Vào mỗi buổi bình minh, những vị sư ở khắp đất nước Lào trong màu áo vàng nghệ lại lặng lẽ chân trần đi khất thực, mở đầu một ngày mới.
Đây là nét văn hóa đặc sắc của đất nước trải qua nhiều thế kỷ lấy Phật giáo làm Quốc giáo này.
Đa phần người dân Lào theo Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) hay còn gọi là Phật giáo Nam tông, với chủ trương khất thực độ nhật.
Theo giáo lý nhà Phật, trì bình khất thực mang lại nhiều lợi ích cho các vị khất sĩ và cho chúng sinh. Đối với các vị sư, các khất sĩ, việc ôm bình bát đi xin khiến cho tâm trí họ được rảnh rang, ít phiền não.
Họ không phải lo kiếm kế sinh nhai, có nhiều thời gian để tu hành và đoạn trừ được tâm kiêu căng ngã mạn, cũng như đoạn trừ lòng tham, không thể tham ăn ngon và ăn nhiều vì ai cho gì ăn nấy, thức ăn chỉ đầy bát chứ không nhiều hơn, tránh khỏi sự tích trữ vật thực tiền của.
Phật giáo từ lâu đã trở thành quốc giáo ở Lào, vào mỗi buổi sáng những Phật tử mang lễ vật là đồ ăn chín ra trước cửa nhà dâng lễ vật lên các nhà sư hành lễ khất thực. Trong ảnh là cảnh người dân ở tỉnh Pakse chuẩn bị dâng lễ vật cho các nhà sư đi khất thực.
Hầu hết mọi người quàng chiếc khăn được gọi là phạ biêng, chéo qua vai trái xuống một cách trang trọng trang trọng
Các Phật tử ở huyện Champasak, tỉnh Champasak để chân trần, quì gối, chắp tay trước ngực dâng đồ lễ cho nhà sư hành lễ khất thực. Khi hành lễ cả nhà sư và phật tử phải để chân trần.
Đồ đựng lễ vật là chiếc thố có chân cao bằng nhôm, bằng đồng... có hoa văn tinh xảo, đựng các lễ vật cúng dường. Lễ vật trước hết là nắm xôi nhỏ, những chiếc bánh tự gói, trái cây, rồi các loại bánh mua sẵn, sữa hộp, sữa tươi, có khi kèm theo một tờ tiền...
Theo giới luật của phật giáo nguyên thủy, phật tử chỉ cúng bằng thức ăn đã nấu chín như cúng cơm chứ không cúng gạo, cúng rau đã nấu chín chứ không cúng rau tươi. Vì vậy mà nhà chùa không có bếp (Ảnh chụp tại một khu phố thuộc tỉnh Pakse).
Phật tử cầm sẵn lễ vật, đưa lên trán khấn nguyện rồi cung kính đặt vào bát của mỗi vị sư. Khi đi khất thực, vị khất sĩ không được nhìn vào mặt phật tử dù đó là một cụ già, trẻ nhỏ hay một cô gái đẹp, cũng không được để ý xem mình được cái gì và cũng không được thỏa mãn cũng như bất mãn. (Ảnh chụp trên một dãy phố chạy dọc bờ sông Mê Kông thuộc địa phận tỉnh Pakse).
Đồ đựng lễ vật của các nhà sư được lồng trong một túi vải màu vàng, có quai đeo, vì thế khi nhận lễ vật, một tay sư mở nắp, một tay giữ bát để nó không đung đưa.
Sau khi đã cung kính đặt đồ lễ, nhà sư sẽ cầu nguyện những điều tốt lành đến các phật tử, trong khi đó phật tử cúi đầu, một tay đưa lên như bông hoa sen trước ngực trong tư thế niệm Phật. Một tay cầm bình nước nhỏ rót xuống đất hay rót vào cái âu nhỏ bằng đồng mà họ mang theo, sau đó rót vào gốc cây một cách kính cẩn, mang ý nghĩa hồi hướng công đức cho đến tổ tiên, ông bà đã khuất được mát mẻ, an lành.
Tục lệ để những cục xôi dành cho chim chóc cũng gần giống với tục cúng chúng sinh của người miền bắc Việt Nam chỉ khác là mang ý nghĩa thực tế hơn. Cúng chúng sinh theo quan niệm của người Việt là để dành thức ăn cho những linh hồn lang thang trên thế gian.
Các nhà sư ở Lào chỉ đi khất thực đến trước giờ ngọ (12 giờ trưa), chỉ lấy thức ăn đã chín, không khất thực quá 7 nhà, không phân biệt giàu nghèo, thức ăn ngon dở, không đứng trước cửa chợ và một ngày chỉ ăn một bữa trước khi trời đứng bóng.
Phật tử thường bận rộn sinh kế, ít có điều kiện đến chùa cúng dường, chưa kể không ít người vì nghèo khó mà ngại ngùng vì thế các vị sư đi khất thực là tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả Phật tử cúng dường Tam Bảo. Như vậy, khất thực vừa để độ nhật, vừa để thuyết pháp độ sinh và là nỗ lực hành thiền đoạn trừ lòng tham dục… (Ảnh: Một buổi khất thực trên quốc lộ đoạn qua tỉnh Pakse).
Vật phẩm khất thực mang về thường được chia ra làm bốn phần, một phần nhường cho các sư đồng tu nếu họ không có, hay có ít, một phần dành cho người nghèo, một phần dành cho những con vật sống chung như chó, mèo và phần còn lại của người khất thực dùng (Các nhà sư đang phân chia vật phẩm khất thực tại ngôi chùa thuộc tỉnh Pakse).
Cũng như mọi người dân Lào, các nhà sư dùng tay bốc thức ăn mà không dùng đũa, thìa, dĩa...
Lê Anh Dũng
Bố thí, hành thiện giúp người & ai là người được hưởng lợi?
Hành thiện giúp người là chúng ta đang gieo mầm phúc đức cho chính bản thân mình.
Câu chuyện về người anh em của tôn giả Mục Kiền Liên sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn.
Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất trước lúc quy y Phật Thích Ca là hai người bạn tốt của nhau, đều là đệ tử của thầy Sanjaya. Sau này hai người có duyên biết được Phật Thích Ca nên cùng quy y và theo tăng đoàn tu luyện. Xá Lợi Phất trở thành một trong mười đại đồ đệ xuất sắc nhất của Phật Thích Ca, còn Mục Kiền Liên lại trở thành đệ tử có thần thông đệ nhất.
Sau này, Mục Kiền Liên không chỉ giúp Phật Thích Ca hóa độ 500 quỷ đói mà còn giúp hiền đệ của chính mình. Bấy giờ, có nhiều người nghe lời Phật dạy, cũng hành đức bố thí nhưng lâu ngày không thể nhìn thấy được hồi báo trước mắt mà đem lòng chán nản, buông bỏ niềm tin hành thiện tích đức của mình.
Hiền đệ của tôn giả Mục Kiền Liên cũng là một trong những người đó. Ông đã tích luỹ được tài sản khổng lồ, giàu có nổi tiếng cả vương quốc. Nhưng người này lại rất hà tiện, chẳng chịu bố thí chút gì cho ai, tiền bạc kim ngân đều cho vào kho cất giữ. Tuy đã giàu có khắp vùng nhưng số gia sản đó vẫn không đủ thỏa mãn lòng tham của ông. Ông vẫn muốn tài sản của mình phải ngày càng nhiều hơn nữa.
Sau khi biết rõ sự tình, Mục Kiền Liên đã đến nhà người anh em của mình để nghĩ cách hóa độ. Ngài nói: “Này hiền đệ, đối với vấn đề ăn mặc, đệ chẳng phải là người cầu kỳ, muốn sơn hào hải vị, muốn áo gấm quần nhung gì. Vậy hà tất đệ phải cực khổ kiếm nhiều tiền như vậy?”. Dừng lại một chút, Mục Kiền Liên ôn tồn giảng tiếp: “Đệ nên biết, một người có càng nhiều tiền, càng nhiều danh tiếng thì nguy hiểm cũng càng đáng sợ hơn”.
Sau khi Mục Kiền Liên hỏi như vậy, người anh em của ngài cảm thấy lòng đầy nghi hoặc. (Ảnh: cryptorich.mobi)
Sau khi Mục Kiền Liên hỏi như vậy, người anh em của ngài cảm thấy lòng đầy nghi hoặc: “Vô lý, tiền càng nhiều, làm việc càng dễ, sao lại có nguy hiểm gì được?”.
Tôn giả bèn giảng giải: “Hiền đệ biết không, khi đệ có tiền ai cũng muốn tiếp cận đệ. Giang hồ đạo tặc lớn nhỏ đều muốn chiếm lấy, thế chẳng phải đêm ngày đều làm khổ đệ hay sao? Có nhiều tiền thì những tham quan kia cũng sẽ tìm đệ gây phiền phức. Họ chỉ cần tùy tiện gán cho đệ một cái tội, khi đó đệ có chịu được không? Đệ đừng cho rằng nhà đệ tường kho vững chắc, khóa đồng cửa sắt, chỉ cần một trận lũ quét, một cơn hỏa hoạn thì tất cả của cải của đệ đều chẳng thể bảo toàn. Hơn nữa rất nhiều phú hộ bạc vàng đầy kho nhưng con cháu đời sau đều lụn bại chẳng thể nên người. Con cháu được thừa hưởng gia sản để lại, không biết được sự cực khổ của cha ông khi kiếm được đồng tiền nên ăn chơi vô độ, cờ bạc tửu sắc quá đà, không lâu sau cũng sẽ tán gia bại sản, thân tàn danh liệt. Đệ nghĩ xem những điều này không phải quá nguy hiểm hay sao?
Hiền đệ, đệ lao tâm khổ tứ kiếm cho thật nhiều tiền nhưng lại chẳng thể giữ được mãi mãi cho riêng mình. Hơn nữa giờ đây đệ tuổi đã trung tuần, người ta sớm muộn cũng phải chết, đến khi lâm chung một đồng đệ cũng chẳng thể mang theo. Thứ mà đệ có thể mang theo được đó chỉ là dục vọng, lòng tham và nghiệp lực mà mình tạo nên. Nó sẽ theo đệ như hình với bóng, khiến đệ phải chịu cảnh đọa đày trong tương lai. Khi đó đệ có hối hận cũng chẳng kịp nữa rồi. Vậy nên huynh nói khi đệ còn sống, còn khỏe mạnh thì hãy làm nhiều việc thiện, giúp đỡ người nghèo, bố thí tiền bạc. Đó cũng chính là đệ gieo cây nhân, trồng hạt đức trên mảnh ruộng phúc của mình. Nếu như đệ có thể nghe lời huynh nói thì sau này ắt cũng sẽ được phúc báo vô lượng”.
Sau khi được huynh trưởng thuyết đạo tỏ tường, người anh em của tôn giả Mục Kiền Liên ngộ ra được phần nào chân lý, bèn cho mở kho cứu tế giúp người. Tuy nhiên vì không hiểu được hết hàm nghĩa những lời huynh trưởng của mình nói nên một mặt mở kho cứu người, một mặt ông ta lại cho người đi xây dựng một nhà kho khác kiên cố và to lớn hơn trước. Ông ta tưởng rằng mình bỏ tiền ra bố thí sẽ được đền đáp nhiều hơn nên định bụng một năm sau mình sẽ có được nhiều tiền bạc kim ngân để chứa ở nhà kho mới này hơn nữa.
Ông ta tưởng rằng mình bỏ tiền ra bố thí sẽ được đền đáp nhiều hơn nên định bụng một năm sau mình sẽ có được nhiều tiền bạc kim ngân để chứa ở nhà kho mới này hơn nữa. (Ảnh: pinterest.com)
Một năm sau, khi ngân khố trong kho nhà cũ không còn, ông vội vàng chạy đến nhà kho mới mở cửa ra, chắc mẩm sẽ nhận được kho vàng bạc kim ngân. Nhưng than ôi, khi mở cửa kho mới ra, tất cả đều trống không, một đồng cũng chẳng có. Ông ta thất vọng tràn trề, tất cả gia tài đều đã bố thí hết rồi nhưng giờ đây chẳng thu được chút lợi lộc gì hồi đáp. Mới một năm trước, vẫn còn là một đại phú gia giàu có hiển hách mà giờ đây tất cả trắng tay, thành một kẻ nghèo khó. Anh ta nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ rằng huynh trưởng đã lừa gạt mình nên tức giận đến lâm trọng bệnh.
Mục Kiền Liên trong lúc đả tọa, thông qua Thần lực của mình thấy được mọi việc nên tức tốc đến nơi an ủi: “Những phúc báo mà đệ làm đó là không gì có thể so sánh. Nếu những phúc báo này mà có hình có tướng thì cả trời cao này cũng chẳng thể dung nạp, chỉ tiếc nay đôi mắt phàm nhân của đệ chẳng thể thấy được. Bây giờ ta sẽ dẫn đệ tới một nơi để cho đệ nhìn thấy một phần phúc báo nhỏ bé của mình như thế nào nhé”.
Nói xong Mục Kiền Liên liền vận dụng Thần lực đưa hiền đệ của mình bay lên tầng trời lục dục, ở đó có một cung điện nguy nga, lấp lánh ánh vàng kim mới làm. Cung điện này được làm bằng rất nhiều vàng bạc kim ngân, bên trong muốn gì có đó. Có rất nhiều tiên nữ bay lượn khắp nơi khiến cho người xem không khỏi choáng ngợp. Tất cả họ đều đang bận rộn, đi đi lại lại như thể đang chuẩn bị đón tiếp một nhân vật quan trọng nào đó.
Hiền đệ của Mục Kiền Liên thấy vậy mới hỏi: “Đây là nơi nào? Ai sinh sống ở đây mà nguy nga choáng ngợp như vậy?”.
Mục Kiền Liên đáp: “Đệ muốn biết thì hãy tự mình đi hỏi”.
Vậy là ông ta đi dò hỏi những tiên nữ đó. Thấy có người đến hỏi, họ liền cười đáp: “Ngài không biết sao? Chúng tôi đang đợi hiền đệ của ngài Mục Kiền Liên đến. Do ngài ấy xả tâm cứu giúp mọi người nên được phúc báo này, đây cũng chỉ là một phần nhỏ trong số những gì hiền đệ ngài ấy đắc được. Đợi sau này mãn hạn lâm chung, hiền đệ ngài ấy sẽ đến đây làm Thiên vương”.
Nghe đến đây hiền đệ của Mục Kiền Liên mới biết được rằng giúp người hoạn nạn, thật tâm bố thí tiền tài lại có được phúc báo lớn như vậy. Ông ta chạy đến bên huynh trưởng mình mà cảm tạ không ngừng, sau này trở về nhân gian lại càng dụng tâm đi làm việc thiện hơn nữa.
Ông ta chạy đến bên huynh trưởng mình mà cảm tạ không ngừng, sau này trở về nhân gian lại càng dụng tâm đi làm việc thiện hơn nữa. (Ảnh: pinterest.com)
***
Phật gia giảng: “Nhân tại mê trung”, con người sinh ra tại xã hội chính là bị mê mờ mà không thấy được chân tướng của sự vật trong vũ trụ. Vạn vật trên đời có sinh thì ắt có diệt, có nhân thì ắt có quả, và nhân quả tuần hoàn cũng là điều hiển nhiên luôn tồn tại. Chỉ có điều người trần mắt thịt quả thực không dễ gì mà nhìn thấu cho được.
Luật nhân quả dạy người ta ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp ác. Một người muốn thay đổi số phận, muốn nhận được phúc báo thì chỉ có thể là không ngừng tu chính bản thân, tích đức hành thiện, giúp người khốn khó, thương kẻ thất thế. Bố thí, nếu xuất phát từ tấm lòng chân thật, lương thiện thì quả thực có thể cải biến vận mệnh một con người.
Nhân sinh tại thế, nếu như muốn liễu giải được huyền cơ của vạn sự trong đời này thì ắt phải tìm được cho mình con đường trở về bờ giác. Tu tâm dưỡng tính, trở về với bản tính thuần chân, thuần thiện trong mỗi con người của mình. Khi đó chúng ta mới được mở khai trí huệ, nhìn ra được căn nguyên của tất cả, thấy được nhân quả tuần hoàn là có thật trong vũ trụ này.
Theo Soundofhope.org
MinhVũ biên dịch