- 40 con cháu ‘Vua Mèo’ bị cướp nhà
(VTC News) - Con cháu họ Vương người lang bạt sang Trung Quốc làm thuê kiếm sống, người đi bốc vác kiếm ăn qua ngày…
Mấy ngày gần đây, cả nước lại hướng về Hà Giang, với chuyện cháu của “Vua Mèo” Vương Chí Sình, là ông Vương Chí Bảo, gửi đơn lên Thủ tướng, kiến nghị tỉnh Hà Giang trả lại mảnh đất có tòa dinh thự trăm tuổi cho con cháu họ Vương ở Hà Giang.
Đây là công trình kiến trúc độc đáo nhất Hà Giang, là tài sản quý giá của quốc gia, và ai cũng biết nó do “Vua Mèo” xây dựng, do đó, nó thuộc sở hữu của con cháu vị “vua” này. Thế nhưng, đùng một cái, mảnh đất hình mu rùa ở thung lũng Sà Phìn (Đồng Văn), nơi có “vương phủ” đã ngự ở đó trăm năm, bỗng nhiên lại thuộc sở hữu của Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn, quả thực khiến người ta khó hiểu.
Điều lạ hơn, là mảnh đất, gồm cả tài sản gắn liền trên đất đã thuộc sở hữu của Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn từ 6 năm trước, tức năm 2012, giờ mới lộ ra, khiến con cháu vị “Vua Mèo” huyền thoại này… ngã ngửa.
Tôi liên lạc lên Đồng Văn, tìm người đại diện của dòng họ Vương, thì mới biết, ông Vương Duy Bảo, cháu của “Vua Mèo” Vương Chí Sình, chắt của “Vua Mèo” Vương Chính Đức, hiện đang ở Hà Nội.
Hóa ra, ông Bảo từng giữ cương vị Phó Cục trưởng, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từng quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Ba Vì. Ông Bảo đã về hưu và sống cuộc đời bình dị trong căn nhà công vụ thuê của Nhà nước trên phố Trần Quang Diệu.
Dù ở thủ đô đã nửa thế kỷ, nhưng ông Bảo vẫn giữ được tính cách dân dã của đồng bào miền đá, hiếu khách và nhiệt tình,
Ông Bảo đeo chiếc kính lão trễ nải trên mũi, nhặt từng văn bản, hồ sơ từ sấp dày, sắp theo trình tự đưa cho tôi và bảo: “Nhìn cậu cũng cứng tuổi rồi, am hiểu luật pháp và hồ sơ, nên đọc cái là biết hết thôi, chắc tôi không cần phải nói nhiều đâu. Cán bộ Hà Giang họ dốt thật hay giả vờ dốt trong vận dụng luật, thì cứ đọc là biết”.
Tôi cầm bộ hồ sơ ông đưa, đặt trên mặt bàn, không giở ra vội. Tôi thích nghe những câu chuyện ngoài lề.
“Bố tôi, rồi đến tôi dòng dõi nhà Vương. Ông nội tôi là anh em kết nghĩa với Bác Hồ. Các lãnh đạo đất nước cũng phần nào tôn trọng gia tộc nhà tôi. Vậy mà họ còn ngang nhiên lấy cả nhà lẫn đất…” – ông Vương Duy Bảo thở dài.
Tuổi thơ của ông Vương Duy Bảo gắn liền với dinh thự nhà Vương ở Sà Phìn. Năm tháng tuổi thơ vác địu lên nương cùng bố và ông nội khai thác thuốc phiện vẫn như cuốn phim trước mắt.
Không chỉ có dinh thự nhà Vương ở Sà Phìn, mà theo lời ông Bảo, còn có một dinh thự nữa, mang tên Nhà Trắng ở Phó Bảng. Nhà Vương ở Sà Phìn dù xây dựng hoành tráng, nhưng nó chỉ có ý nghĩa phòng thủ, là nơi ở và sinh hoạt của cả nhà, vì giao thông không thuận tiện.
Đầu thế kỷ 20, người Hoa, người Hán tập trung buôn gian bán lậu ở Phó Bảng rất đông. Thuốc phiện khắp vùng Đồng Văn do nhà Vương cai quản không chỉ bán cho người Pháp, mà còn bán cho người Hoa, người Hán ở Phó Bảng.
Địa điểm Phó Bảng lại chỉ cách Sà Phìn 1 giờ cưỡi ngựa, nên “Vua Mèo” Vương Chí Sình đã cho xây dựng một dinh thự nữa ở đây vào năm 1930. Đó là một dinh thự 2 tầng, gồm nhiều tòa ngang dãy dọc, pha trộn nhiều nét kiến trúc, vừa giống Gothic, mang dáng dấp Trung Hoa, lại giống một pháo đài. Điều thú vị, là trần nhà làm mái bằng, tường đá bao bọc xung quanh rất kiên cố.
Ông Vương Chí Sình cùng các chuyên gia sang tận Pháp nghiên cứu, rồi mang về một chiếc máy phát điện chạy bằng củi. Lắp xong chiếc máy, thì mất nguyên một căn phòng rộng. Mỗi lần đốt củi, máy phát điện chạy, thì toàn bộ dinh thự với cả trăm bóng điện sợi đốt sáng trưng, khiến dinh thự trở nên lung linh huyền ảo.
Bảo vệ dinh thự Nhà Trắng là một đội quân đông đảo. Có cả sân ngựa phía sau của đội bảo vệ phục vụ “Vua Mèo”. Theo lời ông Bảo, năm 1962, khi ông Vương Chí Sình qua đời, khi đó ông Bảo cũng đã lớn, đứng xem mọi người bóc ván sàn, đem lên cả tấn súng đạn, đủ các loại súng hiện đại thời đó, đem nộp cho huyện đội.
Tiếc rằng, chiến tranh biên giới 1979, tòa dinh thự có tên Nhà Trắng ở Phó Bảng đã bị phá hủy. Giờ nó chỉ còn trong ký ức của con cháu họ Vương và những người già nơi đây.
“Sau khi kết nghĩa với Bác Hồ, thì ông tôi Vương Chí Sình một lòng theo cách mạng. Có bao nhiêu gia sản ông hiến hết cho Nhà nước. Chính mắt tôi chứng kiến cảnh tượng gia tộc nhà tôi đào lên không biết bao nhiêu là chum lớn dưới nền nhà, trong vườn, chứa toàn bạc trắng và tiền Tưởng Giới Thạch. Các cụ cuộn tiền thành bó để trong chum. Lúc đó tiền này không còn giá trị, nên đem đốt. Còn bạc đổ ra sân, cả nhóm cán bộ ngân hàng kiểm kê suốt một ngày mới xong. Mọi người phải dùng xẻng xúc bạc già đóng vào bao, rồi một đoàn xe tải chở về Hà Nội” – ông Vương Duy Bảo kể lại.
Toàn bộ gia sản hiến hết cho cách mạng, “Vua Mèo” Vương Chí Sình kiêm đại biểu Quốc Hội, chẳng giữ lại gì ngoài ngôi nhà dưới những rặng sa mộc giữa thung lũng nên thơ, để con cháu trú ngụ, lao động kiếm sống.
Ngôi nhà ấy không chỉ là nơi trú ngụ, mà nó còn là kỷ niệm của gia đình quyền quý một thời vang bóng.
Là di tích vô cùng độc đáo, nên năm 1993, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra quyết định công nhận ngôi nhà là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Theo lời ông Vương Duy Bảo, năm 2002, khi tỉnh Hà Giang tiến hành trùng tu dinh thự, thì gia tộc họ Vương mới biết có quyết định này. Lúc đó, vẫn có 6 hộ gia đình, toàn là con cháu của “Vua Mèo” sinh sống trong ngôi nhà đó. Chính quyền tỉnh đã hỗ trợ tổng số 500 triệu đồng, và yêu cầu 6 hộ gia đình với vài chục nhân khẩu rời khỏi ngôi nhà mà tổ tiên để lại cho mình.
Khi đó, bức xúc vì chuyện bỗng dưng tài sản tổ tiên để lại được vinh danh, dẫn đến mất nhà, ông Vương Quỳnh Sơn, cháu đích tôn của “Vua Mèo” Vương Chính Đức đã gửi đơn thư khắp nơi. Bộ trưởng Văn hóa – thông tin Phạm Quang Nghị đã khẳng định rõ ràng: “Việc Nhà nước công nhận các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên đất nước Việt Nam, trong đó có di tích nhà Vương, là sự ghi nhận về mặt pháp lý và tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị ấy trong hiện tại và tương lai. Đó là mục đích và việc làm đúng đắn, có tác dụng tốt cho cả chủ sở hữu và các di tích, cho các địa phương có di tích và cho toàn xã hội. Quyết định này không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp”.
Ấy thế nhưng, theo lời ông Bảo, trùng tu xong dinh thự thì toàn bộ 6 gia đình với 40 nhân khẩu đã mất nhà. Với số tiền ít ỏi vài chục triệu mỗi hộ, chỉ đủ dựng tạm mấy “túp lều” ở một góc mảnh đất phía trước dinh thự. Con cháu họ Vương người lang bạt sang Trung Quốc làm thuê kiếm sống, người đi bốc vác kiếm ăn qua ngày, người mổ lợn bán ở chợ, người quét chợ kiếm ăn, người vẫn tiếp tục gùi đất đổ lên hốc đá trồng ngô để cả nhà có mèn mén mà nhai. Còn chính quyền sau khi đốn hạ 27 cây sa mộc trăm tuổi, thì bán vé thu tiền du khách.
Việc con cháu họ Vương bỗng dưng mất nhà, sau khi ngôi nhà ấy được vinh danh, khiến những người Mông ở miền đá không chấp nhận. Gần 20 năm qua, ông Vương Quỳnh Sơn, rồi đến con trai là ông Vương Duy Bảo, liên tục đơn thư, đòi lại nhà, hoặc yêu cầu chính quyền bố trí một vài căn phòng để ở, để thờ cúng, để tụ họp gia đình trong những ngày trọng đại, nhưng không được giải quyết.
Đất đai, nhà cửa do tổ tiên để lại, với trách nhiệm là con cháu đích tôn, cần phải giữ gìn, nên mới đây, ông Vương Duy Bảo, đã đứng ra để làm “sổ đỏ”, thì mới ngã ngửa, khi mảnh đất gần 1 vạn mét vuông, nơi có dinh thự đặc biệt đã thuộc sở hữu của Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn.
https://thanhnien.vn/van-hoa/so-do-dinh-thu-vua-meo-cap-sai-luat-995065.html