Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Hoài Trần

- Khinh dân, ắt sẽ phải trả giá

(GDVN) - Một khi nhân dân bị gạt ra ngoài lề của lịch sử thì không những đất nước sẽ rơi vào bế tắc, xung đột, mà đối với lực lượng cầm quyền cũng phải trả giá.

Cuộc nội chiến tại Cộng hòa Yemen đang là một điểm nóng tại Trung Đông và đã trở thành con bài cho những toan tính chính trị của các quốc gia khác.

Nó không còn là sự tranh giành quyền lực giữa các lực lượng và các đảng phái trên chính trường nước này.

Chính phủ Yemen không thể thực hiện chủ quyền quốc gia cũng như không thể bảo vệ cuộc sống và sinh mạng của người dân Yemen được nữa.

Một điều nguy hại trong cuộc nội chiến tại Yemen hiện nay là, người ta không thể xác định được đâu là hành động chính nghĩa, đâu là hành động phi nghĩa vì không xác định được đâu là lực lượng đại diện cho lợi ích của người dân và dân tộc Yemen.

Chính phủ Yemen từ lâu đã không còn là chính thể đại diện cho người dân, cho đất nước này.


Còn lực lượng phiến quân Houthi đại diện cho người Zaidi theo dòng Hồi giáo Shiite ở cực bắc Yemen, chiếm khoảng 1/3 dân số Yemen thì bị xem là quân phản loạn, theo Al Jazeera, ngày 6/2/2015.
Cảnh tan hoang của đất nước Yemen bởi nội chiến. Ảnh: AP.

Cũng nên nhờ lại rằng, năm 1990 cả thế giới chứng kiến sự thống nhất của bốn quốc gia: Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) hợp nhất với Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức); Cộng hòa Ả Rập Yemen (Bắc Yemen) hợp nhất với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yemen (Nam Yemen) hình thành nên hai nhà nước là Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Yemen.

Tuy nhiên, cho đến nay thì chỉ có sự thống nhất của hai nước Đức là đáp ứng được ý nguyện của người dân Đức, còn việc thống nhất hai nước Yemen đã đưa cuộc sống của người dân Yemen ngập chìm trong khó khăn và lửa đạn của nội chiến, theo BBC ngày 12/7/2007.

Tại sao khi sự chia cách đất nước chấm dứt thì lại hình thành nên sự ngăn cách trong xã hội như vậy?

Khi người dân bị gạt ra ngoài lề lịch sử dân tộc


Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, đến giờ này người ta có thể nhận thấy rằng việc thống nhất Yemen chưa phải là yêu cầu cấp bách và cũng chưa phải là mong muốn của toàn dân tộc Yemen. Nghĩa là việc thống nhất Yemen diễn ra một cách gượng ép, chưa đúng thời điểm lịch sử. Tại sao lại nói như vậy?

Xét về cơ sở pháp lý thì không hề có một hiệp ước hay thỏa thuận nào mà nội dung hay mục đích của nó gây nên sự chia cắt Bắc và Nam Yemen. Hàng trăm năm dưới sự cai trị của thực dân, đế quốc, người dân hai miền đứng lên giành độc lập và giành chính quyền theo hai cách thức hoàn toàn khác nhau và thành lập nên hai chính thể khác biệt.

Lịch sử ghi nhận việc hình thành nên hai chế độ chính trị ở hai miền Nam Bắc Yemen là hoàn toàn độc lập với nhau, không có sức ép hoặc sự vi phạm bất kỳ thỏa thuận hay nguyên tắc nào.

Do vậy, không có việc đấu tranh cho sự thống nhất Yemen là mục đích thi hành hoặc xóa bỏ những thỏa ước hay những cam kết chính trị trước khi hai nhà nước ra đời, theo Reuters ngày 22/1/2010.

Xét về tình hình thực tế, việc thống nhất không hoàn toàn là ý nguyện của người dân ở cả hai miền, mà rào cản chính là sự khác biệt lâu đời về chính trị và nhất là sự chênh lệch về tiềm lực kinh tế.

Trước khi thống nhất, tiềm lực kinh tế của Bắc Yemen lớn hơn nhiều so với Nam Yemen, thu nhập và mức sống của người dân miền Bắc cao hơn nhiều so với miền Nam.

Vì vậy, việc quyết định thống nhất chỉ là ý muốn chủ quan của giới chính trị nắm quyền điều hành hai nhà nước ở Yemen lúc đó. Bắc Yemen được điều hành bởi chính phủ của vị Tổng thống trẻ tuổi Ali Abdullah Saleh nhưng quyền lực không mạnh vì chính quyền không được sự ủng hộ của phần đồng người dân.

Đất nước Yemen hỗn loạn trong bạo lực. Ảnh: AP.

Còn Nam Yemen thì chính quyền do Ali Salim al-Beidh đứng đầu, nhưng có nguy cơ bị lật đổ bởi làn gió của Cải tổ và Công khai đã lật nhào chính quyền ở hầu hết các quốc gia Đông Âu, những nước tài trợ chính cho chế độ tại Nam Yemen, theo Time ngày 9/1/1989.

Thế là lực lượng nắm quyền hai nhà nước tại Yemen nhận thấy, việc thống nhất là cần cho việc đảm bảo lợi ích của họ. Và việc thống nhất Yemen được giới chính trị định đoạt vào năm 1990.

Theo lịch sử các học thuyết chính trị, việc chia tách hay sát nhập có liên quan đến chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc, thì nhân dân phải là người quyết định vì họ là chủ thể của lịch sử dân tộc.
Và nếu thuận theo chiều của lịch sử thì ở cả hai miền Nam Bắc Yemen phải tổ chức trưng cầu dân ý để người dân thể hiện ý nguyện và để họ tự viết nên lịch sử cho tổ quốc mình.

Tuy nhiên, một sự việc trọng đại như thế và ảnh hưởng đến quyền lợi của cả dân tộc như vậy mà chỉ là sự thỏa thuận giữa hai chính quyền rồi bỏ phiếu thông qua quyết định tại cơ quan đại diện quyền lực là Quốc hội hai nước.

Điều đó cho thấy trong sự kiện này, nhân dân Yemen không được xem là chủ thể lịch sử. Đây như là một cuộc hôn phối thiên lệch, khiên cưỡng, từ đó khởi nguồn cho những mâu thuẫn nội tại và ngày càng diễn ra gay gắt.

Về mặt chính trị, vì là công dân một quốc gia nên người dân Yemen phải miễn cưỡng chấp nhận cuộc trưng cầu dân ý cho Hiến pháp của một quốc gia thống nhất vào năm 1991 – chuyện thống nhất đất nước trở thành việc đã rồi.

Nhưng về lợi ích thì họ mâu thuẫn với nhau ngay từ khi sáp nhập, theo tài liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, năm 2001. Và xung đột xã hội tại Yemen bắt đầu từ đó.

Trong khi đó, chính quyền nhà nước Yemen thống nhất lại không có những giải pháp căn cơ để kiến thiết đất nước, đáp ứng yêu cầu cuộc sống của người dân Yemen và chính quyền cũng không phải là trung tâm hòa giải dân tộc mà lại bị cuốn theo lợi ích đảng phái, tôn giáo và sắc tộc. Vì vậy nội chiến tại Yemen đã nổ ra.

Nội bộ tương tàn, ngoại bang xâu xé. Tương lai Yemen mịt mù trong lửa đạn

Từ năm 1994, nghĩa là chỉ bốn năm sau ngày thống nhất, chính quyền nhà nước Yemen thống nhất đã chĩa súng vào chính người dân đất nước mình. Máu của nhân dân Yemen đã đổ nhưng không phải để nhuốm lên màu cờ của Tổ quốc.

Máu đổ vì những toan tính và lợi ích chính trị của lực lượng cầm quyền, những người mà với nhân dân Yemen không còn là đại diện cho lợi ích của quốc gia, dân tộc nữa.

Cho đến nay, khi mà những con người tự viết nên lịch sử của đất nước Yemen một cách duy ý chí đã bị đánh bật khỏi chiếc ghế quyền lực, hay đã bỏ chạy tháo thân, thì nỗi khổ của người dân Yemen lại còn nặng nề hợn bởi sự xâu xé của ngoại bang, mà người ta lại đang hành động dưới danh nghĩa vì nhân dân Yemen, vì đất nước Yemen.

Hiện nay, hàng ngày người dân Yemen chỉ nghe thấy tiếng đạn pháo và những tuyên bố về việc chính quyền nhà nước Yemen phải được phục hồi. Nhưng với người dân Yemen, nhà nước đó đâu phải của họ, chính quyền đó đâu có đại diện cho ý nguyện của họ?

Vì vậy người dân Yemen trở thành đích ngắm của đạn pháo vì họ đấu tranh với ngay cái chính quyền mà người ta yêu cầu phải được bảo vệ. 

Đất nước Yemen mịt mù trong lửa đạn. Anh: The Telegraph.

Sinh mạng và lợi ích của người dân Yemen lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào những lực lượng, những tổ chức, những quốc gia xem Yemen là nơi tranh giành sự ảnh hưởng và khẳng định sức mạnh. Người dân Yemen đang ngã xuống không phải vì nền độc lập cho tổ quốc mình mà để trả giá cho những toan tính của những người xa lạ.

Chính quyền Yemen – lực lượng phải bỏ quyền lực chạy tháo thân - đang được sự hậu thuẫn của Saudi Arabia, nhằm phục vụ cho mộng “bá chủ Trung Đông” của quốc gia này.

Còn phiến quân Houthi thì được xem là có sự đỡ đầu của Iran – đối trọng của Saudi Arabia trong việc khẳng định sức mạnh vả ảnh hưởng tại vùng đất nóng Trung Đông đầy bạo lực, theo Reuters ngày 25/3/2015.

Như thế, đất nước Yemen vốn tồn tại trong xung đột và mâu thuẫn xã hội, nay lại là nơi người ta trút giận bởi mâu thuẫn giữa các quốc gia. Người dân và đất nước Yemen đã trở thành những con rối cho người ta sử dụng trong những toan tính thấp hèn, và trở thành nạn nhân của những hành động hết sức tàn nhẫn.

Đói khát và chết chóc là những gì người dân Yemen đang phải đối mặt hàng ngày. Được sống trong một đất nước hòa bình, được sống một cuộc sống thanh bình có lẽ đã trở thành thứ xa xỉ nhất ngay trong cả giấc mơ của họ.

Và có lẽ ước vọng não nề nhất của người dân Yemen lúc này là, bao giờ cho đến ngày xưa.

The Telegraph ngày 11/1 vừa qua cho biết, vào ngày Chủ Nhật một quả tên lửa đã rơi vào một bệnh viện của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) ở Yemen giết chết ít nhất bốn người. Bà Raquel Ayora, Giám đốc điều hành của MSF đã lên tiếng:

“Chúng tôi lên án mạnh mẽ vụ việc này. Đây là một kiểu tấn công đáng lo ngại vào các dịch vụ y tế thiết yếu. Chúng tôi bày tỏ sự phẫn nộ mạnh mẽ nhất của chúng tôi. Một lần nữa cho thấy chỉ dân thường phải chịu đựng gánh nặng của cuộc chiến này".

Đây là hậu quả của những toan tính thiển cận và ích kỷ của chính quyền hai miền Bắc Nam Yemen khi quyết định thống nhất hai nhà nước, hai chế độ mà không dựa trên thực tế đất nước cũng như khát vọng của người dân. Bây giờ thì họ đã bất lực, để cho người dân Yemen phải nhận lãnh mọi hậu quả do những sự thiển cận ấy gây ra.

Cuộc nội chiến tại Yemen như một lời cảnh báo hữu hiệu cho những chính quyền tại các quốc gia trên thế giới, nếu không xem ý nguyện nhân dân là nền tảng của quyền lực, nếu không xem nhân nhân là nhân tố duy nhất viết nên lịch sử dân tộc thì hậu quả sẽ khôn lường.

Một khi nhân dân bị gạt ra ngoài lề của lịch sử thì không những đất nước sẽ rơi vào bế tắc, xung đột, mà đối với lực lượng cầm quyền cũng phải trả giá khi quyền lực bị tước bỏ, gia thế bị nguyền rủa và có nguy cơ trở thành kẻ thủ của dân tộc mình trong hiện tại và trong cả tương lai.

Ngọc Việt

Hoài Trần

About Hoài Trần -

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :