Tên gọi Saigon từ đâu?
Đây là một đề tài được các nhà nghiên cứu, học giả, Tây lẫn Ta, tốn rất nhiều thì giờ và công sức. Cho đến nay thì có khoảng 5 giả thuyết về xuất xứ của chữ Sài Gòn, trong đó có 3 thuộc loại quan trọng hơn.
Xin ghi lại 3 thuyết quan trọng hơn dưới đây:
Sài Gòn từ Thầy Ngòn (Đề Ngạn), Xi- Coón (Tây Cống):
Đây là thuyết được đưa ra bởi 2 tay thực dân Pháp là Aubaret và Francis Garnier (người bị giặc Cờ Đen phục kích chết ).
Sài Gòn từ Thầy Ngòn (Đề Ngạn), Xi- Coón (Tây Cống):
Đây là thuyết được đưa ra bởi 2 tay thực dân Pháp là Aubaret và Francis Garnier (người bị giặc Cờ Đen phục kích chết ).
Theo Aubaret, Histoire et description de la Basse-Cochinchine và Garnier, Cholen, thì người Tàu ở miền Nam, sau khi bị Tây Sơn tàn sát, đã lập nên thành phố Chợ Lớn vào năm 1778 và đặt tên cho thành phố đó là Tai-ngon hay Ti-ngan. Sau dó, người Việt bắt chước gọi theo và phát âm thành Sài Gòn.
Thuyết này được hai học giả là Vương Hồng Sển và Thái Văn Kiểm đồng ý. Quả thật, trên phương diện ngữ âm, thì Thầy Ngòn, Xi Coón, rất giống Sài Gòn! Tuy nhiên, theo lịch sử thì không phải.
Tại sao? Vì lịch sử chứng minh rằng Saigon có trước, rồi người Tàu mới đọc theo và đọc trại ra thành Thầy Ngòn, Xi Coọn.
Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, năm 1674 Thống Suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vở “Luỹ Sài Gòn”(theo Hán-Việt viết là “Sài Côn”). Đây là lần đầu tiên chữ Sài Gòn xuất hiện trong tài liệu sử sách Việt Nam . Vì thiếu chữ viết nên chữ Hán “Côn” được dùng thế cho “Gòn”. Nếu đọc theo Nôm là “Gòn”, còn không biết đó là Nôm mà đọc theo chữ Hán thì là “Côn”.
Như vậy, ngay từ năm 1674 đã có địa danh Saigon! Thì làm gì phải đợi đến 1778 khi người Tàu ở Cù Lao Phố bị Tây Sơn tiêu diệt rồi chạy xuống lập nên Thầy Ngòn tức Đề Ngạn, hay Xi Coón tức Tây Cổng.
Sài Gòn từ Củi Gòn, Cây Gòn, Prey Kor.
Thuyết này được Petrus Trương Vĩnh Ký đưa ra dựa theo sự “nghe nói” như sau:
“Sài là mượn tiếng viết theo chữ Hán có nghĩa là củi gỗ; Gòn là tiếng Nam chỉ bông gòn . Người ta nói rằng tên đó phát sinh bởi sự kiện nhiều cây bông gòn do người Cao Miên đã trồng chung quanh đồn đất xưa của họ, mà dấu vết nay vẫn còn ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận”.
Pétrus-Trương Vĩnh Ký- Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs, trong Excursions et Reconnaissance X. Saigon , Imprimerie Coloniale 1885.
Không biết tại sao mà sau này Louis Malleret và Vương Hồng Sển lại quả quyết thuyết này là “của” Trương Vĩnh Ký , mặc dù ngay sau đoạn này, TVK lại viết tiếp “Theo ý tôi, hình như tên đó là của người Cao Miên đặt cho xứ này, rồi sau đem làm tên gọi thành phố. Tôi chưa tìm ra được nguồn gốc đích thực của tên đó”.
Tương tự, có nhiều thuyết phụ theo nói rằng Sàigòn từ “Cây Gòn” (Kai Gon) hay “Rừng Gòn” (Prey Kor) mà ra.
Nói chung, các thuyết này đều dựa trên một đặc điểm chính: cây bông gòn.
Nhưng thuyết này phần lớn đã bị bác bỏ vì lý do đơn giản là không ai tìm được dấu tích của một thứ “rừng gòn” ở vùng Sàigòn, hay sự đắc dụng của củi gòn ở miền Nam, kể cả nhà bác học Trương Vĩnh Ký . Ngay vào thời của Trương Vĩnh Ký (1885) tức khoảng hơn 100 năm sau mà đã không còn dấu tích rõ ràng của thứ rừng này, mặc dù lúc đó Sàigòn không có phát triển hay thay đổi gì cho lắm. Ngay cả khi Louis Malleret khảo nghiệm lại, hình như cũng không có dấu vết gì của một rừng gòn ở Sàigòn.
Sài Gòn từ Prei Nokor
Đây là thuyết mà thoạt đầu khó có thể chấp nhận nhứt (về ngữ âm), nhưng hiện nay được coi như là “most likely”.
Đây là thuyết mà thoạt đầu khó có thể chấp nhận nhứt (về ngữ âm), nhưng hiện nay được coi như là “most likely”.
Chính Petrus Trương Vĩnh Ký là người đưa ra thuyết này Trong Tiểu Giáo Trình Địa Lý Nam Kỳ, ông đã công bố 1 danh sách đôi chiếu 187 địa danh Việt Miên ở Nam Kỳ, như Cần Giờ là Kanco, Gò Vấp là Kompăp, Cần Giuộc là Kantuọc và Sài Gòn là Prei Nokọr
Trước nhất, theo sử Cao Miên được dịch lại bởi Louis Malleret, vào năm 1623, một sứ thần của chúa Nguyễn đem quốc thư tới vua Cao Miên và ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor (Saigon) và Kras Krabei của Cao Miên để đặt phòng thu thuế.
Năm 1747, theo danh mục các họ đạo trong Histoire de la Mission Cochinchine, có ghi Rai Gon Thong (Sài Gòn Thượng) và Rai Gon Hạ(Sài Gòn Hạ).
Đó là theo sử sách, còn theo tiếng nói thì Prei Nokor (hay Brai Nagara theo tiếng Phạn mà người Miên mượn), có nghĩa là “thị trấn ở trong rừng”, Prei hay Brai là rừng, Nokor hay Nagara là thị trấn. Đây là vùng mà chúa Nguyễn đã mượn làm nơi thu thuế như đã nói ở trên.
Theo tiến trình của ngôn ngữ, Prei hay Brai biến thành RAI, thành”Sài”, Nokor bị bỏ “no” thành “kor”, và từ “kor” thành “Gòn”.
Từ Prei Nokor …mà thành Sài Gòn thì thật là …dễ sợ !
Còn sở dĩ có Saigon viết dính nhau là do các giáo sĩ Tây phương đã bỏ mất dấu và gắn liền nhau khi in. Sau khi chiếm nước ta, để khỏi đọc “sai” ra “sê” theo giọng Pháp nên Saigon được viết với hai dấu chấm trên chữ i.
Saigon … muôn thuở là Sài gòn !
PHAN NGUYÊN LUÂN… sưu tầm, tổng hợp và thực hiện
Ba lý giải về tên gọi Sài Gòn
Tàu bè ra vào sông Sài Gòn thế kỷ 19, thành phố còn hoang vu, nhiều rừng rậm. Ảnh: Flickr
Thị trấn giữa rừng, Vùng đất ăn nên làm ra, Cống phẩm của phía Tây... là những cách lý giải của học giả về tên gọi thành phố hơn 300 tuổi.Từ đầu thế kỷ XX người Pháp đã nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của địa danh Sài Gòn - thành phố mà họ muốn biến thành “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Nhưng cái tên dung dị, thân quen ấy kể cả người Việt cũng đều không rõ nghĩa.
Sau hơn 300 năm hình thành, phát triển, nhiều thế hệ học giả vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc tên gọi này. Trong rất nhiều công trình nghiên cứu, Sài Gòn có 3 cách lý giải được đánh giá cao nhất.
Thị trấn giữa rừng
Căn cứ vào từ “Sài” nghĩa “củi” và “Gòn” tức “cây bông gòn”, quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Của cho nghĩa của Sài Gòn là “củi gòn”.
Dựa theo thông tin này, học giả Trương Vĩnh Ký nói rằng tên gọi Sài Gòn được phiên âm từ “Prei Nokor” của người Khmer. Giả thuyết này được ông Ký đưa ra trong giáo trình “Địa lý Nam Kỳ” của mình. Một loạt cách gọi tương tự về địa danh Việt - Miên ở Nam Kỳ phiên âm giống vậy như Cần Giờ là từ “Kanco”, Cần Giuộc là “Kantuộc”, Gò Vấp là “Kompăp”…
“Prei” theo tiếng Khmer nghĩa là “rừng”, còn “Nokor” là “thị trấn”. Như vậy “Prei Nokor” nghĩa là một “thị trấn ở trong rừng”. Nghĩa rộng hơn theo Phạn tự là "lâm quốc". Vùng này trước đây là đại bản doanh của một Phó vương nước Chân Lạp cũ.
Dần dần, người dân đọc trại từ “Prei” thành “Rai” rồi thành “Sài”. Từ “Nokor” đọc lướt thành “Kor” và từ “Kor” thành ra “Gòn”.
Căn cứ của lý giải này dựa vào việc Prei Nokor xưa kia là rừng rậm có nhiều cây gòn được dân cư sử dụng làm củi. Học giả Trương Vĩnh Ký kể lại rằng, người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai. Chính ông còn thấy vài gốc cổ thụ tại đó năm 1885.
Sau Trương Vĩnh Ký, đốc phủ Lê Văn Phát đồng tình lý giải này. Ông cho rằng, không chỉ người Khmer mà người Lào cũng gọi vùng này là "rừng cây gòn" thông qua từ Cai Ngon. Vốn dĩ ngôn ngữ Lào giống tiếng Thái nên Cai Ngon có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn.
Tuy nhiên giả thuyết này bị cho là không có căn cứ, vì qua thời gian, không ai tìm ra được dấu tích của một “khu rừng có nhiều cây gòn” tại Prei Nokor cả, mà đó chỉ là suy đoán.
Trung tâm của Sài Gòn xưa. Ảnh: Flickr
Vùng đất ăn nên làm ra
Học giả - nhà văn Vương Hồng Sển cho rằng không thể dựa vào ngữ nghĩa hai từ “Sài Gòn” hay “Prei Nokor” để phân tích. Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, cụ Vương đã dày công tra cứu hàng loạt sách báo Pháp lẫn Việt. Ngoài ra, ông đi thu thập dữ liệu từ dân gian nên rút ra cách lý giải khác.
Theo Vương Hồng Sển, khi người Hoa rời Cù lao Phố (Biên Hòa) vào năm 1773, đã tụ về vùng đất mới Chợ Lớn ngày nay. Họ nhận ra đây là nơi “ăn nên làm ra” cần được củng cố cho thật bền vững. Người Hoa cho đắp thêm bờ kinh cao ráo và kiên cố hơn, và gọi vùng đất này là “Tai-Ngon” hay “Tin-Gan” mà theo Hán Việt là Đề Ngạn.
Đề Ngạn phát âm theo giọng Quảng Đông nghe ra là “Thầy Ngồn” hay “Thì Ngòn”. Và đó chính là âm để gọi vùng đất Chợ Lớn thời ấy. Theo thuyết này của cụ Vương thì âm “Sài Gòn” là từ “Thầy Ngồn”, “Thì Ngòn” mà ra.
Tuy nhiên theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Qúy Đôn viết năm 1776 có dữ kiện “năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Gòn”… Đây cũng là lần đầu tiên hai từ “Sài Gòn” xuất hiện trong tài liệu Việt Nam. Điều này chứng tỏ từ "Sài Gòn" có trước thời điểm người Hoa đến Chợ Lớn nên cách lý giải của Vương Hồng Sến không thuyết phục.
Cống phẩm của phía tây
Sài Gòn ngày nay sau hơn 300 năm phát triển. Ảnh: Trần Bảo Hòa
Còn học giả người Pháp Louis Malleret cho rằng Sài Gòn có nguồn gốc từ tiếng "Tây ngòn" - nghĩa là cống phẩm của phía tây (Tây Cống). Tiếng "Tây ngòn" phát âm theo giọng người Hoa thành Sài Gòn.
Sở dĩ ông Malleret theo thuyết này vì dựa vào dữ kiện lịch sử do Trịnh Hoài Ðức chép lại. Khi Campuchia bị phân ra cho hai nhà nước thì cả hai vua đều nạp cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prei Nokor.
Về lý giải này của học giả người Pháp, ông Vương Hồng Sển lại cho rằng "Tây Cống" chỉ được người Hoa dùng sau này. Ngày trước vùng Chợ Lớn được gọi là Sài Gòn nhưng khi người Pháp chiếm các tỉnh Đông Nam bộ đã gọi vùng Bến Nghé là Sài Gòn vì tên Bến Nghé quá khó đọc với họ.
Nguồn gốc tên gọi Sài Gòn sẽ còn nhiều tranh luận nhưng nhiều học giả nhận xét, việc không rõ thực hư như vậy càng khiến Sài Gòn hơn 300 năm càng thêm huyền bí, hấp dẫn, khơi gợi sự tò mò khi muốn tìm hiểu.
Tên gọi Sài Gòn dù nguồn gốc như thế nào thì tính cách người Sài Gòn vẫn không đổi khác, vẫn là "Anh Hai Nam bộ", đi trước đón đầu trong nhiều lĩnh vực. Sài Gòn - TP HCM đang chuyển mình phát triển để lấy lại danh xưng một thời "Hòn ngọc Viễn Đông", là đầu tàu cả nước trong nhiều lĩnh vực.
Sơn Hòa“Sao không gọi là Thành phố Hồ Chí Minh mà cứ gọi Sài Gòn vậy Mip?”
Lần đầu nghe câu hỏi ấy từ một cậu bạn người Mỹ, tôi đã ngớ người ra chẳng biết phải giải thích như thế nào. Nhớ một dạo cách đây 5,6 năm tôi nói chuyện với những bạn bè người nước ngoài khi họ mới du lịch sang, tôi liên tục gọi Sài Gòn mà họ thì cứ ngây ra chẳng hiểu tôi đang nhắc về địa danh nào.
Cố lục tìm trong trí nhớ những lần nổi cơn siêng tìm hiểu nguồn gốc cái tên ấy, tôi ngồi liệt kê ra nào là về mặt lịch sử thì tên gọi Sài Gòn lâu đời hơn cả. Có đến 3 giả thuyết lớn nhất mà các nhà nghiên cứu sử ta đã tìm hiểu cặn kẽ rồi viết nên.. Rồi vùng này xưa kia vốn thuộc về dân Cao Miên, là dân Campuchia ý, rồi thời chúa Nguyễn đã dần dần chiếm đất của người ta thế nào, rồi vùng này xưa kia toàn là cây củi gòn, rồi tên này là đọc chạy ra từ tiếng Khmer hay tiếng Hán tiếng Nôm ghép vào… Thế nhưng chẳng ai đọc xong mà cảm thấy thỏa mãn cho những cách giải thích tên gọi của Sài Gòn.
Chợ Bình Tây
Bạn tôi phẩy tay liên hồi như để tôi bình tĩnh lại trước mớ kiến thức hỗn loạn không đầu cuối của mình và chỉ đơn giản hỏi tôi lại :
“Ý tui hỏi là sao Mip không thích gọi là Thành phố Hồ Chí Minh mà thích dùng từ Sài Gòn hơn? Chứ về lịch sử thì có giải thích tui cũng không nhớ đâu. Cho tui một lý do sao dân “Sài Gòn” thích gọi Sài Gòn thôi?”
“Ý tui hỏi là sao Mip không thích gọi là Thành phố Hồ Chí Minh mà thích dùng từ Sài Gòn hơn? Chứ về lịch sử thì có giải thích tui cũng không nhớ đâu. Cho tui một lý do sao dân “Sài Gòn” thích gọi Sài Gòn thôi?”
Tôi vỡ lẽ ra cái câu hỏi đơn giản của người bạn, hóa ra, chỉ là về mặt “nhận thức” thôi chứ không phải “kiến thức”.
Thế nhưng, tôi lại thấy câu hỏi ấy lại khó hơn cả việc hỏi tôi kiến thức. Tôi nhún vai : “Tại Sài Gòn là Sài Gòn thôi, gần gụi và dễ sẻ chia.”
Kì lạ là cậu bạn có vẻ thỏa mãn với câu trả lời vốn chẳng rõ ràng gì của tôi. Kể từ dạo đó, tôi nhận không ít câu hỏi tương tự từ những người bạn khác xứ. Họ luôn thắc mắc tại sao tôi luôn dùng Sài Gòn thay cho Thành Phố Hồ Chí Minh. Thậm chí cho đến ngày nay, tên gọi Sài Gòn có vẻ trở nên phổ biến dần trong nhận thức của các nước bạn. Mọi người bắt đầu thay thế tên gọi đó như một điều rất hiển nhiên.
Sài gòn là Sài Gòn thôi.
Tôi nảy ra ý tưởng đi hỏi tất cả những ai tôi gặp, vì sao họ thích gọi Sài Gòn. Đối với những người lớn tuổi như thế hệ ông bà hay ba mẹ chúng ta, họ chẳng có một khái niệm cụ thể nào về tên gọi ấy, họ lớn lên và sinh sống ở đây, ngàn đời Sài Gòn vẫn chỉ có một cái tên, thời đại cũ hay mới, thì thành phố này vẫn vậy, nhộn nhạo, đỏng đảnh nhưng bình dị, như một điều hiển nhiên mà tất cả những ai chọn nơi đây làm quê hương, đều thuộc nằm lòng tiếng gọi thân thương đó. Chẳng một ai mảy may thắc mắc.
Tôi hỏi những người trẻ hơn, bất ngờ khi nhận được không ít những ý kiến có phần thú vị như Sài Gòn tên vừa gọn, vừa đẹp, vừa sang lại dễ nhớ, dễ gọi. Viết tắt thấy cũng hay, viết có dấu hay không dấu thấy cũng hay, viết in hoa hay viết thường nhìn cũng hay. Vẽ vời, thiết kế, chụp choẹt gì mà ịn cái tên “Sài Gòn” lên cái tự dưng thấy chất chất. Gọi “Sài Gòn, Sài Gòn ơi” thấy có phần bình dị, lại lắm lúc thấy như mình hổng phải người ở đây dù sinh ra và lớn lên ngay tại mảnh đất này, cứ thấy xa xôi sao ấy, mà lại được Sài Gòn chào đón, rồi ăn dầm nằm dề ở cái đất chật chội mà thấy thương chi lạ.
Tôi hỏi ngược lại những người bạn khác xứ: “Chứ sao tụi bây biết mà gọi nơi đây là Sài Gòn?” Hầu hết đều thích thú bảo tên gọi ấy nghe hay hay, lạ lạ. Cứ lên mạng tìm hiểu trước về nơi này rồi thấy người ta gọi như thế thì gọi thôi. Vốn từ cách nhìn của người nước ngoài, họ đều đồng ý việc đặt tên cho một thành phố không nên dùng tên của một người nào khác dù có là nhân vật to lớn nhất trong lịch sử dân tộc. Tự thân thành phố đó đã có quá nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán và ẩn chứa khối lượng thông tin đồ sộ để có thể được trân trọng bằng một cái tên bình dị khác mà thôi.
Một tiếng gọi thôi lại chứa đựng tất cả, từ những giai đoạn lịch sử của vùng đất này, đến nếp sống của từng con người ở đây. Mọi thứ đều được giải thích bằng hai chữ “Sài Gòn”. Tất cả đều gắn liền, đều tô đậm, gạch chân lên cho tên gọi ấy mỗi lúc một ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người.
Chẳng một ai dám tự nhận mình là dân Sài Gòn gốc, chẳng một ai trên mảnh đất này dám nhận mình hiểu Sài Gòn, biết từng ngóc ngách, rõ từng chút một.
Tất cả chúng ta chỉ là những kẻ tha hương chọn Sài Gòn làm mảnh đất nuôi giấc mơ, ở mãi thì thành nhà, ở mãi thì “hóa tâm hồn” mà thôi.
Không phải chủ ý mà tên gọi ấy dễ dàng thoát ra trên môi mỗi người sống ở đây. Tất cả đều đã quá quen miệng để nhắc một Sài Gòn, hai Sài Gòn…đến nỗi chẳng ai thực sự đắn đo sao lại phải thay đổi cách gọi ấy để đổi sang một cái tên chính thống hơn. Người Sài Gòn là vậy, có sao thì nói vậy mà thôi.
Mà người Sài Gòn là ai?
Chẳng là ai, mà lại là tất cả.
MIP|Hình ảnh : 2saigon – sưu tầm