Ngư dân Philippines đứng bên cạnh các xô đầy cá chết ở thị trấn Rosario, tỉnh Cavite, phía nam Manila, Philippines.
Nhóm KAI cáo buộc rằng họ đã tìm thấy bằng chứng các tàu đánh cá Trung Quốc đổ hóa chất xuống biển gần quần đảo Trường Sa để gây hại đến ngành công nghiệp đánh bắt cá ở Palawan. (Ảnh minh họa)
Một nhóm thanh niên có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Philippines cáo buộc chính phủ Trung Quốc đầu độc một khu vực rộng lớn ở Biển Đông để ngăn cản ngư dân Philippines và các nước khác được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên biển, nhằm củng cố quyền kiểm soát khu vực.
Phong trào Kalayaan Atin Ito (KAI) mô tả mục tiêu của họ là tập hợp “10.000 tình nguyện viên tham gia với chúng tôi trong một cuộc biểu tình ôn hòa chống lại sự hung hăng và xây dựng đảo nhân tạo, căn cứ quân sự bất hợp pháp của Trung Quốc ở các rạn san hô tại Biển Tây Philippines" (Việt Nam gọi là Biển Đông).
Nhóm KAI cáo buộc rằng họ đã tìm thấy bằng chứng các tàu đánh cá Trung Quốc đổ hóa chất xuống biển gần quần đảo Trường Sa để gây hại đến ngành công nghiệp đánh bắt cá ở Palawan, hòn đảo của Philippines gần vùng biển tranh chấp.
Nhóm này cho biết trong một bài đăng trên trang Facebook: “Khi chúng tôi ở đó vào năm ngoái, người dân khẳng định với chúng tôi rằng tàu Trung Quốc thường xuyên thả hóa chất để tiêu diệt các loài san hô và sinh vật biển”.
“Trung Quốc đang hung hăng loại bỏ các hoạt động kinh tế của cộng đồng dân cư ở nhóm đảo Kalayaan [Quần đảo Trường Sa] để xua đuổi dân thường và cô lập quần đảo. Một khi dân cư bỏ đi, các hoạt động chiếm giữ quần đảo của quân đội Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn”, nhóm KAI cáo buộc và đăng tải hình ảnh cá chết dạt vào các hòn đảo.
Cả chính phủ Philippines lẫn Trung Quốc đều không có phát biểu nào về cáo buộc này, và đây là lần đầu tiên có cáo buộc như vậy.
Tuy nhiên, Manila đã cáo buộc Trung Quốc phá hủy môi trường ở khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh tuyên bố hầu hết chủ quyền.
Tháng 7 năm 2015, thẩm phán toà án tối cao Philippines Antonio Carpio đã đưa ra một tuyên bố lên án Trung Quốc phá hủy 17 rạn san hô gần quần đảo Trường Sa khi xây dựng đảo nhân tạo cho các cơ sở quân sự ở đó.
Trong khi đây là lời buộc tội đầu tiên đối với chính phủ Trung Quốc về việc cố tình đầu độc vùng biển nước ngoài, các cuộc biểu tình về vụ cá chết hàng loạt đã bùng ra ở Việt Nam.
Sáng ngày 8 tháng 5, công an Việt Nam đã bắt giữ hàng chục người và nhanh chóng giải tán biểu tình tại Hà Nội.
Chính phủ Việt Nam, quốc gia có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc, tuyên bố sẽ điều tra vụ việc nhưng cho tới nay vẫn chưa quy lỗi cho ai. Trong khi đó tập đoàn Formosa Plastics trở thành mục tiêu công kích của người biểu tình.
Trước khi xảy ra vụ cá chết hàng loạt, đã có nhiều sự cố tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam, Philippines và Indonesia ở ngư trường.
Tàu Trung Quốc đã đánh chìm ít nhất 2 tàu cá Việt Nam trong vòng 2 năm qua khi các tàu này đang đánh bắt trong hải phận của Việt Nam được quốc tế công nhận.
Đầu năm nay, tàu tuần duyên Trung Quốc đã đâm một tàu ở vùng biển Indonesia. Quốc gia này đã phản đối sự hiện diện của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc trong lãnh thổ của họ.
Theo Breitbart, VOA