Hành trình nghiên cứu chữ Việt cổ
Sử sách Trung Quốc thời nhà Chu và các triều đại sau đó đã nói đến người Lạc Việt là cư dân của nước ta. Họ nói đến chữ Việt cổ: “Sự dùng lối thắt gút hoặc sự kiện người Việt đã cống cho vua Chu con rùa lớn, trên mu rùa có khắc chữ Khoa Đẩu (loại chữ viết hình con nòng nọc)”.
Giáo sư Lê Trọng Khánh nghiên cứu Trống Đồng dưới góc độ thông tin học.
Mặt Trống Đồng Đông Sơn loại I thuộc loại hình chữ viết đồ họa Pictogramme. Nó có vai trò lưu ký lịch sử với những tập hợp hoa văn phong phú, tập trung, khái quát. Mặt Trống Đồng thường có vòng hoa văn chữ S nổi tiếng. Chữ S có trong hệ chữ cái của chữ viết Đông Sơn. Đó là sự thể hiện của người Việt cổ về hình thái vận động của khí xoắn vũ trụ, âm, dương, phải, trái, thuận nghịch đã chỉ ra hai loại hình thức trường khí xoắn ốc vũ trụ hình chữ S. Giáo sư Lê Trọng Khánh giải mã nguồn gốc chữ Khoa đẩu Đông Sơn của người Việt cổ phát sáng từ các bản khắc đá Sapa Lào Cai.
Năm 1925. Victor Goloubew, thạc sĩ khoa học người Pháp gốc Nga làm việc tại Viễn Đông Bác Cổ- Hà Nội cùng các cộng sự đã tiến hành điền dã nghiên cứu khảo sát tại thung lũng suối Mường Hoa, phía Đông Nam cách thị trấn Sapa chừng 6000m. Goloubew phát hiện ba mươi tảng đá có chạm khắc nằm rải rác thung lũng. Ông công bố luận văn về một phong cách chạm đá ở Sapa, phong phú không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới.
Năm 1933. Nhà Đông phương học Paul Lesvy đã trình bày lại những chạm khắc đá ở Sapa theo Goloubew nhưng nghiên cứu liên hệ hiện thực lịch sử. Hình khắc biểu hiện những con đường, ngôi nhà, thửa ruộng, thủy lợi, kho thóc, những hình người, hình bánh xe, cối xay giã… Paul Lesvy cho rằng đó là lễ hội của dân cư cổ xưa sau những dịp mừng chiến thắng, hay thu hoạch mùa màng, săn bắn.
Năm 1958. Nhóm của GS Lê Trọng Khánh nghiên cứu bản khắc đá Sapa liên tục đến nay. Lào Cai nằm trên trục giao lưu quốc tế Giao Chỉ về phía Tây và Tây Bắc. Là địa bàn quan trọng chiến lược từ xưa đến nay. Là con đường quân Hán sang xâm lược nước ta. Đến nay phát hiện ra 190 tảng đá khắc hình tại Sapa. Những hình khắc trên đá Sapa có quá trình lịch sử lâu dài, từ đồ đá mới đến đồ đồng phát triển. Bao gồm những ký hiệu tiền văn tự đồ họa và cả hệ thống văn tự đồ họa đã hoàn chỉnh, có xu hướng chuyển sang một loại hình chữ viết cao hơn.
Các hình vẽ không dùng cho trang trí, mà thuộc lĩnh vực trí tuệ ngôn ngữ.
Quần thể hình khắc ấy là một bộ sách khổng lồ, được khắc bằng văn tự đồ họa.
GS Lê Trọng Khánh giải mã hai bản khắc trên hai khối đá tiếp cận nhau tiêu biểu nhất ở Sapa.
Bản A1. Đất nước đang đứng trước nạn ngoại xâm từ phương Bắc:
Bản chữ viết đồ họa này lưu lại cho các thế hệ mai sau biết rằng dân cư vùng lúa nước, sống có nề nếp, nhà thủ lĩnh nằm giữa khu dân cư, kho tàng gần cánh đồng. Cộng đồng sinh sống có tổ chức, kiến trúc chặt chẽ, phòng ngự chiến đấu, tư thế tiến công giặc phương Bắc. Ý thức chống ngoại xâm luôn hằn sâu trong từng người dân và truyền mãi mai sau trên ngôn ngữ khắc đá. Họ tiến hành chống giặc với trình độ kiến thức cao. Phía Nam dãy đồi núi, dưới triền ruộng bậc thang, thiết lập Tổng chỉ huy lực lượng kháng chiến. Người chỉ huy tối cao, thái độ bình tĩnh, đầu tỏa hào quang, luôn suy nghĩ những phương án đánh địch tốt nhất, dưới chân có trống đồng phát lệnh chiến đấu.
Tiếc thay! Bản khắc đá này cùng với hai mươi tảng đá khắc đã bị đập phá khi làm đường!
Bản A2. Cuộc chiến đấu đã diễn ra và thắng lợi cuối cùng:
Địch tiến sâu vào thế trận đã bày sẵn. Địch không quen thung thổ, hết thái độ hung hãn. Ta bất ngờ đánh tơi bời. Quân giặc toán loạn tháo chạy về hướng Bắc. Cuộc chiến đấu gian khổ chống quân xâm lược phương Bắc đã thắng lợi. Mặt Trời chiếu rạng nơi nơi. Dân yên vui trở lại nương rẫy, ruộng đồng nhưng luôn chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Những bản khắc đá Sapa có thể thuộc niên đại văn hóa Gò Mun khoảng đầu thiên niên kỷ I TCN. Gò Mun là tiền Đông Sơn, giai đoạn cực thịnh, người Việt đã đánh bại giặc Ân phương Bắc với Thánh Gióng (giặc Ân là tên gọi chung những kẻ xâm lược trước Tần- Hán).
Chữ viết đồ họa Sapa mang tính chất sơ đồ hóa rất cao. Chữ viết hình vẽ Sapa hình người đồng nhất với hình khắc chữ trên lưỡi rìu chiến, lưỡi cày Đông Sơn, là cứ liệu quan trọng để xác lập mối quan hệ nguồn gốc chữ viết đồ hoạ Sapa và chữ viết Đông Sơn.
Một văn bản chữ viết cổ thuộc lại hình Khoa đẩu duy nhất ở bãi đá Sapa.
GS Lê Trọng Khánh viết: “Chúng tôi thấy duy nhất có một tảng đá ở Tả Van có khắc chữ. Hệ thống chữ này cũng đồng nhất với hệ thống chữ cái trên đồ đồng Đông Sơn và đặc biệt giống chữ khắc trên chiếc rìu Bắc Ninh.
Đây là một văn bản lớn được khắc trên bãi đá Sapa từ khi lập nước, cách ngày nay khoảng 2.700 năm. Đây là cứ liệu có tính chất quyết định, khẳng định sự phát triển của chữ Việt cổ. Nội dung bản khắc đó như sau:
Ông cha ta đã đổ bao sức lực dựng nên đất nước vững chắc này. Có lời truyền lại cho con cháu muôn đời sau phải luôn luôn hết lòng giữ lấy núi sông của mình”.
Một tập hợp gồm gần hai trăm bản khắc đá (trong đó hai mươi bản đã bị phá hủy làm đường) xứng đáng là di sản văn hóa của loài người. Có thể xem đó là bộ sách khắc trên đá khổng lồ, chứa đựng nhiều thông tin, nhiều nội dung về những hoạt động tinh thần, vật chất, tâm linh, và trí tuệ, bản lĩnh của người Việt cổ. Hệ thống chữ viết khắc đá Sapa với thời gian dài phát triển từ thấp đến cao, từ hình đồ họa đến chữ viết ghi âm Đông Sơn là loại hình chữ viết Khoa đẩu do người Việt cổ sáng tạo.
Khẳng định chữ viết của người Việt cổ
Chữ viết Khoa đẩu Đông Sơn đóng góp quyết định vào nền văn minh Việt cổ, là yếu tố cơ bản để cố định ngôn ngữ Việt cổ. Chữ viết Khoa đẩu Đông Sơn là cơ sở ra đời chữ Thái cổ ở nước ta. Chữ Thái và cả chữ viết trên sách người Mường hiện nay ở Việt Nam là bảo lưu chữ viết Khoa đẩu Đông Sơn.
Qua những bài nghiên cứu của mình về chữ Việt cổ, giáo sư Hà Văn Tấn khẳng định: “Giờ đây chữ viết thời Hùng Vương không còn là giấc mơ nữa. Chúng ta có thể sờ vào được những chữ trên các di vật cổ niên đại Đông Sơn”.
GS Hà Văn Tấn nhận xét công trình nghiên cứu chữ Việt cổ của GS Lê Trọng Khánh:
“Nhà nghiên cứu sử học Lê Trọng Khánh đã bước đầu định hình được hệ thống quá trình từ thấp đến cao, tạo thành bộ chữ viết cái Việt cổ trên đất nước ta. Những tìm tòi quan trọng này làm sáng tỏ nguồn gốc người Việt cổ, xác định những từ trong ngôn ngữ Việt cổ được chữ viết ghi lại cùng hệ thống những với lớp địa danh ngôn ngữ cổ trước khi Hán xâm lược Việt Nam”.
Theo học giả Đỗ Quang Hòa “Người Việt cổ có chữ viết và phát minh ra giấy viết đầu tiên cho nhân loại”.
Từ những hiện vật khảo cổ, các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế khẳng định “Việt Nam đã có chữ viết riêng và rất sớm”.
Những tài liệu xưa nhất của Trung Quốc ghi nhận chữ viết của người Việt cổ. Sách Thông Chícủa Trịnh Tiều (TQ) ghi rõ: “Đời Đào Đường (vua Nghiêu- năm 2253 TCN) phương Nam có bộ Việt Thường cử sứ bộ qua hai lần phiên dịch sang chầu, dâng con rùa thần có lẽ vì đã sống qua nghìn năm, mình dài hơn ba thước, trên lưng có khắc văn Khoa đẩu ghi việc trời đất mở mang, vua Nghiêu sai chép lại và gọi là Quy Lịch”.
Chữ Khoa đẩu được Khổng An Quốc cháu mười hai đời của Khổng Tử ghi trong bài tựa cuốn Thượng Thư (Kinh Thư):
“Thời Lỗ Cung Vương, thích sửa sang cung thất, Vương cho phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng thêm. Trong tường nhà tìm được Thư phần Ngu, Hạ, Thương, Chu cùng Tả truyện, Luận Ngữ, Hiếu Kinh đều viết bằng chữ Khoa đẩu cổ văn, do ông cha chúng tôi cất giấu”.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi về Trống Đồng Đan Nê (Yên Định- Thanh Hóa) “Trên mặt có chín vành hoa văn. Bốn bên tang trống có dây dọc và chữ Vạn, văn như chữ Khoa đẩu, lâu ngày mòn mất không đọc được, tương truyền Hùng Vương đúc trống này”.
Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến công trình nghiên cứu chữ Việt cổ của nhà giáo Đỗ Văn Xuyền, Chủ tịch Hội Văn học Việt Trì. Trong một lần điền dã, thầy Xuyền đã phát hiện tại thôn Hương Lan xã Trưng Vương- Việt Trì- Phú Thọ có một ngôi miếu cổ gọi là Thiên cổ miếu. Miếu tồn tại hàng ngàn năm thờ hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thế Lang và hai người học trò con vua Hùng thứ 18.
Đỗ Văn Xuyền sưu tầm tìm hiểu nền giáo dục Hùng Vương phát hiện ra mười tám thầy giáo và nhiều học trò danh tiếng được ghi trong các bản sách thư viện Hán Nôm, ngọc phả đình, miếu, truyện dân gian ở hầu hết các tỉnh lưu vực sông Đà, sông Lô, sông Mã, sông Hồng.
Nhà giáo Đỗ Văn Xuyền nghiên cứu chữ Việt cổ gần năm chục năm, sưu tầm được khối tư liệu lớn về chữ Việt cổ. Bộ chữ Khoa đẩu đã được Đỗ Văn Xuyền giải mã.
Trước hết thầy Xuyền đi tìm dấu tích của chữ Việt cổ. Nghiên cứu những dấu tích ký tự được phát hiện rải rác từ Hà Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh… Tập trung lên hướng Tây Bắc vùng dân cư ổn định nhất của người Lạc Việt suốt nhiều nghìn năm, thầy Xuyền phát hiện nhân dân ta còn lưu giữ được nhiều văn bản mang loại ký tự mà mọi người vẫn còn nhầm là chữ Thái. Thầy Xuyền đã dần dần giải mã được bộ ký tự này và kết luận: “Bộ chữ này không phải của hai dân tộc Mường Thái. Do nhiều lý do, các dân tộc anh em đã dùng chung bộ ký tự Việt cổ, có chỉnh sửa chút ít”.
Đây là bộ chữ ghi phát âm của tiếng nói. Không phải chữ tượng hình. Bộ chữ này có cấu tạo gần với hệ chữ Latinh của phương Tây.
Nhóm của thầy Xuyền đang nghiên cứu nhằm chứng minh giả thuyết rằng những nhà truyền giáo người Bồ đã tiếp thu bộ chữ cổ của người Việt, và có công Latinh hóa nó để ra được chữ Quốc ngữ. Nhiều cuốn sách chữ Quốc ngữ năm 1651, đến nay hầu như không ai đọc được. Khi xem bộ chữ Việt cổ đã được giải mã, thầy Xuyền rất thú vị khi dễ dàng đọc được những từ khó trong cuốn “Từ diển Việt Bồ La” hay cuốn “Sách cổ sang”.
Kết quả bước đầu, thầy Xuyền đã tìm ra nguyên vẹn cấu trúc của chữ Việt cổ đã khoác vỏ Latinh trong các tác phẩm đầu tiên của chữ Quốc ngữ như: “Hồi ký của Cristophoro Bri” (1631), “Sách giảng tám ngày” của A. De Rhodes (1651), “Từ điển Việt- Bồ- La” của A. De Rhodes…
Đặc biệt trong “Sách sổ sang” của linh mục Filip Bỉnh viết năm 1790- 1820. Theo bản thảo viết tay, ngoài những chữ Quốc ngữ có cấu trúc chữ Việt cổ khoác vỏ Latinh, còn rất nhiều chữ Việt cổ nguyên dạng, thể hiện trong sáu trăm trang sách.
Thầy Xuyền kết luận:
“Chữ Quốc ngữ không phải là công trình hoàn toàn mới của Alexandre de Rhodes mà là công trình tập thể của nhiều nhà truyền giáo phương Tây và nhiều người Việt Nam. Họ có công Latinh hóa bộ chữ Việt cổ thành chữ Quốc ngữ”.
Chúng ta đều biết chữ Quốc ngữ là sự ghi âm tiếng Việt, được Latinh hóa. Bộ chữ Việt cổ ghi phát âm của tiếng nói người Việt cổ.
Điều này đã được khẳng định từ ghi chép của A. De Rhodes: “Đối với tôi người dạy tài tình nhất là một thiếu niên bản xứ. Trong vòng ba tuần nó đã hướng dẫn cho tôi tất cả các thanh của ngôn ngữ ấy và cách đọc các từ”.
Những nghiên cứu về chữ Việt cổ của các nhà nghiên cứu Việt Nam như: Lê Trọng Khánh, Hà Văn Tấn… và kết quả nghiên cứu công phu của cả đời mình của thầy Đỗ Văn Xuyền đã minh chứng những nhận định của nhiều nhà khoa học trên thế giới khẳng định chữ Việt cổ.
Nhà khoa học Tiệp Khắc Cesmir Loukotca trong sách Lịch sử chữ viết thế giới (xuất bản trước 1945) viết:
“Phía Nam đế quốc Trung Hoa có nhà nước An Nam, ngay từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên đã bị người Hán thống trị. Viên thái thú Sĩ Nhiếp đã du nhập chữ Hán vào. Trước đó, người An Nam đã đọc bằng chữ ghi âm riêng. Chữ đó không còn tồn tại đến ngày nay.”
Cuối thế ký XIX năm 1887 Terien de Couperie đã viết trong tạp chí Hoàng gia Anh: “Sĩ Nhiếp đã bắt người Việt học thứ chữ Hán tượng hình và cấm dùng chữ tượng thanh của dân tộc mình”.
Giáo sư Lê Trọng Khánh một đời đi tìm chữ Việt cổ đã tâm huyết gửi bạn đọc:
“Tìm ra chữ viết của người Việt cổ để thêm một lần nữa chúng ta chứng minh sự tồn tại nền văn hóa cư dân bản địa của người Việt cổ. Khác hẳn với nền văn hóa “Hoa Hạ”. Chống lại âm mưu hủy diệt và bành trướng văn hóa của Trung Hoa. Đối với nền văn hóa cổ đại Việt Nam, kể cả Trống Đồng, Thạp Đồng, và các dụng cụ kim khí họ đều khẳng định là do văn hóa “Hoa Hạ”truyền vào.
Người Hoa Hạ xưa kia chỉ lưu lạc ở lưu vực Bắc sông Hoàng Hà. Còn miền Trung và Nam của Trung Quốc hiện nay (Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây…) xưa kia là của các nhóm cư dân thuộc Bách Việt, sau bị các đế quốc Tần- Hán thôn tính và đồng hóa.
Văn hóa cổ đại Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhất là trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Văn hóa Đông Sơn không những người Việt cổ sáng tạo ra các công cụ bằng đồng thau và sắt, mà còn sáng tạo ra chữ Việt cổ với nhà nước Văn Lang rực rỡ”.
Viết bài này lòng tôi rưng rưng nỗi nhớ xót cha ông Việt tộc đã gửi máu xương mình vào từng nét chữ, chỉ dẫn con đường sống trường tồn của giống nòi.
Nửa đêm tỉnh dậy nghe bến trăng vẳng lại lời ru: