Nếu lượng mangan trong lõi pin khô hấp thu vào cơ thể cao có thể gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng hệ thần kinh, vận động.
ThS Hoàng Trọng Phú, giảng viên Khoa hóa Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng hiện người ta sử dụng nhiều cách để cà phê ra màu đen như bắp rang cháy, caramen. Việc dùng lõi pin nhuộm cà phê rất hiếm gặp, có thể vì lợi nhuận.
Theo ThS Phú, trong quá trình tạo ra một viên pin khô như loại pin Con ó, nhà sản xuất phải sử dụng hợp chất mangan dioxit (MngO2), màu nâu đen bao quanh lõi than chì vốn có tính dẫn điện để làm chất điện ly giải phóng nguồn điện cho lõi pin.
Việc nấu lõi pin ít nhiều sẽ làm cho lượng mangan dioxit đi vào cơ thể người sử dụng, tác động xấu đến hệ thần kinh. Để kiểm nghiệm hàm lượng mangan dioxit gây độc hại ở mức độ nào đối với sức khỏe người sử dụng thì cần phải kiểm nghiệm mẫu cà phê.
Theo quy định của các nước trên thế giới, nhà máy sản xuất pin phải có trách nhiệm thu hồi và xử lý pin do chứa một số kim loại nặng như Mangan, có thể theo nguồn nước phát tác vào tự nhiên gây ô nhiễm môi trường, theo nguồn nước đi vào cơ thể con người. Còn ở Việt Nam, pin được thải vô tội vạ.
Còn PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội), cho biết thực tế có nhiều cách nhuộm màu cho cà phê an toàn như sử dụng caramen đã được cho phép. Ông cho hay, pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào. Việc nhuộm cà phê bằng lõi pin chỉ là cá biệt nhưng gây hoang mang và ảnh hưởng niềm tin rất lớn cho người tiêu dùng. Chủ cơ sở sử dụng pin để chế biến thực phẩm cần bị mức phạt thích đáng và thông tin rộng rãi.
Tác hại đến hệ thần kinh
Bộ Y tế đã có nhiều khuyến cáo về tác hại của mangan đối với sức khỏe con người và người thường xuyên tiếp xúc với mangan.
Theo Bộ Y tế, mangan là một trong những nguyên tố vi lượng cơ bản của sự sống, giữ nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể như: tác động đến sự hô hấp tế bào, sự phát triển xương, chuyển hóa gluxit và hoạt động của não... Mặc dù không gây ra các tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, nhưng nếu tiếp xúc, ăn uống, sử dụng nguồn nước có nhiễm mangan trong thời gian dài cũng để lại những hậu quả xấu, đặc biệt là đối với hệ thần kinh.
Mangan có mặt trong nước ở dạng ion hòa tan (Mn2+). Nếu ở hàm lượng nhỏ dưới 0,1mg/lít thì mangan có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu hàm lượng mangan cao từ 1-5mg/lít sẽ gây ra không ít ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể.
Mangan không có khả năng gây đột biến cũng như hình thành các bệnh nguy hiểm như ung thư , cũng không ảnh hưởng đến sinh sản…nhưng nó có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh, gây ra các độc tố hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng gần như tương tự bệnh Parkinson. Nếu lượng mangan hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch. Khi hít phải mangan với lượng lớn có thể gây hội chứng nhiễm độc ở động vật, gây tổn thương thần kinh.
Mangan đặc biệt có hại cho trẻ bởi cơ thể trẻ em dễ dàng hấp thụ được rất nhiều mangan trong khi tiết thải ra ngoài thì rất ít. Điều đó dẫn đến sự tích tụ mangan trong cơ thể trẻ, gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ đang mang thai và trẻ em tuyệt đối tránh tiếp xúc và sử dụng nguồn nước nhiễm mangan.
Sử dụng nguồn nước bị nhiễm mangan trong thời gian dài, nhiễm độc mangan từ nước uống làm giảm khả năng ngôn ngữ, giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động liên quan đến tay và chuyển động của mắt, nếu nhiễm độc mangan lâu ngày có thể dẫn đến triệu chứng thần kinh không bình thường như dáng đi và ngôn ngữ bất thường.
Thực tế mangan tồn tại trong tự nhiên rất nhiều và có thể nói, dạng tồn tại trong nước của chúng là ít gây hậu quả nhất.
Ngoài ra, người thường xuyên tiếp xúc với mangan dễ gặp các triệu chứng về thần kinh, ban đầu thường là nhức đầu, suy nhược, ngủ kém, rối loạn thăng bằng, dáng đi vụng về, ngượng ngập. Ở giai đoạn bệnh phát triển sẽ có những triệu chứng giống hội chứng Parkinson, run tay nhẹ còn làm được việc, nhưng sau đó run nặng, bệnh nặng thêm, không lao động và tự phục vụ được.
Nhiễm độc mangan có thể gặp ở nhiều thể. Thể phổ biến nhất là thể thần kinh. Ngoài ra, còn gặp các rối loạn nội tiết, huyết học, tiêu hoá, các tổn thương gan, thận, phổi, mũi họng.
Lần theo những “đầu nậu” cung cấp hàng sỉ cho các lò sản xuất cà phê bẩn, chúng tôi phát hiện nguồn của loại hóa chất dùng trong pha chế cà phê chủ yếu là từ Trung Quốc, tập kết tại “chợ hóa chất” Kim Biên, TPHCM.
Ông Nguyễn T.C (Biên Hòa, Đồng Nai) khẳng định rằng toàn bộ hoá chất chế cà phê bẩn đều có nguồn gốc Trung Quốc. Bằng nhiều con đường khác nhau, những loại hóa chất này được tập trung về chợ Kim Biên (phường 13, quận 5, TPHCM). Đa phần những người chế biến cà phê “không lương tâm” đều đến chợ này để mua hóa chất, hương liệu. Nếu mua với số lượng lớn, thường xuyên, chủ lò cà phê sẽ được các “đầu nậu” giao hàng tận nơi.
Tinh ca cao cho vào bột cà phê để tạo mùi
Từ Đồng Nai, chúng tôi ngược về TPHCM để đến với nơi bán loại hóa chất mà những chủ lò thường rỉ tai nhau là “nếu không có những thứ chất đó thì không bao giờ bột bắp, bột đậu nành có thể “biến” thành cà phê được”. Từ đầu cổng chợ, các ki-ốt chuyên bán hóa chất, hương liệu đủ loại mọc san sát nhau.
Vừa bước vào cổng chợ, chưa cần hỏi, chúng tôi đã được những người bán hàng chào mời, quảng cáo với mức độ đeo bám quyết liệt. Đa phần người vào đây là đi mua hóa chất, phụ gia, hương liệu… với nhiều mục đích khác nhau nhưng chắc chắn chủ yếu để phục vụ cho việc kinh doanh không chân chính.
Các cửa hàng, ki-ốt bày bán la liệt những loại hóa chất, hương liệu với đủ loại nhãn mác, thương hiệu. Thấy chúng tôi đứng tần ngần trước cửa ki-ốt Đức T., bà chủ hàng chạy ra đon đả chào mời. Chúng tôi ngắm nghía một hồi lâu để tìm tên các loại hóa chất giữa “mê hồn trận” hóa chất của ki ốt. Bà chủ tỏ vẻ không hài lòng, quát: “Làm gì mà nhìn dữ vậy. Có phải công an, quản lý thị trường thì nói tiếng nghen. Đừng có hù à…”. Khi nghe chúng tôi giới thiệu là 2 khách “dưới tỉnh” lên Sài Gòn mua hóa chất về mở lò sản xuất cà phê, bà chủ dịu giọng, bắt đầu tư vấn cách chế biến cà phê bằng bột bắp, đậu nành… mà bà học được từ những khách hàng hay mua phụ gia tại đây.
Bà Thảo nói ai muốn sản xuất cà phê theo công thức “không cà hoặc ít cà” đều phải mua các loại hóa chất có tên: CNC, caramen, tinh sữa, tinh ca cao, tinh cà phê, bơ công nghiệp, đường hoá học, bột vani…
Caramen tạo mùi, màu và vị đắng tự nhiên
Tôi hỏi: “Chi nhiều dữ vậy?”. Bà Thảo cười, nhanh nhảu giải thích: “Chất CNC làm keo cà phê. Đảm bảo khi anh cho chất này vào là cà phê khi pha sẽ có chất kết dính sền sệt nhìn rất bắt mắt. Caramen thì tạo mùi vị. Anh muốn đắng kiểu nào cũng được, mùi nào cũng có. Còn chất tạo bột trắng này thì chỉ cần cho một chút là ly cà phê đầy tràn bọt khi khuấy nhẹ rồi…”.
Giá các loại hóa chất này cũng không “mềm” chút nào. Trên mỗi loại đều có ghi bảng giá rất cụ thể. Chất CNC, caramen có giá dao động từ 250.000-300.000 đồng/lít. Tinh sữa 120.000đ/kg, tinh ca cao giá 350.000đ/kg, bơ (mỡ) công nghiệp của Trung Quốc có giá chỉ 50-60.000đ/kg… Hỏi có loại nào của Việt Nam không, bà Thảo chỉ ngay về phía góc trong nhà: “Đấy. Mỡ động vật. Mỡ cừu đấy. Nhưng giá 270.000 đồng/kg. Loại mỡ này dùng sấy cà phê thì tốt lắm nhưng có ai mua loại này đâu. Lỗ chết…”.
Bình quân các cửa hàng này sẽ bán rẻ hơn 10.000-30.000 đồng cho mỗi loại hóa chất nếu khách mua sỉ, số lượng nhiều. Thường thì giá bán của các sạp bên ngoài cổng “mềm” hơn một chút so với các quầy bên trong chợ.
Tinh sữa cà phê
Để “níu khách”, bà Thảo còn nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng các loại hóa chất này sao cho phù hợp. “Anh mới mở lò, chắc chưa có kinh nghiệm lắm đâu… Sau khi bắp và đậu nành được xay nhuyễn, anh cho chút tinh sữa này vào thì bột trở lên bóng mịn, thơm và ngậy lắm. Muốn cà phê có mùi thơm phức như loại thượng hạng thì cho thêm tinh ca cao này vào. Khi pha chế, anh cho thêm ít đường hóa học vào thì đảm bảo dù bột bắp, đậu nành cháy đen, đắng cỡ nào nhưng khi cho vào sẽ giúp cho bột có vị ngọt, đắng tự nhiên. Để cà phê thêm đậm thì pha chút rượu Rum vào thì bột bắp cũng thành cà phê số một”.
Mỡ công nghiệp xuất xứ Trung Quốc để tạo độ béo ngậy cho cà phê
Ngoài việc bán hóa chất, nhiều cửa hàng ở chợ Kim Biên còn bán loại bao bì mẫu dùng để đựng cà phê. Nhiều nhất là khu vực đường Trang Tử (phường 14, quận 5). Ở đây thiết kế sẵn cả chục loại bao bì cực kỳ bắt mắt, rất đẹp với đủ trọng lượng khác nhau. Hầu hết cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thường đến đây để lấy hàng. Giá bao bì mẫu khoảng 140.000 đồng/kg. Thông thường, các cửa hàng này chỉ nhận làm mẫu với số lượng từ 5kg bao trở lên. Mua bao xong chủ nhân muốn in tên gì lên trên cũng được, chỉ cần đem đến tiệm, chớp nhoáng là xong…
Mang mớ hóa chất, hương liệu pha chế cà phê bẩn về mà lòng chúng tôi không thôi cảm giác hoang mang. Tôi chợt nhớ câu nói của người pha chế cà phê có tâm là ông Nguyễn T.C: “Nông dân trồng cà phê thì ít người giàu, nhưng các công ty cà phê lớn nhỏ đều giàu cả!”.
Chiều 31/5, trao đổi với Dân trí qua điên thoại, GS.TS Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục vệ sinh An toàn thực phẩm - Bộ Y tế - cho biết hiện nay có quá nhiều loại hóa chất không thể nhớ hết tên và công dụng. Việc các cơ sở sản xuất thực phẩm, thức uống như cà phê chẳng hạn lạm dụng hóa chất là không cần thiết.
Trong công nghệ chế biến thực phẩm, có nhiều công nghệ và công nghệ phát triển, cải tiến từng ngày. Tuy nhiên, có 2 nguyên tắc chung, “bất di bất dịch” trong chế biến thực phẩm, thức uống phải tuân thủ là: tất cả các chất cho vào như tạo màu, tạo bọt, tạo thơm… phải được sự cho phép của Bộ y tế. Chất nào không được phép thì tuyệt đối không được cho vào. Tất cả sản phẩm đều phải công bố hàm lượng, tiêu chuẩn sản phẩm trên nhãn mác, bao bì.
Một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm cho biết, chất caramen, nếu được sản xuất từ đốt cháy đường thì cũng phát sinh những chất độc hại gây ung thư như các loại thực phẩm bị đốt cháy khác. Chất CNC, nếu là loại được sử dụng trong công nghiệp, có khả năng gây ung thư vì chứa nhiều tạp chất độc hại. Ngay cả loại dùng trong thực phẩm, nếu dùng quá liều cũng độc hại.Đối với các loại bắp, đậu nành, khi bị rang cháy đen thì không còn giá trị dinh dưỡng; đồng thời chúng sẽ sinh ra ít nhất 20 loại chất độc hại, trong đó có các chất: heterocyclic amines, acrylamide, HCAs... là những chất gây ung thư cho người sử dụng.