Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Hoài Trần

- TẢN MẠN VĂN HÓA TRANH LUẬN

Trần Văn Chánh
Ôn cố tri tân
Kết quả hình ảnh cho VĂN HÓA TRANH LUẬN

Cãi nhau hay tranh luận là hoạt động thường xuyên của con người trong xã hội, khi hai bên (hoặc hai phe) còn có những ý kiến bất đồng, phải dùng sự kiện và lý lẽ bắt bẻ lẫn nhau, chỉ ra và phê phán chỗ sai của đối phương để chứng minh lẽ phải thuộc về mình. Nếu được thể hiện bằng giấy bút thì còn gọi luận chiến hay bút chiến (polemic). Có thể tranh cãi nhau về mọi thứ trên đời, cả về thái độ sống tốt/ xấu, nhưng thường nhất là những vấn đề thuộc kiến thức, quan điểm liên quan đến học thuật hoặc chính trị.

Trong lịch sử, khi chưa có báo chí hoặc báo chí chưa phát triển, nhiều cuộc luận chiến đã được thể hiện dưới hình thức những bài thơ xướng họa, ví như 24 bài thơ Đường luật xướng họa nổi tiếng giữa Tôn Thọ Tường (1825-1877) và Phan Văn Trị (1830-1910), thực chất là cuộc bút chiến giữa hai phe thân Pháp và chống Pháp tại Việt Nam nửa sau thế kỷ 19, và tuy quan điểm đối lập nhau hoàn toàn nhưng cả hai đều tỏ ra có tài văn chương và thái độ nho nhã, biết kìm chế, với cách diễn đạt hàm súc, tế nhị, mang tính nghệ thuật. 

Hình thức luận chiến phổ biến kế tiếp là trao đổi, tranh luận qua thư từ viết bằng văn xuôi. Ở Trung Quốc người ta thường nhắc đến hai bức thư trao đổi chính sự nổi tiếng giữa Tư Mã Quang (1019-1086) và Vương An Thạch (1021-1086) thời Bắc Tống. Họ Vương là một nhà văn nổi tiếng và cũng là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc, từng đỗ Tiến sĩ và giữ chức tương đương Tể tướng; họ Tư chẳng thua kém, cũng từng đỗ Tiến sĩ, cuối đời được phong Thừa tướng, là một nhà sử học, học giả lừng danh, nhưng lại là nhân vật trung tâm đại diện cho phe bảo thủ của triều đình chống lại những biến pháp cách tân (còn gọi “tân pháp”) của phe cải cách Vương An Thạch dưới thời Tống Thần Tông.
Tư Mã Quang viết cho Vương An Thạch một bức thư dài gần bốn ngàn chữ cực lực can ngăn những giải pháp đổi mới kinh tế-chính trị táo bạo của họ Vương mà ông cho là quá lạm, bất cận nhân tình, chỉ làm hại dân hại nước.

Cuộc tranh luận không có sự tương nhượng nào cả nhưng lời lẽ trao đổi giữa hai bên đều vẫn giữ được thái độ bình tĩnh, lịch sự, tế nhị, chứng tỏ phong cách đại phương của bậc chính nhân quân tử, đồng thời cũng cho thấy họ tuy bất đồng chính kiến một cách căn bản về đường lối, chủ trương, chính sách nhưng cả hai đều nhiệt tâm với vận mệnh đất nước. Tư tưởng đối chọi nhau như vậy, nhưng cả hai đều hiếu học, thành thực, liêm khiết, sống có lý tưởng, cả phần đời tư cũng đều rất nghiêm chỉnh, giống nhau ở đời sống rất đạm bạc, tuyệt nhiên không nghĩ đến tiền bạc, quyền lợi riêng tư. 

Đào Trinh Nhất trong cuốn Vương An Thạch (Nxb Tân Việt, 1960) đã dịch bức thư nói trên của Tư Mã Quang, giọng trang nghiêm, hồn hậu, với mấy dòng mở đầu (sau khi đã có mấy sáo ngữ chào hỏi lịch sự và trước khi công kích nặng nề đường lối chính trị của đối phương), đại khái: “Thuở nay, Quang với Giới Phủ (tên tự của Vương An Thạch) cùng nhau bàn bạc công việc triều đình quốc gia, vẫn thường trái nghịch ý kiến; chẳng biết Giới Phủ có lượng xét cho không, nhưng đến lòng Quang yêu mến Giới Phủ thì trước sau vẫn thế, không hề đổi dời chút nào…”.

Cuối thư lại còn có một đoạn khẳng khái viết: “Giới Phủ có vui lòng nghe cho chăng? Bắt tội mà dứt tình chăng? Mắng nhiếc mà làm nhục chăng? Hay là tâu với chúa thượng mà đuổi đi chăng? Thế nào cũng được Quang xin đợi chờ mệnh lệnh mà thôi”.

Về phần Vương An Thạch, ông đã đáp bằng một bức thư ngắn gọn chỉ độ bốn trăm chữ (bằng một phần mười bức thư của Tư Mã Quang), ý chắc nịch, không chút nhượng bộ, nhưng lời thì vẫn rất nhã nhặn từ đầu đến cuối. Trích một đoạn:
“Hôm nọ mang ơn bác chỉ giáo, trộm nghĩ tôi với Quân Thực (tên tự của Tư Mã Quang) giao du với nhau đã lâu, cảm tình tuy hòa hợp mà mỗi lần bàn về việc nước thì ý kiến bất đồng, chỉ do chủ trương mỗi người thường một khác, dù tôi có gắng sức giải thích thì rốt cuộc cũng không được bác hiểu cho, vì vậy mà đã không dâng thư lên biện bạch từng điều, từng điều một. Nhưng nhớ trước kia được Quân Thực hậu đãi, thì nghĩ đi nghĩ lại không nên lỗ mãng, vì thế hôm nay xin trình bày đủ nguyên ủy, mong Quân Thực may ra thứ lỗi cho.

“Nhà Nho sở dĩ tranh luận nhau, phần lớn là tại vấn đề danh và thực. Danh và thực đã rõ ràng rồi thì sự lý trong thiên hạ có thể nắm được.

Quân Thực muốn chỉ bảo tôi là những điều này: tôi vượt chức, tiếm quyền; tôi cố ý sinh sự, tôi chiếm đoạt lợi của dân; tôi cự tuyệt những lời can gián; đến nỗi thiên hạ oán giận, công kích.

“Tôi thì lại cho rằng (…). Nếu Quân Thực trách tôi là ở chức đã lâu mà không giúp Hoàng thượng làm được những việc lớn để ban ân đức cho dân thì tôi xin nhận là có tội. Còn như bảo rằng ngày nay nhất thiết không nên bày việc ra làm gì, cứ giữ lề lối cũ thì điều đó tôi không dám nghe. Không có dịp gặp mặt, khôn xiết chờ mong”.

Đọc thư của hai đại văn gia Trung Quốc kể trên, người Việt chúng ta không thể không liên tưởng đến hai bức thư nổi tiếng không kém trao đổi nhau giữa Phan Đình Phùng và Hoàng Cao Khải, tiêu biểu cho phe chống Pháp và thân Pháp khoảng cuối thế kỷ 19.

Như chúng ta đều biết, hưởng ứng dụ Cần vương của vua Hàm Nghi sau cuộc binh biến thất bại năm 1885 ở Huế, Phan Đình Phùng (1847-1895) đứng ra chiêu tập lực lượng chống Pháp trong suốt 10 năm (1885-1895) ở Hương Khê, Hà Tĩnh, gây cho đối phương nhiều tổn thất nặng nề. Vâng lệnh Toàn quyền Lanessan, tháng 5/1894, đại thần thân Pháp Hoàng Cao Khải (1850-1933) đã viết một bức thư cho người đem đến tận nơi đưa cho Phan Đình Phùng để dụ ông ra hàng, sau đó họ Phan cũng đã có thư phúc đáp. Có thể coi đây cũng là một cuộc tranh luận về quan điểm, thái độ chính trị của hai nhân vật đối nghịch không tương nhượng thuộc hai chiến tuyến khác nhau, mỗi người đều kiên quyết với lập trường của mình, nhưng lời lẽ vẫn giữ được sự khôn khéo, nhã nhặn, nên thiết tưởng cũng nên chép lại cả hai bức thư lịch sử để làm mẫu tham khảo cho việc tranh luận về quan điểm, lập trường chính trị của người xưa. Cả hai bức thư đều viết bằng chữ Hán, được Đào Trinh Nhất công bố bản dịch tiếng Việt trong cuốn Phan Đình Phùng-Một vị anh hùng có quan hệ với lịch sử hiện thời (NXB Tân Việt, 1950, đây dẫn lại của Tôn Thất Thọ, “Hai bức thư của Phan Đình Phùng & Hoàng Cao Khải”, tạp chí Xưa Nay, số 452, tháng 10-2014, tr. 20-23).

Thư của Hoàng Cao Khải gởi để dụ hàng Phan Đình Phùng:
Triều Thành Thái, năm Giáp Ngọ (1894), tháng Tư.
Kính gửi Đình nguyên Tiến sĩ Phan huynh ông túc hạ,
Tôi với túc hạ xa cách nhau thấm thoát đã mười bảy năm rồi.

Việc đời dâu bể phong trần kẻ Bắc người Nam, xu hướng dù có khác nhau, nhưng hồn mộng vẫn quanh quẩn bên nhau. Hồi tưởng khi ngày trước ở làng xóm vui chơi, tình nghĩa đôi ta sao mà thắm thiết thế!

Từ khi túc hạ gây việc đến nay, gan trung dạ nghĩa đã vang khắp đó đây, mọi người đều biết. Tôi thường được nghe các quý quan nói chuyện với nhau, ai cũng khen ngợi và kính trọng túc hạ, đủ rõ cái quan niệm về nghĩa khí và tôn bậc thân, người nơi khác cũng đồng tình, chứ không phải chỉ là bọn thanh khí riêng mình với nhau mà thôi đâu.

Nguyên khi kinh thành có việc, nhà vua dời đi, túc hạ đã hăng hái đứng ra ứng nghĩa, giữa lúc sự thể đến tay như thế, mà làm như thế, ai dám bảo là không đúng.

Còn đến gần đây, sự thể như thế nào? Việc thiên hạ có thể làm được nữa hay không? Thì dù những kẻ thô thiển tầm thường cũng còn biết được, nữa là túc hạ là hạng người tuấn kiệt, há không nghĩ được hay sao?

Tôi trộm đoán cái chí của túc hạ cho rằng: “Ta cứ làm việc nghĩa của ta, hết sức hết tài của ta, còn nên hay không là do trời, ta chỉ biết dâng mình cho nước đến chết thì thôi!” Cho nên đi luôn biền biệt mà không trở lại nữa, là vì không thể cướp được cái chí ấy. Nhưng tôi thấy tình cảnh hiện nay của xóm làng thật là đau lòng, tôi thường muốn đem ý kiến thô thiển của mình mạo muội bày tỏ lên bậc cao minh, nhưng đã rải giấy mài mực, rồi lại gác bút lên mà than thở nhiều lần. Tại sao thế? Vì nghĩ rằng gan vàng dạ sắt ấy, không thể lấy lời nói câu văn mà chuyển động được. Phương chi tình khác, cảnh khác, mặt xa, lòng xa, lời nói của tôi chưa chắc đã thấu đến sân túc hạ, mà dù có đến được sân túc hạ chăng nữa, vị tất đã lọt được vào tai của túc hạ, chỉ tổ cho cố nhân cười tôi là ngu mà thôi.

Nay nhân quan toàn quyền cũ lại sang, trước tiên đem công việc anh ta ra bàn, có khuyên tôi sai người tỏ ý với túc hạ, ngài lại gửi lời nhờ nói với túc hạ rằng: “Những người đạt nhân cố nhiên vốn không bo bo vì gia đình mình, nhưng cũng phải nghĩ đến cứu nhân dân một phương này chứ”. Câu ấy quan toàn quyền không nói với ai, mà lại nói với tôi, là vì cho là tôi với túc hạ có tình làng xóm, lẽ nào tôi lại im đi làm thinh mà không nói với túc hạ cho đành.

Kìa như quan toàn quyền từ xa muôn dặm đến đây mà còn băn khoăn nghĩ đến dân ta như thế, phương chi chúng ta sinh trưởng ở xứ này, cha anh họ hàng ở cả đấy mà một sớm quên hết cả tình nghĩa, điềm nhiên như không, rồi trăm năm sau người ta sẽ bảo chúng ta ra sao?

Nguyên con người ta trên là đức của vua, vì dưới là vì dân; kẻ đã trung với vua thì phải có lòng thương dân, chưa có người nào không thương đến dân của mình mà bảo là trung với vua được. Những công việc túc hạ đã làm bấy lâu nay, bảo là trung thì trung thật đấy. Nhưng riêng nhân dân hạt ta thì phỏng có tội gì mà phải lâm vào cảnh lầm than ấy? Đấy là lỗi của ai? Nếu cứ theo cái đà này mà đi mãi, tôi sợ rằng cả cái vùng Hồng Lam này sẽ thành ao cá hết, chứ có phải riêng làng Đông Thái chúng ta phải lo thôi đâu!

Cứ cho rằng: “Người làm việc thiên hạ thì không nhìn đến nhà”. Nhưng chỉ nhà của một người thì được, còn như nhà của cả một tỉnh thì sao? Thiết tưởng không phải điều mà nhân nhân quân tử thích làm. Tôi lui vào mà nghĩ, lại bất giác vùng dậy vui vẻ nói rằng: “Câu này có thể đem ra mà thỉnh giáo với bề trên được đấy!”

Tuy nhiên, sự thế của túc hạ hiện nay như cưỡi cọp muốn xuống, nguy hiểm biết là nhường nào? Nếu tôi không có gì tự tin thì quyết không dám khinh suất dựng nên lời nói để làm hại cố nhân. May có quan toàn quyền đại thần quen biết với tôi từ lâu, lại quan khâm sứ ở kinh và quan công sứ Nghệ An, Hà Tĩnh, đều tin cậy ý kiến tôi cả. Tức như trước đây, quan Bố Trần [tức Trần Khánh Tiến, Bố chính sứ tỉnh Nghệ An], quan Thị Phan [tức Phan Huy Nhuận, Thị lang Bộ Công] người thì bị án mạng, người thì bị an trí, tôi đều vì tình trong làng trong tỉnh, bảo toàn cho cả, may đều được yên ổn. Lại như mới đây, Phan huynh [Phan Trọng Mưu] ông ra thú, tôi đưa đi yết kiến các quý quan, đều được đối đãi như khách. Lại sai đánh điện bảo trả ngay mồ mả tiền nhân, thả anh em thân thuộc ra. Khoan hồng biết là nhường nào? Xem đấy, dù biết lẽ ân lòng ấy, tuy xa nghìn dặm, vẫn có chỗ giống nhau vậy.

Nếu túc hạ không cho lời tôi nói là viễn vông quá, xin hoàn toàn đừng lo ngại sự gì. Quyết không để cho cố nhân mang tiếng là bất tài đâu.

Nay tôi đã thương thuyết với các quý quan: trước hãy tha bà chị nhà được đến báo tin với túc hạ, và kèm cả bức thư này đường đột gửi đến túc hạ. Kính xin bậc cao minh xét cho.
Đầu non mai báo tin xuân, mong đợi có thư trả lời.

Dưới đây là thư Phan Đình Phùng trả lời Hoàng Cao Khải:
Hoàng quý đài các hạ,

Gần đây, tôi vì việc quân, ở mãi trong chốn rừng rú, lại thêm lúc này tiết trời mùa đông, khí hậu rét quá, nông nỗi thật buồn tênh. Chợt có người báo có thư của cố nhân gửi đến. Nghe tin ấy, không ngờ bao nhiêu buồn rầu lạnh lẽo, tan đi hết cả. Tiếp thư liền mở ra đọc. Trong thư, cố nhân chỉ bảo cho điều họa phúc, bày tỏ hết chỗ lợi hại, đủ biết tấm lòng của cố nhân, chẳng những muốn mưu sự an toàn cho tôi thôi, chính là muốn mưu sự yên ổn cho toàn hạt ta nữa. Những lời nói gan ruột của cố nhân, tôi đã hiểu hết, cách nhau muôn dặm tuy xa, nhưng chẳng khác gì chúng ta được ngồi cùng nhà nói chuyện với nhau vậy.

Song le, tâm sự và cảnh ngộ của tôi có nhiều chỗ muôn vàn khó nói hết sức. Xem sự thể thiên hạ như thế kia, mà tài lực tôi như thế này, y như lời cổ nhân đã nói: thân con bọ ngựa là bao mà dám giơ tay lên muốn cản trở cỗ xe thì cản sao nổi; việc tôi làm ngày nay sánh lại còn quá hơn nữa, chẳng phải như chuyện con bọ ngựa đưa tay ra cản xe mà thôi.

Nhưng tôi ngẫm nghĩ lại, nước mình ngàn năm nay, đất nước chẳng rộng, quân lính không mạnh, tiền của chẳng giàu, cái chỗ dựa để dựng nước, là nhờ có cái gốc vua tôi, cha con theo năm đạo thường mà thôi. Xưa kia nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, bao nhiêu phen lăm le muốn chiếm lấy đất ta làm quận huyện của họ mà rút cục vẫn chiếm không được. Ôi! Họ đối với nước ta, bờ cõi liền nhau, sức mạnh hơn ta vạn bội, thế mà trước sau họ không thể ỷ mạnh mà nuốt trôi nước ta được, nào có vì lẽ gì khác đâu, chẳng qua non sông nước Nam tự trời định phận riêng rõ ràng rồi, và cái ơn giáo hóa của thi thư vốn là chỗ dựa cho mình đấy. Đến nay người Tây với mình, cách xa nhau không biết là mấy muôn dặm, họ vượt bể lại đây, đi tới đâu như là gió lướt tới đó, đến nỗi nhà vua phải chạy, cả nước lao xao, bỗng chốc non sông nước mình biến thành bờ cõi người ta, thế là trọn cả nước nhà, dân nhà cũng bị đắm chìm hết thảy, có phải là riêng một châu nào hay một nhà ai phải chịu cảnh lầm than mà thôi đâu.

Năm Ất Dậu, xa giá thiên tử ngự đến sơn phòng Hà Tĩnh; giữa lúc đó tôi đang còn tang mẹ, chỉ biết đóng cửa chịu tang cho trọn đạo, trong lòng há dám mơ tưởng đến sự gì khác đâu. Song vì mình là con nhà thế thần, cho nên đôi ba lần đức Hoàng thượng xuống chiếu vời ra, không lẽ nào có thể từ chối, thành ra tôi phải bất đắc dĩ đứng ra vâng chiếu. Gần đây, Hoàng thượng lại đoái tưởng lựa chọn tôi mà giao phó cho việc lớn, ủy thác cho quyền to; ấy mang ơn vua ủy thác như thế đó, nếu cố nhân đặt mình vào trong cảnh như tôi, liệu chừng cố nhân có đành chối từ trốn tránh đi được hay không?

Từ lúc tôi khởi nghĩa đến nay, đã trải mười năm trời, những người đem thân theo việc nghĩa, hoặc đã bị trách phạt, hoặc đã bị chém giết, vậy mà lòng người trước sau chẳng hề lấy thế làm chán nản ngã lòng bao giờ; trái lại, họ vẫn bỏ của bỏ sức ra giúp đỡ tôi, mà số người mạnh bạo ra theo tôi lại càng ngày càng nhiều thêm mãi. Nào có phải người ta lấy điều tai vạ hiểm nguy làm sự sung sướng thèm thuồng mà bỏ nhà dấn thân ra theo tôi như vậy đâu. Chỉ vì họ tin cậy lòng tôi, lượng xét chí tôi, cho nên hâm mộ vậy đó thôi. Nay lòng người như thế đó, nếu như cố nhân đặt mình vào cảnh của tôi liệu chừng cố nhân có nỡ lòng nào bỏ mà đi cho đành hay không?

Chỉ vì nhân tâm đối với tôi như thế, cho nên cảnh nhà tôi đến nỗi hương khói vắng tanh, bà con xiêu giạt, tôi cũng chẳng dám đoái hoài. Nghĩ xem, kẻ thân với mình mà mình còn không đoái hoài, huống chi là kẻ sơ; người gần với mình mà mình còn không bao bọc nổi, huống chi người xa. Vả chăng hạt ta đến nỗi điêu đứng lầm than quá không phải riêng vì tai họa binh đao làm nên nông nỗi thế đâu. Phải biết quân Pháp đi tới, có lũ tiểu nhân mình hùa theo bày kế lập công, những người không có tội gì, chúng cũng buộc cho có tội, rồi thì bữa nay trách thế nọ, ngày mai phạt thế kia, phàm có cách gì đục khoét được của cải của dân, chúng nó cũng dùng hết không từ. Bởi thế mà thói hư mối tệ tuôn ra cả trăm cả ngàn, quân Pháp làm sao biết thấu? Như thế mà bảo làng xóm không phải tan lìa trôi giạt đi thì có thể được ư?

Cố nhân với tôi đều là người sinh tại châu Hoan, mà cố nhân ở cách xa ngoài muôn ngàn dặm, còn có lòng đoái tưởng quê hương thay, huống chi là tôi đây đã từng lấy thân chịu đựng và lấy mắt trông thấy thì sao? Khốn nỗi cảnh ngộ bó buộc, vả lại sức mình chẳng làm được theo lòng mình muốn thành ra phải đành, chứ không biết làm sao cho được. Cố nhân đã biết đoái hoài thương xót dân này, thì cố nhân nên lấy tâm sự tôi và cảnh ngộ tôi, thử đặt mình vào mà suy nghĩ xem, tự nhiên thấy rõ ràng, chứ cần gì đến tôi phải nói dông dài nhiều nữa.

Tiết đẹp nhất dương, bình yên xa chúc.
Phan Đình Phùng kính đáp.

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong thời Pháp thuộc, cùng với sự chín muồi dần của chữ viết và nền văn chương Quốc ngữ, ngành báo chí Việt Nam bắt đầu phát triển và có thể nói đã khá sôi nổi từ những năm 20 của thế kỷ trước, hoạt động theo luật báo chí 1881 với nhiều điều khoản tự do cởi mở của chính quốc Pháp. Trong bối cảnh lịch sử hết sức đặc thù của Việt Nam thời đó, nhiều vấn đề học thuật, chính trị cần làm sáng tỏ đã được đặt ra, thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trí thức trong nước, theo đó thể loại văn tranh luận/ bút chiến trên sách báo cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Cố Giáo sư Thanh Lãng (Đại học Văn khoa Sài Gòn) đã có công sưu tập, phân tích các cuộc luận chiến theo từng chủ đề mà ông gọi là “vụ án”, trong 14 tập sách in ronéo dày 4.545 trang để làm tài liệu đọc tham khảo cho sinh viên, sau được soạn giả trình bày thu gọn lại thành 10 vụ án trong bộ sách Phê bình văn học thế hệ 1932 (Nxb Phong trào văn hóa, Sài Gòn, tập I &II, 1972-1973). Có tất cả 10 vụ án, tức 10 cuộc tranh luận tiêu biểu, tưng bừng, sôi nổi: (1) Báo chí; (2) Cái cũ cái mới; (3) Phan Khôi-Trần Trọng Kim [về Nho giáo]; (4) Tản Đà-Phan Khôi [về cái cười vô cảm của người Việt và về Tống Nho]; (5) Quốc học; (6) Thơ cũ-Thơ mới; (7) Duy tâm-Duy vật; (8) Nghệ thuật vị nghệ thuật-Nghệ thuật vị nhân sinh; (9) Cô giáo Minh [về chuyện đạo văn]; (10) Hàn Mặc Tử [về chuyện tranh chấp bản quyền thơ Hàn Mặc Tử giữa Quách Tấn và Trần Thanh Mại].

Trước đó, trong những năm 1924-1930, đã nổ ra một cuộc tranh luận khá kịch liệt về Truyện Kiều giữa Phạm Quỳnh chủ bút báo Nam phong với nhóm nhà Nho Ngô Đức Kế-Phan Khôi-Huỳnh Thúc Kháng, mà Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã có công tập hợp lại thành một hồ sơ để giới thiệu cho các sinh viên đại học văn khoa miền Nam thời đó tham khảo, trong quyển Vụ án Truyện Kiều(Viện Đại học Đà Lạt in ronéo lần đầu năm 1965, sau có in lại bằng kỹ thuật typo, ngoài bìa đề “Tài liệu tham khảo dành cho sinh viên Văn khoa, Sư phạm, lớp Lý luận Văn học”, với một bài viết bổ sung ở cuối nhưng không ghi năm xuất bản).

Trong số rất nhiều “vụ án”, đáng chú ý có cuộc tranh luận tương đối ôn hòa diễn ra năm 1930 giữa Phan Khôi với Trần Trọng Kim về Nho giáo. Đầu năm 1930, Trần Trọng Kim cho xuất bản quyển thượng bộ Nho giáo, Phan Khôi đã viết một loạt nhiều bài phê bình tác phẩm của Trần Trọng Kim (bài đầu “Đọc cuốn Nho giáo của Trần Trong Kim”, đăng trên Phụ nữ tân văn số 54, ngày 29/5/1930). Sau khi khách quan ca ngợi công lao của họ Trần, ông đã phê phán thẳng thắn, đại khái cho rằng tác giả Nho giáo đã nhầm lẫn giữa Khổng học với Tống Nho.

Sau đó Trần Trọng Kim lên tiếng trả lời Phan Khôi trong bài “Mấy lời bàn với Phan tiên sinh về Khổng giáo” (đăng trên Phụ nữ tân văn số 60, ngày 10/7/1930), chấp nhận Phan Khôi có lý ở nhiều điểm, nhưng không trả lời đúng vào cái điểm mà Phan Khôi đã công kích.

Không xét chi tiết nội dung chứa trong các bài tranh luận, ở đây chúng ta chỉ chú ý đến tư cách/ phong cách tranh luận học thuật một cách có văn hóa giữa hai nhà học giả: hết sức bảo vệ ý kiến mình bằng kiến thức phong phú và lý lẽ vững chắc nhưng lời lẽ vẫn luôn ôn tồn, nhã nhặn, không dùng những câu chữ khiếm nhã để mỉa mai quá đáng hoặc mạt sát thậm tệ đối phương; không lợi dụng tranh luận để kích bác, chê bai, bêu riếu, xúc phạm cá nhân…

Tham gia tranh luận nhiều nhất và hăng hái nhất về đủ loại đề tài từ văn chương đến triết học có lẽ là Phan Khôi (1887-1959) người gốc Quảng. Qua nhiều cuộc tranh luận, người ta dễ dàng nhận thấy ông là một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực, có kỹ năng lý luận khúc chiết, rành mạch, tuy cãi rất hăng không kiêng nể và nhượng bộ bất kỳ một ai nhưng vẫn giữ được mức độ trầm tĩnh và thái độ nhã nhặn cần thiết của nhà Nho lớp trước. Một số ý kiến chính đáng Phan Khôi nêu ra phê phán năm 1930 đã được Trần Trọng Kim khiêm tốn tiếp thu, và đến năm 1932, khi cho tái bản Nho giáo, ông đã cho sửa chữa. “Cuộc tranh luận này cho ta thấy hai nhà học giả họ Phan và họ Trần đã có thái độ trí thức rất đáng phục. Chính thái độ trí thức ấy đã giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề triết học bấy lâu bị thiên hạ hiểu rất mu mơ” (Phê bình văn học thế hệ 1932, tập 1). 

Trong khi tranh luận, các cụ thường gọi tôn kính nhau bằng “tiên sinh” (“tiên sanh”) hoặc “quân” (như Phan tiên sinh/ tiên sanh, Phạm tiên sinh, Trần quân, Phạm quân…). Đôi khi họ cũng chia sẻ lẫn nhau và với công chúng độc giả về thái độ cần có trong học thuật, như ở bài “Sau khi đọc bài trả lời của Trần Trọng Kim tiên sinh, cảnh cáo các nhà học phiệt” (Phụ nữ tân văn số 62, ngày 24/7/1930) mà đối tượng bị công kích là Phạm Quỳnh trong vụ án Truyện Kiều, ông đã hai lần nhắc khen thái độ tranh luận đúng đắn của Trần Trọng Kim để chê Phạm Quỳnh mà ông kết án là “học phiệt”, cho họ Phạm là có thái độ khinh khỉnh lặng im không thèm trả lời bài viết “Luận về chánh học và tà thuyết” của cụ Ngô Đức Kế về Truyện Kiều đăng trên báo Hữu thanh hồi năm 1924:

“Sau khi tôi đọc bài của Trần Trọng Kim tiên sanh bàn với tôi về sự phê bình cuốn sách Nho giáo, đăng ở Phụ nữ tân văn số 60, tôi rất lấy làm phục cái nhã độ của tiên sanh. Tôi lấy làm phục tiên sanh bao nhiêu, thì tôi càng mừng cho học giới nước ta có cơ khai phóng bấy nhiêu!...

“Khi tôi viết bài bình phẩm cuốn sách Nho giáo, trong anh em đã có người e cho tôi lại ‘mắc cỡ’ chuyến nữa, nhưng tôi cũng cứ đánh bạo mà làm. May quá! Trần tiên sanh khứng viết ra mà thương xác sự học vấn cùng tôi; cái tên tiên sanh tôi quý trọng bao nhiêu, thì cái bài ấy tôi cũng quý trọng bấy nhiêu; quả là “vàng” thật!

“Về phương diện lý thuyết của cái bài tiên sanh trả lời cho tôi đó, tôi xin để rồi sẽ nói đến. Nay chính tôi và cũng xin đại biểu cho những anh em có học vấn ít nhiều mà cùng tôi đồng ý kiến, ngỏ lời cảm tạ Trần tiên sanh về sự người đã có ý tốt, mở cái đường thương xác về sự học cho chúng tôi và hết thảy mọi người trong nước Việt Nam sau nầy”.

Trong bài “Mời Trần Trọng Kim tiên sanh đi với Khổng Tử, Mạnh Tử đến nhà M. Logique chơi, tại đó, chúng ta sẽ nói chuyện”(Phụ nữ tân văn số 63 và 64), tiếp tục tranh luận, họ Phan vẫn tỏ ra là một người công bằng và quang minh chính đại, coi chân lý là thầy:

“Trước kia tôi có bài phê bình cuốn sách Nho giáo của Trần Trọng Kim tiên sanh, kế đó tiên sanh có viết một bài mà thương xác cùng tôi, cả hai đều được đăng trong Phụ nữ tân văn số 54 và số 60. Mới rồi tôi lại viết một bài đăng ở số 62, cảm ơn tiên sanh về sự mở đường cho cuộc luận biện về học vấn; còn cái lý thuyết của tiên sanh trong bài ấy thế nào, tôi chưa nói đến.

“(…) Vì trong sự học vấn phải giữ cái thái độ quang minh chánh đại, khi người ta bẻ bác mình, mình còn có lẽ nói lại thì đem mà nói lại, mình hết lẽ thì phải tỏ ý chịu cái thuyết của người ta đi; nói cho rõ ra, hễ thua thì chịu thua, chớ không được làm cái thói trù trơ ấp úng cho qua việc. Tôi lại cũng biết rằng sự cãi nhau về học vấn chẳng qua là sự binh vực cho chơn lý, thế thì dầu tiên sanh có hơn mà tôi có thua đi nữa, cái đó cũng chẳng đủ làm cho kẻ vui người buồn giữa đôi ta; và nếu tôi là kẻ biết điều, thì tôi cũng lại nên đừng buồn nữa, mà phải lấy sự chơn lý đắc thắng làm vui…”.

Tranh luận, nhưng vẫn giữ được thái độ lịch sự, tôn kính lẫn nhau, chê khen đúng mực, đó là phong cách đáng học tập của những bậc thức giả chân chính.

Như để sửa soạn phê bình thẳng thắn một số điểm trong sách Nho giáo của Trần Trọng Kim, Phan Khôi (trong bài “Đọc cuốnNho giáo của Trần Trọng Kim”, Phụ nữ tân văn số 54, ngày 29/5/1930) đã khéo khởi đầu bằng sự thừa nhận giá trị của công trình: “Trần quân rõ là một nhà học giả, mà lại thuần túy cái thái độ học giả đời nay, nghĩa là dùng phương pháp khoa học mà nghiên cứu các học thuật, bởi vậy làm ra sách vở rất có giá trị”.

Về phần Trần Trọng Kim, khi đáp lại những bài viết công kích của Phan Khôi, cũng đã tỏ ra thậm chí còn nhã độ, từ tốn hơn, khi ông viết trong bài “Mấy lời bàn với Phan tiên sinh về Khổng giáo” (Phụ nữ tân văn số 60, ngày 10/7/1930, sau có in lại trong phần Phụ lục sách Nho giáo):

“Trong báo Phụ nữ số 54 vừa rồi ông Phan Khôi có đăng một bài phê bình quyển Nho giáo của tôi. Ông lấy lời rất thanh nhã và thành thực mà bày tỏ cái ý kiến của ông và chỉ bảo những điều mà ông cho là tôi đã lầm; thật tôi lấy làm cảm tạ lắm. Tôi làm bộ sách ấy biết là một việc khó, không dám chắc là không có chỗ sai lầm; cho nên chỉ mong những người thức giả ai thấy điều gì không phải, bảo cho tôi biết để tôi xét lại, hễ có điều chính đáng thì xin theo mà cải chính lại.

“Người mình xưa nay vẫn chưa quen chịu người ta phê bình. Ai làm được quyển sách, quyển vở nào, đem ra giới thiệu với công chúng, thì chỉ muốn người khen, chứ không muốn người ta chê, rồi hễ thấy người ta bẻ bắt điều gì là mích lòng và không hiểu rằng: “Người dạy ta mà phải, là thầy ta; người trách ta mà phải, là bạn ta”. Bởi vậy người phê bình cũng không muốn phê bình, mà sự học cũng không tiến bộ được. Nay Phan quân không theo thói thường, cứ tự mình sở kiến thế nào, thì nói rõ ra như thế, để người bàn đi có người bàn lại, khiến cho sáng rõ cái chân lý ra. Ấy là một cách phê bình chính đáng mà tôi rất lấy làm kính phục vậy.

“Phan tiên sinh đã có lòng tốt đem cái sở kiến của mình mà bày tỏ ra cho tôi biết, vậy tôi xin lấy lòng thành thực đem cái sở kiến của tôi ra mà bàn lại với Phan tiên sinh. Vị tất lời bàn của tôi đã vừa ý Phan tiên sinh, song cái chủ đích không phải là ganh hơn ganh kém gì, chỉ cốt là cho rõ cái chân lý ra mà thôi. Phan tiên sinh có nhắc đến những bài của tiên sinh đã đăng trong báoThần chung. Tôi xin thú thật rằng tôi không được đọc những bài ấy. Mấy câu tôi nói về những cái thái độ của những nhà cựu học đối với Nho giáo là tôi thấy hiện tình thế nào, thì tôi nói thế, chứ không có ý chỉ trích riêng gì một ai. Vả tôi cũng chắc là Phan quân không có ngờ gì cho tôi về việc đó.

Chuyện ấy là ngoài cái vấn đề ta định bàn với nhau ở đây, song cũng phải nói qua để cho rõ cái tình thực của tôi, chỉ chú ý về cái học vấn của người mình mà thôi…” (Nho giáo, quyển hạ, Phần phụ lục, Bộ Giáo dục-Trung tâm Học liệu, Sài Gòn, 1971, tr. 394-395).

Ở đoạn cuối bài, sau hơn 15 trang tranh luận học thuật, Trần Trọng Kim còn đưa ra một kết luận rất ư là tinh thần đoàn kết, hòa giải hòa hợp giữa những người quân tử “hòa nhi bất đồng”, lời lẽ cảm động, mà đọc đến đây, cụ Phan Khôi dù có hăng cãi và hiếu thắng đến đâu có lẽ cũng phải dịu lòng xuống để lắng nghe:

“Dẫu thế nào mặc lòng, xem đó thì biết Phan quân với tôi đi hai con đường khác nhau. Thôi thì tiên sinh đã chia ra tả hữu, thì tiên sinh cứ đi đường tả, tôi cứ đi đường hữu, mong rằng một ngày kia ta cùng nhau tới một chỗ cao ráo sạch sẽ, tiên sinh thì đem cái tài năng của Tây học, tôi thì đem những vật liệu của nước nhà, rồi hai ta cùng ra sức xây lấy một cái nhà thật đẹp, theo kiểu mẫu rất mới, mà vẫn là nhà của ta, chứ không giống nhà của người. Lúc ấy ta cùng nhau cả cười rằng ta đi con đường khác nhau mà cùng tới một cái mục đích.

“Nếu được như vậy, thì ta cũng có thể phảng phất như câu Mạnh Tử nói: “Quân tử diệc nhân nhi dĩ hĩ, hà tất đồng” (Tlđd, tr. 410).

Ở một bài khác, “Mời Phan Khôi tiên sinh trở về nhà học của ta mà nói chuyện” (Phụ nữ tân văn các số 71, 72 và 74), viết để tranh luận đáp lại bài của Phan Khôi (“Mời Trần Trọng Kim tiên sinh đi với Khổng Tử, Mạnh Tử đến nhà M. Logique chơi, tại đó chúng ta sẽ nói chuyện”, Phụ nữ tân văn số 63 và 64), Trần Trọng Kim lại tiếp tục ôn tồn nhã nhặn mặc dù vẫn kiên định lập trường:

“Trước khi Phan tiên sinh mời tôi đến nhà cô Logique…, để nói chuyện với Khổng Tử và Mạnh Tử, tiên sinh có viết một bài cảnh cáo các nhà mà tiên sinh gọi là học phiệt. Trong bài ấy tiên sinh trách những người Nho học có cái thái độ lãnh đạm đối với Khổng giáo, tôi lấy làm phục lắm (…). 

“Song trong bài ấy có điều Phan tiên sinh nói về cái thái độ của những người học phiệt, thì không được đủ lẽ, là vì tiên sinh chỉ trách những người ấy khinh người, ai nói gì cũng làm thinh, không thèm đáp lại. Nhưng tiên sinh không xét cho tự xưa đến nay đã có mấy ai xướng lên vấn đề gì mà nói cho chính đáng và ôn tồn, để cho những người có ý kiến gì khác cũng muốn đem ra mà bàn chưa? Số nhiều người mình khi đã cầm bút viết, thì chỉ dùng những giọng khích bác, những lời thô thiển, có khi lại buông lời quá đáng, làm mất cả cái hòa khí trong khi biện luận. Như thế thì tiên sinh bảo người học giả ai còn muốn biện luận nữa. Đã hay rằng người đi học cần phải phục thiện. Song phải biết lời mình nói có thiện thì người ta mới phục, chứ mình nói những lời sống sượng, ý tứ ngoắt ngoéo, từ đầu chí cuối chỉ thổ lộ ra cái ý cầu thắng thì bảo người ta phục thiện làm sao được.

“Thiết tưởng nói điều phải, có nhiều cách nói, nếu mình lấy cái thái độ thanh nhã ôn hòa mà nói, thì ai chẳng muốn nghe. Phàm khi đã bàn đến những điều nghĩa lý, thì ta phải lấy cái nghĩa công chính mà nói, chứ không để ý vào sự cầu thắng. Vì đã có cái ý cầu thắng, thì tất là động khí, mà đã động khí thì còn bàn thế nào được cái trung chính của đạo lý nữa. Thế mà có nhiều người hễ biện luận điều gì là lấy cái tư ý của mình đối với cá nhân, rồi nói những lời như cãi nhau ở ngoài đường, vậy mà trách người ta không đáp lại, chẳng hóa ra không công bình lắm hay sao? Đây là tôi nói cái thói thường của phần nhiều người như thế, chứ không nói gì đến Phan tiên sinh. Vậy cứ ý tôi, ta nên trách cả hai bên, thì mới phải” (Tlđd, tr. 411-412).

Những lời trần tình của học giả Trần Trọng Kim như vừa trích dẫn trên đây, thật xứng đáng coi là một thứ bài giảng về văn hóa tranh luận.

Nếu chỉ tính riêng trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, trong gần một thế kỷ nay, đáng kể còn có cuộc tranh luận lớn kéo dài về vấn đề ai là tác giả của bản dịch Chinh phụ ngâm hay nhất đang được lưu hành rộng rãi nhất (Đoàn Thị Điểm hay Phan Huy Ích?), không thấy đề cập trong bộ sách Phê bình văn học thế hệ 1932 của Thanh Lãng. Cuộc tranh luận khởi đầu từ năm 1926 trên tạp chí Nam phong đã được nhiều văn nhân-học giả có uy tín tham gia, trong đó có Nguyễn Hữu Tiến, Hoàng Thúc Trâm, Hoàng Xuân Hãn… Thậm chí sau đó có người còn viết nguyên cả quyển sách dày cộp để tổng hợp vấn đề, như Nguyễn Văn Dương trong công trình Thử giải quyết vấn đề diễn giả Chinh phụ ngâm (do Nxb Đại học Huế in lần đầu năm 1964, tái bản có bổ sung năm 2008, Nxb Văn hóa-Thông tin), Lại Ngọc Cang trong Chinh phụ ngâm (Nxb Văn học, Hà Nội, 1964), Nguyễn Văn Xuân trongChinh phụ ngâm diễn âm tân khúc (Nxb Lá bối, 1971)... 

Cuộc tranh luận đã diễn ra rất ôn hòa, có lẽ một phần do những người tham gia đều là tiền bối lớp trước, có phong thái học giả, với thái độ vừa khiêm cung nhã nhặn, vừa dè dặt thận trọng, nên nói chung cũng không thấy ai sát phạt ai bằng những lời lẽ nặng nề như ta có thể thỉnh thoảng nghe thấy trong những cuộc tranh luận văn học gần đây qua một số sách báo, và nhất là qua không ít bài viết đăng trên mạng Internet.

Tuy nhiên, việc tranh luận nói chung cũng còn tùy theo ở cá tính cụ thể của mỗi người tham gia, bình tĩnh hay sốc nổi, hiếu thắng. Có người cũng gốc nhà Nho, nhưng tự do lãng mạn và có phần ngang ngạnh kiểu nhà thơ như Tản Đà, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, đôi lúc cũng không kìm chế được mình. Chẳng hạn, trong đợt tranh cãi về cái cười của người Việt và về Tống Nho (đăng trên An Nam tạp chí từ tháng 01 đến tháng 4 năm 1932), Tản Đà đã không ngần ngại “phang” cho Phan Khôi nhiều câu búa bổ hết sức nặng nề. 

Điều này cho thấy, từ rất lâu tại Việt Nam, giới báo chí nói chung và giới phê bình tham gia luận chiến nói riêng, đã bắt đầu có những biểu hiện thiếu lành mạnh. Trong điều kiện cạnh tranh khá quyết liệt, cũng không loại trừ trường hợp có không ít nhà báo thời đó đã dùng thủ đoạn tranh luận rùm beng, tạo sự kiện giật gân bằng cách chửi thật mạnh vào vài người có danh thanh lớn trong học giới để quảng cáo thu hút độc giả, nhất là ở một vài tờ báo đang ế hoặc được xuất bản sau nhiều báo khác.

Có thể kể trường hợp báo Phong hóa để làm thí dụ. Ngay trong số đầu (16/6/1932, giai đoạn đầu có 13 số do Nguyễn Hữu Mai làm Giám đốc Chính trị), đã cho đăng bài công kích, nhạo báng Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh một cách không thương tiếc, mà người nào công tâm đọc vô cũng cảm thấy tuy tác giả có tài làm thơ châm biếm độc đáo nhưng đã đi quá giới hạn cho phép về mặt đạo đức báo chí, vì xúc phạm cá nhân một cách ác tâm:

Nước Nam có hai người tài,
Thứ nhất xừ Ĩnh, thứ hai xừ Uỳnh.
Một xừ béo núng rung rinh,
Một xừ lểu đểu như hình cò hương.
Không vốn liếng, chẳng ruộng nương,
Chỉ đem dư luận bán buôn làm giàu.
Bây giờ đang xỉa xói nhau,
Người câu “lập hiến”, kẻ câu “trực quyền”.
“Thưa các ngài, thực vi tiên,
Muốn xem chiến đấu, quẳng tiền vào đây”.

Tuy nhiên, đánh giá chung các cuộc tranh luận (chủ yếu liên quan văn học, triết học) trong khoảng từ 1932 đến 1939 hay 1940, GS Thanh Lãng viết: “Có lẽ chưa có thời nào sinh hoạt văn học có vẻ hào hứng, động đạt cho bằng trong khoảng thời gian này” (Sđd, tập 1). Còn về kết quả, cũng theo Thanh Lãng, “mặc dầu trong lúc lời qua tiếng lại có lắm khi không tốt đẹp là bao nhiêu cũng đã đem lại những kết quả đáng khích lệ” (Sđd, tập II, tr. 239), có thể tóm tắt như sau: (1) Báo chí dần đi đến chỗ trưởng thành…; (2) Những hủ tục và sự gò bó theo luân lý cũ giảm bớt: phe mới thắng; (3) Vấn đề quốc học được hiểu theo nghĩa chính xác hơn; (4) Thơ mới thắng; (5) Quan điểm nghệ thuật đỡ máy móc. Những nghệ sĩ của quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật đã để lại những công trình sáng tác đủ biện minh cho lý tưởng của họ; quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh hướng về xây dựng lao động cũng đã có những công trình đáng khen ngợi; (6) Chủ trương duy vật không phải là không mở ra cho văn nghệ sĩ những cửa ngõ mới để đánh giá nghệ thuật và thổi một luồng gió mới vào địa hạt phê bình, khiến cho từ 1940, văn phê bình phát triển rất mạnh.

Từ 1946 trở đi, khởi đầu thời kỳ kháng Pháp, lịch sử Việt Nam bước sang một giai đoạn khó khăn phức tạp mới, và nhất là từ tháng 7/1954, sau Hiệp định Genève, lịch sử lại sang trang thêm lần nữa, đất nước tạm thời chia đôi thành hai miền Nam, Bắc. Miền Nam tiếp tục sinh hoạt văn hóa khoa học đại khái vẫn tiếp theo nếp cũ, với nhiều cuộc tranh luận sôi nổi nhưng đôi khi cũng không tránh khỏi có chút lộn xộn mất trật tự kiểu tự do tư sản. Miền Bắc trái lại, hầu như không có cuộc bút chiến nào, nếu có thì chỉ bút chiến với một vài tác giả miền Nam với lập trường chính trị trái ngược hẳn, hoặc để công kích những phần tử còn lơ mơ về lập trường giai cấp và về chủ nghĩa Mác-Lênin trong nghiên cứu văn học, mỹ học, lịch sử… Phan Khôi hay cãi nhưng đến lúc này thì cũng bó tay, không còn cãi được. Tội nghiệp, vẫn tiếp tục không kiêng nể ai, ông viết bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” đăng trên Giai phẩm mùa thu (tập I, 29/8/1956), phân tích thực chất tình hình văn nghệ lúc bấy giờ, đề nghị văn nghệ sĩ được tự do sáng tạo… “Nếu trong một bối cảnh khác thì đây có thể là một đề tài bút chiến sôi nổi, hấp dẫn, thu hút nhiều người tranh luận. Tuy nhiên, do hoàn cảnh cụ thể lúc này, không có cuộc bút chiến nào diễn ra. Ông bị quy cho là phản động… Và rồi từ đấy, ông bị thân bại danh liệt, mất hết mọi quyền lợi, gây ra hệ lụy cho cả gia đình, con cái suốt một thời gian dài!” (xem Huỳnh Hùng, “Từ các cuộc bút chiến của Phan Khôi”, tạp chí Xưa & Nay, số 451, tháng 9/2014, tr. 20).

Văn hóa tranh luận vì thế đã chuyển sang một chiều hướng khác. Có không ít tác giả là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng, trước đây từng viết nhiều bài tranh luận văn học bằng lời lẽ ôn tồn lịch sự đầy sức thuyết phục, được cảm tình của đa số độc giả, thì giờ đây, đã bắt đầu giở giọng phê phán và coi những người có quan điểm khác biệt như kẻ thù chẳng đội trời chung, qua những lời lẽ sắt máu nặng nề, như gọi đối tượng mình phê phán là “y”, là “hắn”, là “bọn chúng” này “bọn phản động” nọ… Một số tác giả có quan điểm khác như Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa)…, dính đến vụ Nhân văn giai phẩm (1956), đều là nạn nhân của họ. Đọc, chẳng hạn, Qua những trang văn (1976) của Vũ Ngọc Phan (1902-1987), hay Phê bình và tiểu luận (tập 1, 2, 3, năm 1960, 1965, 1971) của Hoài Thanh (1909-1982)…, chúng ta có thể dễ dàng thấy rõ điều đó. 

Soi rọi vào thực tế văn hóa tranh luận hôm nay

Ở Việt Nam những năm gần đây, hai chữ “phản biện” xuất hiện từ lúc nào không rõ nhưng được dùng khá phổ biến. Đặc biệt, đây là một từ gốc Hán nhưng không thấy có trong từ điển tiếng Hán, nên hẳn nó là một từ Hán Việt do người Việt mới sáng tạo ra tương đương với nghĩa “biện luận, cãi lẽ” (tiếng Pháp: argumenter), như nói: “tiếng nói phản biện nhiều mặt của người trí thức”, “giáo sư phản biện”, “hội đồng phản biện”… Về ý nghĩa, phản biện có nghĩa gần như tranh luận, nhưng phản biện mà viết ra trên báo chí sách vở thì đó cũng là luận chiến hay bút chiến, vì thế nhiều tờ báo, tạp chí hiện nay đặt ra mục “nghiên cứu-trao đổi” để làm công việc phản biện.

Phản biện vì thế có hàm nghĩa là dùng lý lẽ để chống lại một cái gì đó. Nói cách khác, là tranh luận phải trái, chống lại cái đã đưa ra, dù đó là một giáo điều truyền thống đã được số đông người chấp nhận. Như vậy, sự “chống” ở đây phải cần đến lý lẽ phải chăng, không có tính bạo động, đàn áp hoặc chụp mũ, và chỉ dừng lại ở phạm vi tư tưởng-học thuật, có thể liên quan đến mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, văn học, nghệ thuật…

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm”.

Các ý kiến phản biện và được/ bị phản biện đều có thể hoàn toàn trái nghịch nhau nhưng phải đặt trên cơ sở tranh luận bình đẳng, công bằng, trong sáng, nhất là không được dùng những yếu tố phi lôgic và lời lẽ phỉ báng để chống lại người khác, theo kiểu chụp mũ, hoặc “cả vú lấp miệng em”. 

Tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam hiện nay, vẫn có lối phản biện hay tranh luận thiếu lành mạnh và khá thường xảy ra trên báo chí.

Có hai vụ xảy ra vào năm 2013 có thể nêu lên làm thí dụ.
Một là vụ ông Lê Hiếu Đằng ra tuyên bố đề nghị lập đảng mới đối lập. Nhiều người đã phản biện trên báo chí công khai bằng cách đưa ra những lý lẽ khác để phản đối hoặc thuyết phục ông Đằng thay đổi ý kiến. Một trong những bài viết như vậy đã được đăng trên tờ Tuổi trẻ (27/8/2013), với lời lẽ lịch sự đàng hoàng của tác giả. Nhưng cũng có loại bài viết dùng lời lẽ bêu riếu, chụp mũ, thậm chí còn moi việc đời tư ra để tranh luận. Đó là bài đăng trên tờ tuần báo Văn nghệ TP HCM (số 269, ngày 29/8/2013) dưới tiêu đề “Ý kiến của nhà văn Đông La (Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) về bài viết ‘Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…’ của Lê Hiếu Đằng”, mà ngay dòng đầu phần I của bài đã gọi Lê Hiếu Đằng là “kẻ lật lọng”, rồi đến đoạn kết thì lại viết thêm: “Khi tôi viết về LHĐ, một bạn thân quen đã cung cấp một thông tin về đời tư rất hay giúp ta hiểu rõ hơn về phẩm chất của nhân vật này. Có ai muốn tìm hiểu thì liên hệ trực tiếp với tôi qua email: donglasg…”.

Vụ thứ hai liên quan tới cuộc tọa đàm khoa học đầu tiên về nhà thơ Bùi Giáng nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhà thơ, do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM tổ chức ngày 14/9/2013, dưới sự chủ trì của PGS TS Võ Văn Sen (Hiệu trưởng).

Sau cuộc tọa đàm, nhiều bài viết trên các báo ca ngợi “tài năng kỳ lạ” của nhà thơ. Dường như chỉ riêng tờ tuần báo Văn nghệ TP HCM và tiếp liền sau đó tờ nguyệt san Hồn Việt có ý kiến khác, nói chung cũng là hình thức phản biện rất đáng hoan nghênh và tham khảo. Chỉ tiếc, cả hai bài đầu tiên đăng trên tờ Văn nghệ TP HCM đều không đưa ra được lý lẽ gì để tranh luận về phương diện văn chương, mà chỉ có tính chất xúc phạm cá nhân, moi móc đời tư. Bài thứ nhất (“Ai làm Bùi Giáng sống lại sau 15 năm?” của Châu Thị Năm, số 274, ngày 03/10/2013) có đoạn viết: “15 năm nay Bùi Giáng đã chết không kèn không trống, giờ sống lại nhờ báo Thanh niên và các vị bạn bè thân hữu của ông ấy với động cơ gì trước sau gì ta cũng rõ”. Cuối bài còn nói thêm: “Thử hỏi một nhà thơ cuồng say đem tọa đàm tại một trường đại học lớn như vậy thì dạy cho sinh viên điều gì? Sao không tọa đàm các nhà thơ lớn như Tố Hữu, Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Thi, Hàn Mặc Tử… Nếu nói về cách gieo vần - câu cú trong thơ thì tôi không bàn, nhưng về lời thơ thì đó là thơ của một người nửa đời không tỉnh”. Bài thứ hai (“Chuyện ngược đời” của P. T. Sanh, số 275, ngày 10/10/2013) có đoạn viết: “Nếu hỏi đa số người dân của thành phố này… thì ai cũng biết Bùi Giáng là người… có học, từng đi dạy, làm văn, làm thơ nhưng mọi việc đều dở dang, vì rối loạn tâm thần nên không có một vị trí nào đáng kể trong xã hội”. Những đoạn tiếp sau chỉ thấy tác giả toàn chỉ trích cá nhân để phản biện, bằng cách kể lại một vài tật xấu của nhà thơ “điên”, mà không có một lời nào bàn luận xác đáng về thơ ca cả!

Cách phản biện kiểu như trên tưởng cũng chẳng cần bình luận thêm nhiều, vì mọi người đọc bàng quan đều sẽ tự có cách đánh giá chính xác. 

Trước đó khoảng vài tháng là vụ án văn học nổi tiếng Nhã Thuyên về chủ đề “thơ mở miệng”, xảy ra hồi tháng 6 năm 2013. Vụ việc bắt đầu và trở nên ồn ào từ bản luận văn thạc sĩ văn học Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa của Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan) do PGS TS Nguyễn Thị Bình (Tổ trưởng Văn học hiện đại Việt Nam, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội) hướng dẫn. Nhìn chung, đối tượng nghiên cứu của bản luận văn là một thứ văn chương “phản kháng”, “nổi loạn” của một số người trẻ không chấp nhận thực tại nhiều mặt.

Phản ứng mạnh mẽ trước tiên có lẽ là của cây bút “luận chiến văn chương” nổi tiếng Chu Giang (Nguyễn Văn Lưu) trong loạt bài viết “Tiểu luận của Nhã Thuyên”, “Vấn đề ở khoa Văn, ĐHSP Hà Nội: Một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối” đăng trên tuần báo Văn nghệ TP HCM tháng 6/2013, với lời tòa soạn nêu rõ đại ý: “Tiểu luận của Nhã Thuyên về thơ “dơ”, thơ “rác”... thì không đáng nói đến. Nhưng vấn đề rất nghiêm trọng là quan điểm đào tạo sai lầm. Kỳ này nói về luận văn của Nhã Thuyên. Các kỳ tới nói rõ sai lầm có hệ thống ở bộ môn Văn học hiện đại Việt Nam, Khoa Ngữ Văn ĐHSP Hà Nội”.

Sau khi trích dẫn một đoạn giễu nhại phạm thượng của nhóm thơ Mở Miệng, tác giả loạt bài viết nêu trên đã không ngần ngại tỏ thái độ dứt khoát: “Chỉ riêng sự giễu nhại này cũng đủ lý do để hủy bỏ Luận văn của nghiên cứu sinh Đỗ Thị Thoan. Luận văn này vi phạm nhiều điều của Luật xuất bản (thật ra vẫn chưa xuất bản - TVC). Vì vậy chúng tôi cấp thời đề nghị phải lập tức đình chỉ việc giảng dạy của cô giáo Nhã Thuyên - dù là giảng dạy hợp đồng. Đồng thời hủy bỏ Luận văn, hủy bỏ học vị Thạc sĩcủa tác giả Luận văn, xem xét lại tư cách của người hướng dẫn khoa học là PGS TS Nguyễn Thị Bình và trách nhiệm của Hội đồng chấm Luận văn này. Không thể để tiêm nhiễm vào các nhà giáo tương lai một thứ văn hóa phản nhân văn, bất nhân bất nghĩa như thế” (Văn nghệ TP HCM, ngày 13/6/2013).

Tiếp sau là một làn sóng phản ứng ngày càng mạnh mẽ thể hiện qua nhiều bài viết của những tác giả tên tuổi đăng trên các tờ báo lớn như Thanh tra (22/6/2013), Nhân dân (07/7/2013), Quân đội nhân dân (07/7/2013), mà tất cả đều phản đối kịch liệt ở nhiều góc độ khác nhau.

Bồi thêm vào câu chuyện để tấn công Nhã Thuyên và nhóm bảo trợ luận văn ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lại còn có tờ nguyệt san Hồn Việt, trong số tháng 8/2013 đã “đăng một số ý kiến để bạn đọc tham khảo, nhận định” (trích Lời Tòa soạn), dưới đầu đề chung “Mấy vấn đề chung quanh luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên”. Tiếp dưới là một loạt 4 bài viết rất dữ dội: “Không mơ hồ, mất cảnh giác” của nhà văn Vũ Hạnh (Hội đồng Lý luận-Phê bình Trung ương và TP HCM), “Một luận văn thạc sĩ văn học… phi văn học” của Nguyễn Văn Thức (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ), “Lợi dụng chiêu bài ‘dân chủ’, ‘nghiên cứu’ để phỉ báng cách mạng” của nhạc sĩ Trần Xuân Tiến (Hội đồng Lý luận-Phê bình Văn học-Nghệ thuật TP HCM), và “Luận văn bộc lộ thái độ chống đối chế độ” của NSND Đặng Hùng (Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam). Tất cả 4 bài viết tuy trình bày hơi khác nhau nhưng đều đồng loạt đưa ra quan điểm với lời lẽ nặng nề vạch trần tính chất bị cho là phản động phi văn học của bản luận văn đang xét. Nhưng điều đáng nói là thay vì dùng thuần lý luận và lời lẽ có văn hóa để phản biện xoáy vào nội dung chính, họ lại áp dụng biện pháp chụp mũ chính trị và tuôn ra hàng loạt những lời sấm sét có tính đe dọa đối với một cô giáo trẻ mới vào nghề tuổi đáng con cháu họ, và với tập thể giáo viên liên quan, như: “… các thế lực chống đối chúng ta thì không bao giờ quên, bất cứ ở đâu, lúc nào họ cũng đeo đuổi mục tiêu chống phá và lật đổ” (Hồn Việt, số 72, tháng 8-2013, tr. 20). Hoặc: “Nó chứng tỏ chủ nghĩa chống cộng được các thế lực nước ngoài cổ vũ… Tôi đề nghị… huy động các chuyên gia còn có nhiệt tình cách mạng vào cuộc để giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo làm tốt công tác của mình. Cái mạnh của chúng ta là tổ chức. Phải nên thay thế, không ngần ngại, những vị có chức trách ở các viện, trường…” (tr. 24). Hoặc: “Đây là luận văn trá hình, che phủ nội dung chính trị phản động…” (tr. 64)... Dường như họ viết ra là để hạ bệ, làm tiêu tan sự nghiệp người khác chứ không phải để phản biện trên tinh thần xây dựng.

Về phía Nhã Thuyên và nhóm có cùng chủ trương, sau đó đều bị cho thôi việc, dư luận chờ đợi nhưng hầu như không thấy có ý kiến trao đổi gì trên các báo chí công khai (hiểu là báo giấy/ báo in có giấy phép chính thức trong nước), nhưng qua vụ này mà vô tình họ được nhiều người chú ý, đã mở ra một đề tài tranh luận có ý nghĩa về phương diện văn hóa, văn học.

Nhưng cuộc tranh luận lẽ ra phải có, đáng có vừa được giả định nêu trên, có lẽ cũng giống như hoàn cảnh Phan Khôi hồi năm 1956 khi viết bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ”, rất tiếc đã không xảy ra. Hay nói cách khác, thực tế là không có tranh luận hoặc tranh luận bất bình đẳng, vì nhóm công kích Nhã Thuyên có sẵn trong tay những phương tiện truyền thông mạnh mẽ, trái lại bản thân Nhã Thuyên và nhóm bênh vực cô ta lại không có được chút đất dụng võ trên những tờ báo được phát hành chính thức trong nước, khiến họ chỉ còn cách đưa lên một số bài viết để tranh luận trên mạng Internet, trong khi đó điều cần nhất và hữu ích cho công cuộc xây dựng văn hóa chung hiện nay là báo chí công khai cần phải đăng thêm nhiều ý kiến trái chiều nhau để tiện cho sự phán xét khách quan hơn của công luận và các giới nghiên cứu.

Những thực tế dẫn trên cho thấy, trong thời kỳ đổi mới, phát triển của đất nước, hằng trăm vấn đề trên mọi mặt hoạt động cần được đặt ra để thảo luận giải quyết. Với khoảng 800 báo, đài, tạp chí thuộc đủ loại hình khác nhau trong nước được nhà cầm quyền luôn khuyến khích phải tham gia đóng góp, xây dựng, sáng tạo, phát huy vai trò diễn đàn của báo chí… thì lẽ ra tình hình tranh luận trên tinh thần dân chủ phải được cổ vũ mở rộng hơn nữa để huy động trí não của toàn dân và đặc biệt của các tầng lớp nhân sĩ trí thức tham gia ý kiến xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới, nhưng thực tế lại đi theo chiều ngược hẳn.

Trong khi các nhà đương cuộc thừa nhận việc “nghiên cứu những trào lưu tư tưởng, học thuyết mới, lý thuyết mới chưa được nhiều”, từ đó đòi hỏi về mặt lý luận phải chấp nhận “đối thoại thẳng thắn với những người có quan điểm khác trên tinh thần khoa học, dân chủ, xây dựng, thuyết phục lẫn nhau” (trích Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030), thì một số ít tờ báo trong hệ thống báo chí quốc gia lại không thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đảng, bằng cách thường xuyên cho đăng những bài viết nhân danh “nghiên cứu-trao đổi” để trù dập bất kỳ tư tưởng, “ý kiến khác” nào vừa được ló ra, nhưng không phải trên tinh thần đối thoại xây dựng dân chủ mà chỉ chuyên theo một chiều bôi bác, vu cáo, chụp mũ chính trị... 

Cách phản biện (tức nghiên cứu-trao đổi) của họ là không cần dùng đến một hệ thống kiến thức hay lý thuyết gì cho chặt chẽ, lý lẽ đưa ra không cần mạch lạc, sự kiện dẫn chứng cũng không cần độ chính xác cao, mà chỉ cần dựa theo những kiến thức lý luận đã học được từ mấy mươi năm về trước, để áp đảo. Khi muốn tranh luận với ai, họ thường trích dẫn ngắt khúc từng đoạn bài viết của đối phương để xuyên tạc, hoặc tìm cách bắt bẻ vặt vãnh vào những câu chữ đôi khi sơ suất của tác giả, rồi dùng những lời lẽ, câu chữ rất khiếm nhã, thậm chí hỗn xược để công kích, bêu riếu, mạt sát, mỉa mai, vạch đời tư ra chửi, không từ bất kỳ ai, kể cả với những “đối thủ” có tuổi đời đáng bậc đàn anh hoặc thuộc hàng cha chú họ.

Mấy năm gần đây lại còn thấy có hiện tượng đôi ba tờ báo nào đó chẳng rõ do ngẫu nhiên trùng hợp hay cố ý đã có sự liên kết liên minh lẫn nhau với một quan điểm lập trường thống nhất, chuyên tập trung một số “chuyên gia phản biện” để công kích một số đối tượng thuộc loại có ý kiến khác mà tất tần tật đều bị họ gán cho cái tội nếu không phản động chống phá Nhà nước, xuyên tạc lịch sử thì cũng có ý xấu này khác. Do quen thói chửi rủa, quy chụp thô thiển kiểu “bỏ bóng đá người”, số ít tờ báo như vậy đã vô tình trở thành những con sâu làm rầu nồi canh, tự hạ thấp vai trò của báo chí và lương tâm chức nghiệp, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cả hệ thống quy hoạch báo chí quốc gia, và thường thì một số tác giả đúng đắn bị họ phản biện cũng ít khi phản biện trở lại, vì xét thấy không cần thiết hoặc chỉ mất công vô ích. Tuy nhiên, theo sự nhận xét của riêng tôi, những bài phản biện đăng trên số ít tờ báo loại nêu trên cũng có mặt lợi ích nhất định, nếu người được/ bị phản biện có tinh thần khách quan vô tư chịu nhận một số điều chỉ trích hợp lý mà đôi khi những bài phản biện kém chất lượng kiểu đó cũng giúp vạch ra cho thấy. 

Trong lịch sử mọi thời kỳ và bất cứ ở đâu, khi một đất nước nào đó bị đặt trong tình huống có nhiều thử thách và lựa chọn thì tình trạng phân hóa tư tưởng trong nhân dân, trong giới cầm quyền cũng như trong hàng ngũ trí thức với sự căng kéo đấu tranh quyết liệt giữa hai thế lực bảo thủ và tiến bộ là đương nhiên không thể tránh khỏi. Hai lực lượng này luôn luôn tranh luận lẫn nhau để giành phần thắng và lẽ tất nhiên, từ cổ chí kim, chẳng ai dám công khai thừa nhận mình thuộc nhóm bảo thủ hoặc cho sự bảo thủ là tốt, mặc dù đôi khi sự cấp tiến thái quá cũng có thể dẫn đến nhiều hậu quả tai hại. Tuy nhiên, dù thuộc nhóm bảo thủ hay cấp tiến, trên phương diện luật pháp, cả hai bên đều phải có quyền tranh luận bình đẳng như nhau, và đều phải tôn trọng một thứ đạo đức chung gọi là văn hóa tranh luận. Trong chiều hướng đó, kẻ bảo thủ vẫn có quyền bảo vệ lập trường bảo thủ của mình, chẳng ai cấm họ nếu họ chưa muốn sửa đổi, nhưng khi viết ra trên những diễn đàn công cộng để tranh biện với người khác, xã hội buộc họ phải giữ thái độ chừng mực đúng đắn, không được xổ ra những câu chữ lếu láo bất nhã gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến đầu óc thế hệ học sinh-sinh viên trẻ tuổi đang cần thụ hưởng một nền giáo dục lành mạnh. 

Mục đích của bài viết này chủ yếu muốn gợi ý, nói qua vấn đề văn hóa tranh luận trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, sử học, với hàm ý cho rằng thái độ khiêm cung hòa nhã, sự làm việc cẩn trọng, cách dẫn chứng-trình bày minh bạch, kết luận dè dặt… là những tính cách tốt đẹp cần thiết của tất cả những người tham gia tranh luận vì thiện chí học thuật chứ không bởi bất kỳ động cơ cá nhân ích kỷ nhỏ nhen nào khác. Ngược lại với tính cách nghiêm túc trên đây là thái độ phủ nhận, bài bác theo kiểu bươi móc, chửi bới, chụp mũ chính trị, thậm chí còn dùng cả ưu thế ngôn luận của mình để vùi dập không cho người khác được phát biểu những ý kiến trái chiều.

Tranh luận tự do trên các diễn đàn công khai là một hình thức trao đổi ý kiến và cũng là nề nếp sinh hoạt không thể thiếu được trong các xã hội dân chủ và văn minh, vì vậy đứng trước tình trạng văn hóa tranh luận đã và đang có không ít biểu hiện biến tướng, chệch choạc theo hướng độc quyền như ngày hôm nay và như đã mô tả, có hại cho tiền đồ dân tộc, thiết tưởng tuy thời đại có khác, chúng ta vẫn phải cấp bách gây dựng lại điều mà ngày trước cụ Phan Khôi từng gọi là “học phong sĩ tập” (phong thái học vấn và tập quán kẻ sĩ), trên cơ sở thực thi đúng theo tinh thần dân chủ của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948) cũng như của Hiến pháp Việt Nam (2013) về các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí. Có thể nói, nếu không có đủ các quyền căn bản này thì cũng không có quyền tranh luận và văn hóa tranh luận đúng nghĩa. 

22/5/2015 T V C 
Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển, Số 3 (120).2015


* Thành phố Hồ Chí Minh.






http://www.viet-studies.info/TranVanChanh_VanHoaTranhLuan.htm

Hoài Trần

About Hoài Trần -

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :