Nhân viên bệnh viện K nhận phong bì từ người nhà bệnh nhân (baogiaothong)
Hãy mượn ý tưởng từ tên một tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai để phác nên một bức tranh sơ lược về những điều chúng ta đang trải qua xem sao?
7h sáng, người nhân viên hộ tịch đang trông bà mẹ trong bệnh viện giật mình tỉnh dậy, chạy vội vàng ra phòng bác sỹ. Bác sỹ mổ chính của khoa vừa đến. Chị vội vàng dúi vào tay ông một chiếc phong bì, xin bác sỹ trực tiếp tham gia mổ cho mẹ em, rồi vội vàng chạy đi làm.
9h sáng, người bác sỹ sau giờ khám bệnh buổi sáng, tranh thủ cầm chiếc phong bì đi mua quà sinh nhật cho vợ. Ông bước vào cửa hàng thời trang lộng lẫy nhất phố, chọn một chiếc váy hàng hiệu, rồi trả tiền. Chiếc váy ấy thật ra là hàng nhái nhập về từ Quảng Châu, mang về cho người chủ món lợi đúng bằng chiếc phong bì mà bác sỹ nhận đầu buổi sáng.
11h sáng, người chủ cửa hàng thời trang đi ăn trưa. Trên đường đi, ông ta bị giật mất điện thoại. Chiếc điện thoại trông giống iPhone thật ra cũng mua từ Quảng Châu và giá đúng bằng số lãi ông ta bán chiếc váy giả cách đó vài tiếng.
Cậu thanh niên giật điện thoại, thực ra từng là một công nhân khu công nghiệp ngoại thành, bị mất việc nhưng không dám về quê, vạ vật ở thành phố rồi bí bách. 1h chiều, cậu đem bán chiếc điện thoại cho hiệu cầm đồ, rồi đem món tiền ấy trả cho hàng phở cậu hay ghi sổ đầu xóm trọ ở ngoại thành.
Bà chủ cửa hàng phở đã nấu bằng viên tạo ngọt hóa chất suốt mấy năm nay. Số tiền mà bà tiết kiệm được từ việc nấu phở kiểu ấy so với nấu bằng xương bò, trong một tháng bán phở cho cậu thanh niên kia, đúng bằng giá của chiếc điện thoại cậu vừa giật được.
3h chiều, ông lái thịt bò nhận được tiền thanh toán từ bà chủ quán phở. Ông này mừng lắm. Chỗ thịt thiu lách được hải quan để nhập từ biên giới về, chế lại bằng hóa chất, mang lại cho ông một món thật hời.
4h30 phút chiều, ông lái thịt bò chạy vội vàng ra phường, lao vào phòng hộ tịch. Chị cán bộ hộ tịch ngồi phía sau quầy mặt lạnh tanh. “Hết giờ làm việc rồi mai bác quay lại nhé”. Ông lái thịt chạy ra một góc kín, nhét hai tờ giấy xanh vào quyển sổ hộ khẩu. “Thế là coi như đứt mất lãi từ quán phở con mụ béo” – ông xót ruột nghĩ thầm. Rồi ông quay lại quầy, đẩy quyển sổ hộ khẩu về phía chị cán bộ. “Chị cố gắng giải quyết giúp tôi, nhà đang có việc gấp lắm”.
Người cán bộ hộ tịch ngồi phía sau quầy cũng chính là người đã đưa chiếc phong bì cho bác sỹ đầu buổi sáng. Số tiền đã quay trở lại với chị ta sau đúng một ngày làm việc.
Bạn thấy đấy, nếu xã hội vận hành như thế thì cuối cùng thì dường như là không ai mất tiền, không ai trở thành người bị hại cả.
Hay là ai cũng trở thành người bị hại nhỉ?
(Đức Hoàng/Docbao.vn)