(GDVN) - Ở đó, khi mọi chuẩn mực đạo đức bị gạt sang một bên, thì một kẻ đọc, viết chưa sõi cũng có thể dõng dạc chẩn bệnh, kê đơn.
LTS: Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều chiêu lừa mua bán thực phẩm chức năng không có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém, gây hoang mang cho người dân.
Trước thực trạng này, phóng viên Báo Lao động đã vào cuộc điều tra và chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn của những kẻ lừa gạt. Được sự đồng ý của Báo Lao động, Báo Giáo dục Việt Nam dẫn lại các bài viết với mong muốn có thêm nhiều độc giả biết được các thủ đoạn của một số nhóm bán thực phẩm chức năng kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Tàn nhẫn và xảo trá, đó chính xác là những gì nhóm phóng viên Báo Lao Động muốn lột tả qua loạt phóng sự này, sau khi dày công tìm đến mảng hỗn độn nhất của thị trường thực phẩm chức năng (thực phẩm chức năng) - kênh giao dịch online.
Ở đó, khi mọi chuẩn mực đạo đức bị gạt sang một bên, thì một kẻ đọc, viết chưa sõi cũng có thể dõng dạc chẩn bệnh, kê đơn.
Một kẻ nửa chữ về chuyên ngành y, dược không biết nhưng cũng có thể nổi lên như một bậc thầy tư vấn sức khỏe…
Tất cả quay cuồng, sấp ngửa chỉ vì hai chữ lợi nhuận.
Bên trong "lò" đào tạo "bác sĩ online" và những mẫu quảng cáo trí trá xuất hiện nhan nhản trên mạng.
Thu giữ số lượng lớn thực phẩm chức năng ở Hà NộiDoanh nghiệp lợi dụng giải thưởng, vinh danh để trục lợi?Cà phê bẩn, thuốc ung thư than tre: Người Việt cứ tự giết nhau!
Đụng đâu cũng thấy… “thần dược”
Nếu bạn vô tình đọc được ở đâu đó và bị hấp dẫn bởi những dòng lấp lánh như:
“Chỉ cần để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn tận tình về căn bệnh A”; “Thuốc gia truyền B số 1 Việt Nam”;
“Bí kíp C độc nhất vô nhị”; “Nhà tôi 3 đời chữa bệnh D” hay thuyết phục hơn là “Không khỏi bệnh không lấy tiền”… thì rất có thể, bạn sẽ là nạn nhân tiếp theo trong hàng ngàn, hàng vạn người đã cả tin rồi bỏ tiền chuốc lấy sự dối lừa.
Một mẫu quảng cáo thực phẩm chức năng “nổ tung trời” với những mỹ từ như “đặc trị 100%” hay “khỏi hoàn toàn sau 1 liệu trình“.
Nhóm phóng viên Báo Lao Động đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát và nhận thấy, nhiều người tiêu dùng phổ thông tại Việt Nam không phân biệt được (và cũng không quá quan tâm) đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng, nếu người bán không chủ động thông tin.
Với họ, cái gì uống/đắp/dán vào cơ thể giúp điều trị, đều mặc định là “thuốc”.
Không những vậy, một bộ phận không nhỏ có xu hướng tin tưởng mù quáng vào quảng cáo hoặc những chia sẻ theo kiểu “tôi đã thử và thành công”.
Khoảng tháng 5/2018, khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bé trai 11 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốt cao.
Kết quả cuối cùng cho thấy, nguyên nhân là do trẻ bị tiêu chảy, mất nước nghiêm trọng, nhưng bù nước và điện giải tại nhà không đủ.
Theo chia sẻ, khi thấy bé bị đi ngoài nhiều lần, nghĩ bé bị tiêu chảy, mẹ bé đã ra quầy thuốc mua thực phẩm chức năng về bù nước cho con.
Đáng chú ý, đây là trường hợp thứ 3 ở trong độ tuổi từ 6 tháng đến 1,5 tuổi nhập viện gần đây do mất nước rất nặng.
Trong số đó, 1 trường hợp đã tử vong và cả 3 trẻ này đều uống thực phẩm chức năng giống oresol…
Cũng sau thời gian dài tìm hiểu, nhóm phóng viên Báo Lao Động có cơ sở để nhận thấy, hầu hết các loại thực phẩm chức năng đang “oanh tạc” trên thị trường mạng đều đến từ những cơ sở ít tên tuổi.
Để tiếp cận khách hàng, họ chọn phương án bỏ tiền chạy quảng cáo trên facebook, đồng thời lập thêm những website bắt mắt để “yểm trợ”.
Do chế tài về quảng cáo trên mạng xã hội còn thiếu và yếu nên các doanh nghiệp dạng này mặc sức “tô hươu, vẽ vượn”, thậm chí bịa đặt trắng trợn về sản phẩm cốt thu hút sự quan tâm, qua đó lấy được số điện thoại và thông tin bệnh lý của khách hàng.
Chúng tôi xin điểm ra đây một số căn bệnh có tỉ lệ quảng cáo trên facebook và tương tác luôn ở mức cao: Viêm họng hạt - amidan, xương khớp, viêm gan, gout, xuất tinh sớm, xoang, hôi miệng, viêm da, giảm cân, rụng tóc…
Do chế tài xử phạt còn yếu, những quảng cáo thế này xuất hiện ngày một nhiều trên mạng xã hội.
Đáng chú ý, phần đa các mẫu quảng cáo đều có đặc điểm chung tự nhận là “gia truyền” (hoặc “đông y gia truyền”, hoặc “thần dược” - dù bản chất chỉ là thực phẩm chức năng) đồng thời khẳng định: Chữa dứt điểm sau 2, 3 liệu trình; không khỏi không lấy tiền…
Từ các dữ liệu bệnh nhân để lại, đội ngũ tiếp thị qua điện thoại (còn gọi là telesales) tha hồ khoa môi múa mép, tự gán cho mình đủ các chức cao vọng trọng hòng chiếm được tối đa sự tin tưởng.
Khi “bẫy đã sập”, việc còn lại của các “bác sĩ online” là bán được càng nhiều hàng càng tốt…
Cuộc phỏng vấn chớp nhoáng
Trên chợ thực phẩm chức năng online đầy hỗn loạn, nhóm phóng viên Báo Lao Động “đặc biệt bị thu hút” bởi 1 tên tuổi khá đình đám: Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược (trang chủ: dndgroup.vn, dưới đây gọi tắt là Công ty Đông Nam Dược).
Không chỉ “mát tay” phân phối hàng chục mã thực phẩm chức năng, sở hữu hàng chục chi nhánh và cả ngàn nhân viên, Công ty Đông Nam Dược còn nằm ở tâm 1 mạng lưới chằng chịt gồm đủ các loại phòng khám, công ty dược và cơ sở sản xuất, mà soi vào chỗ nào cũng thấy có vấn đề.
Bản đồ phân tách mối quan hệ chằng chịt của Công ty Đông Nam Dược với các thành viên khác trong hệ thống.
Sau khi cố gắng phân tách mối quan hệ chằng chịt của Công ty Đông Nam Dược với các công ty dược phẩm có cùng dấu hiệu bất thường khác như An nhiên, Amua, Kiwi, Vic, Cic, Doctor A… hoặc hệ thống phòng các phòng khám, cơ sở sản suất như Thiệu Khang Dường, Phúc Minh Đường, Đông y Dung Hà… chúng tôi quyết định chọn ra 1 nữ phóng viên dày dặn kinh nghiệm, “rải” đơn xin việc vào tất cả các công ty kể trên.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy, dù khác tên, nhưng tất cả các cơ sở đều cùng 1 hệ thống, chung cách hoạt động, chung mánh lới, chung chủ sở hữu.
Mặc dù Công ty Đông Nam Dược đăng tuyển ồ ạt, điều kiện đầu vào vô cùng dễ dãi, nhưng không hiểu vì lý do gì mà ở 2 lần phỏng vấn đầu tiên, ứng viên của chúng tôi đều bị đánh trượt.
Đến lần thứ 3, khi nộp hồ sơ vào chính Công ty Đông Nam Dược, chúng tôi quyết định đổi người nhập vai - là 1 nữ phóng viên còn rất trẻ, dùng 1 số điện thoại mới, lập thêm 1 tài khoản facebook mới và không kết bạn với bất kỳ ai làm báo, thì mọi thứ mới thuận lợi hơn.
Sau khoảng 3 ngày gửi hồ sơ qua 1 địa chỉ mail theo yêu cầu, nhóm phóng viên nhận được lịch hẹn từ bộ phận tuyển dụng, mời đến phỏng vấn tại tầng 23 - Tháp A, tòa nhà Sông Đà (đường Phạm Hùng, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Lúc đó là 9h sáng. Có khoảng 50 người, ngồi sau những dãy bàn vuông vắn, chủ yếu còn trẻ, đang tập trung cao độ vào công việc.
Kẻ đứng, người ngồi, tiếng gõ phím, tiếng bấm điện thoại, hòa lẫn tiếng tư vấn oang oang tạo nên một không gian huyên náo không khác gì phiên chợ sớm.
Bên ngoài Công ty Đông Nam Dược tại tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng.
Một thanh niên trẻ măng, xưng là Nguyễn Kim Cương phỏng vấn tôi.
Sau 1 năm làm nhân viên, Cương giờ đây đĩnh đạc trong vai 1 trưởng phòng kinh doanh đầy quyền uy, dù chỉ vừa tốt nghiệp 1 trường đại học dân lập.
Lướt qua lý lịch trắng trơn của tôi: Không bằng cấp, không kinh nghiệm, chỉ vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông và vật vờ ở Hà Nội 2 năm bán quần áo, Cương cười xòa nói rằng, điều đó không quan trọng.
Anh ta sẽ đào tào tôi thành “bác sĩ” giỏi, có nhiều cơ hội để thăng tiến.
Nhập môn
14h chiều, tôi bắt đầu buổi học đầu tiên để trở thành “bác sĩ”.
Những tưởng giáo trình đào tạo sẽ công phu thế nào, nhưng bất ngờ lớn, tất cả những gì tôi nhận được chỉ là 2 bản tài liệu ngắn, gồm kịch bản tư vấn và thông tin về một số bệnh xương khớp thường gặp.
“Công ty đang chú trọng phân phối một số sản phẩm trị xương khớp. Em sẽ được đào tạo thành chuyên gia trong lĩnh vực này” - Cương nói và yêu cầu tôi học thuộc.
Tài liệu đào tạo được phát và yêu cầu học thuộc.
Tôi chúi mắt vào từng trang giấy, thấy rõ ràng đó chỉ là một mớ kiến thức hỗn độn cóp nhặt ở trên mạng theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Trong khi đó, kịch bản tư vấn cũng chẳng khá khẩm hơn: Mở đầu là hỏi bệnh nhân muốn chữa bệnh dạ dày phải không, nhưng ngay câu sau lại nói về bệnh xương khớp…
Tôi mất nguyên buổi chiều hôm đó để nằm lòng những nội dung được yêu cầu.
Thêm 1 ngày nữa để quan sát rồi bắt chước phong thái tư vấn sao cho giống bác sĩ nhất.
Được biết, hầu hết các nhân viên ở đây đều không được đào tạo chính quy về y dược.
Người thì tốt nghiệp cao đẳng kế toán, tài chính ngân hàng, trung cấp nấu ăn, hoặc thậm chí có cả sinh viên làm thêm…
Vậy nhưng, nếu tập trung tai lắng nghe, có thể thấy ở góc kia 1 “bác sĩ chuyên khoa cấp II” đang ân cần vấn bệnh; một góc khác lại thấy “dược sĩ ưu tú” đang kê đơn, rồi những “trưởng khoa”, “phó khoa” nhan nhản.
Một góc “lò” đào tạo của Công ty Đông Nam Dược.
Tôi được 1 nhân viên kỳ cựu tên Vân Anh (sinh năm1987, Hải Dương) chia sẻ:
“Mình không cần phải học thuộc hết đâu, bởi trong quá trình tư vấn, mình không giải thích sâu về bệnh.
Giải thích nhiều họ nghĩ mình nhiều chữ, vặn vẹo không thể giải đáp được.
Mấu chốt là bán “thuốc” chứ không phải giải thích lan man về bệnh. Mình cứ nhắm mắt tự nhận là bác sĩ với dược sĩ là ngon ơ.
Tâm lý bệnh nhân ai chả muốn được người có trình độ thăm khám. Sau một thời gian quen dần, chẳng có gì khó cả”...
(Còn tiếp)
Ma hồn trận địa chỉ, thông tin
Theo đăng ký kinh doanh, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược đặt tại ngõ 71 đường Hoàng Văn Thái (Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội), do bà Nguyễn Thị Tường An là đại diện pháp luật.
Vậy nhưng, trong nhiều tài liệu công khai, có lúc Công ty này nằm tại tầng 23 tòa nhà Sông Đà - đường Phạm Hùng (Quận Nam Từ Liêm); có lúc tại số 150 phố Trần Vỹ (Quận Cầu Giấy) hay cũng có khi tại số 234 Phạm Văn Đồng (Quận Bắc Từ Liêm) hoặc số 9 Liên Cơ (Quận Nam Từ Liêm)…
Hiện, Công ty Đông Nam Dược trùng lặp tên chủ sở hữu, địa chỉ và số điện thoại với hàng loạt các công ty khác như An nhiên, Amua, Kiwi, Vic, Cic, Doctor A...
Theo Báo Lao động