U23 Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để lần đầu tiên đặt chân vào tứ kết U23 châu Á và đây là lúc cần hết sức thận trọng, tránh đưa các đôi chân cầu thủ lên "mây xanh".
Những cú "trèo cao ngã đau" trong quá khứ
Ông Park Hang-seo cực kỳ kiệt xuất, phải khẳng định như vậy. Dưới thời ông, các tuyển thủ Việt Nam đã biết trình diễn một lối chơi tập thể, giàu sức mạnh và đặc biệt rất kỷ luật.
Có cảm giác, đội bóng của ông như một chiếc lò xo, đối thủ càng cố ép thì nó càng được nén chặt. Nhưng khi ép mãi mà không phá vỡ, bẻ gãy được chiếc lò xo ấy, nó sẽ bật trở lại và sát thương đối thủ. U23 Australia chính là nạn nhân của trò chơi ép lò xo mà thày trò ông Park đã giăng ra.
Nhưng chiến thắng này có thực sự vang dội đến mức cả Châu Á phải ngả mũ hay không? Không đâu, hãy nhìn lại năm 2014, khi đoàn quân của HLV Miura hành quân đến Hàn Quốc để tham dự Asiad 17, họ đã hạ tuyển Olympic Iran với tỷ số không tưởng, 4 - 1.
Khi đó chúng ta cũng ngỡ rằng, trình của các tuyển thủ Việt Nam với bàn tay phù thuỷ của Miura đã tiệm cận đến tầm Châu Á. Xin nhắc lại, thời điểm đó tuyển Olympic Việt Nam đã hạ Iran với tỷ số 4-1 chứ không phải 1-0 như U23 Việt Nam hạ U23 Australia. Bóng đá Iran ở Châu Á ghê gớm như thế nào thì không nhắc ai cũng biết.
Chưa hết, khi trở lại khu vực vùng trũng Đông Nam Á, Miura và các học trò đã khiến Malaysia choáng váng cực độ trong trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014. Trước hơn 80.000 khán giả Malaysia, tuyển Việt Nam vẫn chơi đĩnh đạc và chiến thắng với tỷ số 2-1. Ai cũng nghĩ, trận lượt về, họ sẽ "làm gỏi" Malaysia trên sân Mỹ Đình.
Nhưng người Malaysia đã dạy cho chúng ta một bài học nhớ đời. Họ phá nát khung thành của tuyển Việt Nam với 4 bàn thắng cực dễ dàng. Hơn 4 vạn khán giả chết lặng, các tuyển thủ Việt Nam khóc mếu, Miura thất thần không hiểu chuyện gì đang đã diễn ra.
Sau trận đấu đó, những đội bóng trong tay ông thầy người Nhật bắt đầu lao dốc. VFF trước sức ép của người hâm mộ đã không còn kiên nhẫn với Miura.
HLV Miura là "nạn nhân" của thói quen thắng tung hộ, thua đổ lỗi tại bóng đá Việt Nam.
Nếu bình tĩnh nhìn nhận lại, Miura có là một HLV kém cỏi? Không, ông ta giỏi là đằng khác. Hạ Iran 4-1, hạ Malaysia trên sân nhà của họ không thể là chuyện may mắn được. (Nếu may mắn thì chỉ thắng tới 0-1 là cùng).
Nhắc lại chuyện của Miura để thấy rằng, chúng ta đừng hả hê quá độ rồi tung những tuyển thủ, tung HLV Park Hang-seo lên mây xanh. Đường dài mới biết ngựa hay. Hãy thận trọng và kỳ vọng ít thôi. Chúng ta thắng dựa vào cách chơi đổ bê tông và chỉ kiểm soát bóng hơn 20%. Lối chơi này dù có chặt chẽ nhưng nếu liên tục sử dụng, chẳng sớm thì muộn bị đối thủ bắt bài.
Phía sao chiến tích lịch sử vẫn còn là núi cao với U23 Việt Nam
Đội bóng của ông Park còn một trận đấu sinh tử trước mắt. Nếu họ chiến thắng và vào được tứ kết, đó là kết quả tuyệt vời. Nhưng đâu phải chúng ta chưa từng nếm mùi của những trận tứ kết tầm châu lục.
Năm 2007, ông Riedl cùng các học trò đã hạ UAE 2 bàn trắng, hòa Qatar 1-1 rồi thua Nhật Bản 1-4 để có vé vào Tứ kết gặp Iraq (thua 0-2). Và đấy là giải đấu chính thức của các tuyển thủ quốc gia chứ không phải dành cho những cầu thủ trẻ.
Khi Riedl, Miura giúp chúng ta có được chiến thắng trước UAE, Iran, báo chí, người hâm mộ cũng như lên đồng, cũng gọi các trận thắng này là lịch sử, là chấn động.
Nhưng sau những trận thắng nhớ đời, các đội tuyển dưới trướng các ông thầy ngoại bỗng trở nên yếu ớt bất ngờ. Ai cũng mong ngóng một đội tuyển chơi ổn định, bản lĩnh thì bỗng nhiên họ như biến mất. Thay vào đó là một đội tuyển bạc nhược, rệu rã và sợ thua đến mức tội nghiệp. Những lời ngợi khen thái quá đã khiến các tuyển thủ không giữ được đôi chân của mình trên mặt đất.
ĐTQG Việt Nam đau đớn, gục ngã sau thất bại 2-4 trước Malaysia ở lượt về AFF Cup 2014 (Ảnh: Vietnamplus).
Trở lại với câu chuyện của HLV Park Hang-seo và giải đấu dành cho lứa tuyển thủ U23, chúng ta đang hừng hực khí thế nhưng hãy coi chừng Syria. Nếu họ giáng cho chúng ta những đòn đau thì biết đâu, cái vòng luẩn quẩn của HLV Riedl, của Miura sẽ quay trở lại. Cái chúng ta hy vọng và hướng đến không phải là một trận tứ kết mà là một chiến lược đường dài.
Bóng đá Việt Nam đã có quá nhiều bài học đau xót khi "thổi" tuyển thủ lên mây xanh. Văn Quyến đá xé lưới Hàn Quốc như thế nào và hiện nay anh ra sao thì ai cũng biết. Vì vậy, những người có trách nhiệm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng cần thận trọng với những món tiền thưởng, những buổi đón đưa, chiêu đãi, tiệc tùng sau giải đấu này.
Đã lâu lắm rồi, bóng đá Việt Nam lại mới xuất hiện Quang Hải với cái chân trái dị thường. Nhưng hãy nhớ, Hải và các đồng đội của mình còn quá trẻ. Hãy tiết kiệm lời khen, tiết kiệm những lời tung hô q
uá mức. Đó cũng là cách giúp các đội tuyển giữ được đôi chân "sạch sẽ" khoẻ mạnh để chiến đấu trên những chặng đường dài khốc liệt phía trước.