Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Hoài Trần

- Lợi không thể tận chiếm, phúc không thể tận hưởng

Cổ nhân giảng, làm người cần phải nhớ kỹ: 
Lợi không thể chiếm tận, phúc không thể hưởng hết, quyền thế không thể sử dụng hết. Nếu những điều này dùng hết rồi thì tai họa sẽ lập tức đến.

(Hình minh họa: Qua pinterest)

Lữ Mông Chính thời nhà Tống là người có ý chí rộng lớn, độ lượng, có phong thái của một vị đại tướng. Mỗi khi gặp phải người bất đồng ý kiến, ông đều dùng tài khéo léo, uyển chuyển để hiểu đối phương và để đối phương hiểu ý mình. Hoàng Đế rất tín nhiệm Lữ Mông Chính. Lúc Lữ Mông Chính lần đầu đến triều đình, có một quan viên chỉ vào mặt ông và nói: “Người này mà cũng có thể tham gia vào việc triều chính sao?” Lữ Mông Chính dù nghe rất rõ nhưng vẫn giả như không nghe thấy gì, chỉ cười và bỏ qua.

Nhưng những người bạn của ông nghe thấy lời ấy thì rất bất bình trong tâm, muốn chất vấn xem tên quan kia là ai. Lữ Mông Chính lập tức ngăn họ lại và nói: “Một khi đã biết tên của ông ta, thì cả đời sẽ không quên được, chi bằng không biết còn tốt hơn!” Lúc ấy các quan viên trong triều đình đều bội phục tấm lòng khoan dung của ông. Về sau, vị quan lại kia đã tìm đến nhà Lữ Mông Chính, đích thân xin lỗi và kết bạn, giúp đỡ lẫn nhau.

Lữ Mông Chính cho vị quan lại một đường lui như vậy, không chỉ hóa giải được oán giận trong tâm mà còn khiến đối phương bội phục. Đúng là phong thái của bậc quân tử, cũng là thể hiện ra trí tuệ và cảnh gới tu dưỡng thâm hậu của ông.

Thời nhà Tống có một câu chuyện như sau: Thiệu Khang Lễ là nhà triết học lớn tinh thông “Kinh Dịch”. Đương thời, ông là anh em bà con với hai anh em lý học gia Trình Hạo và Trình Di, đồng thời ông cũng thường lui tới giao lưu cùng Tô Đông Pha. Nhưng quan hệ giữa Trình Hạo và Trình Di với Tô Đông Pha luôn không tốt, không được hòa thuận.

Trước lúc ra đi, Thiệu Khang Lễ bị bệnh rất nặng. Hai anh em Trình Hạo và Trình Di túc trực bên giường chăm sóc. Lúc ấy, bên ngoài có người báo rằng có khách tới thăm Thiệu Khang Lễ. Trình Hạo và Trình Di hỏi ra thì biết người đó chính là Tô Đông Pha nên tìm cách khước từ, không cho vào.

Lúc này, Thiệu Khang Lễ nằm trên giường bệnh đã ốm nặng đến mức không thể nói nổi. Ông liền giơ tay lên ra dấu hiệu , nhưng anh em Trình Hạo và Trình Di không hiểu được ý ông muốn nói là gì.

Một lát sau, Thiệu Khang Lễ cố gắng hết sức, vừa thở vừa nói rằng, nhường đường cho người thì con đường của mình sẽ rộng mở hơn. Nói xong câu ấy, Thiệu Khang Lễ tắc thở mà đi.

Lợi không thể chiếm tận, phúc không thể hưởng hết
(Hình minh họa: Qua kknews.cc)

Tục ngữ nói: “Lợi bất khả trám tẫn, phúc bất khả hưởng tẫn, thế bất khả dụng tẫn”, chính là có ý khuyên rằng thấy lợi đừng tham mà chiếm tận, phúc cũng không thể hưởng thụ hết. Người xưa giảng rằng: “Phúc hề họa sở ỷ, họa hề phúc sở trí”, là có ý nói rằng: Phúc nếu như hưởng hết thì tất sẽ chiêu mời họa. Cổ nhân tin rằng mọi phúc báo trong cuộc đời của một người là có nguyên nhân từ đức mà ra. Cho nên, nếu một người hưởng hết phúc mà không hành thiện tích đức thì tai họa sẽ đến ngay lập tức. Quyền thế không thể dùng hết. Một người có quyền thế hay địa vị cao không thể có mãi trong cả đời. Những người luôn tự cao tự đại, tận dụng quyền thế để sai khiến người khác cần phải hiểu rằng: “Nước có thể chở thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền.”

Lưu cho người khác một con đường sống cũng chính là lợi không thể chiếm tận, phúc không thể hưởng hết, thế không thể dùng hết, quyền không thể sử dụng hết. Lời nói của Thiệu Khang Lễ quả thực rất có đạo lý. Người ta ví nhân sinh như một sân khấu lớn, luôn có những thay đổi bất ngờ, hỏi nơi nào là không có mâu thuẫn? Nơi nào không có phân tranh? Con người sống trong xã hội, có người quân tử sòng phẳng, cũng có kẻ tiểu nhân mưu lợi toan tính. Nếu một người không có tấm lòng bao dung thì sẽ không thể hòa thuận chung sống cùng người khác.

Khi phát sinh mâu thuẫn với người khác, nếu chúng ta có đủ lòng bao dung, đủ thông hiểu người khác, lưu cho người khác một cơ hội thì mâu thuẫn ấy sẽ nhanh chóng được hóa giải. Thậm chí chúng ta còn chiếm được lòng tôn kính và sự tín nhiệm từ người khác. Đúng như cổ nhân giảng: “Lùi một bước biển rộng trời cao”.

Cho người khác một cơ hội chính là không đem sự tình làm đến tuyệt, không cực đoan, không quá mức. Đây phải là người có tu dưỡng mới có thể làm được. Người hiểu thấu đạo lý này sẽ thấy biến mà không kinh, luôn ung dung bình tĩnh trước mọi tình thế xảy ra.
Lưu cho người khác một cơ hội là trí tuệ nhân sinh, cũng là kinh nghiệm sống

(Hình minh họa: Qua kknews.cc )

Những người điêu khắc tượng đều biết rằng, khi chạm khắc đều để mũi bức tượng cao hơn một chút. Như vậy nếu pho tượng không giống, họ có thể từ từ cắt giảm đi cho giống. Hay những người đầu bếp, khi nấu ăn đều cho một chút muối, không cho quá nhiều, nếu khi ăn thấy vị chưa đủ sẽ cho thêm một chút để vừa miệng… Đây đều là lưu lại cho mình một cơ hội, nó vừa là trí tuệ, vừa là kinh nghiệm sống mà mỗi người cần ghi nhớ.

Cấp cho người khác một cơ hội cũng chính là cho mình một lối thoát: Con người khi làm việc không nên làm quá tuyệt tận, nhìn thấy lỗi của người khác không nên chỉ trích trước đám đông, lời nói không nên đến mức cực đoan, có lui có tiến, linh hoạt xử lý, vừa có thể giải quyết được vấn đề phức tạp lại cấp cho mình một lối thoát về sau.

Cấp cho người khác cơ hội cũng chính là cho người khác lối thoát: Cắt đứt con đường của người khác thì con đường đi của mình cũng sẽ có lúc gặp nguy, đập vỡ bát cơm của người khác thì bát cơm của mình cũng dễ vỡ. Không đẩy người khác vào tình thế khó xử cũng chính là không đẩy mình vào tình thế khó xử, cho người khác sống thoải mái cũng chính là cấp cho mình sự thoải mái. Đây là cách đối nhân xử thế rất quan trọng.

Trong cuộc sống, làm người hay làm việc đều không nên làm quá tuyệt tình, quá mức mà nên tùy thời, linh hoạt, cấp cho người khác một đường lui cũng chính là mở rộng con đường đi của mình.

An Hòa (dịch và t/h)

Đời người như thế nào là hạnh phúc? Đó là cuộc đời liễu ngộ ý nghĩa đích thực của sinh mệnh. Con người tại thế gian, cần chịu khổ, nhẫn nhịn, buông bỏ, thiện lương, sống bằng diện mạo chân thật bản lai của mình, thì sẽ càng trân quý bản thân, trân quý hết thảy những gì xung quanh.
Con người sống ở thế gian, phải chịu rất nhiều cực khổ, trải qua nhiều ma nạn trui rèn, mới có thể dần dần buông bỏ những thứ không tốt của mình, trở nên thuần tịnh thanh khiết hơn, tự nhiên hơn, cuối cùng sẽ thấy được bản lai chân thực nhất của mình.
10 loại trí tuệ lớn nhất cuộc đời
1. Khổ: Người khổ tâm, Trời chẳng phụ
Cuộc đời muôn vẻ, điều khó nói ra nhất là khổ, cái khó chịu đựng nhất cũng là khổ. 
Con người sống ở thế gian chẳng được như ý, bôn ba cõi hồng trần cần rèn giũa mình. 
Có người nào không bước ra từ cái khổ? Ai dám nói mình chưa hề biết khổ đau là gì?
Con người thường chịu khổ một trận, nhưng sẽ không chịu khổ cả đời. 
“Người khổ tâm, Trời chẳng phụ”, thẳng thắn đối mặt thì cái khổ cuối cùng sẽ thành tựu hạnh phúc.
Không nên coi cái khổ quá lớn, một năm 360 ngày dầm dãi gió sương, nếu không thì cuộc đời sẽ là đống hoang phế.
Cũng không nên cố tình tạo ra, phóng đại cái khổ. “Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ”, nếu không cuộc đời chỉ là đống gạch đá vụn.
Không nên coi khổ là vận xui, lấy khổ làm vui, trong khổ vốn đã có mầm vui rồi, đời người luôn luôn có cả vui lẫn khổ.
Con người thường chịu khổ một trận, nhưng sẽ không chịu khổ cả đời. (Ảnh: Hilarious)
2. Nhẫn: Trong chữ Nhẫn có một lưỡi dao
Người ôm chí lớn mới biết nhẫn, xả bỏ những phân tranh vô vị trước mắt, lẳng lặng nỗ lực tiến lên về phía mục tiêu của mình.
Người có tầm nhìn xa trông rộng mới có thể nhẫn, họ vui thú thưởng thức các vì sao mỹ lệ trên bầu trời, nên nhẫn chịu được muỗi đốt kiến cắn.
Nhẫn không phải là nhu nhược, cũng không phải là vô dụng, nhẫn là sức mạnh, là tư tưởng, là từ bi, là trí tuệ, và là nghệ thuật.
Nhẫn nhất thời trời yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn biến binh đao thành ngọc lụa. Gặp nhau cười sạch hết ân cừu. Nhẫn khiến việc lớn thành việc nhỏ, khiến việc nhỏ thành vô sự. Trong lòng không chứa việc, trong tâm không áp lực, ăn sẽ ngon, ngủ sẽ yên, người sẽ khỏe mạnh, cuộc đời sẽ hạnh phúc.
3. Vui: Một nụ cười, mười năm trẻ
Người coi trọng cuộc sống thế tục, thì chẳng thể sống vui vẻ nổi.
Người xưa sống với suối, đá, trúc, hoa, bạn với thi, tửu, thư, kỳ, say mê chữ nghĩa cổ kim, vui thích đàm đạo hát ca. Đi thì đến với danh sơn đại xuyên, trèo cao trông xa, cầu hiền tìm bạn, tình ý lâu bền.
Trong các hoạt động chẳng có dính dáng gì đến công danh lợi lộc kia, niềm vui luôn luôn song hành cùng cuộc sống. Những khoảng thời gian vui vẻ này, là một trong những lý do quan trọng nhất người xưa vui vẻ sống trên đời.
Không tham thế tục ắt vui vẻ một đời. (Ảnh: VNphoto.net)
Cuộc sống người hiện đại bận rộn và căng thẳng hơn người xưa rất nhiều, những vẫn cứ nên học “tâm pháp vui vẻ” của người xưa.
4. Động: người di chuyển thì sống, cây di chuyển thì chết
Động có thể dưỡng sinh. Sinh mệnh tồn tại ở vận động.
Nước chảy luôn động, nên không hôi thối; then cửa luôn động, nên không mối mọt. Con người cần giữ trạng thái động, đừng an dật với hiện trạng, chịu khuất phục, an dật khiến tâm hồn “chết” đi, chi bằng hãy phấn chấn mà chống lại nó.
“Cùng thì suy nghĩ thay đổi”, “Người tìm đến chỗ cao, nước chảy về chỗ thấp”, hãy công phá những thói quen đã quá quen thuộc của mình, dám bước ra khỏi “cái lồng” quen thuộc, tìm điểm nghỉ ngơi mới. Nơi mới có nghĩa là sự khởi đầu mới.
5. Tĩnh: Tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng đức
Dưỡng tâm cần tĩnh. Tĩnh có thể sinh ra trí tuệ.
Sách “Quản Tử” viết: “Tĩnh thì được, nóng nảy thì mất”.
Tĩnh không phải là sự ước thúc để yêu ghét không lộ ra nét mặt, cũng không phải tâm địa thâm trầm không hiển lộ.
Tĩnh chân chính là cuộc sống có mục tiêu, có truy cầu chân chính, để thực hiện mục tiêu cuộc đời mà mình đã đặt ra, kiên định không gì lay chuyển nổi, làm việc nghĩa chẳng quay đầu nghĩ lại.
Tĩnh chân chính là vứt bỏ hết cái tâm nóng vội, đứng núi này trông núi khác, là không truy cầu những ảo tưởng mơ hồ mịt mùng, không thiết thực, là không có tạp niệm, tà niệm. Trong vô vàn dụ dỗ mê hoặc của thanh sắc hưởng lạc, không vì sai lầm của một niệm của mình mà nuốt hận cả đời.
Dưỡng tâm cần tĩnh. Tĩnh có thể sinh ra trí tuệ. (Ảnh: Pinterest)
6. Hòa: Thiên địa hòa, vạn vật sinh
Trời cao thỏa sức chim bay,
Biển khơi bát ngát cá say vẫy vùng.
Thiên nhiên “hòa mà vẫn giữ bản sắc” chính là sức mạnh thần kỳ, nó đem lại cho con người không chỉ vật chất mà còn rất nhiều gợi mở chỉ dẫn về tinh thần.
Cá kia bơi lượn nông sâu, chim ưng bay liệng cao xa, vạn vật tự nhiên đều không trái tự nhiên, đều rành mạch có trật tự, cùng chung sống hài hòa. Chúng ta bỗng phát hiện ra, có một sức mạnh đang vỗ về con tim. Hãy tĩnh tâm lại, hòa cùng vạn vật.
Cõi nhân gian hòa vi quý, gia đình hòa thuận vạn sự hưng thịnh.
Hòa với mình, coi nhẹ danh lợi, tâm yên định. Hòa với người, thật lòng đối đãi nhau, tình cảm thắm thiết. Vợ chồng hòa thuận, thấu hiểu giữ gìn, tình ấm áp.
Gia đình hòa thuận, sự nghiệp hưng thịnh, phúc bất tận, khiến thiên hạ hòa thuận. May mắn phúc lành khắp càn khôn. Cõi nhân gian, hòa vi quý, đất đá hóa bạc vàng. Trong tâm một chữ Hòa, đi khắp thiên hạ đều là người thân.
7. Giản: Giản đơn thoát tục, thanh đạm như nước
Người xưa sống truy cầu một chữ Giản: một chén trà thanh khiết, một chiếc cổ cầm, tuyết ngớt tìm hoa mai, gió thổi nghe trúc hát.
Cuộc đời đơn giản ưu nhã, tránh vinh hoa phù phiếm. Ngôi nhà trang nhã đâu cần lớn, hoa thơm chẳng cần nhiều. Thong dong mà không gấp gáp, tự tại mà chẳng quẫn bách, cẩn thận mà chẳng sốt ruột, điềm đạm mà chẳng tầm thường.
Con người ở thế gian, chỉ cầu một chữ Giản, một làn hương dịu ngọt, một tiếng lòng dịu dàng, một chút chân tình ấm áp, một giấc mộng đẹp tươi, không khiến người xem si mê, không khiến người thưởng ngoạn trầm luân, hết thảy đều dẫn đến cảnh giới ý tưởng ưu mỹ xa xôi.
Cuộc đời đơn giản ưu nhã, tránh vinh hoa phù phiếm, biết đủ với hiện tại bản thân. (Ảnh: HAOWENSHARE)
8. Sướng (thông suốt, trôi chảy): Mây trên trời, nước trong bình
Cuộc đời thông suốt chính là trạng thái “Sướng” (thông suốt, trôi chảy), mây trên trời, nước trong bình, núi xanh chẳng cản mây trắng bay.
Đời người không thông suốt, chỗ nào cũng nứt nẻ và thương đau.
Chỉ có thông suốt rồi, cuộc đời đóng kín mới được mở bung ra, cuộc đời căng thẳng mới được thư giãn, cuộc đời tổn thương mới được viên mãn.
Chỉ có cuộc đời đã thông suốt mới tránh xa bất lực, mệt mỏi, vô cảm, sầu khổ, bi thương và lãnh đạm, mới khiến sinh mệnh vui vẻ tự tại, bình thản mà lại chân thực, tràn đầy hơi thở tường hòa mỹ mãn.
Chỉ có cuộc đời thông suốt, mới có thể tiếp nhận bất cứ sự việc gì, có thể chịu được bất cứ sự công kích nào, có thể hưởng thụ cuộc sống trong bất kỳ phương thức sống nào.
9. Thiện: Người thiện lương được lâu bền
Kinh Dịch có viết: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương”, có nghĩa là: Gia đình tích thiện, ắt sẽ có đầy may mắn phúc lành. Gia đình tích bất thiện, ắt sẽ có đầy tai ương.
Người xưa thường nói: “Nhân giả đa thọ”, nghĩa là, người nhân đức thì trường thọ. Trong dân gian cũng thường nói, thiện có thiện báo, ác có ác báo.
Thiện với người, suy cho cùng cũng chính là thiện với mình.
Gia đình tích thiện, ắt sẽ có đầy may mắn phúc lành. (Ảnh: Mã Lộc)
Chỉ có tâm địa thuần khiết, không có ác ý với người, mới có thể giữ được cái tâm thiện lương, mà lời nói cử chỉ hành vi từ cái tâm thiện lương này lại khiến cho thân tâm được thọ ích càng nhiều, cuối cùng nhận được báo đáp thiện.
Do đó, vui vẻ thiện đãi cuộc sống, thiện đãi người khác, thiện đãi bản thân, luôn mỉm cười dụng tâm sống mỗi ngày, có lẽ cũng chính là ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
10. Ngộ: Phồn hoa cuối cùng cũng hư không
Thế gian phồn hoa chỉ là hiện tượng bề ngoài, hết thảy đều sẽ đi vào tĩnh lặng và hư không.
Bình thản đối đãi với được mất, lặng nhìn hết thảy phồn hoa, đối diện với cõi hồng trần huyên náo bằng một tâm thái khoát đạt thoát tục, đó lẽ nào chẳng phải là lĩnh ngộ.
Ngộ là một loại tu sửa, là sau khi có đủ lịch duyệt, trải đầy gió sương, chuyển mình hoa lệ. Chuyển mình quyết không phải là rút lui ảm đạm, mà là một lần niết bàn tái sinh giữa đường đời.
Trải qua một phen rèn luyện cái tâm trần tục, chuyển mình sẽ càng ung dung bình thản đối diện với hết thảy, nắm bắt hết thảy, cuộc đời thăng hoa.
Theo soundofhope.orgNam Phương biên dịch

Hoài Trần

About Hoài Trần -

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :