Hiện nay, các sản phẩm chứa collagen được quảng cáo rất rầm rộ. Thậm chí, nhiều quảng cáo còn gây hiểu lầm rằng collagen có thể giúp “cải lão hoàn đồng”!
Theo quảng cáo trên các phương tiện truyền thông và internet, mỗi ngày chỉ cần uống vài gói chế phẩm collagen sẽ giúp chị em trẻ tuổi có làn da sáng mịn, săn chắc; còn phụ nữ “có tuổi” sẽ loại được vết nhăn quanh trán, khóe mắt, miệng và cổ, tay, mông, ngực, gò má… sẽ không bị chảy xệ.Chưa có chứng cứ khoa học
Cũng trên mạng và qua mua bán trao tay, người ta thổi phồng tác dụng làm trắng da “tuyệt vời” của các chế phẩm tiêm chích chứa vitamin C kết hợp với collagen (chế phẩm có tên Biome G Alpha, Aqua skin EGF-Whitening…).
Collagen thực chất là protein (tức chất đạm) dạng sợi có ở mô liên kết của các động vật có vú. Riêng ở người, collagen chiếm đến hơn 25% tổng lượng protein có trong cơ thể. Chức năng của nó là kết nối các mô trong cơ thể với nhau, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc làm các vết thương mau lành.
Trong ngành y, collagen là thành phần trong các chất liệu dùng cầm máu khi mổ, dùng để sửa và khâu vết mổ, dùng làm da nhân tạo trị phỏng, dùng tiêm vào da sửa sẹo. Collagen còn được dùng trong ngành dược thông qua chất gelatin mà nó phân giải tạo thành, dùng tạo vỏ nang đựng thuốc (thường gọi là viên nang hay viên nhộng). Thông thường, collagen được lấy từ da heo hoặc bò. Đặc biệt, nếu lấy từ da bò (mới sinh) phải thông qua kiểm tra chất lượng rất gắt gao để phòng ngừa bệnh bò điên (BSE) lây nhiễm cho người.
Đối với con người, collagen có nhiều ở lớp hạ bì, giúp da vừa căng vừa đàn hồi. Cần lưu ý, collagen ở da được tổng hợp bên trong cơ thể từ nguồn dinh dưỡng mà cơ thể hấp thu qua thực phẩm dùng đầy đủ và cân bằng dưỡng chất hằng ngày. Khi lớn tuổi, lượng collagen được cơ thể tổng hợp ít dần đi khiến người tuổi càng cao thì da càng khô và nhăn dần.
Ăn nhiều trái cây, rau củ có lợi cho sức khỏe làn daẢnh: Hoàng Triều
Từ đó, nhiều người nghĩ đơn giản “nếu thiếu thì bù” và cho rằng nếu uống chế phẩm collagen hoặc dùng mỹ phẩm chứa collagen bôi lên da sẽ cho làn da tươi mịn, săn chắc. Tuy nhiên, uống hay bôi collagen chắc chắn sẽ không có “tác dụng thần kỳ” như mong muốn. Bởi lẽ, uống collagen thì không khác gì ăn thịt, cá vì collagen sẽ tiêu hóa ở dạ dày - ruột, tạo các axít amin. Cho tới nay, chưa có chứng cứ khoa học xác nhận các axít amin được cơ thể tổng hợp tạo thành collagen ở da giúp trẻ hóa da mặt.
Còn nếu dùng bôi lên da mặt, việc hấp thu collagen nguyên chất chắc chắn không xảy ra. Nếu có đóng vai trò nào đó cho da thì collagen chỉ có tác dụng giữ ẩm (tức giúp giữ nước ở da), giúp da không bị khô. Đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu xác nhận bất kỳ tác dụng thần kỳ nào của collagen khi bôi lên da mặt.
Có thể gây dị ứng, tai biến
Vì collagen là chất đạm có trong thiên nhiên nên dùng bằng đường uống khá an toàn với điều kiện chế phẩm ấy phải sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (như sản xuất từ da bò phải loại trừ tuyệt đối bệnh BSE).
Tuy nhiên, vì các chế phẩm dùng nguyên liệu không phải là collagen của người mà lấy từ các động vật khác nên có nguy cơ gây phản ứng dị ứng khi uống (phản ứng dị ứng là rối loạn xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với “chất lạ” mà nó không chịu dung nạp). Đã có người phải nhập viện để điều trị các nốt sưng đỏ, bọng nước trên da do uống collagen.
Đối với các chế phẩm bôi ngoài da, mặc dù đạt tiêu chuẩn chất lượng vẫn có thể bị dị ứng da (ngoài collagen là “chất lạ”, nên lưu ý tất cả chế phẩm gọi là mỹ phẩm như sữa rửa mặt, bột hay kem dưỡng da… đều chứa các hóa chất dùng bảo quản là những chất gây dị ứng rất cao). Đặc biệt, nếu dùng collagen bôi ngoài da không đúng cách, không phù hợp cơ địa hay dùng chế phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng có thể bị tai biến như nhiễm trùng da hoặc viêm da dị ứng toàn thân. Lời khuyên chung cho người dùng mỹ phẩm là nếu bôi chế phẩm collagen, đầu tiên nên ở vùng da nhỏ trên mặt trong cánh tay khoảng 24 giờ, nếu không bị phản ứng đỏ, ngứa da thì có thể dùng.
Tóm lại, nếu điều kiện kinh tế cho phép, muốn dùng thêm collagen thì cũng được (chỉ uống chứ tuyệt đối không tiêm chích). Thế nhưng, không nên xem đó là “thần dược” mà quên đi các biện pháp có lợi cho sức khỏe như: ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất (nhiều trái cây, rau củ), tập thể dục đều đặn, ngủ nghỉ đầy đủ, sống lạc quan, tâm lý thoải mái, tránh phiền muộn, lo âu.
Tiêm chích: Nguy cơ rất lớn!
Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học kiểm chứng việc kết hợp vitamin C với collagen và một số chất khác dùng để tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp có tác dụng làm trắng da, đẹp da một cách “thần kỳ”. Chỉ thấy sự kết hợp dùng đường tiêm chích có nguy cơ rất lớn là bị tai biến, trong đó có phản ứng rất nặng là sốc phản vệ gây chết người.
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức