Bí ẩn tượng Nhân sư Giza (P.1)
Nằm giữa sa mạc khô nóng nhưng lại bị nước biển xói mòn?
Khi nhân loại vẫn đang tin rằng tượng Nhân sư là do người Ai Cập cổ xây dựng, khi khách du lịch vẫn hàng năm kéo tới khu vực bí ẩn này tham quan, tin rằng Pharaoh Khafre cho dựng bức tượng phỏng theo khuôn mặt của mình, thì có một nhóm các nhà khoa học đang chứng minh rằng điều đó là sai.
Chứng cứ của họ đang ngày càng thuyết phục được cộng đồng các nhà nghiên cứu, và điều này sẽ khiến lịch sử nhân loại phải được viết lại.
Phát hiện đặc điểm địa chất bất thường
Với niềm tin phổ biến được đưa ra bởi các nhà Ai Cập học truyền thống, rằng bức tượng Nhân sư trên cao nguyên Giza do người Ai Cập cổ xây dựng vào khoảng 2500 TCN, thì cho đến nay nhân loại vẫn đều tin rằng điều đó là đúng, tuy nhiên, một nhà khảo cổ người Mỹ lại có quan điểm hoàn toàn khác.
John Anthony West là nhà khảo cổ học độc lập người Mỹ, tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng, nhận được nhiều giải thưởng cao quý vì những cống hiến trong nghiên cứu, đã phát hiện ra các vết xói mòn rất đặc trưng trên tượng Nhân Sư, ông cho rằng các nhà Ai Cập học truyền thống đã bỏ qua đặc điểm quan trọng này.
Ông cho biết:
“Thông qua một vài người bạn, tôi được giới thiệu đến một nhà địa chất học nổi tiếng ở trường Đại học Oxford. Tôi đã tới gặp ông ấy với một câu hỏi đơn giản:
‘Với một bức ảnh chụp, ông có thể phân biệt một vết xói mòn là do nước hay bão cát hay không?’
Ông ấy đã trả lời một cách thận trọng, với những quy luật thông thường thì tôi có thể phân biệt được.
Lúc này tôi lấy ra bức ảnh chụp tượng Nhân sư, nhưng che đi phần đầu và phần chân, chỉ để lộ một phần nhỏ ở chính thân của bức tượng rồi hỏi ông ấy: ‘đây là vết xói mòn bởi nguyên nhân nào?’
Ông ấy đã trả lời một cách chắc chắn: ‘Đó là do nước’”
Sau khi John để lộ toàn bộ bức ảnh Nhân Sư thì chuyên gia địa chất của Đại học Oxford đã tỏ vẻ ngạc nhiên, bởi nếu như đó là vết xói mòn do nước, thì lịch sử nhân loại phải được viết lại.
Quyết tâm tìm ra câu trả lời, John tìm đến một nhà khoa học khác, lần này người được tìm đến là giáo sư Robert Schoch, một nhà địa chất học tại trường Đại học Boston
Kết luận khiến các nhà Ai Cập học truyền thống chấn động
Khi tới thăm tượng Nhân Sư, ngay lập tức giáo sư Schoch đã phát hiện ra những dấu hiệu địa chất bất thường, ông cho biết:
“Tôi tới tham quan bức tượng Nhân sư lần đầu tiên là vào năm 1992, ngay lập tức tôi đã nhận ra một vài điểm bất thường, không có sự kết nối hợp lý, bởi các vết xói mòn trên bức tượng Nhân sư hoàn toàn không phù hợp với điều kiện khô nóng trên sa mạc Sahara, mà đó là do mưa kéo dài, nước chảy mạnh làm nên những vết xói mòn đó.
Điều kiện khô nóng của sa mạc Sahara trong năm nghìn năm qua không thể làm nên các vết xói mòn đó. Điều này nói lên rằng, bức tượng Nhân sư đã trải qua một thời kì mà đặc điểm khí hậu hoàn toàn khác”.
Trả lời cho câu hỏi bức Nhân sư được xây dựng khi nào, giáo sư Robert Schoch tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. Ông cho biết:
“Ước lượng ban đầu của tôi là bức Nhân Sư được xây dựng vào khoảng 7000-5000 TCN, đó là kết luận rất căn bản tại thời điểm đầu của quá trình nghiên cứu, tuy vậy nó cũng đã làm các nhà Ai Cập học truyền thống chấn động.
Họ đã nói những lời xúc phạm tôi, nói rằng tôi là một nhà khoa học giả, bởi vì họ cho rằng những điều tôi nói là không thể xảy ra, rằng 7000-5000 TCN thì không thể nào có nền văn minh, làm sao có thể xây dựng tượng Nhân sư.
Tiếp tục với nghiên cứu của mình, qua phân tích dữ liệu địa chấn, tôi thấy rằng chúng ta phải lùi lại về quá khứ xa hơn nữa, ít nhất 10.000 TCN, khí hậu tại thời điểm đó phù hợp để gây ra các vết xói mòn mà chúng ta thấy ngày nay.”
Kết luận của giáo sư Schoch ngày càng được nhiều chuyên gia, tổ chức thừa nhận.
Graham hancock, nhà Ai Cập học, cũng là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về văn minh tiền sử cho biết:
“Những vết xói mòn trên thân của tượng Nhân sư cho thấy nó đã trải qua những thời kỳ mưa rất nặng, tuy nhiên, lượng mưa như vậy không thể xảy ra vào thời các Pharaoh, bởi cao nguyên Giza đã trong tình trạng khô nóng như vậy 4.500 năm. Chúng ta phải quay trở lại thời gian khoảng 12.000 năm trước, thì điều kiện khí hậu tại sa mạc Sahara mới có thể gây ra mức độ xói mòn như vậy.
Các vết xói mòn xung quanh bức Nhân sư thì không ai có ý định khôi phục, nhưng phần thân trên của Nhân sư đã được tu sửa nhiều lần, riêng điều này cũng đủ để gợi ý cho các nhà Ai Cập học, bởi có nhiều phần đá được bọc xung quanh thân của Nhân sư có niên đại vào thời Ai Cập cổ khoảng 2500 TCN. Như vậy nếu như Nhân sư được xây dựng vào 2500 TCN thì việc tu sửa có ý nghĩa gì, vào thời điểm đó nó nên còn nguyên vẹn.”
Nhà địa chất học Gregg Braden cũng chỉ ra những thiếu sót trong kết luận của các nhà Ai Cập học truyền thống, ông nói:
“Các nhà Ai Cập học truyền thống đã mắc một lỗi lớn, bởi thời điểm cuối cùng mà lượng nước lớn chảy qua tượng Nhân sư trong thời gian dài là khi băng tan, vào thời kỳ cuối của Kỷ Băng Hà, khoảng 7000-9000 năm trước. Do vậy chứng cứ này rõ ràng nói lên rằng tượng Nhân sư đã trải qua thời kỳ Kỷ Băng Hà.”
Đặc biệt, kết luận của giáo sư Schoch đã được Hội các nhà Địa chất dầu khí Hoa Kỳ khẳng định là chính xác. Sau khi xem các bằng chứng, họ đã nói rằng: “Tất nhiên rồi, điều này là hợp lý và chúng tôi hoàn toàn đồng ý”.
Không phải tượng Nhân sư mà là tượng Sư tử
Các nhà Ai Cập học truyền thống cho rằng, mặt của Nhân sư được khắc theo mặt của Pharaoh Khafre, vì vậy nó được tạo ra vào khoảng 2500 TCN. Tuy nhiên ngày càng có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng lúc mới đầu nó không phải là tượng Nhân sư mà là một con Sư tử, một con Sư tử có cả đầu lẫn thân. Còn phần đầu người chỉ là được xây dựng hoặc trạm khắc thêm, cũng có thể phần đầu đã qua trạm khắc nhiều lần.
Khi chuyển từ góc nhìn địa chất học sang thiên văn học, giáo sư Schoch cho biết:
“Tôi cho rằng lúc mới đầu, nó không phải là tượng Nhân sư, mà là hình một con Sư tử có cả đầu lẫn thân, rất có thể phần đầu người đã qua xây dựng hoặc chạm khắc nhiều lần
Giả sử đó là một con sư tử, thì vào thời kỳ cuối của Kỷ Băng Hà, khoảng 10.000 TCN, bức tượng Nhân sư sẽ nhìn thẳng vào hình tượng của nó trên bầu trời trong thời kỳ xuân phân, tôi nghĩ rằng điểm này rất đáng chú ý”.
Đồng quan điểm với giáo sư Schoch, Freddy Silva nhà nghiên cứu những bí ẩn cổ đại, cũng là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất chia sẻ:
“Các công trình vĩ đại đều có hình ảnh đối ứng của nó trong vũ trụ, nói cách khác, nó phải đại biểu cho thiên thể mà nó đối ứng. Một ví dụ điển hình là bức tượng Nhân sư, nó nhìn thẳng vào hình ảnh đối ứng của nó trên bầu trời vào kỳ xuân phân, 10.500 TCN”.
Hình tượng Sư tử rất thần thánh và quan trọng đối với các nền văn hóa thờ cúng Mặt Trời, nó thể hiện sự mạnh mẽ, bản lĩnh và sự cao quý. Do vậy rất có thể vào các thời Pharaoh khác nhau, họ đã cho tạc hình ảnh của mình thay thế phần đầu của Sư tử để thể hiện rằng Pharaoh đó cũng có các phẩm chất mạnh mẽ như vậy.
Trong quãng thời gian giáo sư Robert Schoch cùng các đồng sự của mình được phép tiến hành khảo sát trực tiếp tượng Nhân sư, bằng các phương pháp thăm dò khác nhau, như khoan thăm dò, quét bằng tín hiệu sóng âm, họ đã phát hiện một bí mật to lớn khác ở bên dưới của bức tượng.
Mời quý độc giả đón đọc phần 2: Bí mật ẩn giấu bên dưới tượng Nhân sư
Video: