Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Hoài Trần

-Hoàng Sa: Day dứt nỗi đau

Nhiều người nói với tôi rằng, mỗi khi đặt chân lên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đứng ở cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới nhìn về biển Đông, lòng họ luôn day dứt nỗi đau Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa vào ngày 19.1.1974.
Cách đây gần 3 năm, lần đầu tiên ra đảo Lý Sơn dự lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bà Nguyễn Thị Hợp (ở Hà Nội) bày tỏ: “Tôi thực sự khâm phục tinh thần quả cảm của những binh phu Hoàng Sa năm xưa đã quên thân mình để mở đường cho việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa”.
Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”,
Không chỉ bà Hợp mà những người con đất Việt khi chứng kiến người dân đất đảo trong buổi lễ khao lề đã tái hiện lại những hình ảnh ngày các hùng binh Hoàng Sa rời đất đảo bằng những chiếc thuyền nan mỏng manh để vuợt trùng dương mở mang bờ cõi, xác lập chủ quyền trên biển Đông trong không khí bi hùng, ai cũng cảm nhận một đều là gặp lại một Hoàng Sa oanh liệt và kiêu hùng từ hàng trăm năm trước.
Đã mấy thế kỷ trôi qua, mỗi lần nghe câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”, trong lòng người dân đất đảo lại quặn đau về những hi sinh của bậc tiền nhân để Tổ quốc có một Hoàng Sa yêu dấu.
Đến Lý Sơn, tận mắt chứng kiến các hiện vật của hùng binh Hoàng Sa, mọi người càng day dứt nỗi đau mất đảo
Đâu chỉ có lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa mà ở Lý Sơn, hòn đảo chỉ có diện tích khoảng 10 km2 còn chứa đựng một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: di tích quốc gia đình làng An Vĩnh, di tích Âm Linh Tự, nhà thờ các tộc họ Võ Văn, Phạm Quang, Phạm Văn, các khu mộ chiêu hồn của các cai đội, chánh đội trưởng, binh phu Hoàng Sa, hệ thống văn hóa phi vật thể ca dao, dân ca, truyền thuyết…vẫn còn in đậm dấu ấn của các thời kỳ lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển Đông của Việt Nam.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, là bảo tàng sống động gắn với lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngôi mộ gió của Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật trên đảo
Thật vậy, ra đảo Lý Sơn, tận mắt thấy mô hình thuyền câu được nghệ nhân Võ Hiển Đạt, hậu duệ cai đội hùng binh Hoàng Sa Võ Văn Khiết phục dựng cùng các hiện vật như: chiếu cói, dây mây, đòn tre, thẻ bài, dụng cụ sinh hoạt của binh phu và phiên bản tờ lệnh quý được ban hành ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (Giáp Ngọ - 1834) liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam còn nguyên vẹn nhất được gia tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn gìn giữ gần 200 năm qua hiến tặng cho Nhà nước, những bằng chứng khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, khiến chúng ta càng đau đáu nhớ về Hoàng Sa, nhớ mảnh đất máu thịt của Tổ quốc.
“Biết bao xương máu của người dân đất Việt đã ngã xuống để mở mang, gìn giữ vùng biển Hoàng Sa. Vì thế, thế hệ hôm nay và mai sau phải làm điều cần làm để non sông, mảnh đất của tổ tiên đã có công khai phá thu về một mối”, ông Mai Văn Khánh, ở TP.HCM bày tỏ.
















Sản vật hải sâm được ngâm rượu mà ngư dân Lý Sơn thường hay đãi mọi người biết thêm hương vị của Tổ quốc nơi Hoàng Sa
Trên đảo Lý Sơn, đi đến nhà nào chúng ta cũng bắt gặp những sản vật khai thác được ở vùng biển Hoàng Sa như: các loại vỏ ốc lớn có, nhỏ có, cành san hô khô, hũ ruợu hải sâm.. được người dân chưng trong tủ kiếng.
Thậm chí, một số ngư dân còn mang cả nhánh phong ba, lấy cát vàng từ Hoàng Sa về làm kỷ niệm. Đối với ngư dân Lý Sơn, ngày ngày nhìn đến những sản vật mà mình đã đổ bao công sức mới có được đã nhắc nhở họ vùng biển Hoàng Sa mà cha ông đã để lại mãi mãi là nhà, là mảnh đất mưu sinh quen thuộc nên quyết bám, quyết giữ đến cùng, dẫu có hiểm nguy đến tính mạng.
Những vỏ ốc khai thác từ Hoàng Sa luôn được ngư dân Lý Sơn nâng niu như kỷ vật.
Những sản vật ấy giá trị vật chất chẳng đáng là bao nhưng giá trị tinh thần thì không thể đo đếm. Đó chính là những hiện vật quý giá Hoàng Sa mà mỗi con dân Việt khi ra Lý Sơn mới có thể ngắm nhìn, tận tay sờ được một phần xương thịt của Tổ quốc nơi Hoàng Sa.
Đến bao giờ, người Việt có thể tự do đặt chân lên Hoàng Sa thiêng liêng như cha ông ta, những đội hùng binh ngày xưa đã rẽ sóng ra khơi để mở cõi luôn là câu hỏi của nhiều người đã đến Lý Sơn?
Bài, ảnh: Hiển Cừ

Hoài Trần

About Hoài Trần -

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :