Những câu chuyện về văn hóa xếp hàng “không thể đỡ” ở Việt Nam
Mới đây, hình ảnh chàng trai Tây đứng xếp hàng một mình trong khi rất đông các bạn trẻ khác nhao nhao về phía trước để giành nhau mua đồ trước khiến nhiều người không khỏi xấu hổ cho văn hóa xếp hàng của nhiều người Việt Nam.
Chàng trai Tây xếp hàng một mình đợi đến lượt
Ngày 25/8, trên một diễn đàn hơn 800.000 lượt theo dõi chia sẻ một bức ảnh nói về văn hóa xếp hàng của nhiều bạn trẻ hiện nay. Cụ thể, trong khi một chàng trai Tây đứng chống tay xếp hàng chờ tới lượt mình thì nhiều bạn trẻ khác lại chen lấn, tranh giành nhau đứng trước.
Được biết, câu chuyện này diễn ra ở một trung tâm thương mại ở Thủ đô Hà Nội. Theo người chứng kiến, chàng trai Tây cứ đứng chờ như vậy, mãi sau khi những vị khách kia mua xong hết thì anh mới tiến vào mua đồ.
Chàng trai Tây "ngoan ngoãn" đứng xếp hàng một mình chờ tới lượt mình trong khi các bạn trẻ nhao nhao đổ dồn về phía quầy đồ
Hành động trái ngược nhau hoàn toàn này sau khi được đăng tải đã thực sự khiến nhiều người cảm thấy buồn cho văn hóa xếp hàng của nhiều người Việt Nam hiện nay.
Facebooker Sáng Yên Mình bức xúc nói: “Hỏi thật, có cách nào để mọi người xếp hàng như bên Tây không nhỉ?”.
“Em thấy ở nước ngoài có quán ăn ghi biển chữ xếp hàng bằng chữ Việt Nam ! Mọi người hiểu chứ ạ?”, Cường Phạm xấu hổ thay cho thái độ bất lịch sự của nhiều người khi xếp hàng.
Nhiều bạn khác bức xúc, tỏ thái độ tức giận trước việc làm “không biết ngại” của không ít người thiếu ý thức.
Một người khác cũng chỉ ra thực trạng chen lấn xô đẩy này không phải hiếm: “Lên CGV Vincom rất hay gặp mấy thành phần chen từ dưới lên với “mù chữ”, cứ lối ra thì lại chen vào”.
Liên quan đến văn hóa đi đứng, xếp hàng, bạn Vũ Ngọc Anh bức xúc nói thêm về cả văn hóa lưu thông trên đường của các phương tiện: “Chỉ ở Việt Nam, hở chỗ nào bon chen chỗ đấy, muốn văn hoá nhưng không có thói quen xếp hàng, giống như đi đường, muốn không tắc đường nhưng lúc nào cũng lấn vào đường xe nhau”.
Một số bạn còn cho rằng, hành động đứng xếp hàng chờ đợi trong khi người khác chen lấn, xô đẩy, mãi không đến lượt mình đôi lúc bị người khác cho là “dở hơi”, “điên rồ”.
“Quen đợi rồi, có hồi đứng xếp hàng nhìn lại y như mình là đồ điên vậy, bất mãn”, Uyên Tú Phan nói.
Từ đó, nhiều bạn cũng đưa ra cách để nhiều người Việt xếp hàng như người Tây. “Cái này do phần quản lý cũng kém. Mình nghĩ đặt cái biển "xếp hàng" thì mọi người sẽ ý thức thôi, dần dần khách sẽ có thói quen. Thói quen là do tập chứ không thể tự hình thành”, Nguyễn Bình góp ý.
Còn theo Destiny Đình quản lý chỉ đỡ phần nào thôi, chủ yếu là do ý thức của mỗi người. Destiny Đình đưa ra dẫn chứng: “Vietopia - nơi giải trí cho trẻ con mặc dù được quản lý tốt , trẻ con xếp hàng chờ lượt chơi nhưng ở đâu ra bà mẹ dắt đứa con chen ngang nói là anh họ nó xếp ở trên, nó là em cho bé nó vào trước chơi cùng với anh họ nó”.
Thanh Xuân lại cho rằng “tại anh tại ả tại cả đôi bên”: “Chuyện này cũng một phần là các bạn nhân viên thiếu trách nhiệm nữa, khách đông thì nên bảo khách xếp hàng lần lượt, nhắc khách xếp thành hàng dọc trước mặt mình như thế phục vụ sẽ nhanh hơn. Để khách lố nhố thế này chức tỏ vừa không biết quan sát lại vừa không linh hoạt, trách thì trách cả đôi”.
Chen lấn nhau ăn shusi miễn phí
Chỉ vì miếng ăn mà hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy gây náo loạn cả khu phố
Còn nhớ ngày 24/10, một cửa hàng shusi trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) khai trương và có thông báo miễn phí vào cửa tự do, ăn buffet Nhật Bản miễn phí. Gần đến giờ ăn, hàng nghìn người ùn ùn kéo tới chen lấn, xô đẩy gây náo loạn cả khu phố chỉ với mong muốn dành được một phần ăn cho mình. Thậm chí, một số khách nhảy cả vào bếp lấy thức ăn trong đó, rồi đứng ăn luôn, không cần phục vụ.
Mặc dù, cửa hàng đã chuẩn bị dư ra đến cả nghìn suất ăn, trưa phải đi mua thêm nguyên liệu và nhân viên cửa hàng cũng đã phải làm việc hết công suất nhưng cũng không thấm vào đâu so với lượng khách ghé đến.
Giành giật nhau cả chiếc áo mưa
Người dân nhảy cả lên sân khấu "cướp" áo mưa từ tay nhân viên
Tháng 9/2013, Đại sứ quán Hà Lan tổ chức chương trình phát miễn phí 3.000 áo mưa cho người đi đường tại Hà Nội. 3.000 cái áo mưa nhưng chỉ sau 35 phút đã hết sạch. Sợ bị hết phần, có người còn trèo lên cả sân khấu "cướp" từ tay các tình nguyện viên và nhân viên đại sứ quán. Nhiều người khác đã có phần rồi còn cố giành giật thêm những chiếc khác nữa.
Khung cảnh tranh giành nhau khiến diễn giả có lúc phải lên tiếng “Đề nghị mọi người không tranh giành, nếu không, chúng tôi sẽ dừng chương trình ngay lập tức!”.
Tranh nhau uống bia miễn phí
Người dân chen lấn nhau lấy bia (Ảnh Zing)
Tháng 12/2013, tại cung thể thao Quần Ngựa tổ chức lễ hội bia miễn phí thu hút hàng nghìn người tham gia, trẻ có, già có.
Khi lễ hội bắt đầu, mọi người đều cầm ca nhựa đứng xếp hàng nhưng đến khi có quá nhiều người đến khiến các nhân viên dù hoạt động hết công suất cũng không kịp phục vụ thì người dần rầm rầm xô tới, họ luồn lách qua các bom bia vốn được lập làm rào chắn để nhận bia.
Hỗn loạn khung cảnh đổi mũ bảo hiểm miễn phí
Cảnh tượng người già lẫn thanh niên tranh giành nhau đổi mũ bảo hiểm khiến chúng ta phải ái ngại
Tháng 4/2012, nghe tin TP Đà Nẵng thực hiện chương trình đổi mũ bảo hiểm cũ lấy mũ bảo hiểm mới với mục đích giúp người dân có mũ bảo hiểm đủ chất lượng khi tham gia giao thông, hàng nghìn người đổ xô tới gây ra cảnh hỗn loạn.
Chương trình được bắt đầu từ 9h sáng, tuy nhiên từ trước đó vài giờ, cả ngàn người dân đã đứng kín tại địa điểm đổi mũ, trên tay mỗi người là 2-3 mũ bảo hiểm cũ. Người dân chen lấn, xô đẩy nhau để đổi được mũ mới. Có người còn tìm cách leo lên thùng xe chứa hàng để giành giật mũ bảo hiểm từ tay người phát.
Sau khi hơn 600 chiếc mũ bảo hiểm đã được đổi hết sau ít phút, nhiều người chuyển sang vây ráp xe hàng xe chở mũ khiến Ban an toàn giao thông TP phải tạm dừng.
|