Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2018

Hoài Trần

- Làm cha mẹ nhất định phải biết...

Theo các nhà tâm lý học, có 4 cách nuôi dạy con phổ biến nhưng chỉ duy nhất một cách giúp trẻ thành công


Cách bạn nuôi dạy con cái sẽ tác động suốt đời tới tinh thần và hành vi của con trẻ. "Cha mẹ buông lỏng" có cách tiếp cận thoải mái để dạy dỗ con mình, trong khi “cha mẹ nghiêm túc và dứt khoát” thường có xu hướng ép buộc con cái phục tùng một cách cứng nhắc. Những cha mẹ có tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ có thể sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ thành công vì họ hướng dẫn, yêu thương và dẫn dắt bằng cách làm gương cho con cái học tập.

Nuôi dạy con trong thế giới hiện đại không phải là một việc dễ dàng. Từ những cảnh báo về tác hại khi dành quá nhiều thời gian trước màn hình điện tử, tác hại của thực phẩm chứa quá nhiều phụ gia, cho tới áp lực để giúp con của bạn thành công ở trường hay chiến thắng ở các hoạt động thể thao, việc nuôi dạy con đã trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Cha mẹ đang sử dụng các chiến lược cụ thể và kỹ năng đối phó để đối mặt với những thách thức của thế giới hiện đại.

Theo các nhà tâm lý trị liệu, có 4 kiểu phụ huynh chính như sau:
Cha mẹ buông lơi, nới lỏng
Kiểu cha mẹ nới lỏng, thoải mái này cho phép trẻ em có nhiều quyền tự do khám phá và thử nghiệm những vấn đề mới. Kiểu phụ huynh này cho phép con trẻ giải quyết các vấn đề của chính mình và ưu tiên việc "để trẻ con được là trẻ con".

Đối lập với nhóm cha mẹ thoải mái là "cha mẹ trực thăng" - các ông bố bà mẹ luôn lởn vởn như chiếc trực thăng xung quanh con cái để giám sát và bảo vệ chúng một cách thái quá. "Cha mẹ nới lỏng" muốn con cái mình chơi đùa, vui chơi và tự nhiên học hỏi từ những hậu quả của hành vi của mình.

Mặc dù phương pháp tiếp cận thoải mái của họ không cản trở sự phát triển của trẻ, nhưng con trẻ của những "cha mẹ buông lỏng" này có thể không nhận được đủ những lời hướng dẫn và đào tạo thực hành. Kết quả, trẻ em có lẽ sẽ không thể nắm được tất cả những kỹ năng cần thiết mà khiến chúng trở nên tốt nhất.

Cha mẹ nghiêm túc và dứt khoát
Kiểu cha mẹ nghiêm túc và dứt khoát đảm bảo rằng con cái mình biết nhiều phép tắc. Họ luôn kỳ vọng cao và họ đặt ra nhiều yêu cầu ở con cái của mình.

Kiểu cha mẹ này lo lắng rằng những đứa con của mình "quá mềm yếu". Họ đưa ra hàng loạt những minh chứng nghiêm trọng về hậu quả nếu như con cái của họ đi lệch "quỹ đạo" với hy vọng những điều họ đề cập sẽ giúp con cái nhận ra được bài học cuộc sống đầy giá trị.

Vì những cha mẹ nghiêm khắc luôn nhấn mạnh sự vâng lời, phục tùng đối với mọi thứ, con cái họ không phải lúc nào cũng hiểu thông điệp mà cha mẹ mình đã gửi gắm. Trẻ sẽ làm theo các quy tắc đã được đề ra để tránh gặp rắc rối, hơn là cố gắng để đạt tới tiềm năng lớn nhất của chúng.

Cha mẹ nhiệt tình bênh vực, bao bọc
Cho dù đó là kết quả xếp loại không công bằng của giáo viên hay là những lời nói khắc nghiệt từ huấn luyện viên, kiểu cha mẹ này sẽ nhanh chóng lên tiếng cho con cái của họ. Họ muốn đảm bảo rằng con cái của họ được đối xử với sự tử tế, công bằng và họ không ngại lên tiếng về mối quan ngại này khi họ nghĩ rằng con cái mình đang bị đối xử bất công.

Những phụ huynh thuộc nhóm này luôn lưu tâm tới sở thích của con cái mình. Họ thường lo lắng rằng nếu không có sự can thiệp, giúp đỡ của họ, bằng cách nào đó, con họ sẽ bị lừa dối, bị bắt nạt hoặc bị lợi dụng.

Nhóm phụ huynh này giúp con cái mình tránh những cảm xúc khó chịu hoặc tránh phải đối mặt với những khó khăn nhất định ngay khi vấn đề mới chớm.Khi phụ huynh hiểu sai về khía cạnh bảo vệ như vậy, con sẽ không thể học được các kỹ năng cảm xúc và kỹ năng giải quyết vấn đề mà chúng cần để trở thành người lớn thành công.

Cha mẹ có tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ
Nhóm cha mẹ với tinh thần mạnh mẽ phấn đấu tạo ra sự cân bằng giữa để trẻ có đủ sự tự do đồng thời cũng cung cấp nhiều sự hướng dẫn. Họ có kỳ vọng cao nhưng họ cũng hỗ trợ con em mình nỗ lực để đạt được mục tiêu của chúng.

Phụ huynh có tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ không cố gắng làm cho con cái của họ trở nên cứng rắn hơn. Cái họ quan tâm đến là việc con cái mình lớn mạnh. Họ không ngại yêu cầu sự giúp đỡ khi họ cần.

Những phụ huynh thuộc nhóm này cũng dẫn dắt, dạy bảo con em mình bằng ví dụ. Họ làm việc để xây dựng sức mạnh tinh thần của bản thân để trẻ em nhận ra rằng luôn có chỗ cho sự cải tiến. Và quan trọng nhất, họ từ chối tiếp nhận các thói quen làm cha mẹ phổ biến đang cướp đi sức mạnh tinh thần tinh thần của trẻ.

Làm thế nào để con bạn có được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống
Từ cách kỷ luật con cái đến cách bạn giải quyết vấn đề nuôi dạy con, sự lựa chọn của bạn có thể tạo ảnh hưởng suốt đời đối với con bạn. Các nghiên cứu liên tục chỉ ra rằng phong cách làm cha mẹ của bạn ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ từ điểm số của con đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bé.

Việc trở thành một phụ huynh mạnh mẽ về tinh thần là chìa khóa để giúp con bạn đạt tới tiềm năng lớn nhất. Các bậc cha mẹ mạnh mẽ về tinh thần luôn nuôi dạy nên những đứa trẻ tinh thần mạnh mẽ - những người có những kỹ năng cần thiết để đối phó, giải quyết những thách thức của cuộc sống.

Hương Ly (Business Insider)

11 chướng ngại trong cách cha mẹ giao tiếp với con cái, thay đổi để hiểu con hơn

Tiến sỹ Thomas Gordon – chuyên gia tâm lý học

Giao tiếp là yếu tố quan trọng để hình thành mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Dù bạn có con mới tập đi hay đang nuôi con ở tuổi vị thành niên thì giao tiếp tốt giữa cha mẹ và con cái sẽ là chìa khóa để hình thành lòng tự trọng và sự tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ, đôi khi chúng ta cũng gặp phải những chướng ngại nhất định.
Vậy chướng ngại đó là gì? Tác động của nó như thế nào đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái? Dưới đây là chia sẻ của Tiến sỹ Thomas Gordon – chuyên gia tâm lý học người Mỹ về vấn đề này.
1. Ra lệnh, định hướng, điều khiển
Những thông điệp này nói cho đứa trẻ biết rằng những cảm xúc và nhu cầu của nó không hề quan trọng. Nó phải tuân theo những gì mà cha mẹ nó cảm thấy hoặc cần. Ví dụ “Mẹ không quan tâm con muốn gì; đi vào nhà ngay lập tức”. Những thông điệp đó bày tỏ sự không chấp nhận với đứa trẻ ở thời điểm sự việc xảy ra “con đừng luẩn quẩn ở quanh đây nữa”.
Chúng làm sản sinh ra nỗi sợ hãi với quyền lực của cha mẹ. Đứa trẻ cảm thấy sự đe dọa có thể bị ai đó lớn hơn và mạnh hơn gây tổn thương như “về phòng con ngay – nếu không con sẽ biết tay mẹ”.
Những câu ra lệnh, điều khiển này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy phật ý hoặc tức giận, thường xuyên khiến nó bày tỏ cảm xúc thù địch, giận dữ, đánh trả, kháng cự, kiểm tra mong muốn của cha mẹ. Ngoài ra, chúng cũng có thể cho đứa trẻ thấy rằng cha mẹ nó không hề tin vào khả năng cũng như sự đánh giá của bản thân nó: “Đừng chạm vào cái đĩa đó”, “Tránh xa khỏi em trai con đi”.
Những câu ra lệnh, điều khiển này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy phật ý, tức dận hoặc trở nên mất tự tin. (Ảnh: Evropa Magazin)
2. Cảnh báo, khuyên răn, đe dọa
Những thông điệp này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy sợ hãi và trở nên dễ bảo hơn: “Nếu con làm thế, con sẽ phải hối hận đấy”. Chúng có thể gây ra sự phật ý và thù địch theo cách mà ra lệnh, định hướng và điều khiển có thể gây ra: “Nếu con không đi ngủ ngay lập tức, con sẽ bị đánh vào mông đấy”.
Chúng cũng cho thấy cha mẹ không hề tôn trọng tới nhu cầu và mong muốn của đứa trẻ: “Nếu con không dừng chơi cái trống đó, mẹ sẽ rất cáu”. Những đứa trẻ đôi khi phản hồi lại sự cảnh báo và đe dọa đó bằng cách “Con chẳng quan tâm điều gì sẽ xảy ra, con vẫn thích làm như thế”.
Những thông điệp đó cũng sẽ mời gọi đứa trẻ kiểm tra lại sự chắc chắn trong lời đe dọa của cha mẹ nó. Những đứa trẻ đôi khi rất muốn làm thứ gì đó mà chúng đã bị cảnh báo trước đó là không nên làm, chỉ vì chúng muốn xem hậu quả mà cha mẹ chúng đã cảnh báo liệu có xảy ra thật hay không.
3. Thúc đẩy, răn dạy, thuyết giáo
Những thông điệp này thường khiến đứa trẻ phải gánh vác sức nặng của quyền cha mẹ, của nghĩa vụ và bổn phận. Những đứa trẻ có thể phản hồi lại những “nên”, những “cần” và những “phải” đó bằng cách kháng cự và bảo vệ quan điểm của chúng mạnh mẽ hơn.
Chúng có thể khiến đứa trẻ cảm thấy cha mẹ không hề tin tưởng những đánh giá của nó. Tức là cha mẹ cho rằng trẻ tốt nhất nên làm theo những gì cha mẹ cho là đúng: “Con nên làm điều đúng đắn”. Chúng cũng có thể gây ra những cảm xúc tội lỗi cho đứa trẻ rằng nó là đứa trẻ hư: “Con không nên suy nghĩ theo cách đó”.
Chúng cũng có thể khiến đứa trẻ cảm thấy cha mẹ không hề tin vào khả năng nó có thể đánh giá giá trị và kế hoạch của người khác.
Những câu thuyết giáo dường như sẽ tạo áp lực lên trẻ, khiến trẻ mất niềm tin vào bố mẹ. (Ảnh: Pinterest)
4. Khuyên bảo, đưa ra đề nghị hoặc giải pháp
Những thông điệp này thường bị trẻ coi như là bằng chứng cho thấy cha mẹ không hề tin vào khả năng phán đoán hoặc khả năng tự tìm ra giải pháp của nó. Nó có thể tác động khiến đứa trẻ trở nên lệ thuộc vào cha mẹ và không chịu tự mình tư duy “Bố ơi, con nên làm thế nào bây giờ?”
Đôi khi, những đứa trẻ có thể cực kỳ không hài lòng với những ý kiến hoặc lời khuyên của bố mẹ chúng “Để tự con giải quyết vấn đề này đi”, “Con không muốn bị bảo phải làm gì hết’.
Lời khuyên đôi khi thể hiện những quan điểm vượt trội của bạn đối với đứa trẻ “Mẹ con và bố luôn biết điều gì là tốt nhất”. Những đứa trẻ có thể sẽ thấy bản thân thật kém cỏi “Tại sao con lại không nghĩ tới điều đó nhỉ?”. Lời khuyên có thể khiến đứa trẻ cảm thấy cha mẹ không hề hiểu con người nó “Mẹ sẽ không đề nghị như vậy nếu mẹ thực sự hiểu con cảm thấy thế nào”. Và đôi khi khiến đứa trẻ dành trọn thời gian để làm theo những ý tưởng của cha mẹ và điều đó khiến nó không tự suy nghĩ được những ý tưởng của riêng mình.
5. Lên lớp, đưa ra những tranh luận logic
Việc cố gắng dạy dỗ con của cha mẹ thường khiến cho trẻ cảm thấy rằng mình luôn thua kém “Mẹ lúc nào cũng nghĩ là mẹ biết mọi thứ”.
Logic và sự thật thường khiến đứa trẻ trở nên phòng vệ và cảm thấy không bằng lòng “Mẹ cho là con không biết điều đó ư?”. Những đứa trẻ cũng giống như người lớn hiếm khi thích bị cho thấy là chúng sai. Kết quả là chúng thường bảo vệ ý kiến của mình tới cùng “Bố sai rồi, con mới đúng”.
Những đứa trẻ thường ghét những bài thuyết giáo của cha mẹ “Họ cứ nói và nói, còn cháu thì phải ngồi đó và lắng nghe họ”. Vì vậy trẻ thường phải sử dụng đến những phương pháp tiêu cực để giảm tầm ảnh hưởng của cha mẹ chúng “Mẹ quá già để hiểu chuyện gì đang xảy ra”.
Thường thì những đứa trẻ biết rất rõ những điều mà cha mẹ chúng đang cố gắng dạy cho chúng và sẽ không bằng lòng khi chúng bị coi là kém cỏi “Con biết tất cả những điều đó, mẹ không cần phải nói với con đâu”.
Đôi khi những đứa trẻ sẽ chọn cách lờ đi những sự thật đó “Con không quan tâm”, “Chuyện đó sẽ không xảy ra với con đâu”.
Việc giáo dục là sự tự nguyện tiếp thu từ trẻ, mọi sự gượng ép chỉ mang lại tác dụng ngược lại. (Ảnh: pptree.com)
6. Đánh giá, phê bình, không đồng tình, khiển trách
Những thông điệp này có lẽ sẽ khiến những đứa trẻ cảm thấy không thỏa đáng, kém cỏi, ngốc nghếch, vô giá trị… hơn những thông điệp khác. Khi đó đứa trẻ sẽ bị định hình bởi những phán xét và đánh giá của cha mẹ. Khi cha mẹ đánh giá đứa trẻ, trẻ cũng tự đánh giá lại mình “Cháu đã phải thường xuyên nghe bố cháu nói là cháu hư thế nào, và dần dần cháu đã bắt đầu thấy rằng cháu cần phải hư thật sự”. Ngoài ra sự phê bình tiêu cực sẽ gây ra sự phê bình lẫn nhau “Con đã thấy mẹ cũng làm điều tương tự”.
Sự đánh giá sẽ gây tác động mạnh mẽ tới những đứa trẻ và khiến chúng giữ lại cảm xúc bản thân hoặc giấu giếm những cảm xúc đó với cha mẹ “Nếu cháu nói với cha mẹ về điều đó chắc chắn cháu sẽ bị họ chê trách”.
Những đứa trẻ cũng giống như người lớn, thường không thích bị đánh giá theo cách tiêu cực. Chúng sẽ phản hồi lại bằng cách phòng vệ, đơn giản là để bảo vệ hình ảnh của bản thân chúng. Thường thì chúng sẽ trở nên giận dữ và ghét bỏ cha mẹ – những người đã đánh giá chúng, kể cả khi đánh giá đó hoàn toàn chính xác. Sự đánh giá và phê bình thường xuyên sẽ khiến một số đứa trẻ cảm thấy chúng không ngoan và cha mẹ không yêu thương chúng.
7. Khen ngợi quá mức
Đa phần mọi người đều tin rằng sự khen ngợi luôn có lợi với trẻ, nhưng ngược lại việc đó lại gây ra những hậu quả tiêu cực. Một đánh giá tích cực không phù hợp với hình ảnh của bản thân đứa trẻ có thể dẫn tới sự thù địch: “Con chẳng hề xinh đẹp, con là đứa trẻ xấu xí”, “Con đã không chơi tốt, con chơi quá tệ”.
Những đứa trẻ thường suy ra rằng nếu cha mẹ chúng đánh giá tích cực về chúng tức là cũng có lúc họ đánh giá tiêu cực về chúng. Thêm vào đó, việc xuất hiện sự khen ngợi quá thường xuyên trong một gia đình sẽ thường bị đứa trẻ xem là sự phê bình “Mẹ đã không nói gì tốt về mái tóc của con, vậy tức là mẹ không hề thích nó”.
Đứa trẻ thường cảm thấy sự khen ngợi giống như một cách thức thay thế nhanh chóng để cha mẹ bắt nó làm theo những gì họ muốn “Bố chỉ nói vậy để con học chăm chỉ hơn thôi”.
Đôi khi những đứa trẻ sẽ rút ra những kết luận rằng cha mẹ chúng không hề hiểu chúng khi họ đưa ra sự khen ngợi “Mẹ sẽ không nói thế nếu mẹ biết con thực sự đã cảm thấy thế nào về bản thân con”.
Những đứa trẻ thường cảm thấy xấu hổ và không thoải mái khi nhận được lời khen ngợi, đặc biệt khi ở trước mặt bạn bè nó “Ôi, bố ơi, điều đó không hề đúng chút nào!”
Những đứa trẻ được khen ngợi quá nhiều sẽ thường lớn lên phụ thuộc vào sự khen ngợi “Mẹ chẳng nói gì về việc con đã dọn phòng cả”, “Mẹ ơi, con trông thế nào?”…
Lời khen ngợi nhẹ nhàng có thể kích thích sự tự giác nhưng nếu quá hoặc hời hợt thì lại phản tác dụng. (Ảnh: Kinked)
8. Chửi mắng, chế nhạo, làm nhục
Những thông điệp này có thể gây ảnh hưởng rất xấu tới hình ảnh về bản thân đứa trẻ. Chúng có thể khiến đứa trẻ cảm thấy bản thân mình vô giá trị, tệ hại, không được yêu thương. Và hầu hết những đứa trẻ sẽ phản bội lại những thông điệp đó như “Mẹ lúc nào cũng cằn nhằn, chì chiết”, “Mẹ thử nhìn xem ai mới là kẻ lười biếng”.
Khi một đứa trẻ nhận được một thông điệp như vậy từ cha mẹ – những người đang cố tác động đến nó thì nó thường sẽ không thay đổi bằng cách xem lại mình. Mà ngược lại, nó thường sẽ tập trung vào thông điệp không công bằng đó của cha mẹ và tự bào chữa cho chính mình: “Con không giống một kẻ thua cuộc. Điều đó thật ngớ ngẩn và không công bằng”.
9. Giải thích, phân tích, chẩn đoán
Những thông điệp này sẽ cho đứa trẻ biết rằng cha mẹ chúng đã “hiểu được” chúng. Cha mẹ đã biết được động cơ của trẻ là gì và lý do tại sao đứa trẻ lại hành xử theo cách như vậy. Những chẩn đoán đó của cha mẹ có thể khiến đứa trẻ bị áp lực và suy sụp.
Nếu sự phân tích và giải thích của cha mẹ tình cờ chính xác, đứa trẻ có thể cảm thấy xấu hổ khi bị phơi bày “Con đang làm vậy chỉ nhằm gây sự chú ý”.
Khi sự phân tích và giải thích của cha mẹ sai, như đa phần các trường hợp đều vậy thì đứa trẻ sẽ trở nên tức giận khi bị buộc tội không đúng “Con không hề ghen tị – điều đó thật nực cười”.
Những đứa trẻ thường sẽ nhận ra thái độ bề trên của cha mẹ chúng “Mẹ cho là mẹ biết rất nhiều”. Các bậc cha mẹ thường áp dụng việc phân tích khi giao tiếp với con cái bởi vì họ cảm thấy mình giỏi giang hơn, thông minh hơn.
Những thông điệp với “Mẹ biết tại sao”, “Bố có thể nhìn thấu con” thường sẽ ngăn cản đứa trẻ giao tiếp thêm với cha mẹ vào thời điểm đó và điều đó dạy cho đứa trẻ biết cách hạn chế chia sẻ những vấn đề của nó với cha mẹ.
Cùng phân tích và đưa ra các dẫn chứng cha mẹ sẽ đóng vai trò như một người bạn của trẻ. (Ảnh: Pinterest)
10. Điều tra, nghi ngờ, chất vấn
Việc trả lời những câu hỏi có thể khiến những đứa trẻ cảm thấy cha mẹ thiếu tin tưởng chúng “Con đã rửa tay như mẹ bảo chưa?”.
Những đứa trẻ có thể nhìn thấu những câu hỏi và xem đó là sự cố gắng “để chúng đi khác với số đông”, nhằm mục đích để chúng cam kết điều gì đó với cha mẹ “Con đã học bao lâu rồi? Chỉ một giờ thôi à. Vậy thì con xứng đáng nhận điểm C trong kì thi đó”.
Những đứa trẻ thường cảm thấy bị đe dọa bởi những câu hỏi. Đặc biệt khi chúng không hiểu tại sao cha mẹ lại đặt những câu hỏi như vậy. Khi đó trẻ thường nói “Tại sao mẹ lại hỏi con chuyện đó?” hay “Mẹ đang có ý đồ gì vậy?”.
Nếu cha mẹ đặt câu hỏi cho trẻ khi trẻ đang chia sẻ một vấn đề với cha mẹ thì trẻ sẽ nghi ngờ rằng cha mẹ đang thu thập thông tin để giải quyết vấn đề đó cho trẻ, thay vì để trẻ tự giải quyết vấn đề của mình “Con đã cảm thấy như vậy từ khi nào?. Những đứa trẻ thường không muốn cha mẹ chúng đưa ra câu trả lời cho những vấn đề của chúng: “Nếu cháu nói với bố mẹ cháu, họ sẽ nói với cháu những gì cháu nên làm”.
Khi bạn đặt câu hỏi về người nào đó đang chia sẻ vấn đề với bạn, mỗi câu hỏi sẽ hạn chế sự tự do của người đó khi nói về bất kì điều gì mà họ muốn. Tức là câu hỏi sẽ hạn chế thông điệp tiếp theo của người đó. Nếu bạn hỏi “Con đã bắt đầu nhận ra điều đó từ khi nào?” tức là bạn muốn người đó chỉ nói chuyện về sự bắt đầu của cảm xúc và không gì khác nữa. Vậy nên chất vấn hoàn toàn không phải một phương pháp tốt để thúc đẩy sự giao tiếp từ phía người khác.
Những câu hỏi mang tính nghi ngờ các cô giáo, cha mẹ cũng nhiều khi vô tình không để ý tới mà phạm phải khiến trẻ mất tự tin vào bản thân. (Ảnh: TinTM.com)
11. Rút lui, làm xao nhãng, gây cười
Những thông điệp này có thể khiến trẻ cảm thấy rằng cha mẹ không hề quan tâm tới trẻ, không tôn trọng những cảm xúc của trẻ và rõ ràng cha mẹ đang từ chối giao tiếp với trẻ.
Những đứa trẻ thường rất nghiêm túc và chăm chú khi chúng cần nói chuyện về điều gì đó. Khi bạn phản hồi bằng cách trêu đùa, bạn có thể khiến chúng cảm thấy tổn thương và bị từ chối.
Việc trêu chọc và đùa cợt cảm xúc của trẻ có thể thành công, nhưng những cảm xúc của con người không vì thế mà biến mất. Sau này những cảm xúc đó sẽ xuất hiện trở lại. Những vấn đề bị trì hoãn hiếm khi được xem là những vấn đề đã được giải quyết.
Trẻ cũng giống như người lớn thường muốn được lắng nghe và thấu hiểu bằng sự tôn trọng. Nếu bị cha mẹ đặt sang một bên thì trẻ sẽ nhanh chóng học được rằng nên đặt những cảm xúc quan trọng và những vấn đề của bản thân mình ở một nơi khác chứ không phải ở cha mẹ.
Hồng Ân (DKN.TV)

Hoài Trần

About Hoài Trần -

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :