Khải Phong biên dịch
Read More

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Hoài Trần

- Sống ở nông thôn, vùng núi hay thành thị tốt hơn?

hình minh họa (baomai)

Khi lo lắng về tình trạng ô nhiễm hoặc cảm thấy stress, bạn có lẽ đã từng băn khoăn tự hỏi liệu rời khỏi thành phố, thị trấn nơi bạn đang sống để về miền nông thôn liệu có giúp cải thiện được không chỉ niềm vui mà cả sức khỏe của mình hay không.

Nhưng việc nghiên cứu được rút ra dựa trên những bằng chứng cụ thể nhằm giúp ta xác định được các môi trường sống lành mạnh nhất lại cho kết quả khá là khiêm tốn.

Trong lúc bắt đầu tách dần các mối liên hệ giữa việc sống vui sống khỏe ra khỏi vấn đề môi trường, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có nhiều sự khó chịu [nuances] góp phần và làm giảm bớt những lợi ích mà một môi trường sống cụ thể có thể đem đến cho chúng ta, cho dù đó là ở thành thị tập trung cả triệu dân hay ở vùng biển vắng bóng người.

"Điều mà chúng tôi, một nhóm các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, đang thử làm là không cổ súy cho những thứ willy-nilly này, mà tìm ra những bằng chứng ủng hộ cũng như phản bác đối với việc làm sao các môi trường tự nhiên - và việc chúng ta ngày càng xa rời các môi trường đó - có ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe và sự vui vẻ, thoải mái của chúng ta," Mathew White, nhà tâm lý học chuyên về môi trường từ Đại học Y Exeter, nói.

White và các nhà nghiên cứu khác đang cho thấy có rất nhiều các yếu tố khác nhau tác động tới việc môi trường xung quanh ảnh hưởng tới chúng ta như thế nào. Những yếu tố này có thể bao gồm cả hoàn cảnh xuất thân và điều kiện sống của mỗi người chúng ta, chất lượng và thời gian chúng ta tiếp xúc với chúng, và các hoạt động được thực hiện trong môi trường đó.

Nói chung, các bằng chứng cho thấy những khoảng không gian xanh thì tốt cho những ai sống ở các khu đô thị. Những người sống gần công viên hoặc ở gần nhà có nhiều cây cối thường được hưởng bầu không khí ít ô nhiễm hơn, ít tiếng ồn hơn, và có cảm giác mát mẻ hơn (là điều ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh khí hậu toàn cầu ngày càng ấm nóng lên).

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Những khoảng không tự nhiên ảnh hưởng có lợi tới các hoạt động thể lực và xã hội của chúng ta - và cả hai loại hoạt động này đều gắn với vô số các lợi ích khác.

Có thời gian sống trong tự nhiên từ trước tới nay được gắn với việc giúp giảm bớt căng thẳng. Khi chúng ta bước ra ngoài đi dạo hoặc chỉ cần ngồi bên dưới hàng cây, nhịp tim và huyết áp của chúng ta có xu hướng giảm bớt. Chúng ta cũng tạo ra nhiều 'tế bào sát thủ' tự nhiên hơn: là lymphocytes chạy trong khắp cơ thể chúng ta, săn lùng các tế bào ung thư và các tế bào nhiễm virus.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách xác định tại sao điều đó lại xảy ra, tuy họ đã đưa ra một số giả thuyết.

"Một lý thuyết chiếm ưu thế là các không gian tự nhiên đóng vai trò như một bối cảnh yên bình với những kích thích bận rộn của thành phố", Amber Pearson, một nhà địa lý y tế tại Đại học bang Michigan cho biết. "Từ góc nhìn tiến hóa, chúng tôi cũng kết hợp những thứ tự nhiên như là nguồn lực quan trọng cho sự sống còn, vì vậy chúng tôi ủng hộ chúng".

Tuy nhiên, điều này không nhất thiết có nghĩa là tất cả cư dân đô thị nên di chuyển đến vùng nông thôn.

Cư dân thành phố có xu hướng bị bệnh hen suyễn, dị ứng và trầm cảm cao hơn. Nhưng họ cũng có xu hướng ít béo phì hơn, có nguy cơ tự sát thấp hơn và ít có khả năng thiệt mạng do bị tai nạn. Họ sống hạnh phúc hơn và nhìn chung là sống thọ hơn.
Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Mặc dù chúng ta có khuynh hướng liên hệ các thành phố với tình trạng ô nhiễm, tội phạm và căng thẳng, nhưng việc sống ở vùng nông thôn cũng đòi hỏi phải có những hy sinh nhất định. Chẳng hạn như các loài côn trùng và nhện mang bệnh có thể làm giảm mức độ lành mạnh ở các căn nhà gỗ ở vùng thôn quê thơ mộng Maine.

Trong các trường hợp khác, tình trạng ô nhiễm ở nông thôn tạo ra một mối đe dọa lớn. Tại Ấn Độ, ô nhiễm không khí góp phần vào cái chết của 1,1 triệu người hồi 2015, trong đó người dân sống ở vùng nông thôn chứ không phải thành thị chiếm tới chiếm 75% số nạn nhân. Điều này chủ yếu là do người dân nông thôn phải hít thở không khí bị ô nhiễm phát sinh từ việc đốt ruộng, củi hoặc phân bò (được dùng để đun nấu và sưởi ấm).

Tập quán chặt cây đốt rẫy ở Indonesia cũng tạo ra những thảm khói độc kéo dài nhiều tháng, đôi khi còn tác động cả tới các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trong khi đó, khói ô nhiễm từ các đám cháy ở Nam Mỹ và Nam Phi đã lan ra toàn bộ vùng nam bán cầu. (Tuy nhiên, phải nói rằng bầu không khí ở nam bán cầu nhìn chung là trong lành hơn so với bắc bán cầu, đơn giản là vì có ít người sống ở đó hơn).

Câu chuyện không chỉ ở các nước đang phát triển: cháy rừng ở miền tây nước Mỹ đang tàn phá chất lượng không khí, trong lúc ô nhiễm từ việc sử dụng phân bón hóa học tại trang trại đang làm giảm chất lượng không khí ở châu Âu, Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Vậy ý tưởng lấy không khí trong lành từ các vùng núi cao thì sao? Đúng là tỷ lệ khí cacbon độc hại và các hạt vật chất ô nhiễm trong không khí có xu hướng thấp hơn ở các khu vực trên cao. Nhưng việc tìm cách đưa không khí từ trên cao xuống có thể lại gây ra các vấn đề khác.

Trong khi những người sống ở những nơi có độ cao từ 2.500m trở lên có tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch, đột quỵ và một số loại ung thư thấp hơn, nhưng dữ liệu cho thấy họ dường như có nguy cơ cao tử vong do phổi mãn tính do nhiễm trùng đường hô hấp.

Điều này một phần có thể là vì xe hơi và các loại xe khác hoạt động kém hiệu quả hơn ở những nơi có độ cao cao, xả ra nhiều hơn lượng khí hydrocacbon và carbon monoxide - điều này thậm chí còn gây hại nhiều hơn do bức xạ mặt trời tăng ở những nơi như vậy. Do đó, sống ở độ cao trung bình 1.500 đến 2.500 mét có lẽ sẽ là trong lành nhất.

Mặt khác, có một lập luận mạnh mẽ về việc sống gần biển, hoặc ít nhất là gần nơi nào đó có nguồn nước.

 
Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES 

Ví dụ, những người ở Anh sống gần biển hơn có xu hướng ít phải chi trả tiền chữa bệnh hơn so với những người sống trong đất liền, kể cả khi đã tính đến các yếu tố tuổi tác và tình trạng kinh tế xã hội.

Điều này có thể do nhiều lý do, White nói, trong đó bao gồm cả thực tế là sự tiến hóa khiến chúng ta bị hấp dẫn bởi những mức độ đa dang sinh học cao tồn tại ở đó (trước đây thì vấn đề này là một chỉ dấu hữu ích về nguồn thực phẩm) và những bãi biển khiến chúng ta có nhiều cơ hội để tập thể dục hàng ngày hơn, và có thêm nhiều vitamin D.

Tiếp đến là những lợi ích tâm lý. Một nghiên cứu hồi 2016 do Pearson và các đồng nghiệp của bà thực hiện tại Wellington, New Zealand cho thấy những người được nhìn thấy biển hàng ngày thì có ít căng thẳng thần kinh hơn.

Cứ với mỗi 10% khoảng không màu xanh nước biển mà người ta nhìn thấy nhiều hơn, các nhà nghiên cứu nhận thấy sẽ làm giảm một phần ba điểm trung bình trong thang điểm về mức độ căng thẳng tâm lý Kessler (được dùng để ước đoán mức lo lắng và rối loạn tâm lý) độc lập với tình trạng kinh tế xã hội.

Dựa trên kết quả đó, Pearson nói, "Người ta có thể hy vọng rằng mức tăng 20-30% về khả năng nhìn thấy biển có thể giúp một người chuyển từ trạng thái suy sụp tinh thần ở mức trung bình sang mức nhẹ hơn."

Pearson tìm thấy kết quả tương tự trong một nghiên cứu tiếp theo được tiến hành gần Great Lakes ở Mỹ (hiện đang được xem xét), cũng như White trong một nghiên cứu đang tiến hành về cư dân Hồng Kông.

 
Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể chuyển tới sống ở bờ biển.
Do đó, Simon Bell, chủ tịch kiến trúc cảnh quan tại Đại học Khoa học Đời sống Estonia và là phó giám đốc Trung tâm OPENspace tại Đại học Edinburgh, cùng các đồng nghiệp đang thử nghiệm xem liệu việc khôi phục các nguồn nước bị lãng quên trên khắp châu Âu có thể tạo tác động tích cực nào không.

Họ phỏng vấn các cư dân trước và sau khi phục hồi, bao gồm cả một bãi biển xuống cấp ở ngoại vi Tallinn, Estonia, và một con kênh công nghiệp gần khu phức hợp căn hộ kiểu Xô-viết ở Tartu, Estonia, cùng các nơi khác ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Anh.

Lần phân tích thứ hai đối với gần 200 địa điểm nguồn nước được tái phát triển trong thời gian gần đây sẽ cho phép họ tìm hiểu các yếu tố như khí hậu, thời tiết, mức độ ô nhiễm, mùi, tính thời vụ, an toàn và an ninh, khả năng tiếp cận và nhiều yếu tố khác nữa.

Mục tiêu cuối cùng, Bell nói, là nhằm tìm ra xem "điều gì tạo ra một không gian xanh dương tuyệt vời." Khi có kết quả, ông và các cộng sự sẽ phát triển một công cụ đánh giá chất lượng giúp tìm cách khôi phục hiệu quả nhất các kênh đô thị, các ao hồ bị khai thác không đúng cách, các bến đậu thuyền, các con sông và những không gian xanh khác bị bỏ quên, nhằm làm cho cuộc sống của cư dân tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, khi nói đến hạnh phúc, các nhà nghiên cứu không biết rằng hồ so sánh với đại dương hoặc sông so sánh với biển thì sẽ ra sao. Họ cũng không so sánh các bãi biển ở Iceland với những bãi biển của Florida.

Điều mà họ biết là các yếu tố phức tạp, bao gồm chất lượng không khí và nước, sự đông đúc, nhiệt độ và thậm chí cả việc thủy triều lên xuống cũng ảnh hưởng đến những chúng ta không khác gì một chuyến đi ra biển.

"Có thể có hàng triệu thứ quan trọng khác, bên cạnh thời tiết và ánh sáng ban ngày, ảnh hưởng đến ai đó ở Hawaii hay Phần Lan," White nói.

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Về mặt y tế, dữ liệu cũng cho thấy rằng, ngược lại, những người thỉnh thoảng thay vì là thường xuyên sống ở những nơi chan hòa ánh nắng - ví dụ như Vermont và Minnesota ở Mỹ, hay Đan Mạch và Pháp - có xu hướng có tỷ lệ ung thư da cao hơn. Điều này nhiều khả năng là vì họ không có thói quen sử dụng kem chống nắng hàng ngày.

Cũng giống như việc có thêm không gian xanh lá và xanh dương có thể đem lại lợi ích hơn so với các màu khác, các nhà nghiên cứu cũng đang nhận ra rằng ảnh hưởng của môi trường đối với sức khỏe không được phân phối đồng đều.
Những người sống trong điều kiện kinh tế xã hội thấp hơn có khuynh hướng được hưởng lợi nhiều hơn từ các không gian tự nhiên so với những người giàu có, White nói.

Điều này có thể là do những người giàu thì được hưởng các đặc quyền cải thiện sức khỏe khác, như có các kỳ đi nghỉ và có cuộc sống nhìn chung là ít căng thẳng hơn - một phát hiện có ý nghĩa quan trọng trong đời thực. "Tại Anh, chính quyền địa phương có nghĩa vụ pháp lý trong việc phải giảm bớt sự bất bình đẳng về sức khỏe. Một cách để làm điều đó là cải thiện hệ thống công viên, "White nói. 
"Người nghèo nhất sẽ được hưởng lợi nhiều nhất."

Điều quan trọng cần lưu ý là việc di chuyển đến một bờ biển hoặc rừng tương đối hoang sơ sẽ không giúp giải quyết được vấn đề. Các hoàn cảnh khác sống - như là bị mất việc làm, xin được công việc mới, kết hôn hoặc ly dị -đều có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đến sức khỏe của chúng ta. Như White nói, cho dù bạn sống ở bất kỳ môi trường nào thì "Có nhà để ở vẫn quan trọng hơn nhiều so với việc sống cảnh vô gia cư vô gia cư trong công viên."

Bell nói thêm rằng sự gần gũi với thiên nhiên thực ra có xu hướng bị xếp hạng thấp trong danh sách những yếu tố quan trọng nhất mà mọi người quan tâm đến khi chọn nơi sinh sống, sau những thứ như an toàn, yên tĩnh và gần gũi với những địa điểm quan trọng như trường học và nơi làm việc.

Thế nhưng những người sống trong những thành phố sạch sẽ bên bờ biển và luôn có thể đến với đời sống thiên nhiên, chẳng hạn như Sydney hay Wellington, thì hẳn đã như trúng số độc đắc khi được sống trong những nơi trong lành nhất cho sức khỏe.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future
Rachel Nuwer BBC Future
Read More

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Hoài Trần

- Người Mỹ dạy 13 điều giúp con gái mạnh mẽ và tự tin

13 điều dạy con gái của bà mẹ Mỹ này rất khác biệt với quan niệm phụ nữ phải đoan trang, giàu đức hy sinh của người châu Á, trong đó có Việt Nam. Tư tưởng dạy con cấp tiến và hiện đại này rất đáng lưu tâm.

Tư tưởng ngàn đời của người Việt Nam luôn kỳ vọng con gái dịu hiền, thùy mị, đoan trang, trung trinh tiết hạnh, giàu đức hy sinh… Ngoài xã hội thì giỏi giang đảm đam. Trong gia đình thì một lòng vì gia đình, chồng con. Tuy nhiên, cách dạy con gái này lỗi thời, vô tình đặt gánh nặng trách nhiệm quá lớn cho con.

Là bố mẹ có con gái, bạn nên đọc 13 điều dạy con gái 5 tuổi thú vị của bà mẹ này.
Dạy con gái yêu bản thân
Một bà mẹ Mỹ tên Toni Hammer đã liệt kê trên Instagram về cách dạy con gái của mình. Bà mong muốn cô con gái 5 tuổi của mình nên yêu bản thân và quan tâm tới cảm xúc cá nhân. Đừng quá quan trọng cách đánh giá của người khác.

1. Khi người khác va vào con, con không cần phải xin lỗi.

2. Không nói: “Xin lỗi, cháu là một người rắc rối”. Con không phải là một người rắc rối, con là một đứa trẻ có suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình, và đáng được người khác tôn trọng.

3. Khi không muốn ra ngoài với một người đàn ông, con không cần phải tìm lý do để từ chối, chỉ cần trả lời đơn giản là: “Không, cảm ơn” là được. Con không nợ bất cứ ai một lời giải thích.

4. Khi ăn uống trước mặt người khác, không cần nghĩ quá nhiều. Nếu như con đói, hãy cứ ăn đi. Hãy ăn bất cứ món gì con thích. Nếu thích pizza, hãy gọi pizza, không nên vì có người khác ở đó mà đổi sang món salad.

5. Không nên vì muốn làm hài lòng người khác mà luôn để tóc dài.

Trong độ 10 - 12 tuổi, con gái có xu hướng trưởng thành nhanh hơn con trai và bước vào giai đoạn...Tiền dậy thì: Top những điều con gái cần ba mẹ hiểu

6. Nếu con không thích mặc một bộ đồ nào đó, con có thể không mặc.

7. Không nên vì không có bạn mà cả ngày không bước chân ra khỏi nhà. Con có thể tự đi một mình, vì bản thân mà tạo ra những trải nghiệm thuộc về chính con.

8. Không nên kìm nén nước mắt. Khóc sẽ giải phóng những cảm xúc bên trong lòng con chứ không phải là biểu hiện của sự yếu đuối. Đó là bản tính của con người.

9. Không nên vì yêu cầu của người khác mà cố gắng gượng cười.

10. Đừng lo lắng hay e ngại khi con cười lớn trước những câu nói đùa của chính con.

11. Không nên vì lịch sự mà việc gì cũng nói “được”. Con có thể nói “không”, bởi đó là cuộc đời của bản thân con chứ không phải cuộc đời của người khác.

12. Không nên che giấu suy nghĩ của mình, hãy dũng cảm nói ra, tiếng nói của con sẽ được lắng nghe.

13. Không nên vì “làm chính mình” mà phải xin lỗi người khác. Hãy trở thành một người dũng cảm, không sợ hãi và xin đẹp, đường đường chính chính, đĩnh đạc làm chính mình theo cách tốt nhất.

Những lời dạy dỗ này trao tặng cho cô con gái nhỏ sự tự tin và khả năng suy nghĩ độc lập quý giá. Quan niệm dạy con này nhanh chóng được các mẹ thích thú và chia sẻ.

Mẹ Việt nên xem lại cách dạy con
Các cô gái thụ hưởng nền giáo dục Tây học, đặc biệt là những cô gái Mỹ, rất xem trọng cảm nhận bản thân. Họ mạnh mẽ, tự tin, sống tích cực… Họ có thể làm được nhiều việc mà đàn ông có thể làm được. Họ tự định đoạt cuộc sống của mình, và luôn nỗ lực đạt được mục tiêu bản thân.

Để làm được điều đó, chính bố mẹ phương Tây luôn tôn trọng và xem con như một người trưởng thành. Bài học dạy con gái của người mẹ Mỹ trên thể hiện bà là người yêu con, biết cách dạy con tích cực.


Trong khi đó, người phụ nữ Việt Nam ngay từ nhỏ đã được dạy về tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh… Chúng ta phải học làm thế nào từ bỏ cảm xúc cá nhân, thích ứng với xã hội.

Bạn hẳn đã nhiều lần tự hỏi: Vì sao con nít nước ngoài độc lập vậy, vì sao phụ nữ nước ngoài tự tin và giỏi giang vậy. Tất cả đều bắt nguồn từ quan điểm giáo dục. Chúng ta chịu ảnh hưởng với cách dạy truyền thống. Nhưng đã đến lúc nên nhìn lại cách dạy con gái của mình, nếu bạn muốn con sống yêu đời và tích cực.

Theo marryliving
Read More

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018

Hoài Trần

- 10 việc bố mẹ nhất định cần "ép" con làm bằng được, trẻ sẽ hưởng ích lợi suốt đời!

Nhà tâm lý học người Mỹ William James từng nói rằng: "Gieo một hành động sẽ thu lại được một thói quen, gieo một thói quen sẽ thu lại được một tính cách và gieo một tính cách sẽ thu lại được một vận mệnh."


Nói như vậy có nghĩa là, vận mệnh của mỗi chúng ta được quyết định bởi tính cách của chúng ta. Mà tính cách thì hình thành từ thói quen. Thói quen tốt sẽ hình thành tính cách tốt và ngược lại.
Sức mạnh của thói quen mạnh hơn rất nhiều so với suy nghĩ của chúng ta, nó có thể đưa một người lên thiên đường nhưng cũng có thể tiễn một người xuống địa ngục.

Vậy thì thói quen của con người nên được hình thành vào thời điểm nào? Câu trả lời đó là khi mỗi người còn là một đứa trẻ. Chẳng thế mà ông bà ta từ xưa đã có câu: "Dạy con từ thuở còn thơ".

Thói quen xấu sẽ đưa trẻ rời xa con đường đúng đắn, thói quen tốt có thể thúc đẩy trẻ dũng cảm, mạnh dạn tiến về phía trước trên con đường mang tên cuộc đời.

Cổ nhân có câu: "Tính tương cận, tập tương viễn", con người khi mới sinh ra, tính tình đều như nhau cả, chỉ là trong quá trình trưởng thành, chịu ảnh hưởng của môi trường hoàn cảnh mà tập tính, thói quen trở nên khác nhau mà thôi.

"Từ tốt trở thành xấu chỉ trong một khắc, từ xấu muốn trở nên tốt phải mất cả năm", câu nói này quả không sai.

Thói quen tốt là đọc sách có thể biến mất chỉ trong tích tắc, thay thế cho thói quen tốt đó là thói quen cày game trên mạng; Thói quen xấu là hút thuốc lá muốn cai, rất muốn cai nhưng để cai được phải mất rất nhiều thời gian.

Vì thế nên, chỉ có hình thành thói quen tốt từ nhỏ, mới có thể khiến đứa trẻ lớn lên được hưởng ích lợi cả đời.
Ảnh minh họa.

Dưới đây là 10 việc – tương đương với 10 thói quen bố mẹ nên cố gắng "ép" con làm càng sớm càng tốt.

1. Việc của mình tự mình làm
Con người sống một đời, có rất nhiều thói quen hình thành từ tấm bé.

Như hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh – Phổ Nghi từ nhỏ đã được chăm theo kiểu: Cơm đưa đến miệng thì há miệng, quần áo đưa đến người thì chỉ việc dang tay ra mặc, ra ngoài đều có người đưa đón…

Đến khi trở thành bình dân, ông hầu như không biết tự sắp xếp cuộc sống của mình, áo mặc ngược, cúc đóng lệch, có lần quét đường thậm chí còn lạc mất đường về.

Con người ai cũng phải biết việc cơ bản nhất là tự chăm sóc bản thân. Cuộc sống phải tự mình trải qua, đó mới là nhân sinh. Như thế, khi có một ngày bố mẹ nên buông tay, mới có thể quá lo lắng, con cái cũng không quá sợ sệt.

2. Có việc cần làm sớm nhất có thể, không để nước đến chân mới nhảy

Rất nhiều người trưởng thành hiện nay mắc chứng bệnh "cao su", nước đến chân mới nhảy. Những người này thuộc nhóm thiếu thói quen xử lý mọi việc theo hướng sớm nhất có thể.

Hãy hình thành cho trẻ thói quen này, như thế trẻ sẽ có đủ thời gian để ứng phó với những việc phát sinh, từ đó hình thành nên một tâm thái ung dung tự tại, không vội vã mà hỏng việc.

Ví dụ như nhất định phải yêu cầu trẻ làm xong bài tập mới được đi chơi…

3. Tham gia vào việc nhà, hình thành tính trách nhiệm
Bố mẹ đừng nghĩ rằng trẻ còn nhỏ, chưa thể làm giúp mình việc gì.

Hãy để trẻ làm những việc vặt vừa sức trong nhà, việc này có thể giúp trẻ hình thành nên tính trách nhiệm cần thiết suốt đời. Hãy để trẻ cảm nhận và hiểu rõ mình là một thành viên trong gia đình, phải có nghĩa vụ đảm đương gánh vác một số việc nhất định.

Trẻ hình thành được thói quen làm việc nhà sau này sẽ có lợi cho tương lai, khi chúng lớn lên, xây dựng gia đình của riêng mình.

4. Hình thành thói quen đọc sáchNhất định phải để trẻ đọc một lượng sách thật lớn, vì việc đọc rất quan trọng.

Không cần giới hạn cho trẻ phải đọc sách nổi tiếng hay sách theo chủ đề nào đó, hãy để trẻ đọc những gì chúng hứng thú. Chỉ cần để trẻ hình thành nên thói quen này, ngồi yên và đọc sách là được.

Ngoài ra, bố mẹ cũng nên là những người thích đọc sách, thường xuyên đọc sách cùng con, như thế sẽ tạo thêm hứng thú và động lực cho trẻ.

Sách là nguồn kiến thức vô hạn, từ sách trẻ sẽ có một kho từ vựng phong phú, nâng cao khả năng viết lách, mở rộng kiến thức, nâng cao khả năng diễn đạt…

5. Học cách lựa chọn, biết cho đi và giữ lại

Chúng ta đều hiểu rằng đời người phải có cho đi, mới có nhận lại, nhưng khi thực sự cần cho đi, đặc biệt là khi phải từ bỏ những gì mình thích nhất, chúng ta lại rơi vào đau khổ tiếc nuối.

Từ nhỏ bồi dưỡng cho trẻ khả năng lựa chọn, kiến thức về việc cho đi, giữ lại cũng như thói quen tư duy, điều này giúp con bạn khi đối mặt với những vấn đề lớn sau này sẽ không bị bối rối, đồng thời trẻ cũng sẽ có mục tiêu rõ ràng cho mình.

Người càng sớm có mục tiêu cho mình thì cơ hội thành công càng cao.

6. Hình thành một nếp sống có quy luật, phép tắc

Sinh hoạt có quy luật là một trong những nhân tố giúp cơ thể khỏe mạnh.

Giờ giấc đảo lộn, thời gian ăn cơm không cố định, chơi điện tử thâu đêm… đây chính là những biểu hiện điển hình của việc thiếu khả năng tự kiểm soát bản thân. Và như đã nói, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Vì thế, bố mẹ hãy giúp con hình thành nên thói quen sinh hoạt có nề nếp, quy luật, ví dụ mỗi ngày dậy vào lúc mấy giờ, ăn cơm vào giờ nào, làm bài tập vào giờ nào, đọc sách mấy lần, mấy giờ đi ngủ…

Sinh hoạt có giờ giấc, khi lớn lên trẻ có thể tự quy hoạch cuộc đời mình, tự lên kế hoạch cho mọi việc và có tính kiên nhẫn cao hơn hẳn những đứa trẻ sống không có quy luật.

Ảnh minh họa.

7. Học cách lắng nghe, vui vẻ giúp đỡ người khác
Để làm được việc này, bố mẹ trước tiên hãy chịu khó lắng nghe con nói. Lắng nghe con nói là sự tôn trọng mà bố mẹ dành cho trẻ, làm được việc này, bố mẹ mới có thể dạy con lắng nghe mình và những người khác, hiểu cho người khác.

Hãy dạy trẻ học cách tôn trọng ý kiến của người khác và vui vẻ giúp đỡ những người xung quanh.

Việc này rất quan trọng khi trẻ trưởng thành và tham gia vào các mối quan hệ trong xã hội. Người có khí chất, thấu hiểu và chia sẻ sẽ luôn có những mối quan hệ xã hội rộng rãi.

8. Có sai buộc phải sửa, không được tái phạm lần 2
Khi trẻ mắc sai phạm, chớ vội nóng nảy nhưng không cho phép lặp lại lần thứ 2. Nếu còn tái phạm sẽ không được tha thứ.

Hãy chỉnh đốn sai phạm cho trẻ và dạy trẻ hình thành nên thói con sửa sai, phản tỉnh lại thói quen, lời nói và hành động của mình.

9. Dạy trẻ dám thử sức, dám hoài nghi

Trên thế giới này không có một con đường nào có thể chắc chắn dẫn đến thành công. Trong cuộc sống luôn có những yếu tố tiềm ẩn, thiên biến vạn hóa không dễ dàng nắm bắt.

Vì thế, muốn thành công phải có dũng khí, phải dám thử. Trong bối cảnh chưa thể xác định chắc chắn, tinh thần mạo hiểm sẽ là nguồn tài nguyên hiếm có nhất.

Hãy cổ vũ trẻ dám thử, và cũng nên cổ vũ trẻ dám hoài nghi bằng cách bồi dưỡng sự tự tin, tinh thần dám gánh vác và tư duy độc lập.

Ảnh minh họa.

10. Khống chế cảm xúc của bản thân
Đừng cho rằng trẻ nhỏ mà muốn khóc là khóc muốn cười là cười, muốn cáu giận là cáu giận. Thực ra kiểm chế cảm xúc là việc mà một con người phải làm cả cuộc đời.

Cảm xúc của trẻ nhỏ cũng cần có không gian để trút xả và cũng cần có thói quen khống chế, điều tiết.

Ví dụ trẻ gặp phải vấn đề khó, không kiên nhẫn, hãy nói với trẻ gặp khó khăn mà tỏ ra chán nản, bực dọc không mang lại lợi ích gì, chẳng bằng cứ làm những việc nhỏ dễ dàng hơn, đợi khi bình tâm lại, con sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề trước đó.

Nếu như con bạn chưa hình thành được những thói quen tốt này, vậy thì ngay từ bây giờ, bạn nên "ép" các bé đi là vừa nếu muốn sau này, trẻ có thể tự chăm lo tốt cho cuộc đời mình.

Nguyễn Nhung


Read More
Hoài Trần

- HỌC SINH VỚI ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG

Ảnh minh họa (Báo Người Đưa Tin)

Cách đây hai năm, vào một buổi chiều, tôi đến trường đón đứa cháu nội về, thì một bé trai lớp Một đến gần và xin mượn điện thoại của tôi. Tôi ngạc nhiên, thế là cháu nói: “Cháu mượn để nói chuyện với mẹ cháu”. Tôi hỏi lại: “Thế cháu có biết số điện thoại của mẹ cháu không?”. Bé đáp lại liền, dõng dạc. Tôi nghĩ rằng, trong trường tiểu học, chắc là có nhiều học sinh đã sử dụng điện thoại di động, và có một số không ít sở hữu điện thoại di động.
Trường tiểu học đã như thế, trường trung học chắc là hơn thế nhiều. Các học sinh trường trung học cơ sở đã a-lô thành thạo. Chưa bàn cái hay, cái dở của điện thoại di động trao vào tay thiếu niên, chỉ một ưu điểm của phương tiện này là trong thành phố đường sá chằng chịt, đi lại khó khăn, xe cộ đông đúc, nó là nhịp cầu liên lạc giữa cha mẹ và con cái trong những trường hợp bất thường: đón con trễ, khuyên con ăn tạm cái gì để đi học thêm, con bận sinh hoạt lớp…

Ngoài lợi ích như thế, việc học sinh tiểu học và trung học đem điện thoại di động đến trường có gì hay? Chắc chắn là không. Thời gian ở trường là thời gian trẻ tập trung học, nghe giảng, làm bài, thực hành, sinh hoạt tập thể, không có hoạt động nào cần đến điện thoại. Vậy, học sinh đem điện thoại đến trường để làm gì? Chắc hẳn là sử dụng trong giờ ra chơi, hoặc giờ giải lao. Nếu học sinh sử dụng thường xuyên điện thoại trong những lúc như thế, là đi ngược lại với mục đích của giờ ra chơi: học sinh cần phải vận động, thư giãn sau khi ngồi lâu, cùng vui đùa với bạn để đầu óc thảnh thơi, hầu lấy năng lượngvào học tiếp.

Điện thoại phổ thông bây giờ không chỉ là điện thoại đơn giản, là “cục gạch” cổ lỗ sĩ để chỉ a-lô và nhắn tin. Thị trường có gì thì trẻ có nấy, với giá phù hợp với kinh tế gia đình. Điện thoại phải là smartphone (điện thoại thông minh), là iPhone (điện thoại nối Internet) để có thêm nhiều công dụng đa năng: Internet, web, video, thư, tin nhắn, Facebook, chụp ảnh, nghe nhạc, game và nhiều tiện ích của Google… Thế là đầu óc học sinh thêm phân tán và nếu lớp học hơi lơ là một chút thì thư qua từ lại, bí mật lướt web.

Về nhà, iPhone là bạn thiết thân của trẻ. Ngồi đâu cũng bấm, cũng lướt, kể cả trong bữa ăn gia đình. Khuya khoắt, cũng nghe điện thoại reo. Hờ hững với người trong nhà, nhưng lại reo vui, cười nói… với cái điện thoại (!) Có nó, trẻ chẳng ngó ngàng đến sách báo, đến thời sự, đến xã hội chung quanh. Đi chơi đâu, trẻ cũng biết cảnh đẹp, nhưng không sống hòa mình vào thiên nhiên, không ý thức hưởng không khí trong lành mà ở thành phố chật hẹp không thể có, trẻ chỉ đem về những lát cắt của chuyến đi chơi: đó là ảnh chụp về mình với các tư thế theo thời thượng, còn cảnh đẹp chỉ để làm phông. Chụp ảnh chán rồi cũng trở lại với bấm iPhone, mặc cho người thân ở một bên, nhiều khi ấn tai nghe vào để nghe nhạc, bỏ quên tiếng người và âm thanh của thiên nhiên. Phải chăng sống như thế là vô cảm, là làm nghèo trí tưởng tượng và tâm hồn?

Cả một thế giới thu nhỏ trong iPhone, muốn giải trí, muốn kiến thức, muốn hưởng thụ, tất cả đều có, chỉ với động tác quét nhẹ và bấm nút. Tất nhiên, người có nền tảng văn hóa và khoa học và người thực dụng sẽ dùng nó như là công cụ liên lạc khi cần thiết, đồng thời nó là phương tiện hỗ trợ, tra cứu, cung cấp kiến thức theo nhu cầu văn hóa và khoa học của mình; còn ai muốn tìm những thị hiếu nghe nhìn thì tha hồ, rồi còn không gian ảo để kết bạn, trao đổi, bình phẩm thì quá thuận lợi - thử hỏi nếu không có Facebook và những thứ tương tự thì đâu phải dễ để một đoạn văn, một tấm ảnh, vài câu thơ, chuyện tiếu lâm… phơi ra với đời, để thiên hạ bàn ra tán vào? Chỉ có những thành tựu tuyệt vời của công nghệ truyền thông và Internet mới đưa những con người bình thường làm chủ hoặc tham gia diễn đàn.

Cứ như thế, trong gia đình, bên cạnh thế giới thực với cuộc sống thực, có một không gian giao tiếp ảo, mở rộng với công cụ iPhone. Đồng minh của công cụ đó có thể kể thêm: laptop, iPad thật là tuyệt hảo..

Ai cũng thấy iPhone trao vào tay thiếu niên là lợi bất cập hại, nhưng trước sự thành tựu mê ly của công nghệ, với giá tiền càng ngày càng thấp, sự nở rộ của những cửa hàng “thế giới di động” và sự thâm nhập đến từng ngõ ngách gia đình của phương tiện truyền thông, đến mọi thành phần xã hội - kể cả giới buôn thúng bán bưng - thế thì làm sao chặn đứng cơn bão đến các cháu thiếu niên, đến nhà trường?

Thế mà có một nước phát triển thuộc loại bậc nhất trên thế giới chuẩn bị tiến hành biện pháp mạnh để giúp chấn hưng không khí học tập trong nhà trường. Vào ngày 10/12/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp, Jean-Michel Blanquer, đã tuyên bố với báo chí, điện thoại di động sẽ bị cấm ở trường tiểu học và trung học từ năm học 2018-2019 (bắt đầu từ tháng 9/2018). Thật ra, tin này không có gì bất ngờ, bởi vì trong chiến dịch tranh cử tháng 5/2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hứa hẹn sẽ thực hiện việc này.

Dư luận nói chung là đồng tình với ông bộ trưởng, tuy nhiên, như tờ báo Le Monde, quyết định này là táo bạo. Hiện nay, ở Pháp, điện thoại di động đã thâm nhập sâu vào độ tuổi thiếu niên. Hơn 80% số thiếu niên đã sở hữu điện thoại di động, so với 20% của năm 2011. Và làn sóng đó đã ập vào học sinhtiểu học, mà nhu cầu trước hết là liên lạc với cha mẹ, ngay từ lớp CM1 (tương đương lớp 4 VN).

Người ta đã thấy sự phức tạp khi thi hành lệnh cấm. Luật Giáo dục của Pháp (ngày 12/7/2010) đã cấm sử dụng điện thoại di động trong trường tiểu học và trung học trong giờ học. Thế nhưng, việc cấm trong sân trường vào giờ ra chơi và trong giờ nghỉ giải lao, khiến những nghiệp đoàn nhà giáo hoài nghi tính hiệu lực, bởi lý do tôn trọng sự lựa chọn của cha mẹ (muốn liên lạc với con sau giờ học) lẫn những bất tiện khi thi hành (nhân viên trường phải lục cặp học sinh).

Dư luận phản biện cho rằng thật đáng buồn là phải bắt buộc để đi đến quyết định đó. Điều đó tỏ dấu hiệu bất lực của người lớn muốn áp đặt những giới hạn, mà không có biện pháp căn cơ hơn (nhưng không đề ra biện pháp nào là căn cơ?). Người ta nhớ lại, vào thời đã xa, tivi ập đến mọi gia đình, đã có những người cự tuyệt, không muốn trẻ xem và nghi ngờ rằng không thể quản lý con trẻ xem tivi.

Ngày nay, Internet, thông qua máy vi tính và điện thoại di động, đã cách mạng hóa những cách thức truyền thông và cuộc sống, với tốc độ nhanh và ban đầu nhiều người dị ứng, cấm con họ dùng. Bà Béatrice Copper-Royer, nhà tâm lý học lâm sàng, chuyên về tuổi thiếu niên, đã nhận định: “Tôi luôn luôn nghĩ rằng những cấm đoán do ông bộ trưởng đề ra là hơi đơn giản và một nền giáo dục cho phép dùng một cách hợp lý là hay hơn. Sự bắt buộc điều đó là khó khăn. Cha mẹ sẽ mau mệt mỏi trong cuộc chiến chống lại con, và sẽ thua vì áp lực lớn. Chính cha mẹ cũng bị khuyết điểm không nêu gương, và lời nóicủa họ đi ngược với tập tính của họ. Từ đó, sự quá mức, sự vượt rào đã xảy ra. Một số người cho con điện thoại thông minh ngay từ tiểu học. Một đứa trẻ 9 tuổi, học lớp CM1, nói với tôi, nó thường lướt mạng mà không bị kiểm soát, và nó đã có một tài khoản trên Instagram. Ngay từ nhỏ, điện thoại của nó đã trở nên thiết yếu và chiếm một phần lớn thời gian rảnh: ảnh, video, nhắn tin, không gì thích thúbằng…”.

Ở bậc trung học, học sinh đa số đều có. Những đứa ngổ ngáo chỉ giả bộ tập trung chú ý trong những giờ học để láo liên trên màn hình điện thoại, còn những đứa khác chờ để hỏi vào giờ ra chơi, rồi chúng truyền thông bằng cách gửi thư. Biết bao bí mật cho trẻ khám phá vào tuổi dậy thì. Truyền thông đó, thông qua mạng xã hội xem như là phương tiện giải tỏa ẩn ức và những gì sâu kín. Sự quấy rối tình dụctrên mạng là hậu quả của những trang mạng khiêu dâm, những trang viết và tranh ảnh khơi gợi tính dục, thật sự là một tai họa trước mắt và lâu dài cho nhà trường và xã hội.

Vậy thì, trường học phải là nơi thực hành, nơi chuyển giao tri thức, nơi giáo dục xã hội hóa, không thể bị ô nhiễm bởi truyền thông ảo quá đáng và không kiểm soát. Mong rằng, quyết định đó được thi hànhhiệu quả, nhưng nó không chỉ liên quan đến các nhà giáo. Cha mẹ học sinh luôn luôn là những người tốt nhất để hỗ trợ biện pháp này.

Hiện tượng thiếu niên sở hữu iPhone là có tính toàn cầu, và chắc rằng ở đâu người ta cũng lo lắng về chuyện say mê thế giới ảo, để rồi vô tình nhiễm phải bệnh ghiền. Ở Pháp, mức độ học sinh sử dụngiPhone trong nhà trường tiểu học và trung học đến mức báo động khiến ông tổng thống phải đề ra chính sách và ông bộ trưởng phải cương quyết ra tay. Ở nước ta, chưa thấy một sự cảnh báo nào từ lãnh đạongành giáo dục về hiện tượng học sinh sử dụng iPhone ở trường; tuy thế sự cảnh báo từ dư luận xã hộikhông phải là không có, trên bình diện rộng lớn hơn là chỉ ở nhà trường. Bệnh “nghiện điện thoại di động” tiếng Anh gọi là Nomophobia (no-mobile-phone phobia) càng ngày càng trở nên phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn. Nghiện rượu, không có rượu thì không chịu được; cũng thế, nghiện điện thoại di động, không có nó bên mình, kể cả khi ăn, khi ngủ, thì người nghiện không chịu được và sẽ trở thànhbệnh. Báo Tuổi Trẻ ngày 9/1/2018 cho biết: Một nữ sinh bị trầm cảm nặng vì nghiện Facebook, phải nhập Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần Trung Ương 1 (Hà Nội), sau các triệu chứng: bó học, sút cân, chán ăn, không giao tiếp với người thân và bạn bè, suốt ngày đóng cửa xem Facebook trên điện thoại.

Tuy nhiên, cần có cái nhìn thực tế. Một công cụ tuyệt vời như thế, đem lại nhiều tiện ích phong phú, kết nối mọi người với nhau, vượt qua ranh giới quốc gia, đang tràn ngập mọi nơi, thì không thể ngăn chặn nó đến với trẻ. Sự thích thú và tò mò cần phải được đáp ứng, như kiểu quả khế trên cành, làm sao trẻ không giải cơn thèm? Vả chăng, nếu được người lớn hướng dẫn tốt, trẻ sẽ tiếp cận cái mới nhanh nhạy, gợi cảm hứng cho say mê công nghệ. Vấn đề là trẻ sử dụng ở đâu và khi nào, với nội dung gì, thì cha mẹ và nhà trường phải có tiếng nói và biện pháp thuyết phục để trẻ chấp nhận.

Trẻ thành thị, nếu không đến trường, sống ở nhà một mình trong bốn bức tường của chung cư, trong khi cha mẹ đi làm thì không biết làm gì, nếu không bầu bạn với iPhone? Những buổi học thêm cũng là cách để cha mẹ gửi gắm con cho thầy cô thay vì để con một mình ở nhà với iPhone và tivi. Vì vậy, một mặt, trẻ cũng cần phải tiếp cận với phương tiện truyền thông mới với thời điểm thích hợp và thời lượng hợp lý, mặt khác, cần cho trẻ có nhiều hoạt động bổ ích, ngoài trời, có tính tập thể và thư giãn, chẳng hạn học kỹ năng sống, chơi thể thao, học đàn… để trẻ sống thật trong môi trường thật và lành mạnh, làm phong phú tâm hồn và tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Trẻ có nhiều hoạt động như thế thì trẻ chấp nhận sử dụng điện thoại di động có nơi, có lúc, với nội dung lành mạnh.

Tiến bộ khoa học công nghệ không dành cho một lứa tuổi nào, nếu không nói đối tượng chính là giới trẻ, cho nên việc quản lý trẻ càng ngày càng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi người lớn phải mất thì giờ quan tâm đến con và chính mình phải nâng cao trình độ kiến thức, tâm lý, sư phạm. Và có một bài học dạy cho con lâu dài nhất, đó là nêu gương. Rầy la con sa đà với iPhone, trong khi mình cũng bấm, quẹt, lướt trên màn hình mọi nơi, mọi lúc thì làm sao thuyết phục được con?

Tài liệu sử dụng: - Béatrice Copper-Royer, Téléphones interdits à l’école et au collège : une décision audacieuse, Le Monde.fr, 12/12/2017. - “Plus de téléphones portables dans les écoles et collèges à la rentrée 2018”, annonce Jean-Michel Blanquer, Le Monde. fr, 10/12/2017

Cao Huy Hóa | Văn Hóa Phật Giáo 15-3-2018 | Thư Viện Hoa Sen
Read More

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

Hoài Trần

- Con chăm cha không bằng bà chăm ông

Hãy đối xử tốt với chồng bạn! 
Đọc xong biết bao bà vợ rơi nước mắt

Kỳ thực đàn ông không hề mạnh mẽ như phụ nữ vẫn tưởng.

Khi chúng ta tóc bạc hoa râm, khi chúng ta già tới mức chân chùn gối mỏi, lưng oằn, nhưng chỉ cần anh ấy vẫn ở bên bạn, bạn sẽ biết rằng tiền bạc vàng, đô la đầy két cũng chẳng bằng ly trà do chính tay người bạn đã đi cùng suốt cuộc đời mang tới

Nỗi lòng giấu kín của những đấng mày râu mạnh mẽ
Có một hiện tượng là trong số những người cao tuổi thì các cụ ông thường qua đời sớm hơn các cụ bà. Tới khi về già thì dù tuổi tác bao nhiêu, dù sức khỏe thế nào, chỉ cần vẫn có chồng ở bên, thì dù sống 80 tuổi, 90 tuổi, hay 100 tuổi, bạn cũng sẽ không cảm thấy thê lương và cô độc.

Dẫu cho đến tuổi vãn niên vợ chồng bạn vẫn được ở bên nhau. Ban ngày hai người có thể cùng xem ti vi, đọc báo, nghe nhạc, cùng nhau uống trà tán chuyện, cùng nhau đi dạo thơ thẩn ngoài công viên hay cảm nhận thảm cỏ mềm mượt dưới bàn chân, hoặc cùng đi du lịch đâu đó. Niềm hạnh phúc đó kỳ thực dẫu con đàn cháu đống cũng không thể nào thay thế được.

Ảnh 24h.com

Bởi lẽ con chăm cha không bằng bà chăm ông. Huống hồ, con người ngày nay đa phần chỉ sinh một, hai con.

Theo nhận thức thông thường thì đàn ông sẽ kiên cường hơn phụ nữ. Nhưng vì sao có rất nhiều người cao tuổi đa số đều gặp cảnh cụ ông đi trước cụ bà?

Kỳ thực đàn ông không hề mạnh mẽ như phụ nữ vẫn tưởng. Họ kiên cường là vì tự mình nhẫn chịu và giấu hết thảy oan khuất, mất mát, trắc trở, thất bại, đau ốm, mệt mỏi, nước mắt, áp lực và gánh nặng cuộc sống vào sâu trong trái tim mình. Họ không chịu nói ra, và không muốn bộc lộ ra cho người khác biết được mà thôi.

Nhưng tất cả những cảm xúc giấu sâu trong đáy lòng này kỳ thực giống hệt như những con “vi-rút máy tính” này tới con vi-rút khác, tích tụ lại tới cuối cùng sẽ khiến ổ đĩa bị phá vỡ và máy tính bị treo.

Vì sao đàn ông lại trốn trong men say? Vì sao đàn ông lại ngập trong khói thuốc? Vì sao bạn thường bắt gặp vẻ mặt trầm tư của anh ấy? Kỳ thực nguyên nhân đa phần là do anh ấy đã tích tụ quá nhiều vi rút trong tâm hồn mình. Bởi lẽ anh ấy là đàn ông, anh ấy không thể dễ dàng rơi lệ trước mặt người khác, lại càng không thể dễ dàng thổ lộ cho họ biết được nỗi lòng mình.

Anh ấy bị ép phải trở thành hình tượng mạnh mẽ, cứng cỏi trước mặt vợ, các con và cha mẹ mình. Còn phụ nữ dẫu chỉ gặp một chút oan khuất là đều thì thầm to nhỏ với chồng, với cha mẹ, với các chị em gái và với những người bạn thân. Nên phụ nữ không tích tụ thứ vi rút ấy, chúng đa phần đều được xả hết ra ngoài.
Cho nên phụ nữ quen trút bỏ cảm xúc thường có tuổi thọ dài hơn. Còn đàn ông lại lìa đời sớm hơn vợ mình.

Bạn có muốn hai người có thể nắm tay nhau tới khi đầu bạc răng long, tới chặng cuối cùng của kiếp nhân sinh?

Làm thế nào mới có thể khiến các ông chồng có thể sống lâu hơn, để bầu bạn bên bạn tới lúc bạc đầu? Hãy bắt đầu hành động ngay từ bây giờ! Vậy thì bạn nên bắt tay làm những gì?

Một là, khi chồng về tới nhà, hãy cố gắng tạo cho anh ấy một bầu không khí ấm áp và thoải mái nhất
Kỳ thực không có khách khứa quan trọng tới thăm viếng thì sao lại cứ nhất định phải lau nhà sạch bong không còn hạt bụi? Sao quần áo cứ nhất định phải giặt luôn và ngay? Sao cứ nhất định phải khiến hai người đều căng thẳng trong khi đáng lý ra cả hai đều đáng được nghỉ ngơi, thư giãn? Vợ chồng đa phần cãi cọ đều chỉ vì việc nhà.

Cả hai đều cần được nghỉ ngơi, không khí căng thẳng là không cần thiết. (Ảnh: phuotstudio.com)

Hai là, khi chồng về nhà mang theo tâm trạng không vui, thì dù anh ấy không nói ra, bạn cũng cần tinh ý quan sát vẻ mặt của anh ấy.
Hãy dành cho anh ấy sự ấm áp của tình yêu thương, làm cho anh ấy một vài món ăn, kể cho anh ấy những câu chuyện hài hước, để đánh lạc hướng cảm xúc không vui của anh ấy, rồi hãy nhẹ nhàng tìm hiểu nguồn cơn.

Nếu anh ấy không muốn nói cho bạn biết, thậm chí không muốn đề cập tới chuyện đó thì bạn nhất định không được tiếp tục dò hỏi. Chắc chắn là anh ấy đang chịu tổn thương rất nặng nề. Lúc này đàn ông thường quen tự chữa lành vết thương của mình. Điều bạn có thể làm chính là: Yêu thương! Quan tâm! Dịu dàng! Mặc dù không chắc rằng có thể hóa giải vết thương và cảm xúc tích tụ trong nội tâm anh ấy, nhưng nhất định sẽ là liều thuốc xoa dịu nỗi đau cho anh ấy.
Nếu anh ấy chịu mở miệng thì dù anh ấy kể chuyện gì, bạn cũng đừng oán trách anh ấy vào lúc này. Điều bạn có thể làm là dẫn dắt và khơi thông cho anh ấy chuyển hướng khỏi những cảm xúc tiêu cực của mình.

Kỳ thực, tất cả những nỗi buồn của anh ấy, nói thẳng ra, thì hầu như không nằm ngoài hai chữ “Danh lợi”, hoặc tranh chấp với người khác hay bị sếp trách mắng.
Nếu bạn quan tâm tới sức khỏe của anh ấy, muốn chồng mình có thể nắm tay bạn tới đầu bạc răng long thì bạn không nên quan tâm tới danh lợi của chồng. Danh lợi trong sinh mệnh của anh ấy đã được an bài theo phúc phận mà anh ấy mang đến từ những đời trước. Nếu trong số mệnh của anh ấy có tiền tài thì ắt sẽ có. Nếu không thì dẫu tranh đấu đến hơi thở cuối cùng anh ấy cũng không thể đạt được. Giả dụ cố giành giật được thì cuối cùng cũng danh lợi cũng sẽ tiêu tan, không mất ở phương diện này cũng sẽ tổn thất ở phương diện khác. Đây là luật trời. Nếu bạn không để tâm tới công danh lợi lộc anh ấy sẽ thấy cuộc sống thật nhẹ nhàng. Sự thư thái này của anh ấy sẽ giúp bạn gặt hái được rất nhiều niềm vui và điều bất ngờ!

Thứ ba là, bạn nên khuyên anh ấy đừng uống rượu, hút thuốc quá đà.

Có câu rằng trong tiệc rượu mới tỏ rõ bậc anh hùng. Kỳ thực ngoài mặt thì mọi người khen ngợi anh ấy, nhưng quay lưng đi thì lại nói anh ấy thật ngốc nghếch. Nếu anh ấy không cai được thuốc lá cố gắng đừng hút thuốc kém chất lượng. Nhưng nhất định phải thuyết phục anh ấy hút thuốc lá ít thôi.

Bạn nên khuyên anh ấy đừng uống rượu, hút thuốc quá đà. (Ảnh: huffingtonpost.com)

Thứ tư, nếu hai bạn không có điều kiện dọn ra ở riêng và phải ở cùng mẹ chồng thì bạn nhất định phải chấp nhận hiện thực này, và cố gắng giữ mối quan hệ thật tốt với mẹ chồng.
Nếu bạn không thể nhẫn chịu được mẹ của chồng mình thì mâu thuẫn giữa hai người, mỗi cuộc đụng độ của bạn và mẹ chồng sẽ khiến anh ấy tổn thêm 1 năm, thậm chí là vài năm dương thọ. Ngược lại, nếu hàng ngày anh ấy đều bất hòa và cãi vã với mẹ của bạn thì bạn sẽ làm thế nào? Áp lực và sự bất lực lại đè nặng lên đôi vai bạn, chắc chắn cũng sẽ khiến tổn thọ mà thôi.

Nếu muốn chồng bạn bầu bạn với mình tới chặng cuối của kiếp người thì bạn hãy là người chăm sóc anh ấy. Chỉ cần bạn thực lòng yêu anh ấy thì sẽ không có nhiều điều kiện đính kèm, chắc chắn là bạn sẽ vui vẻ thử xem và tìm ra cách thích hợp nhất.

Làm được như vậy bạn sẽ phát hiện ra rằng, anh ấy sẽ sống rất vui vẻ, nhiệt tình, và luôn cảm thấy thành công, khỏe mạnh. Nhất định anh ấy sẽ đền đáp lại cho bạn. Đó là điều mà bạn không thể nào đoán biết được. Dẫu chỉ là một người bình thường thì anh ấy chắc chắn sẽ thực lòng yêu thương bạn. Anh ấy cũng sẽ ở bên bạn lâu hơn, sống thọ hơn, để nắm tay bạn đi tới cuối con đường.
Hãy làm một người vợ đảm đang bên cạnh chồng mình. (Ảnh: haohuotop.com)

Khi chúng ta tóc bạc hoa râm, khi chúng ta già tới mức chân chùn gối mỏi, lưng oằn, nhưng chỉ cần anh ấy vẫn ở bên bạn, bạn sẽ biết rằng tiền bạc vàng, đô la đầy két cũng chẳng bằng ly trà do chính tay người chồng đã đi cùng bạn suốt cuộc đời mang tới. Khi chúng ta già tới mức da nhăn nheo, thì những bộ quần áo sang trọng và mỹ phẩm đắt tiền cũng chẳng bằng những phút giây được cùng chồng nắm tay dạo bước trên thảm cỏ xanh mượt, giữa không gian tràn ngập ánh tà dương dịu dàng.

Khi chúng ta già tới mức chỉ có thể ngồi trên ghế nhún, thậm chí là trên xe lăn, bạn sẽ phát hiện ra rằng, nhà cao cửa rộng, quyền thế công danh cũng không bằng nửa đêm, sáng sớm chồng bật đệm sưởi và trìu mến hỏi han bạn.

Vì sao phải bắt đầu làm từ bây giờ chứ không phải sau này? Bởi vì, một cái cây uốn càng sớm thì nó càng thẳng. Chồng bạn cũng vậy, càng sớm quan tâm tới anh ấy thì dẫu anh ấy có gặp “vi-rút”, chúng cũng sẽ được tình yêu của bạn quét sạch kịp thời, không còn cơ hội tích lại về sau. Nếu bạn có thể làm được những điều này, thì anh ấy sẽ luôn mạnh khỏe và tràn ngập hạnh phúc. Đồng thời vì bạn và anh ấy sống với nhau, nên chắc chắn bạn cũng được đắm chìm trong niềm hạnh phúc ấy. Nhưng phải nhớ rằng khi đốc thúc anh ấy tiến thủ, bạn cũng cần phải chăm chỉ tu thân dưỡng tâm, để tăng thêm sức mạnh trong tâm hồn mình.

Minh Nguyệt – ĐKN



Có nhiều người đến cuối đời vẫn cảm thấy hối hận vì không thể ở bên cạnh thường xuyên để chăm sóc cha mẹ. 

Bạn dù đã lập gia đình, dù còn trẻ hay đã lớn tuổi thì hãy luôn nhớ cha mẹ luôn dõi theo chúng ta dù cho chúng ta thành công hay thất bại trong cuộc sống. 

Dưới đây là những câu nói hay và ý nghĩa về cha mẹ bạn cùng đọc và cảm nhận nhé!

– Đừng bao giờ quên cha mẹ bạn, bởi họ chính là lý do tại sao bạn có mặt trên đời và bạn là ai trong xã hội này.

– Trở thành người cha thì dễ , làm bổn phận người cha mới khó – Diderot

– Người ta chẳng bao giờ trả xong nợ cho cha mẹ – Aristote

– Một người cha nghiêm khắc luôn nặng lời khi khiển trách con cái nhưng vẫn là người cha tốt trong mọi hành động – Menandre.

– Người ta có thể mua tất cả, trừ cha và mẹ – Danh ngôn Anh.

– Cha mẹ giống như Chúa trời bởi bạn luôn muốn biết họ ở đâu, muốn họ lúc nào cũng nghĩ cho mình, nhưng bạn lại chỉ thực sự nhớ tới cha mẹ khi cần thứ gì đó – Chuck Palahniuk.

– Tôi luôn có niềm tin vào bậc sinh thành. Nếu yêu thương, họ sẽ luôn che chở và đặt ta ngoài vùng “nước xoáy nguy hiểm”. Điều đó có nghĩa đôi khi ta không thể biết thực sự những gì cha mẹ đã phải chịu đựng để rồi sau đó đối xử không tốt với họ theo cách mà ta không bao giờ phải trải qua – Mitch Albom.

– Cha mẹ có thể đưa ra những lời khuyên tốt nhất hoặc hướng ta đi trên con đường đúng đắn, nhưng cuối cùng việc hình thành tính cách mỗi đứa con lại nằm trong tầm tay của chúng – Anne Frank .

– Chúng ta không bao giờ biết được tình yêu bao la mà cha mẹ dành cho mình chỉ tới khi chúng ta trở thành những ông bố, bà mẹ thực sự – Henry Ward Beecher.

– Trên trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha dành cho con mình – Cicero.

– Đã bao nhiêu lần cha mẹ nói về những việc bạn nên và không nên làm? Để rồi sau đó bạn nhận ra rằng bạn chưa thực hiện bất cứ điều gì – Michael Jordan.

– Những người làm cha làm mẹ không quan tâm tới công lý, cái họ muốn là sự yên bình và hạnh phúc cho con cái của mình – Bill Cosby.

– Khi bạn nhìn vào mắt của một người mẹ, bạn sẽ biết được tình yêu tinh khiết nhất mà mình có thể tìm thấy trên trái đất – Mitch Albom.

– Khi bạn là một người mẹ, bạn không bao giờ thực sự cô độc trong suy nghĩ của mình. Một người mẹ luôn phải nghĩ hai lần, một lần cho bản thân và một lần cho con cái – Sophia Loren.

– Chúa đã gửi những đứa trẻ xuống trần gian để mở rộng trái tim mỗi người và giảm bớt chút ích kỷ, vun đắp thêm sự cảm thông và tình yêu thương – Mary Howitt.

– Để duy trì một gia đình hòa thuận đòi hỏi rất nhiều từ cả cha mẹ và những đứa con. Theo một cách đặc biệt nào đó, mỗi thành viên trong gia đình phải trở thành một “đầy tớ” của những người còn lại – Pope John Paul II

– Trái tim của người mẹ là vực sâu muôn trượng mà ở dưới đáy, bạn sẽ luôn tìm thấy sự thứ tha – Balzac

– Không chỉ có con trẻ mới trưởng thành, cả những bậc làm cha làm mẹ cũng vậy. Chừng nào mà chúng ta dõi theo hành động của các con, đồng nghĩa với việc chúng cũng sẽ biết được những gì mà bạn đang làm. Tôi không thể bảo những đứa con hãy chạm tới mặt trời, tất cả những gì tôi có thể làm là tự bản thân mình thực hiện điều đó – Joyce Maynard

– Mẹ có thể tha thứ tất cả mọi lỗi lầm của chúng ta và không bao giờ đề cập tới những sai lầm mà ta gây ra dù là một, hai hay nhiều sai lầm.

– Có hai nụ hôn không thể quên trong cuộc đời, là nụ hôn đầu tiên trao cho người yêu và nụ hôn cuối cùng của mẹ – Ngạn ngữ Tây Ban Nha.

Langmaster Careers




Read More