Từ cái thuở ăn chưa no lo chưa tới, tôi đã thích… ấp trứng gà và nuôi gà.
Lúc còn bé, sát bên cạnh nhà có một lò vịt lộn. Một số trứng ấp để luộc cho khách ăn, số khác cho nở thành con để bán. Tôi thường hay chạy qua xem người ta ấp trứng vịt hay gà lộn ra sao. Thấy tôi tò mò, hỏi tới hỏi lui, ông chủ cho 3 cái trứng bảo đem về mà ấp! Buổi tối Mùa Hè, tôi đắp mền, ôm hai chai nước nóng, nằm ấp… trứng. Nằm như thế suốt đêm không dám lăn qua lăn lại sợ đè chết con. Cuối cùng, “các con” của tôi cũng chào đời, 2 trong 3 cái trứng nở ra thành hai con gà con, lông tơ vàng óng. Chỉ có điều, khi chúng lớn lên, đó là hai chú gà trống Mỹ, lông trắng mướt, với cái mào đỏ chói, to như hai con ngỗng. Tôi yêu chúng như con và thường hay dẫn đi chơi.
Hồi đó không có máy ấp trứng gà như bây giờ, hột vịt được ấp bằng than và trấu. Phòng ấp trứng chỉ soi lờ mờ bằng những chiếc đèn dầu con leo lét móc trên tường. Những cái trứng gà hay trứng vịt được ủ trong những khay rộng, đan bằng nẹp tre, phủ trấu nóng. Hiện nay, trên toàn thế giới mỗi năm có khoảng 52 tỉ con gà được ấp nở, vỗ béo, thúc cho mau lớn trong các trại nuôi công nghiệp.
Một ngày kia, tại một trại nuôi gà ở tiểu bang Georgia, có một “em bé gà con” vừa mới chào đời. Em sẽ là một trong số 1.4 tỉ con gà được ấp nở hằng năm ở tiểu bang nầy. Con số này còn nhiều hơn là tổng sản lượng gà của cả nước Tàu. Tổng cộng trên toàn nước Mỹ có hơn 9 tỉ con gà con được ấp nở hằng năm.
Hầu hết các “bé trai”, ngoại trừ một số được chọn để gầy giống, số còn lại bị nhét vào những bao nylon, cột chặt lại để cho chết ngộp, không đáng nuôi, kém lợi nhuận vì không có nhiều thịt. Riêng những bé gái, được chia làm hai nhóm, một nhóm nuôi để lấy trứng và một nhóm để gầy giống. Em bé gà của chúng ta thuộc nhóm thứ hai. Sau một vài tuần, em và các bạn được cho vào những căn nhà lớn.
Cho dù được gọi là “gà đi bộ” (free range), không bị nhốt chuồng, những con gà nầy được nuôi trong những láng trại chật hẹp chỉ đủ để đứng hoặc ngồi mà thôi. Mỗi láng trại chứa khoảng 20,000 con gà, trung bình chỗ nằm của mỗi con chỉ bằng khoảng một tờ giấy. Ngoài ra, bên trong trại, luôn luôn thắp đèn sáng trưng 24/7 để thúc cho gà ăn liên tục mà không được ngủ.
Những láng trại hôi thúi như vậy chỉ được dọn rửa từ 2 đến 4 năm một lần. Gà thường hay bị nhiễm độc bởi khí amonia gọi là “Ammonia burn”, làm cháy phổi. Nhiều khi, sống chen chúc quá chật hẹp, gà thường mổ nhau. Để tránh tình trạng nầy, người ta dùng kềm hơ nóng để cắt cụt mỏ gà. Hệ quả, những con gà nầy không thể mổ thức ăn mà phải cào thức ăn bằng cái mỏ cụt.
Gà nuôi để lấy thịt thường được cấy ghép, thay đổi di truyền (genetically manipulated) để thúc cho mau lớn gấp 65 lần bình thường. Một con gà 6 tuần tuổi nuôi kiểu công nghệ bây giờ nặng gấp ba lần một con gà một tuổi ngày xưa, và sẵn sàng giết lấy thịt. Trên thực tế những con gà nầy, khi vào lò sát sinh, vẫn còn là những “em bé vị thành niên”, vẫn chưa bể tiếng, còn kêu chim chíp như gà con, cho dù thân xác to như… cục thịt.
Cũng vì tăng cân quá nhanh, những “em bé” gà nầy dễ bị suy tim vì trái tim nhỏ bé không đủ cung ứngcho sức nặng của cơ thể. Thêm vào đó, mỗi năm có khoảng 12.5 tỉ con gà bị bệnh bại liệt chân, vì chân quá yếu không đủ giữ thăng bằng cho trong lượng cơ thể quá tải.
Không những thế, kỹ nghệ nuôi gà vẫn tiếp tụctìm cách để thúc cho gà tăng cân nhanh hơn. Một trong những phương cách là cho gà “ăn” thuốc trụ sinh. Hiện nay, tất cả súc vật, tôm cá được nuôi để làm thực phẩm cho con người, đều được cho ăn thuốc trụ sinh: 63,151 tấn trụ sinh mỗi năm. Trên 80% thuốc trụ sinh được sản xuất ra ở Mỹ được dùng cho nghành chăn nuôi, chủ yếu là nuôi gà. Và, trên 50% vi trùng bệnh của gia súc có thể truyền qua người. Hệ quả là nạn lờn thuốc trụ sinh.
Độ khoảng 6 tuần tuổi, “em bé gà nhà mình”, nửa đêm bị lùa bắt, nhồi nhét vào những cái lồng chật hẹp và được đưa lên xe tải bằng xe nâng hàng (forklifts). Trong quá trình, nhiều con gà bị gãy chân, gãy cánh, đổ máu, khô nước, truỵ tim. Hằng triệu con gà đã chết trên đường đưa đến lò sát sinh. Ở đây, gà còn phải chờ đợi trong những lồng chật hẹp thêm khoảng 12 tiếng, không có nước, thực phẩm, dưới trời nắng nóng nực, bị đột quỵ nhiệt (heat stroke). Sau đó chúng được lùa vào trong hệ thống dây chuyền bằng các máy hút khổng lồ, có khả năng hút trên 7,000 con gà trong một tiếng đồng hồ.
Kế đến, gà được treo móc bằng hai chân, và cho tắm nước có điện chạy qua. Luồng điện không đủ giết chết gà nhưng khi bị điện giật, lông gà sẽ dựng đứng lên, dễ nhổ sau khi chết. Hằng triệu con gà cũng như gà Tây, bị cạo lông ngay sau khi bị cắt cổ, cho dù hãy còn sống. Một số gà khác được giết chết một cách “nhân đạo” hơn bằng cách cho lùa vào buồng chân không (vacuum decompression chamber) hoặc có chứa hơi ngạt (gas chamber). Số còn lại được cho qua máy chém. Đại loại, đầu của con gà được nhét vào một cái phễu với chiếc đầu nhỏ bé vừa ló ra ngoài miệng phễu là bị chém phăng. Phương cáchnầy được cho là nhân đạo nhất! Trung bình mỗi phút, máy chém chặt đầu 140 con gà, chỉ tiêu tăng cao so hơn năm ngoái là 130.
Gà và gà Tây chiếm 99% những con thú bị giết lấy thịt. Chúng thường bị nhiễm khuẩn Salmonella, Campylobacter, E coli, gây ra ngộ độc thức ăn cho người tiêu thụ. Để “tẩy trùng” thịt gà được ngâm vào đủ loại hoá chất trước khi cho đóng gói mang ra siêu thị. Năm 2006, nghiên cứu cho thấy trên 50% thịt gà có chứa chất độc thạch tín (arsenic).
Tội nghiệp, “em bé gà nhà mình”, chết không toàn thây. Xác chết của em được cắt nhỏ đóng gói, chỗ nầy chỗ kia bày trên quày hàng thịt. Tuổi thọ của em chỉ có 42 ngày so với 10 đến 15 năm là tuổi thọ của loài gà trong hoang dã.
Hồi nhỏ tôi có xem một phim khoa học viễn tưởng, miêu tả người ngoài hành tinh, cũng lùa người địa cầu vào lò sát sinh để xẻ thịt. So ra, chuyện kể về những con gà trên đây không phải là chuyện viễn tưởng nào xa xăm lắm, mà xảy ra quanh ta, mỗi ngày.
BS. Hồ Ngọc Minh
Thư Viện Hoa SenXem thêm video clip dưới đây (chỉ 6 phút): Bạn sẽ không thốt lên được lời nào!!
(*) Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh, được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility.