PGS.TS Phạm Quý Thọ khẳng định như trên trước việc Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ngừng mua vàng miếng một chữ thời gian qua.
Đặc quyền SJC
SJC từ chối mua lại chính sản phẩm vàng miếng của mình (ảnh nguồn: Báo Tuổi trẻ).
Thị trường vàng những ngày đầu năm 2016 đã “nóng” hầm hập bởi các doanh nghiệp và cửa hàng vàng ngưng mua vàng miếng SJC loại một chữ hoặc mua mua với khấu hao lớn.
Vàng miếng SJC một chữ (loại một chữ cái trước số seri) được xác định là vàng cũ, từng được lưu thông từ trước khi SJC được công nhận là thương hiệu vàng quốc gia. Cả hai loại vàng một chữ và hai chữ (loại vàng miếng hai chữ cái trước số seri) đều được Công ty SJC khẳng định là vàng 9999, có chất lượng như nhau.
Điều đáng nói sau câu chuyện SJC ngừng mua vàng miếng một chữ ở chỗ, vì sao vàng SJC loại một chữ lại bị “phân biệt đối xử” như vậy và quyền lợi của người giữ vàng trong trường hợp này có được bảo vệ?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, PGS.TS Phạm Quý Thọ – Chuyên gia chính sách công cho rằng đây là đặc quyền “vô tiền thoáng hậu” của SJC.
Đặc quyền này của SJC xuất phát từ việc thị phần doanh nghiệp này chiếm giữ. Đồng thời khi SJC được Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu vàng nhà nước thì đặc quyền đó càng được nhân lên.
PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết, thời điểm năm 2012 trong bối cảnh thị trường vàng trong nước cũng như quốc tế diễn biến phức tạp, câu chuyện người dân đổ xô mua vàng khi giá thấp làm nhiễu loạn thị trường, Nghị định 24 ra đời là chủ trương đúng đắn của Chính phủ.
Nghị định 24 khẳng định “Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật”. Điều đó có nghĩa, người dân được phép cất trữ vàng.
Tuy nhiên trước sức ép thị trường, để giải tỏa áp lực tâm lý người dân về việc nên lưu trữ thương hiệu vàng nào, đồng thời đáp ứng nhu cầu chuyển đổi vàng miếng phi SJC sang vàng miếng SJC, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Công ty SJC gia công vàng miếng SJC từ vàng miếng SJC móp méo, vàng miếng thương hiệu khác.
“Đây chủ trương đúng, cụ thể hóa các bước tiếp theo chống đô la hóa, vàng hóa. Tuy nhiên vấn đề cách làm phải làm sát định hướng kinh tế thị trường và tạo điều kiện cho người dân”, PGS. TS Phạm Quý Thọ cho biết.
Có lợi ích nhóm
PGS.TS Phạm Quý Thọ nhấn mạnh, Công ty SJC được giao nhiệm vụ gia công vàng miếng SJC, vàng móp méo nhằm chuẩn hóa thị trường, chống vàng giả.
“Điều đó có nghĩa chuyện phân biệt vàng một chữ, hai chữ không quan trọng bằng việc đây có phải vàng thật hay không. Chất lượng ra sao còn nếu là vàng thật thì SJC phải có trách nhiệm mua chứ không thể tuyên bố ngừng mua như vừa qua”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nêu quan điểm.
Do đó, việc Công ty SJC thông báo ngừng mua vàng miếng một chữ (dù với lý do gì) dẫn đến cửa hàng vàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng được cấp phép từ chối không mua hoặc mua với phí rất cao là bất công
“Bất công vì nó cũng là vàng, mục tiêu in vàng một chữ, hai chữ không phải kinh doanh mà để chống vàng giả, giúp chuẩn hóa. Trong câu chuyện này tôi nghĩ có lợi ích nhóm”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhấn mạnh.
Lợi ích nhóm mà ông Phạm Quý Thọ muốn nói đến chính là doanh nghiệp kinh doanh vàng. Bởi khi có thông tin SJC ngừng mua vàng miếng một chữ, cửa hàng vàng đã lợi dụng mua lại và ép mức phí cao sau đó lại bán cho SJC với mức phí thấp ăn chênh lệch.
Về phía SJC, đưa ra vấn đề ngưng mua vàng miếng một chữ đã vô tình kích cầu người dân chuyển đổi sở hữu vàng miếng hai chữ. Do đó, sẽ có việc người dân chuyển đổi vàng, doanh nghiệp sẽ thu phí khấu hao, phí gia công.
Tóm lại việc thay đổi, chia tách vàng một chữ, hai chữ khiến SJC điều khiển thị trường theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp.
Việc người dân tích trữ vàng thời nào cũng có, điều này chứng tỏ người dân chưa tin tưởng vào nên kinh tế nên muốn cất trữ vàng phòng thân.
Việc cất trữ vàng phản ứng đúng nguyện vọng chính đáng của người dân, phản ánh tình trạng kinh tế, phản ánh đúng thực tế phát triển vì vậy doanh nghiệp cơ quan quản lý nhà nước phải tôn trọng nhân dân.
“Vàng có chức năng tích trữ, ngang giá, trao đổi. Vấn đề chống vàng giả không phải một chữ, hai chữ mà quan trọng là vàng thật hay vàng giả, có lợi ích nhóm cho một số người nhưng đánh vào túi tiền của rất nhiều người sở hữu vàng”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhấn mạnh.
Mặc dù Công ty SJC đã thông báo được Ngân hàng nhà nước cấp lại hạn ngạch gia công vàng và thu mua trở lại vàng một chữ bình thường tè ngày 13/01/2016 nhưng theo ông Phạm Quý Thọ, qua câu chuyện này, cái mất lớn nhất là mất niềm tin người giữ vàng.
“Chúng ta hướng đến kinh tế thị trường vì vậy mọi cải cách hướng đến thuận tiện cho nhân dân”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nói.
Cũng theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, việc Ngân hàng Nhà nước gia hạn cho SJC được gia công 30.000 lượng vàng trong 6 tháng đầu năm 2016 cũng không hợp lý bởi chỉ gia hạn mức khi liên quan đến lợi ích quốc gia. Còn thực tế, gia công bao nhiêu do nhu cầu thị trường, thị trường quyết định không nên cứng nhắc, bởi như vậy chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi.
THEO GIÁO DỤC