Hiển thị các bài đăng có nhãn Đất Việt - Người Việt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đất Việt - Người Việt. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Hoài Trần

- Vua Café: Cái Kết Có Hậu Giữa Trí Tuệ Thiền Định & ..."Dị Biệt"

4 giờ cafe với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ
Từ 15h đến 19h chiều 13/8/2018, Vua cafe Việt liên tục mang đến cho 6 nhà báo của 4 tờ báo, nhiều ngạc nhiên lớn.

Cuộc trò chuyện bên tách "cafe năng lượng - cafe đổi đời" diễn ra ngay tại lầu 1 trụ sở Trung Nguyên ở phố Bùi Thị Xuân, TP.HCM, giữa ông Vũ và "những người anh em báo chí thiện lành", được sắp xếp bất ngờ chỉ hơn 1 ngày trước.

Vẫn quần trắng, sơ mi trắng, áo khoác đen và dáng đi nhẹ nhàng như lần tái xuất trước, nhưng thần sắc, cặp mắt của ông chủ Trung Nguyên mạnh mẽ, dứt khoát, tươi tắn hơn, trái ngược hoàn toàn với những hình ảnh nhắm mắt, lắc đầu trong vài clip được tung lên mạng trước đó.


Trước khi "xin phép được ngồi trên ghế theo kiểu thiền" ông Vũ tiến tới bắt tay và đọc tên rành rọt những nhà báo mà ông đã quen từ hơn 5 năm trước. Ông cũng không quên nhắc đến văn phong, bút lực và tính cách của họ. 

Với chiếc tẩu xì gà đỏ lửa trên tay, suốt 4 tiếng đồng hồ, ông Vũ trò chuyện say sưa và mẫn tiệp, khúc chiết, không thấy dấu hiệu nào của sự mệt mỏi. 

Trong suốt cuộc nói chuyện ấy, tôi quan sát và lắng nghe ông Vũ ở hai khía cạnh: Đặng Lê Nguyên Vũ doanh nhân và Đặng Lê Nguyên Vũ được trao sứ mệnh tâm linh. 

Ở góc độ doanh nhân, Đặng Lê Nguyên Vũ sau 5 năm thiền định và Đặng Lê Nguyên Vũ trước kia, vẫn nhất quán hoàn toàn, dĩ nhiên bây giờ ở cấp độ cao hơn trong khẩu khí và sức thuyết phục. 

Ở góc độ tâm linh, dù tôi không hiểu lắm những điều ông Vũ nói về nhân loại, vũ trụ, các nhà bác học, các quy luật lặp lại sau 500 năm, 250 năm, 100 năm, nhưng phải công nhận ông nói về điều đó một cách say sưa, lôi cuốn, hấp dẫn và gần như không có ngôn ngữ thừa. 

Nét tươi cười của cuộc chào hỏi ban đầu chợt trầm xuống khi ông Vũ nói về vụ ly hôn ồn ào với bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ông vẫn dùng từ "Qua" để chỉ bản thân khi trò chuyện.

Ông bảo, suốt 5 năm, ông đã bị thử thách, phải chịu trăm ngàn nỗi khổ tận cùng mà người bình thường không thể biết được.

Một trong những nỗi khổ trần tục ấy là việc phải tự mình đối diện với các hội đồng chuyên môn giám định tâm thần sau khi vợ ông yêu cầu toà giám định năng lực hành vi dân sự của chồng.

Ngồi trong những căn phòng ấy, nhìn ra ngoài thấy những người tâm thần khác ngẩn ngơ, ông chia sẻ "rất đau đớn" khi một người như mình "buộc phải chứng minh bản thân bình thường". Và các hội đồng đều kết luận ông bình thường.


"Nhiều năm trước, khi trả lời phỏng vấn, Qua không bao giờ nhắc đến chuyện gia đình. Bây giờ bị tấn công rất nhiều, vây bủa lệch lạc, kinh khủng trên truyền thông, nhưng Qua vẫn im lặng vì coi đó là một trong những thử thách tất yếu mình phải vượt qua.

Nhưng họ không dừng lại, họ tấn công cả những "người anh em thiện lành khác" của Trung Nguyên, khiến có người phải hoảng loạn. Nếu chỉ vì Qua, Qua không cần cuộc gặp gỡ này. Qua đã vượt lên trên mọi thị phi. Nhưng vì mấy người anh em (thuộc cấp ở Trung Nguyên), nên Qua gặp chia sẻ chút cho những người anh em đó được giảm áp lực" - ông Vũ nói.


Theo ông Vũ, trục trặc giữa ông và bà Thảo xảy ra khi ông nhận thấy Trung Nguyên không thể vận hành như cũ, phải cơ cấu lại để làm mới mình.

Dưới cách nhìn của mình, ông Vũ cho rằng Trung Nguyên phải rũ bỏ câu chuyện kiếm tiền đơn thuần để làm những điều lớn lao hơn cho cafe, cho đất nước. Công ty này phải dành lợi nhuận tái đầu tư để làm mới và phát triển, chứ không phải nhăm nhăm kiếm tiền theo kiểu con buôn.

Ông thấy không ổn khi bà Thảo vẫn vận hành theo kiểu cũ. Ông cũng không đồng tình với ứng xử kiểu chủ - tớ của vợ mình trước thuộc cấp, ép nhiều người trẻ có năng lực phải rời bỏ công ty. 

"Xuất thân của Qua là người làm thuê, nên Qua hiểu tâm lý của các anh chị em đi làm. Hãy cư xử với họ như con người chứ không phải như nô lệ hay người làm mướn, làm công của mình" - ông Vũ nói.

Từ đó, ông Vũ khuyên vợ lui về chăm sóc, nuôi dạy con cái cho chu đáo, đó cũng là cách để Trung Nguyên tháo điểm nghẽn nhân sự và quan điểm cũ, chuẩn bị cho chiến lược phát triển mới. 

Ông đã tìm nhiều cách để thuyết phục bà Thảo nhưng không thành công. 


Theo ông Vũ, kể cả lúc bị tấn công dữ dội nhất ông vẫn im lặng. Ông cũng kiên quyết nghiêm cấm thuộc cấp phản pháo chuyện gia đình, không cho luật sư làm đến cùng những phi vụ của bà Thảo, kể cả chuyện giả chữ ký của ông để bán toàn bộ cổ phần của công ty ở Singapore với giá 1 đô la.

"Ở Singapore luật nghiêm lắm, làm giả chữ ký là đi tù nhưng mà Qua nói luật sư đừng làm vậy. Mấy anh em nhiều khi giận quá, muốn cho ở tù luôn là xong nhưng mà Qua không để như vậy, không nên. Qua còn những đứa con, để Qua chịu hết" - ông Vũ nói.

"Có đạo lý nào mà lại muốn chồng vào viện tâm thần không?" - ông Vũ đặt câu hỏi - "Nhưng nói thật, khi nhắc tới người vợ ấy, Qua chỉ thấy đau lòng thôi, chứ không oán hận ghét bỏ gì. Qua đã vượt qua tất cả những cái đó. Cứ thiện lành thì không phải sợ gì cả. Không ai uy hiếp đe dọa được mình".



Câu hỏi về những vấn đề gây xôn xao dư luận gần đây như ý định tặng 5 tỷ đô la tiền sách, về việc chi hàng trăm tỉ đồng sắm nhiều siêu xe, chuyện cafe Đạo, lần lượt được ông chủ Trung Nguyên lý giải với phong thái nhẹ nhàng, mạch lạc cùng ngôn ngữ cơ thể uyển chuyển của một người am hiểu việc diễn thuyết.

Theo ông Vũ, thông điệp của việc tặng sách cần hiểu đúng: Trung Nguyên là người khởi xướng, phất cờ, rồi sau đó cả xã hội và Chính phủ cùng vào cuộc, góp sức, góp tiền của. 5 tỉ đô la sách là đủ để xây cho mỗi gia đình Việt một thư viện nhỏ, mỗi ngôi trường, đơn vị bộ đội một thư viện... gồm những cuốn sách lập chí vĩ đại, đổi đời.


Câu hỏi tại sao phải sắm nhiều siêu xe để đi tặng sách được ông Vũ lý giải dưới góc độ marketing chuyên nghiệp: Thay vì phải mất rất nhiều tỷ đồng cho quảng cáo thì việc sắm siêu xe đã trở thành một phương thức quảng bá độc đáo đến nhiều triệu người. Trong khi đó, xe vẫn là tài sản của Trung Nguyên chứ không mất đi.

"Người anh em thấy đấy, những cuốn sách quý đã được biết đến rộng rãi nhờ siêu xe. Vả lại muốn dạy người ta làm giàu thì phải thể hiện sự giàu có. Chọn siêu xe là vì thế" - ông Vũ tiết lộ.

Nói đến đây, một nữ phóng viên kinh tế đã khá thân với ông từ 5 năm trước, thốt lên: "Khi anh Vũ nói về marketing, em thấy nguyên vẹn hình ảnh anh Vũ 5 năm trước".

Nói về ý nghĩa của việc tặng sách, ông Vũ đặt câu hỏi rằng: "Những người anh em hãy nghĩ xem, nếu không đọc rất nhiều, sao có thể hiểu bản thể, ngọn nguồn để sáng tạo, kiến thiết đất nước?".

Theo ông Vũ, bằng việc được giác ngộ, thấu hiểu, ông đã chọn ra khoảng 100 cuốn sách quý - trong đó có những công thức chi tiết và tối quan trọng giúp giới trẻ lập chí, khởi nghiệp, kiến quốc.

Những bàn tán về việc biến cafe thành tôn giáo được ông Vũ trả lời bằng một câu hỏi: "Tại sao Nhật có trà đạo còn Việt Nam không thể có cafe đạo? Cái gì họ cũng đưa thành đạo tại sao ta lại không? Muốn biến cafe thành Đạo thì phải xây dựng lòng tin ở con người. Dù xã hội bây giờ có lắm thứ mạt, nhưng muốn thay đổi vẫn phải đặt lòng tin ở con người.

Do vậy chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về câu chuyện của cà phê. Kiến thức cóp nhặt, con buôn thì không bao giờ đi được xa. Qua và các người anh em đã xây dựng một bộ diễn sử về cafe mà chưa bao giờ có trên thế giới. Đầy đủ tất".


Theo ông Vũ, bộ diễn sử duy nhất này đặt nền tảng cho luận thuyết cà phê, là đường lối để tạo ra hệ sinh thái 3 yếu tố nền tảng của đạo cà phê. "Hệ sinh thái vật chất tức là chuỗi giá trị cà phê toàn cầu, Chuỗi cà phê tinh thần, chuỗi cà phê xã hội. Các hệ sinh thái được vẽ ra như vậy. Trung Nguyên sau này sẽ phải thiết kế và nắm hệ đó ở đâu?".

Trong nhận thức của vị này, Trung Nguyên đã đi qua chặng đường 20 năm rồi, nên không còn tươi mới nữa, phải tái định vị, sắp đặt lại toàn bộ triết lý và việc của ông là phải cho nó một hệ quy chiếu khác: Hệ quy chiếu năng lượng, hệ quy chiếu sáng tạo.


Vua cafe Việt say sưa và hứng khởi rất nhiều khi nói về tâm linh.

"Không có gì huyền bí cả, Qua sẽ chứng minh đó là khoa học hết, chỉ có điều người không có căn duyên thì khó có thể hiểu. Qua đã viết hết, rất cặn kẽ thành những bộ sách, gửi tới những những người quan trọng" - ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, 5 năm trước đây ông không tin bất cứ điều gì thuộc về tâm linh, nhưng nhờ cơ duyên, ông đã được chọn lựa để thấu hiểu. Ông nhìn thấy mọi thứ rõ ràng như âm thanh từ chiếc đĩa than, như một cuốn phim quay chậm.

Trả lời câu hỏi: Trong thời gian thiền và hiện nay ông có điều hành Trung Nguyên hay không, Vua cafe Việt mỉm cười: "Không có một chuyện gì lọt qua mắt Qua hết". 


Để chứng minh sự nắm bắt sâu rộng của mình, ông Vũ đề cập đến thời sự giáo dục, thời sự quốc tế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chuyện nhiều cán bộ cao cấp Việt Nam dính vòng lao lý, với thông tin và nhận xét rõ ràng. Nhiều câu chuyện trước khi ông thiền định, cũng được nhắc lại rành rọt.

Thậm chí, ông Vũ còn khuyến nghị một tờ báo nên sửa giao diện cho dễ đọc hơn và khen một tờ báo cập nhật đa chiều, đặc biệt là mục quốc tế rất hay. Cả hai nhận xét này đều được người của hai tờ báo tâm đắc.

Lý giải về những nhận thức siêu hình của mình, ông Vũ đưa ra một ví dụ thú vị.

Trước đây đến thăm một trang trại đà điểu, ông không hiểu vì sao người nuôi chỉ cho con đà điểu ăn mỗi ngày 0,5kg thức ăn, mà nó lại có thể tăng trọng tới 1kg/ ngày. Điều ấy vẫn là điểm mù với khoa học thông thường - không giải thích nổi. Bây giờ thì ông biết nó tăng cân nhờ dùng những nguồn năng lượng tổng hợp khác.

"Người anh em có tin không, trước đây khi Qua thiền, qua không ăn, thậm chí có nhiều ngày không uống, nhưng không sao cả. Bây giờ Qua không ngủ, không ăn vẫn không sao cả. Dù Qua vẫn còn bị thử thách nhưng hiện giờ không có bệnh tật nào xâm nhập nổi".

Chỉ vào điếu xì gà đỏ lửa liên tục, ông Vũ bảo: "Qua làm bạn với cái này. Mỗi ngày qua hút 20 điếu xì gà. Thử hỏi người thường có chịu được vậy không. Thế đấy, năng lượng là thế đấy".

Buổi trò chuyện 4 tiếng không nghỉ ấy được khép lại với câu nói của Vua cafe Việt: "Các người anh em viết gì thì viết, hãy nghĩ đến 4 đứa nhỏ của Qua và hãy viết bằng cảm nhận chân thật, sự thiện lành của mình. Qua sẽ gặp lại mọi người".

Trước khi chia tay cùng cái bắt tay mạnh mẽ, ông chủ cafe Trung Nguyên không quên nhẹ nhàng nhắc một nhà báo không nên bắt chéo chân quá cao khi nói chuyện với mọi người (trước đó ông khuyên một nhà báo hạ tone giọng xuống thì sẽ hay hơn). 

Như vậy, những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng đã được ghi nhớ.

Bùi Hải - Hạ Minh Thiết kế: 7PM Ảnh: Tô Thanh Tân |  (theo Nhịp sống kinh tế)










Read More

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

Hoài Trần

- Đại Nghĩa và những công việc thầm lặng phía sau ánh hào quang

Đại Nghĩa với những công việc thầm lặng phía sau ánh hào quang không phải ai cũng biết. 
Chạy show tất bật, Đại Nghĩa bận làm giàu để giúp người… dưng.

Đại Nghĩa là một nghệ sĩ nổi tiếng, quen thuộc với khán giả khi thường xuyên xuất hiện tại các chương trình truyền hình với nhiều vị trí khác nhau.

Anh được biết đến là diễn viên tài năng, một MC hoạt ngôn và là gương mặt được nhiều nhà sản xuất tin tưởng giao trọng trách vị trí giám khảo cho các chương trình gameshow ăn khách. 

Hiện tại, Đại Nghĩa là một trong ba vị giám khảo vui tính cùng với Ốc Thanh Vân, Đình Toàn trong chương trình Tiếu Lâm Tứ Trụ Nhí với tên gọi Thần Vui Vẻ.

Đúng như tên gọi, Đại Nghĩa không chỉ là thần Vui Vẻ cho các em nhỏ trên sân khấu mà đằng sau ánh hào quang Đại Nghĩa còn là người mang niềm vui đến cho rất nhiều người khác xung quanh mình. 

Hoạt động nghệ thuật không ngừng nghỉ, xuất hiện dày đặc trên truyền hình nhưng ít ai biết rằng Đại Nghĩa dành hết công sức của bản thân để có thêm thu nhập giúp đỡ cho những người hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Trên sân khấu, Đại Nghĩa khá ồn ào, hoạt bát, luôn có cách khiến không khí trở nên náo nhiệt nhưng bước xuống hậu trường, Đại Nghĩa trở về đúng với tính cách trầm lặng, điềm đạm của một Phật tử.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về Phật giáo nên Đại Nghĩa hình thành sự nhạy cảm, tinh tế nhất định trong tính cách của mình. Đại Nghĩa bắt đầu ăn chay trường từ năm 2010 cho đến nay, với anh ăn chay không chỉ giúp thanh lọc cơ thể, tốt hơn cho sức khỏe mà còn giữ được tịnh tâm, từ bỏ lòng sát sinh. Nếu cho rằng cửa thiền của Phật và showbiz là hai thế giới cách xa nhau thì Đại Nghĩa là một nghệ sĩ đặc biệt khi chọn cống hiến hết mình cho đam mê trên sân khấu và sống hết lòng giúp đỡ người khó khăn.

Với mong muốn đóng góp khả năng của bản thân vào những việc có ích, Đại Nghĩa thường xuyên đi đến những hộ gia đình khó khăn chưa có điều kiện để trao nhà, xây cầu, lắp giếng. 

Trên trang cá nhân của mình, anh thường xuyên kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ, ủng hộ những công trình thiện nguyện.

Đại Nghĩa còn sáng lập một tài khoản mang tên An Vui với ba kế hoạch lớn là xây nhà An Bình, cầu An Lạc và giếng An Vui, ngoài ra còn rất nhiều hoạt động từ thiện, quyên góp khác để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đến nay, tài khoản An Vui vận động quyên góp xây được hơn 400 giếng nước sạch, hơn 70 ngôi nhà An Bình và 60 cây cầu An Lạc. 

Một việc làm ý nghĩa, thầm lặng, không khoa trương, Đại Nghĩa đúng chuẩn là “thần Vui Vẻ” khi mang niềm vui đến cho mọi người bằng chính sự chân thành, đồng cảm và yêu thương cộng đồng.

Với lịch làm việc dày đặc mỗi ngày, thời gian cho bản thân không nhiều nhưng Đại Nghĩa luôn cố gắng sắp xếp mọi công việc để mang tấm lòng của mình đến cho mọi người khi anh luôn đến tận nơi để tìm hiểu và trao quà cho những gia đình cần giúp đỡ. 

Trước đây, Đại Nghĩa nhận được khá nhiều câu hỏi cho việc lập gia đình, kết hôn cũng như nhiều tin đồn bủa vây nhưng Đại Nghĩa luôn chứng minh rằng cuộc sống anh có nhiều điều ý nghĩa để làm hơn đó là san sẻ khó khăn với người khó, nhân đôi niềm vui với người nghèo và anh vẫn đang thực hiện ước nguyện đó hằng ngày bằng những minh chứng cụ thể nhất.



(motthegioi)


Read More

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

Hoài Trần

- Nhiếp Ảnh Gia Réhahn...

Nhiếp ảnh gia Réhahn được đề cử giải thưởng cống hiến của người Pháp

Réhahn là một nhiếp ảnh gia sinh ra tại Normandy, Pháp. Anh đã đi qua hơn 35 quốc gia trước khi quyết định chọn dừng chân tại Hội An, miền Trung Việt Nam, và xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình. 

Đầu năm 2014, anh phát hành cuốn sách ảnh đầu tiên mang tên "Vietnam, Mosaic of Contrasts" (Việt Nam, những mảnh ghép tương phản) gồm 150 tác phẩm miêu tả hình ảnh đa dạng của đất nước.

Réhahn và những bức ảnh kỷ niệm chụp cùng với nhân vật trong những chuyến đi.

Réhahn bên chiếc thuyền mới mua tặng cụ Xong.

Trong đó, những bức ảnh tình cảm về một đôi vợ chồng già ở làng rau Trà Quế đã khiến nhiều người tò mò xen lẫn ngưỡng mộ.


Bộ ảnh "cổ tích tình già"
Dù ông đã 94, bà thì 88 tuổi nhưng tình yêu của cặp “bô lão tình già” dễ thương nhất phố cổ Hội An vẫn còn mặn nồng, son sắt như đôi uyên ương mới cưới...


Và có lẽ, câu chuyện tình siêu dễ thương của cặp vợ chồng này cũng sẽ "đốn tim" được nhiều người.

Đôi vợ chồng già nổi tiếng trong sách ảnh của Réhahn.
"Cổ tích tình già" ở làng rau Trà Quế

"Bà nó ơi, ra đây với tôi nào, có mấy đứa nhỏ tìm vợ chồng mình nè…", cụ ông Lê Sỏ (94 tuổi, tên thường gọi là Sẻ) gọi người bạn đời của mình bằng giọng trìu mến. Liền sau đó, bà Nguyễn Thị Lợi (88 tuổi) lom khom đi từ dưới bếp lên, cười phúc hậu đáp lại: "Tôi đây mình ơi, bảo mấy đứa nhỏ vào nhà ngồi chơi đi anh…" – Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi ghé thăm cặp vợ chồng được người dân làng rau Trà Quế "bình chọn" là đôi "bô lão tình già" đáng yêu nhất Hội An (Quảng Nam).


Cùng nhau đi qua gần 70 mùa mưa nắng, tình yêu của ông Sỏ và bà Lợi khiến nhiều người ngưỡng mộ.


Ở tuổi này, ông bà xem cái chết như là một quy luật tất yếu, nhưng nếu còn được bên nhau thêm ngày nào thì còn yêu thương, chăm sóc cho nhau ngày đó.

Cầm đôi bàn tay bà Lợi trong tay mình, ông Sỏ bồi hồi kể về mối tình cổ tích dài gần 7 thập kỷ của mình. Năm ấy, nghe tiếng bà Lợi là cô gái đẹp nhất nhì làng, lại vừa tròn tuổi đôi mươi, ông Sỏ nhờ người mai mối đến nhà dạm hỏi.

Ban đầu thấy ông Sỏ, bà Lợi đã quay ngoắt mặt đi bởi không thích người cục mịch, đậm chất nông dân của chàng trai làng bên. Chị em, bạn bè lối xóm cũng được dịp bàn ra tán vào, dè bỉu đủ điều khiến bà Lợi càng thêm thất vọng…

Ngó bộ tấn công trực diện không xong, "liệu cơm gắp mắm", ông Sỏ chuyển hướng sang đi đường vòng. Cứ thế hàng ngày, mỗi khi làm xong công việc của mình, ông lại tất tả chạy đến nhà nhạc phụ, nhạc mẫu tương lai để phụ giúp việc.


"Để tôi cài tóc hoa lên tóc bà cho đẹp nha", ông Sỏ cười móm mém. Nhìn cách ông bà âu yếm nhau, ai dám bảo tuổi già thì không còn biết cách thể hiện tình cảm và dành cho nhau cử chỉ thân mật?!

Gần 70 năm, kể từ ngày về chung một nhà, ông Sỏ, bà Lợi đã nắm tay nhau trải qua không biết bao nhiêu cay đắng, ngọt bùi...

Thấy chàng trai chất phác, chịu khó, lại biết điều, cha mẹ bà Lợi cũng "ưng cái bụng". Thương rể hiền, hằng đêm, mẹ lại thì thầm bên tai bà Lợi: "Ta thấy thằng Sỏ tốt tính đó", "Mi ưng nó chắc sẽ sướng", "Chồng xấu mới dễ xài con ạ"…

Mưa dầm thấm lâu, dần dần bà Lợi cũng mềm lòng chấp thuận làm vợ ông Sỏ. Thế là, sau gần 10 năm theo đuổi, ông Sỏ và cô "hoa khôi làng" kém mình 6 tuổi cũng đã về chung một nhà.


Chớp mắt, cô "hoa khôi làng" Nguyễn Thị Lợi đã 88 tuổi, thế nhưng nhìn nụ cười và những sự đáng yêu của bà, ai cũng cảm thấy như thanh xuân đang trở về.



Ông Sỏ giờ đây chỉ gánh được 1/3 gàu nước, nhưng chắc ông không hề thấy mệt, bởi bên cạnh lúc nào cũng có người vợ già cùng nhổ cỏ, bắt sâu… cho vườn rau.
Hạnh phúc giản đơn

Ngày đó, đám cưới giản đơn lắm, không kèn trống, không tiệc tùng rộn rã, cũng chẳng váy cưới, xúng xính áo hoa, chỉ có vài khay trầu cau và dăm ba đĩa bánh mứt. Bà Lợi giản dị trong bộ áo dài cũ của mẹ tặng, còn ông Sỏ cũng mướn được bộ vest rộng thùng thình để qua nhà gái rước cô dâu về trên chiếc xe đạp thống nhất cà tàng. Ấy vậy mà thành vợ thành chồng…

Thế rồi, cưới nhau chưa được bao lâu, năm 1953, do tham gia hoạt động cách mạng, ông Sỏ bị giặc Pháp bắt nên phải xa cách người vợ trẻ. Năm tháng tù đày, ông bị địch đánh gãy mất mấy cái răng, những ngón tay bị nhục hình đến cong quẹo, giờ vẫn còn co quắp… Thương chồng bị tra tấn dã man, nhiều đêm bà Lợi thức trắng, khóc cạn nước mắt vì lo sợ chồng không chịu nổi những đòn roi…


Cách nói chuyện hài hước, cùng sự quan tâm và cả nụ hôn mà ông bà dành cho nhau khiến chúng tôi phải ngạc nhiên và ganh tị.




Hình ảnh vợ chồng cụ Sỏ đã nhiều lần được nhiếp ảnh gia người Pháp - Réhahn chụp lại và trở nên nổi tiếng khắp thế giới qua bộ ảnh "Vietnam – Mosaic of Contrasts", như một biểu tượng lạc quan và tình yêu bình dị nhưng bất diệt...

Trải qua bao thăng trầm và mỏi mòn chờ đợi, năm 1954, ông Sỏ được trở về, 2 vợ chồng ôm chầm lấy nhau khóc trong hạnh phúc vỡ oà. Niềm vui sau đó càng được nhân lên gấp bội khi ông bà lần lượt đón 5 người con (2 trai, 3 gái) chào đời.

Với mảnh vườn nhỏ nằm giữa cánh đồng to ở làng rau sạch, ngày qua ngày, ông Sỏ, bà Lợi tảo tần cuốc đất, trồng trọt mưu sinh và nuôi các con khôn lớn. Nối nghiệp cha mẹ, cả 5 người con bây giờ cũng đều gắn bó với nghề trồng rau.

Đã gần 70 năm về chung một nhà, nhưng chưa bao giờ ông bà quên những cái nắm tay thật tình cảm và chưa bao giờ nói nhau to tiếng với nhau một lời. Mỗi ngày, ông Sỏ vẫn đều đặn chải tóc, têm trầu cho vợ, còn bà Lợi vẫn luôn là người đấm lưng cho chồng mỗi đêm và thích thú, cười đến tít cả mắt mỗi khi vuốt vuốt bộ râu dài bạc trắng của ông Sỏ. Và bây giờ, dù đã bước sang tuổi U90, nhưng cặp vợ chồng ấy vẫn còn rất khỏe mạnh và có thể cùng nhau làm công việc đồng áng, tận hưởng niềm vui bình dị mỗi ngày.


Hàng ngày vợ chồng cụ Sỏ đón nhiều du khách nước ngoài đến thăm và trò chuyện...




Giản dị và tự nhiên như một lẽ vốn có, thế nhưng câu chuyện tình chân chất màu của đất đai, ruộng vườn, không chút màu mè tính toán của 2 cụ khiến cho không ít người thích thú và cảm động.

10 giờ sáng, tiết trời Hội An ngày đầu hè nắng gắt, nóng đến điên đầu, ấy thế mà vẫn với chiếc nón lá quen thuộc, cụ ông râu tóc bạc phơ lại quẩy đôi gàu tưới nước cho đám rau xanh. Bên cạnh là bà lão với gương mặt phúc hậu vừa móm mém nhai trầu vừa cặm cụi dùng tay thu hoạch những cây rau cải xanh mướt. Khi vừa xong việc tưới nước, ông Sỏ tranh thủ chạy lại phụ giúp vợ nhổ rau, hai người vừa làm vừa cười nói rất vui vẻ.

"Bà có mệt không? Để tôi lấy nước cho bà uống nhé", ông Sỏ vừa nói vừa lấy chiếc khăn trong túi áo lau mồ hôi cho vợ.

Bà Lợi nhìn sang chồng âu yếm và đáp lời: "Thôi, tui chưa mệt, mình mỏi lưng không? Ngồi xuống đây với em nè!".

Chuyện tình của đôi "bô lão tình già" ở Hội An là 1 minh chứng đẹp về sự hi sinh và tình yêu đôi lứa.

Chứng kiến sự yêu thương mặn nồng và quan tâm của ông bà dành cho nhau khiến ai cũng phải ngưỡng mộ và hết lời ngợi khen cho tình cảm của "đôi uyên ương ở tuổi xế chiều". Có lẽ, suốt một hành trình tưởng rất dài mà lại ngắn của cuộc đời, ai cũng mong ước có được hạnh phúc giản đơn như đôi vợ chồng già này!



Read More

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Hoài Trần

- Người Việt Nam duy nhất làm Tể tướng Trung Hoa

Nghìn Năm Mây Trắng Chiếu Rọi Biển Xuân 

Khương Công Phụ sang Trung Quốc dự thi tiến sĩ vào giữa thời nhà Đường văn học thịnh trị, xuất hiện nhiều bậc văn tài cỡ lớn. Vì thế, tài năng văn chương của ông phải là xuất chúng thì mới có thể đoạt giải khôi nguyên. Như La Sĩ Bằng, một học giả Trung Quốc nhận xét: ''Thời Đường, lấy văn thơ kén quan chức. Người An Nam muốn ra làm quan ắt phải theo đường lối đó. Công Phụ qua khoa cử làm quan đến chức cao quý như Tể phụ thì thơ văn chắc phải uyên thâm, lỗi lạc.


Ngày nay, tại làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn đền thờ một vị hiền nhân đất Việt đã vượt qua hàng ngàn sĩ tử Trung Hoa, trở thành khôi nguyên Tiến sỹ cả nước Đại Đường, sau này làm quan tới chức Tể tướng của “thiên triều” Trung Hoa.

Vị hiền nhân ấy chính là Khương Công Phụ (731 – 805), tự Đức Văn, con của Huyện thừa Tiến sỹ Khương Văn Đĩnh, cháu của Thứ sử Ái Châu (thuộc Thanh Hoá ngày nay) Khương Thần Dực. Hai anh em trai là Khương Công Phụ và Khương Công Phục đều đỗ đại khoa khoa thi tiến sĩ năm Canh Tý, dưới triều Đường Đức Tông (784), làm chấn động cả đất Tràng An – Trung Quốc.

Thông minh hiếu học, lại gặp thầy giỏi
Khương Công Phụ từ bé đã biểu lộ sự thông minh, có trí nhớ tuyệt vời. Tất cả chữ Hán đề trên các ô thuốc Bắc, cậu đều thuộc hết, lại còn dùng que viết lại rất đúng chữ.

Ông Đĩnh thấy con sáng dạ thì mừng lắm, bèn tìm một thầy Tàu giỏi chữ cùng mở cửa hàng thuốc Bắc gần nơi trị sở Quân Yên, để gửi con theo học. Thật phúc đức cho Công Phụ đã gặp được người thầy thực tài, vốn trước đỗ đại khoa, vì chán cảnh triều đình bên chính quốc, nên đã lánh sang Cửu Chân (Thanh Hoá ngày nay), tìm nơi ẩn dật.

Thấy cậu bé người Việt họ Khương học chữ rất nhanh, tính nết cần cù, ngoan ngoãn, ông thầy Tàu ngày càng cảm mến. Những lần đi du ngoạn đó đây, ông đều cho cậu theo làm tiểu đồng. Công Phụ vừa được thưởng thức nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, đất nước, lại còn được thầy dạy thêm về thơ phú, xướng họa. Tuy tuổi tác khác nhau, không cùng nòi giống, song dần dần hai người trở thành đôi bạn, ông thầy Tàu cảm thấy không thể thiếu cậu học trò người Việt rất đỗi thông minh bên cạnh mình. Ông bèn dốc hết tâm huyết để dạy dỗ Khương Công Phụ, với hy vọng thiết tha gửi gắm cho đứa trẻ này cái chí hướng và đạo học bình sinh của ông.
Theo được theo thầy đi du ngoạn đó đây không những được thưởng thức nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, đất nước, Công Phụ còn được thầy dạy thêm về thơ phú, xướng họa. (Ảnh minh họa)

Thường ngày, ông vẫn khích lệ Công Phụ cố gắng học thật giỏi rồi nhất định có dịp sẽ được sang tận Tràng An, kinh đô Đại Đường, thi tài. Nghe thầy nói, Công Phụ nghĩ ngay đến đứa em ruột thịt của mình đang bên đó. Từ nhỏ em trai Công Phụ đã được một ông thầy địa lý người Tàu nhận nuôi, đem về Tràng An. Thỉnh thoảng, cậu vẫn nghe bố mẹ hỏi nhau: ”Không biết thằng Bật sống bên Tràng An như thế nào?” Nghĩ vậy, Khương Công Phụ càng náo nức trong lòng, gia công đèn sách, để mong sao thực hiện được cả hai ước mơ đang chớm nở.

Quả nhiên, sự học của cậu tiến bộ rất nhanh, khiến người thầy Tàu phải ngạc nhiên, khen ngợi. Tứ thư, Ngũ kinh cậu thuộc làu làu, thấu hiểu nghĩa lý. Càng học, cậu càng nhận ra bể học thật mênh mông, nên càng ham thích, say mê.

Đường đến Tràng An
Chẳng mấy chốc đã tới kỳ khảo hạch ở quận. Khương Công Phụ đã làm cho tất cả quan trường người Tàu kinh ngạc. Bất kể hỏi về kinh sử hay thơ phú, bài làm của Công Phụ đều xuất sắc, tỏ rõ một lực học phi thường. Kết quả, Khương Công Phụ được xếp hàng đầu trong danh sách 8 sĩ tử của 8 quận đất Giao Châu về Tràng An dự khoa thi Tiến sỹ, dưới triều vua Đường Đức Tông, niên hiệu Trinh Nguyên (780-784).

Trước khi lên đường, Công Phụ đã đến chào thầy. Ông tặng đứa học trò giỏi của mình cuốn sách ghi chép những lời dạy của Thánh hiền, rồi cầm tay trò ngậm ngùi dặn dò:

– Khi con trở về chắc không còn gặp lại ta. Ta cảm thấy trong người đã yếu lắm, ngày về cõi vĩnh hằng không còn xa nữa. Ta chỉ cầu mong con đỗ đạt và biết đem những điều Thánh hiền dạy người quân tử để xử sự với đời, thì ta thật thỏa lòng vì đã được con đền đáp rồi đó!

Khăn gói trên vai, chàng thanh niên họ Khương cùng các sỹ tử khác lên đường sang Tràng An. Đường sá xa xôi, hiểm trở, sông núi trập trùng, song Khương Công Phụ tính vốn ham tìm hiểu điều mới lạ, từng được theo thầy đi du ngoạn nhiều nơi, nên mặc dù cuộc hành trình kéo dài hàng tháng trời, cậu vẫn cảm thấy khỏe khoắn, phấn chấn.
Từ biệt thầy, Khương Công Phụ cùng các sỹ tử khác lên đường sang Tràng An. (Ảnh: tinhhoa.net)

Khi đến Tràng An – kinh đô Đại Đường, thì sỹ tử tứ phương đang nô nức đổ về. Trong lòng chàng trai họ Khương cũng rộn lên những cảm xúc khác nhau. Tràng An quả là tấp nập ngựa xe, phố phường khác xa quê nhà, khiến cậu có phần bỡ ngỡ. Các sĩ tử phương Bắc có vẻ cao ngạo, xem thường học trò của những miền chư hầu, song nhờ được học với người thầy Tàu chính cống, cậu nói năng giao thiệp chẳng khác gì người Tràng An, do vậy cũng dễ hòa nhập, thuận lợi cho việc dò la tin tức em trai. Tuy nhiên, tung tích của đứa em vẫn bặt vô âm tín.

Mãi đến ngày, khi nhìn trên bảng yết tên những sỹ tử dự thi, Khương Công Phụ mới bất ngờ phát hiện một thí sinh trùng họ với mình, tên là Công Phục. Song Công Phụ vẫn băn khoăn, nghi ngờ vì tên ”cúng cơm” của em mình là Bật kia mà. Thế rồi cậu quyết tìm gặp Công Phục để hỏi chuyện cho rõ lẽ. Công Phục còn nhớ mang máng bố mẹ đẻ mình ở bên Châu Ái và có người anh vẫn hay đùa nghịch với mình, nhưng thuở đó cậu còn nhỏ lắm, không thể biết chính xác được… Công Phụ vui mừng quả quyết:

– Tên chú chính là Bật. Ông thầy Tàu xin chú về làm con nuôi mới đổi tên là Phục. Nếu quả là thằng Bật em tôi, thì trên người chú có một vết chàm nơi chỗ kín?

Vậy là sau bao năm xa cách, hai anh em họ Khương đã nhận lại được nhau. Họ mừng mừng, tủi tủi, kể cho nhau nghe bao chuyện, cùng chia sẻ với nhau quyết tâm bảng vàng đề tên trong khoa thi sắp tới.

Đỗ đại khoa: “Nghìn năm sau cả Trung Quốc và Việt Nam đều tôn kính”

Khoa thi Tiến sỹ năm Canh Tý, dưới triều Đường Đức Tông (784), có một sự kiện đặc biệt làm chấn động cả đất Tràng An – Trung Quốc: Hai anh em người Việt, đất Giao Châu cùng đỗ đại khoa. Riêng người anh Khương Công Phụ đã vượt lên hàng ngàn sĩ tử, trở thành khôi nguyên Tiến sỹ cả nước Đại Đường. Sử sách Trung Hoa khi thuật lại sự kiện này, đã thừa nhận:

”Thời Đường, văn sĩ An Nam kiệt xuất có Khương Công Phụ, người Ái Châu, quận Nhật Nam…”
Khoa thi Tiến sỹ năm Canh Tý, dưới triều Đường Đức Tông (784), có một sự kiện đặc biệt làm chấn động cả đất Tràng An – Trung Quốc: Hai anh em người Việt, đất Giao Châu cùng đỗ đại khoa. (Ảnh: ourjg.com)

Lại nói, ông thầy địa lý người Tàu là bố nuôi Khương Công Phục, khi hay tin hai anh em họ Khương đều có tên trên bảng vàng, liền nghĩ rằng: Được trời đất mách bảo nên mới tìm thấy đất Cổ Hiểm, An Định – vùng ”địa linh” đã sinh ra “nhân kiệt” thuộc dòng họ Khương. Ông vội trở lại Ái Châu để báo tin vui cho vợ chồng ông Đĩnh, thắp nén hương bái tạ trời đất phương Nam và tiên tổ họ Khương.

Chỉ tiếc rằng người thầy có công dạy dỗ Khương Công Phụ vừa mới qua đời, không kịp đón nhận niềm vui lớn, mà người học trò giỏi được ông góp công dạy dỗ, vừa đạt học vị Tiến sỹ từ đất Trung Nguyên mang về.

Sau khi đỗ đạt cao, Khương Công Phụ được vua Đường phong chức Hiệu thư lang, thăng dần đến chức Gián nghị đại phu, rồi Tể tướng. Trong lịch sử có ghi nhận một số vị Trạng nguyên nước ta do tài năng lỗi lạc, học vấn uyên bác, khi sang sứ Trung Quốc cũng được Hoàng đế Trung Quốc phong làm Trạng nguyên, nên người đời mệnh danh là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”, như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Đăng Đạo… Song giữ chức Tể tướng, đứng đầu triều đình Trung Quốc thì xưa nay có lẽ chỉ mình Khương Công Phụ.

Sự kiện hai anh em họ Khương đất Việt cùng đỗ Tiến sỹ và cùng làm quan lớn đất Trung Hoa đã được người đời sau ca tụng trong đôi câu đối:
“Nhất triều trung huynh đệ đồng khoa
Thiên tải hạ Bắc Nam khởi kính”

Dịch nghĩa:
“Đỗ cao nhất triều anh em cùng khoa
Nghìn năm sau cả Trung Quốc và Việt Nam đều kính trọng”.

La Sỹ Bằng, một học giả Trung Quốc nhận xét: ”Thời Đường, lấy văn thơ kén quan chức. Người An Nam muốn ra làm quan ắt phải theo đường lối đó. Công Phụ qua khoa cử làm quan đến chức cao quý như Tể phụ thì thơ văn chắc phải uyên thâm, lỗi lạc. Tiếc không còn tập nào truyền lại ở đời… Chỉ có trong Toàn Đường văn, quyển 446 có chép được hai thiên: “Bạch vân chiếu xuân hải” và “Đối cực ngôn trữ gián sách”. Qua hai thiên văn chương ấy, chúng ta có thể đại khái thấy được bút văn, kiến thức của một bậc văn tài…”

Thẳng thắn can vua, lưu tiếng thơm muôn thuở
Trong “Tân Đường thư”, Âu Dương Tu nói Khương Công Phụ là người “có tài cao, mỗi lần tiến tấu rất rõ ràng, Đức Tông rất xem trọng”.

Ông vốn tính cương trực, thẳng thắn can gián vua, không sợ cường quyền. Hoàng đế nhà Đường ngỏ ý trọng nể, đã ban tặng ông một túi gấm thêu và bài chế tạm dịch mấy câu:
“Điều hòa âm dương cho năm tháng vẹn toàn
Đổi thay hoá dục cho Thánh đề thịnh trị
Như dao sắc được mài giúp vua làm đúng
Như mây mưa khi hạn cứu dân có lòng”.

Năm 784, khi binh loạn còn chưa dứt, thấy vua làm lễ hậu táng xây tháp cho công chúa Đường An, Khương Công Phụ đã viết văn can gián xây tháp mà nên chú trọng nuôi quân hưng thịnh để nước được yên. Nhưng Đường Đức Tông không bằng lòng, đã giáng chức ông xuống là Tả thứ tử, nhận việc trông dạy học cho Thái tử. Năm Trinh Nguyên thứ 8 – 792, ông lại bị biếm chức xuống là Tuyền Châu biệt giá.

Vương Thập Bằng, làm quan Thái Thú Tuyền Châu thời Tống, đã để lại nhiều bài thơ ca ngợi Khương Công Phụ, trong đó như bài Khương Tướng Phong:

“Tướng quốc trung như Tống Quảng Bình
Nguy ngôn lưu lạc Tấn giang thành.
Thiên tư tự trực vô tâm mãi.
Hà xứ thanh sơn diệc đắc danh”.

Dịch nghĩa:
“Lòng trung của Tướng quốc như Quảng Bình thời Tống,
Lời nói ngay thẳng nên lưu lạc đến thành Tấn Giang.
Thiên tư ngay thẳng không phải lòng bán mua được,
Nơi nào núi xanh chẳng vang danh”.

Khương Công Phụ không màng danh lợi, nhiều lần can gián làm mất lòng vua. (Ảnh: pinterest.com)

Ẩn sỹ tiêu dao, trở về với Đạo
Khi bị giáng chức đến nơi xa, Khương Công Phụ đã thoả lòng mong ước bấy lâu là được làm một ẩn sỹ, vui với gió mây, trở về với Đạo.

Thịnh trị thời Đường gắn với nhiều nhà thơ nổi tiếng, trong đó có Tần Hệ. Sau năm 780, ông chuyển về phía Tây núi Cửu Nhật ở Nam An ở ẩn. Sống khảng khái, Tần Hệ là mẫu nhà thơ đóng cửa gỗ, không cài then cầm kì thi tửu, vui thú điền viên. Bấy giờ, Công Phụ về Tuyền Châu, nghe nói Tần Hệ nên ngưỡng vọng mới đến bái phỏng. Hai người một kẻ mộ đạo thanh tuyền, người kia lòng trung ngưỡng kính, mới kết giao bằng hữu cùng đàm đạo bầu rượu túi thơ.

Từ đó, Công Phụ mới dựng nhà trúc ở phía Đông núi Cửu Nhật, cùng đối ngọn với Tần Hệ, hai người hai ngọn núi. Ngọn núi phía Đông hình như con Kỳ lân nên gọi là Kỳ Lân sơn, sau vì Khương Công Phụ ở nên gọi là Khương tướng phong.

Cảnh giới tinh thần thanh cao thoát tục của Khương Công Phụ được thể hiện rõ nét trong bài phú “Bạch vân chiếu xuân hải” (Mây trắng rọi biển xuân) của ông, được nhiều học giả nước ta và Trung Quốc đánh giá là tuyệt tác bất hủ.

Toàn bài phú có khoảng 323 chữ, lời văn nhẹ nhàng, thanh thoát, âm điệu du dương bay bổng, trình bày quan niệm của Đạo gia về vũ trụ. Nhờ hiểu được trời đất, vũ trụ, nên con người có thể sống thanh thản, êm đẹp, biết hòa hợp với tự nhiên, để tâm hồn bay bổng thoát ra khỏi những đam mê danh vọng và quyền lực:
“Bỉ mĩ chi tử, cố mục vô luân
Dương quế tiệp, trạo thanh tần
Tâm dao dao ư cực phố,
Vọng viễn viễn hồ thông tân.
Vân hề! Phiến ngọc chi nhân!”

Dịch nghĩa:
“Ai kia người đẹp, có mắt siêu quần
Buông chèo quế, thả buồm lan.
Lòng nao nao chân trời vô hạn,
Mắt chiêu chiêu bến rộng vô biên
Mây ơi! Người đẹp tuyệt trần!”


Đề Thờ Khương Công Phụ

Khương Công Phụ cùng tri âm tiêu dao cảnh vắng am tranh được 13 năm thì mất vào năm 805, niên hiệu Vĩnh Trinh thời Đường Thuận Tông. Cuộc đời ông là một giai thoại tuyệt bích về trí tuệ uyên bác của một nhà Nho và tâm cảnh thanh tịnh vô vi của bậc Đạo sỹ.

MÂY TRẮNG CHIẾU BIỂN XUÂN

Mây trắng lớp lớp, kéo hàng hàng trên biển xuân mênh mông,
Dạt dào biển cả, sáng rực từng không.
Hình ảnh tinh vi, bao bọc vừng nhật,
Đường nét mơ màng, rực rỡ tiên cung.


Lúc ban đầu, cửa trời rộng mở,
Vừng dương bừng tỏa.
Phơi phới theo rồng,
Nhẹ nhàng vỗ đá.
Vượt hang cùng mà nhảy bay,
Qua sông ngang mà ca múa.


Cho nên,
Biển in mây nên đẹp vẻ xuân,
Mây chiếu biển lại sinh sắc trắng.
Hoặc lửng trời cao màu lụa bạch,
Hoặc chìm đáy nuớc sắc ngọc bích.
Thái hư vừa khởi, muôn sắc đẹp đều trôi,
Thận khí mới thâu, vạn ánh sáng cùng ngời.


Mây vô tâm nên cuốn rồi mở,
Biển hữu ý mà đầy lại vơi.
Bên thì tràn trề mặt đất,
Bên thì chan chứa bầu trời.
Hình theo sóng mà rung động,
Bóng theo gió mà chuyển dời.
Theo sóng lớn càng rạng rỡ,
Bên nước biếc đều vui tươi.


Lúc bấy giờ,
Trên đảo giá tan,
Bên bờ tuyết sạch.
Như cung điện trên tiên,
Như hoa lá trong kính.
Cây quỳnh thêm xinh,
Đài ngọc càng thịnh.
Chim bay lượn ung dung,
Cá lặn ngụp thỏa thích.


Thảy đều:
Làm theo lòng mơ,
Sống tùy ý thích.
Trèo lên đầu ghềnh, trông vời mây bể,
Mây thì như ráng gấm pha màu,
Bể thì như mai khôi rạng vẻ.
Không có sắc nào bằng sắc trắng,
Không có mùa nào bằng mùa xuân.
Chỉ có sắc xuân là diễm lệ,
Chỉ có mây trắng là thanh tân.


Đến giòng sông ngày hôm ấy,
Ngắm cảnh đẹp lúc bấy giờ.
Kìa ai mỹ tử,
Đoái mắt nhìn qua,
Giương chèo quế, dựng buồm hoa,
Lòng phơi phới khi ra đầu bãi,
Nhìn xa xa đến tận cuối bờ.
Mây ơi! Người ngọc ta mơ!

(Nguyễn Thiên Thụ dịch)


Thanh Ngọc (tổng hợp và biên soạn)

Read More

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Hoài Trần

- Thương lắm ly cà phê vợt

Đối với những ai phải lòng cái vị đắng lúc dịu dàng, khi mạnh mẽ của cà phê thì những ngày thiếu ly cà phê sáng là những ngày không trọn vẹn. 

Thưởng thức ly cà phê sáng, với họ, không cần theo trình tự, khuôn khổ có sẵn, cũng không phụ thuộc vào ngoại cảnh. Ngồi cùng nhóm bạn trong một quán sang trọng, hoặc chỉ một mình với tờ tạp chí trong một quán vỉa hè bình dân, tựa lưng vào tường, là bạn đã có thể nhâm nhi vị của sớm mai.

Cũng có thể tùy tâm trạng mà điều chỉnh hương vị, khi thì đắng một chút, lúc thì ngọt một chút, khi có đá, khi đậm đặc…Nhưng với tôi, cà phê nhiều sữa, nhất là vào buổi sáng, sẽ là sự lựa chọn vì gieo một chút ngọt ngào vào thời khắc đầu ngày luôn là ý kiến hay.

Trong một sáng xuân, không khí phảng phất mùi vị của sự bắt đầu làm người ta có hơi chút nôn nao. Chọn điểm đến là một nơi cũ, để nghĩ về điều cũ, sửa soạn cho những điều mới. Không nơi nào hay hơn “Cà Phê Vợt”, một trong số ít quán cà phê vợt vẫn còn tồn tại ở Sài Gòn.

Ly cà phê chất lượng, giá lại rất bình dân, chỉ 8.000 đồng cho 1 ly cà phê sữa nóng.

“Cà phê vợt” hay “cà phê kho” gợi nhớ cả một khoảng trời kỉ niệm đối với những người lớn tuổi, nhưng với những người trẻ thì lại khá lạ lẫm. Quán nằm trong một con hẻm nhỏ, đủ chật để cách biệt với đường phố tất bật bên ngoài, đủ rộng để cho khách một khoảng không gian riêng.

Ở quầy pha cà phê, anh Mạnh, con trai của chủ quán không lúc nào ngơi tay. Nụ cười tươi rói với đôi tay thoăn thoắt, xem chừng anh đã quá quen với nhịp độ tất bật, thường bắt đầu từ lúc 1 giờ sáng đến tận trưa. 

Đồ nghề pha cà phê vợt gồm lắm thứ lích kích: một xoong nước đặt trên bếp than, trên nắp xoong đục 2 cái lỗ để đặt 2 ca thiếc lên trên, bên trong mỗi ca là 2 chiếc vợt lồng vào nhau. 

Đầu tiên một muỗng lớn bột cà phê nâu đậm được múc cho vào vợt trong ca thiếc, sau đó chủ quán nhấc ca thiếc lên để múc nước sôi trong xoong đổ vào vợt, chiếc ca kế được đặt lại lên nắp xoong và nắp ca cũng được đậy lại để cà phê trong ca có thể sôi bằng hơi nóng bốc lên từ xoong nước bên dưới trong khoảng 2 đến 3 phút, rồi cà phê được chế ra ly, nóng hổi. 

Anh Mạnh cho biết quán bán suốt ngày đêm, một năm chỉ đóng cửa có 10 phút để cúng giao thừa, cả gia đình ông bà con cháu thay phiên nhau bán. Đã hơn 60 năm nay không lúc nào chiếc lò đun nước ngưng bốc khói.

Anh Mạnh thoăn thoắt pha chế, không lúc nào ngơi tay

Khách tới quán chủ yếu là khách quen. Anh Thanh Huy, khách lâu năm của quán cho biết từ hồi anh còn nhỏ đã được ba dẫn tới quán uống cà phê, riết quen đến lớn ngày nào anh cũng phải uống 1 ly, có hôm 2 ly ở đây, lại còn mua về cho ba nữa. Khi được hỏi về những quán cà phê hiện đại khác, anh cười và nói nếu bạn bè rủ thì anh mới đến những quán ấy, còn đi một mình thì anh chỉ thích quán này. Anh cũng không biết diễn tả mùi vị cà phê như thế nào, chỉ biết là uống quen không muốn đổi. Có lẽ hương vị đặc trưng, thói quen cùng những kỷ niệm lúc bé là những thứ níu chân anh lại đây.

Cà phê của quán đem người uống đến với hành trình của mùi vị, thơm đậm ban đầu, ngọt dịu của sữa tan trong vòm họng, gắt và hơi chát khi xuống cổ, cuối cùng kết thúc là vị nhẫn đắng còn lại trên đầu lưỡi, quả là rất đặc biệt.

Khách uống cà phê ngồi ghế nhựa dọc con hẻm, tán gẫu và ngắm nhìn cuộc sống thường nhật của người Sài Gòn

Đối với người hay động lòng với những gì xưa cũ như mình, một bức tường ố màu thời gian, một vài tờ báo cũ treo trên tường, cùng với cách pha chế cà phê đã dần mai một là đủ để gây xao xuyến. Trong tiết trời se lạnh dễ chịu nhất trong năm, còn gì bằng ngồi bên ly cà phê cạnh bếp lò, ngắm từng đụn hơi nước bay lên thơm phức, thứ mùi thơm đằm mà dìu dịu này len lỏi vào tim rồi ở mãi đấy chẳng chịu đi đâu nữa, làm người ta cứ vương vấn hoài.

Cà phê vợt, cũng không tránh khỏi quy luật của mọi thứ trên đời, đó là tồn tại và mất đi. Người Sài Gòn đang sắp sửa lãng quên văn hóa cà phê vợt. So sánh với những quán cà phê hiện đại có điều hòa, tiếng rồ rồ của máy xay cà phê, những nói cười lao xao, thì quán cà phê vợt này như một chân trời đối lập. Dù biết rằng cà phê vợt cũng giống như những thứ xưa cũ khác, phải dần trôi vào quá vãng, rồi đây có lẽ chỉ còn trong ký ức của nhiều người, nhưng nghĩ lại sao vẫn không khỏi chạnh lòng.

Thời gian trôi qua, nhiều thứ đã lùi về phía sau và phai nhòa dần nhưng Sài Gòn vẫn giữ lại được, dù ít, những quán cà phê vợt với cách pha chế không đổi sau nhiều năm như quán của gia đình anh Mạnh. Quán vẫn nằm khiêm tốn một góc hẻm, kiên định qua năm tháng, để giữ lại cho người Sài Gòn một nét văn hóa rất đỗi thân thương.
Tên quán: Cà Phê Vợt
Địa chỉ: 330/2 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP.HCM

Theo: nongthonviet.com.vn
Read More

Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018

Hoài Trần

- Điểm danh 10 bạn trẻ Việt được "trải thảm" vào ĐH danh giá nhất nước Mỹ 2017

Những người trẻ Việt xuất sắc thuộc thế hệ 9X đã chinh phục thành công các trường đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ và thế giới với những suất học bổng "khủng".
 Xuất phát điểm, con đường và cách thức riêng biệt nhưng tất cả đã gặp nhau ở khát khao cháy bỏng vươn tới những chân trời tri thức.

Vượt qua hơn 5.500 ứng viên, Nguyễn Thị Sao Ly (SN 1993) đã phỏng vấn thành công học bổng tiến sĩ trị giá 9,3 tỷ đồng của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) - một trong những đại học đào tạo Y khoa tốt nhất thế giới vào tháng 4/2017.

Không những vậy, Sao Ly còn chinh phục thành công học bổng của 7 trường đại học uy tín khác ở Mỹ là MIT, Cornell University, University of California San Diego, University of Chicago, Rice University, University of Texas Southwestern và Baylor University.

Nguyễn Sao Ly (24 tuổi) tốt nghiệp ngành Sinh học và Y tiến hóa tại ĐH California, Los Angeles (Mỹ) năm 2016 đã giành 8 học bổng tiến sĩ danh giá năm 2017.

Trước đó, vào tháng 6/2016, cô gái Đà Nẵng tốt nghiệp ngành Sinh học và Y tiến hoá tại University of California Los Angeles (UCLA) với thành tích nằm trong top 5% xuất sắc của trường.

Nữ du học sinh Việt sở hữu bảng thành tích học tập rất đáng nể với nhiều lần nhận học bổng và giải thưởng danh giá. Một trong số đó là giải thưởng thuyết trình nghiên cứu tại Hội nghị GTCbio Drug Discovery được tổ chức tại San Diego, Mỹ vào năm 2015.

Những thành tích đáng nể của Sao Ly khi còn ở bậc trung học khiến các bạn học sinh phải trầm trồ:

- Giải Ba học sinh giỏi Nguyễn Khuyến môn Văn năm 2005
- Giải Nhì và Nhất học sinh giỏi Nguyễn Khuyến môn Anh năm 2006, 2007.
- Giải Nhất học sinh giỏi Thành phố môn Anh năm 2008
- Thành viên chương trình Khoa học cho Thanh Niên của ĐH Stanford năm 2010.
- Giải thưởng học sinh xuất sắc của năm dành cho khoa Toán và khoa Toán năm 2011 của trường trung học The King’s Acedemy, Sunnyvale, US.
- Tốt nghiệp top 2 của trường trung học The King’s Academy năm 2012.
- Khi còn là học sinh trường ĐH California, Sao Ly luôn là nữ sinh có điểm tuyệt đối các học kỳ.


Cô gái vàng” của Vật lý Việt Nam đỗ Viện công nghệ số 1 thế giới
Đinh Thị Hương Thảo (SN 1998), cô gái từng đạt 2 huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế cho Việt Nam xuất sắc giành học bổng trị giá 6,5 tỷ đồng của Viện Công nghệ danh giá nhất thế giới Massachusetts Institute of Technology University (MIT) tại Hoa Kỳ trong kỳ tuyển sinh quốc tế năm 2017.

Đinh Thị Hương Thảo (giữa) giành học bổng 6,5 tỷ từ ĐH MIT.

Con đường đến MIT của cô gái Nam Định có nhiều dấu ấn. Không chỉ là bộ hồ sơ với rất nhiều thành tích học tập xuất sắc, điểm chuẩn hóa cao, Thảo chinh phục hội đồng tuyển sinh bằng bài luận “nữ nhi với khoa học” thể hiện đam mê mãnh liệt và quyết tâm với nghiên cứu khoa học, đặc biệt là ngành khoa học vật liệu.

Cô gái miền sơn cước đầu tiên vào Stanford với học bổng toàn phần
Nguyễn Lê Hoài Anh (SN 1999) là học sinh Lào Cai đầu tiên vượt qua nhiều đối thủ, giành được học bổng "khó nhằn" từ ngôi trường danh tiếng có tỷ lệ chấp nhận thí sinh thuộc hàng thấp nhất nước Mỹ - ĐH Stanford.

Nguyễn Lê Hoài Anh - nữ sinh Lào Cai đầu tiên giành học bổng danh tiếng Mỹ.

Không biết một trung tâm tư vấn du học Mỹ nào ở tỉnh, không được tiếp xúc nhiều với các anh chị du học thành công, Hoài Anh bắt đầu bằng việc tự tìm hướng đi trên Internet.

Lên kế hoạch cụ thể và cố gắng không mệt mỏi, cô gái Việt đã chinh phục ngôi trường danh giá thế giới bằng nghị lực mạnh mẽ, trái tim khát khao nồng cháy và một cá tính chân thực. Em được ĐH Stanford cấp học bổng toàn phần trị giá 6,5 tỷ đồng.

Cô gái trường Ams giành học bổng 7 tỷ đồng từ ĐH Harvard
Nguyễn Đình Tôn Nữ (SN 1999), cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam vượt qua hơn 39.500 ứng viên thế giới để trở thành sinh viên ngôi trường danh giá nhất thế giới - ĐH Harvard.

Nguyễn Đình Tôn Nữ được ĐH Harvard cấp học bổng toàn phần lên tới 78.000 USD/năm.

Em được trường cấp học bổng toàn phần 78.000 USD/năm, tổng giá trị học bổng lên đến hơn 7 tỷ đồng. Điểm đặc biệt giúp 9X vào ĐH Harvard có lẽ là bài luận “Vì sao tôi tên Nguyễn Đình Tôn Nữ?”.

Tôn Nữ cho hay: “Em muốn gửi thông điệp qua bài luận là đời sống văn hóa của mỗi người Việt Nam nói riêng hay người phương Đông nói chung được thể hiện từ những điều nhỏ nhất, có thể bắt đầu chỉ là những cái tên”.

Nam sinh nhiều tài lẻ trúng tuyển Đại học khối Ivy League danh giá
Mùa tuyển sinh năm 2017, Columbia chỉ lấy 5,8% trong số hơn 37.000 ứng viên. Trước đó, Hà Quốc Huy - nam sinh trường Quốc tế Anh (Hà Nội) chỉ có 8 tuần để hoàn thiện hồ sơ và chưa thi chuẩn hóa. Theo nam sinh, điều làm nên thành công khi chinh phục ĐH Columbia không nằm ở điểm số.

Hà Quốc Huy chọn theo đuổi ngành Khoa học máy tính ở ĐH Columbia.

Vốn năng động, thích khám phá, từ sớm Hà Quốc Huy đã tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Huấn luyện chó, chơi bóng chày, chơi nhạc cụ (guitar, ukulele, trống), làm phim, chụp ảnh… Huy đã gắn bó với từng ấy sở thích được 5-6 năm liên tục, song song với việc em đam mê và làm khoa học.

Chàng trai “rinh” học bổng 7 tỷ đồng nhờ “cô bán vé số dạo”
Với bài luận chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm với một cô bé nghèo bán vé số, Nguyễn Hoàng Long, học sinh trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TPHCM) xuất sắc được ĐH New York (Mỹ) Phân hiệu Abu Dhabi đồng ý cấp học bổng toàn phần trị giá 7 tỷ đồng.

Nguyễn Hoàng Long, cựu học sinh lớp 12 chuyên hoá trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TPHCM) nhận học bổng 7 tỷ đồng tới Mỹ.

Hoàng Long cũng cho biết, em từng gửi hồ sơ đến 17 trường ĐH, chủ yếu của Mỹ và được hơn một nửa trong số đó đồng ý. Tuy nhiên, Long chọn trường ĐH New York vì noi gương anh trai cũng từng nhận học bổng của trường này.

Cô nàng “mọt sách” vào ĐH khối Ivy League
Lê Linh Đan xuất sắc giành học bổng trị giá 6,3 tỷ đồng cho 4 năm từ ĐH Columbia – ngôi trường xếp top 5 ĐH quốc gia Mỹ và nằm trong nhóm trường “xuất chúng” nhất nước Mỹ Ivy League. Điểm đặc biệt giúp em chinh phục trường chính là nhờ niềm đam mê bất tận với sách, đặc biệt là sách Triết học.
Lê Linh Đan giành học bổng 6,3 tỷ đồng của ĐH Columbia.

Lê Linh Đan giành học bổng 6,3 tỷ đồng của ĐH Columbia.

Năm lớp 10, Linh Đan giành học bổng du học một năm tại Mỹ, em tiếp tục phát triển đam mê đọc sách với các bạn quốc tế. Khi về Việt Nam, Linh Đan mở một CLB sách Triết học để cùng các bạn đọc, thảo luận, giữ lửa đam mê.

9X Việt xinh đẹp “gặt” 4 học bổng tiến sĩ, thạc sĩ danh giá Mỹ
Tốt nghiệp cử nhân, Nguyễn Phương Anh xuất sắc ghi danh vào những trường đại học hàng đầu đất Mỹ ở bậc học cao hơn. Cô gái Việt cùng lúc giành 2 học bổng tiến sĩ toàn phần và 2 học bổng thạc sĩ (một toàn phần, một bán phần) giá trị lớn.
Phương Anh với tấm bằng cử nhân ĐH Franklin & Marshall.

ĐH California ở San Diego và ĐH Massachusetts ở Amherst đều cấp học bổng tiến sĩ toàn phần vì đánh giá cao tài năng, tiềm năng đóng góp cho nhà trường của cô gái sinh năm 1994 đến từ Việt Nam.

Tuy nhiên, cuối cùng 9X đã có quyết định dũng cảm và khá lạ là từ chối cả hai học bổng tiến sĩ, quyết định nhập học Thạc sĩ ngành Văn học Anh (English Literature) tại ĐH Georgetown ở Washington, D.C, Hoa Kỳ. Ở bậc cử nhân, Phương Anh là học sinh quốc tế duy nhất của ngành Văn học tại trường đại học nhưng lại là sinh viên có thành tích tốt nhất khoa, được các giáo sư Mỹ rất yêu quý.

9X Bắc Ninh vào ĐH “tỉ lệ chọi” cao nhất Mỹ
Vượt hơn 20.000 ứng viên khác, nam sinh Chu Đức Anh đỗ trường ĐH Minerva kèm học bổng trị giá 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng) cho 4 năm học.

Chu Đức Anh giành suất học bổng trị giá 2,3 tỷ đồng từ ĐH Minerva, Hoa Kỳ.

Cậu học trò năng động là người sáng lập/ đồng sáng lập kiêm Chủ tịch/ chủ nhiệm của nhiều CLB ngoại khóa tại trường THPT Chuyên Bắc Ninh như: CLB Âm nhạc Flow of The Beats, Dự án Truyền thông CBN Corner, Chuỗi sự kiện Lumos,…

Nam sinh trường Ams “giành vé” vào hàng loạt ĐH Mỹ
Phạm Đức Kiên (Cựu học sinh lớp chuyên Anh - Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsdertam) có lẽ là một trong những bạn trẻ giành nhiều học bổng nhất ở mùa tuyển sinh quốc tế năm 2017. Đỗ cùng lúc 11 trường đại học ở Mỹ, Kiên quyết định chọn ĐH Bowdoin, bởi đây là ngôi trường phù hợp nhất với mục tiêu và nhu cầu của em.

Phạm Đức Kiên trúng tuyển vào 11 ĐH Mỹ.

Đam mê kết nối “truyền lửa” du học, chàng trai 9X là thủ lĩnh năng nổ của tổ chức VietAbroader nhiều năm liền. Em là Trưởng BTC hội thảo Polaris 2015 - Ngày Định hướng của VietAbroader với mục đích trợ giúp những bạn trẻ tìm được hướng đi rõ ràng hơn cho tương lai, một nghề nghiệp phù hợp của bản thân giữa vô vàn lựa chọn.

Theo Dân trí
Read More