4 giờ cafe với ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cuộc trò chuyện đầy những bất ngờ
Từ 15h đến 19h chiều 13/8/2018, Vua cafe Việt liên tục mang đến cho 6 nhà báo của 4 tờ báo, nhiều ngạc nhiên lớn.
Cuộc trò chuyện bên tách "cafe năng lượng - cafe đổi đời" diễn ra ngay tại lầu 1 trụ sở Trung Nguyên ở phố Bùi Thị Xuân, TP.HCM, giữa ông Vũ và "những người anh em báo chí thiện lành", được sắp xếp bất ngờ chỉ hơn 1 ngày trước.
Vẫn quần trắng, sơ mi trắng, áo khoác đen và dáng đi nhẹ nhàng như lần tái xuất trước, nhưng thần sắc, cặp mắt của ông chủ Trung Nguyên mạnh mẽ, dứt khoát, tươi tắn hơn, trái ngược hoàn toàn với những hình ảnh nhắm mắt, lắc đầu trong vài clip được tung lên mạng trước đó.
Trước khi "xin phép được ngồi trên ghế theo kiểu thiền" ông Vũ tiến tới bắt tay và đọc tên rành rọt những nhà báo mà ông đã quen từ hơn 5 năm trước. Ông cũng không quên nhắc đến văn phong, bút lực và tính cách của họ.
Với chiếc tẩu xì gà đỏ lửa trên tay, suốt 4 tiếng đồng hồ, ông Vũ trò chuyện say sưa và mẫn tiệp, khúc chiết, không thấy dấu hiệu nào của sự mệt mỏi.
Trong suốt cuộc nói chuyện ấy, tôi quan sát và lắng nghe ông Vũ ở hai khía cạnh: Đặng Lê Nguyên Vũ doanh nhân và Đặng Lê Nguyên Vũ được trao sứ mệnh tâm linh.
Ở góc độ doanh nhân, Đặng Lê Nguyên Vũ sau 5 năm thiền định và Đặng Lê Nguyên Vũ trước kia, vẫn nhất quán hoàn toàn, dĩ nhiên bây giờ ở cấp độ cao hơn trong khẩu khí và sức thuyết phục.
Ở góc độ tâm linh, dù tôi không hiểu lắm những điều ông Vũ nói về nhân loại, vũ trụ, các nhà bác học, các quy luật lặp lại sau 500 năm, 250 năm, 100 năm, nhưng phải công nhận ông nói về điều đó một cách say sưa, lôi cuốn, hấp dẫn và gần như không có ngôn ngữ thừa.
Nét tươi cười của cuộc chào hỏi ban đầu chợt trầm xuống khi ông Vũ nói về vụ ly hôn ồn ào với bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ông vẫn dùng từ "Qua" để chỉ bản thân khi trò chuyện.
Ông bảo, suốt 5 năm, ông đã bị thử thách, phải chịu trăm ngàn nỗi khổ tận cùng mà người bình thường không thể biết được.
Một trong những nỗi khổ trần tục ấy là việc phải tự mình đối diện với các hội đồng chuyên môn giám định tâm thần sau khi vợ ông yêu cầu toà giám định năng lực hành vi dân sự của chồng.
Ngồi trong những căn phòng ấy, nhìn ra ngoài thấy những người tâm thần khác ngẩn ngơ, ông chia sẻ "rất đau đớn" khi một người như mình "buộc phải chứng minh bản thân bình thường". Và các hội đồng đều kết luận ông bình thường.
"Nhiều năm trước, khi trả lời phỏng vấn, Qua không bao giờ nhắc đến chuyện gia đình. Bây giờ bị tấn công rất nhiều, vây bủa lệch lạc, kinh khủng trên truyền thông, nhưng Qua vẫn im lặng vì coi đó là một trong những thử thách tất yếu mình phải vượt qua.
Nhưng họ không dừng lại, họ tấn công cả những "người anh em thiện lành khác" của Trung Nguyên, khiến có người phải hoảng loạn. Nếu chỉ vì Qua, Qua không cần cuộc gặp gỡ này. Qua đã vượt lên trên mọi thị phi. Nhưng vì mấy người anh em (thuộc cấp ở Trung Nguyên), nên Qua gặp chia sẻ chút cho những người anh em đó được giảm áp lực" - ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, trục trặc giữa ông và bà Thảo xảy ra khi ông nhận thấy Trung Nguyên không thể vận hành như cũ, phải cơ cấu lại để làm mới mình.
Dưới cách nhìn của mình, ông Vũ cho rằng Trung Nguyên phải rũ bỏ câu chuyện kiếm tiền đơn thuần để làm những điều lớn lao hơn cho cafe, cho đất nước. Công ty này phải dành lợi nhuận tái đầu tư để làm mới và phát triển, chứ không phải nhăm nhăm kiếm tiền theo kiểu con buôn.
Ông thấy không ổn khi bà Thảo vẫn vận hành theo kiểu cũ. Ông cũng không đồng tình với ứng xử kiểu chủ - tớ của vợ mình trước thuộc cấp, ép nhiều người trẻ có năng lực phải rời bỏ công ty.
"Xuất thân của Qua là người làm thuê, nên Qua hiểu tâm lý của các anh chị em đi làm. Hãy cư xử với họ như con người chứ không phải như nô lệ hay người làm mướn, làm công của mình" - ông Vũ nói.
Từ đó, ông Vũ khuyên vợ lui về chăm sóc, nuôi dạy con cái cho chu đáo, đó cũng là cách để Trung Nguyên tháo điểm nghẽn nhân sự và quan điểm cũ, chuẩn bị cho chiến lược phát triển mới.
Ông đã tìm nhiều cách để thuyết phục bà Thảo nhưng không thành công.
Theo ông Vũ, kể cả lúc bị tấn công dữ dội nhất ông vẫn im lặng. Ông cũng kiên quyết nghiêm cấm thuộc cấp phản pháo chuyện gia đình, không cho luật sư làm đến cùng những phi vụ của bà Thảo, kể cả chuyện giả chữ ký của ông để bán toàn bộ cổ phần của công ty ở Singapore với giá 1 đô la.
"Ở Singapore luật nghiêm lắm, làm giả chữ ký là đi tù nhưng mà Qua nói luật sư đừng làm vậy. Mấy anh em nhiều khi giận quá, muốn cho ở tù luôn là xong nhưng mà Qua không để như vậy, không nên. Qua còn những đứa con, để Qua chịu hết" - ông Vũ nói.
"Có đạo lý nào mà lại muốn chồng vào viện tâm thần không?" - ông Vũ đặt câu hỏi - "Nhưng nói thật, khi nhắc tới người vợ ấy, Qua chỉ thấy đau lòng thôi, chứ không oán hận ghét bỏ gì. Qua đã vượt qua tất cả những cái đó. Cứ thiện lành thì không phải sợ gì cả. Không ai uy hiếp đe dọa được mình".
Câu hỏi về những vấn đề gây xôn xao dư luận gần đây như ý định tặng 5 tỷ đô la tiền sách, về việc chi hàng trăm tỉ đồng sắm nhiều siêu xe, chuyện cafe Đạo, lần lượt được ông chủ Trung Nguyên lý giải với phong thái nhẹ nhàng, mạch lạc cùng ngôn ngữ cơ thể uyển chuyển của một người am hiểu việc diễn thuyết.
Theo ông Vũ, thông điệp của việc tặng sách cần hiểu đúng: Trung Nguyên là người khởi xướng, phất cờ, rồi sau đó cả xã hội và Chính phủ cùng vào cuộc, góp sức, góp tiền của. 5 tỉ đô la sách là đủ để xây cho mỗi gia đình Việt một thư viện nhỏ, mỗi ngôi trường, đơn vị bộ đội một thư viện... gồm những cuốn sách lập chí vĩ đại, đổi đời.
Câu hỏi tại sao phải sắm nhiều siêu xe để đi tặng sách được ông Vũ lý giải dưới góc độ marketing chuyên nghiệp: Thay vì phải mất rất nhiều tỷ đồng cho quảng cáo thì việc sắm siêu xe đã trở thành một phương thức quảng bá độc đáo đến nhiều triệu người. Trong khi đó, xe vẫn là tài sản của Trung Nguyên chứ không mất đi.
"Người anh em thấy đấy, những cuốn sách quý đã được biết đến rộng rãi nhờ siêu xe. Vả lại muốn dạy người ta làm giàu thì phải thể hiện sự giàu có. Chọn siêu xe là vì thế" - ông Vũ tiết lộ.
Nói đến đây, một nữ phóng viên kinh tế đã khá thân với ông từ 5 năm trước, thốt lên: "Khi anh Vũ nói về marketing, em thấy nguyên vẹn hình ảnh anh Vũ 5 năm trước".
Nói về ý nghĩa của việc tặng sách, ông Vũ đặt câu hỏi rằng: "Những người anh em hãy nghĩ xem, nếu không đọc rất nhiều, sao có thể hiểu bản thể, ngọn nguồn để sáng tạo, kiến thiết đất nước?".
Theo ông Vũ, bằng việc được giác ngộ, thấu hiểu, ông đã chọn ra khoảng 100 cuốn sách quý - trong đó có những công thức chi tiết và tối quan trọng giúp giới trẻ lập chí, khởi nghiệp, kiến quốc.
Những bàn tán về việc biến cafe thành tôn giáo được ông Vũ trả lời bằng một câu hỏi: "Tại sao Nhật có trà đạo còn Việt Nam không thể có cafe đạo? Cái gì họ cũng đưa thành đạo tại sao ta lại không? Muốn biến cafe thành Đạo thì phải xây dựng lòng tin ở con người. Dù xã hội bây giờ có lắm thứ mạt, nhưng muốn thay đổi vẫn phải đặt lòng tin ở con người.
Do vậy chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về câu chuyện của cà phê. Kiến thức cóp nhặt, con buôn thì không bao giờ đi được xa. Qua và các người anh em đã xây dựng một bộ diễn sử về cafe mà chưa bao giờ có trên thế giới. Đầy đủ tất".
Theo ông Vũ, bộ diễn sử duy nhất này đặt nền tảng cho luận thuyết cà phê, là đường lối để tạo ra hệ sinh thái 3 yếu tố nền tảng của đạo cà phê. "Hệ sinh thái vật chất tức là chuỗi giá trị cà phê toàn cầu, Chuỗi cà phê tinh thần, chuỗi cà phê xã hội. Các hệ sinh thái được vẽ ra như vậy. Trung Nguyên sau này sẽ phải thiết kế và nắm hệ đó ở đâu?".
Trong nhận thức của vị này, Trung Nguyên đã đi qua chặng đường 20 năm rồi, nên không còn tươi mới nữa, phải tái định vị, sắp đặt lại toàn bộ triết lý và việc của ông là phải cho nó một hệ quy chiếu khác: Hệ quy chiếu năng lượng, hệ quy chiếu sáng tạo.
Vua cafe Việt say sưa và hứng khởi rất nhiều khi nói về tâm linh.
"Không có gì huyền bí cả, Qua sẽ chứng minh đó là khoa học hết, chỉ có điều người không có căn duyên thì khó có thể hiểu. Qua đã viết hết, rất cặn kẽ thành những bộ sách, gửi tới những những người quan trọng" - ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, 5 năm trước đây ông không tin bất cứ điều gì thuộc về tâm linh, nhưng nhờ cơ duyên, ông đã được chọn lựa để thấu hiểu. Ông nhìn thấy mọi thứ rõ ràng như âm thanh từ chiếc đĩa than, như một cuốn phim quay chậm.
Trả lời câu hỏi: Trong thời gian thiền và hiện nay ông có điều hành Trung Nguyên hay không, Vua cafe Việt mỉm cười: "Không có một chuyện gì lọt qua mắt Qua hết".
Để chứng minh sự nắm bắt sâu rộng của mình, ông Vũ đề cập đến thời sự giáo dục, thời sự quốc tế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chuyện nhiều cán bộ cao cấp Việt Nam dính vòng lao lý, với thông tin và nhận xét rõ ràng. Nhiều câu chuyện trước khi ông thiền định, cũng được nhắc lại rành rọt.
Thậm chí, ông Vũ còn khuyến nghị một tờ báo nên sửa giao diện cho dễ đọc hơn và khen một tờ báo cập nhật đa chiều, đặc biệt là mục quốc tế rất hay. Cả hai nhận xét này đều được người của hai tờ báo tâm đắc.
Lý giải về những nhận thức siêu hình của mình, ông Vũ đưa ra một ví dụ thú vị.
Trước đây đến thăm một trang trại đà điểu, ông không hiểu vì sao người nuôi chỉ cho con đà điểu ăn mỗi ngày 0,5kg thức ăn, mà nó lại có thể tăng trọng tới 1kg/ ngày. Điều ấy vẫn là điểm mù với khoa học thông thường - không giải thích nổi. Bây giờ thì ông biết nó tăng cân nhờ dùng những nguồn năng lượng tổng hợp khác.
"Người anh em có tin không, trước đây khi Qua thiền, qua không ăn, thậm chí có nhiều ngày không uống, nhưng không sao cả. Bây giờ Qua không ngủ, không ăn vẫn không sao cả. Dù Qua vẫn còn bị thử thách nhưng hiện giờ không có bệnh tật nào xâm nhập nổi".
Chỉ vào điếu xì gà đỏ lửa liên tục, ông Vũ bảo: "Qua làm bạn với cái này. Mỗi ngày qua hút 20 điếu xì gà. Thử hỏi người thường có chịu được vậy không. Thế đấy, năng lượng là thế đấy".
Buổi trò chuyện 4 tiếng không nghỉ ấy được khép lại với câu nói của Vua cafe Việt: "Các người anh em viết gì thì viết, hãy nghĩ đến 4 đứa nhỏ của Qua và hãy viết bằng cảm nhận chân thật, sự thiện lành của mình. Qua sẽ gặp lại mọi người".
Trước khi chia tay cùng cái bắt tay mạnh mẽ, ông chủ cafe Trung Nguyên không quên nhẹ nhàng nhắc một nhà báo không nên bắt chéo chân quá cao khi nói chuyện với mọi người (trước đó ông khuyên một nhà báo hạ tone giọng xuống thì sẽ hay hơn).
Như vậy, những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng đã được ghi nhớ.
Bùi Hải - Hạ Minh Thiết kế: 7PM Ảnh: Tô Thanh Tân | (theo Nhịp sống kinh tế)