(Xây dựng) - Năm 2015, thế giới đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc và sự kiện quan trọng. Hãy cùng điểm lại những sự kiện gây nổi bật gây chấn động đến thế giới và truyền thông trong năm qua.
Ảnh: AFP
Bắt đầu từ tháng 4 năm 2015, thế giới bắt đầu phải chú ý tới vấn đề tỵ nạn vào châu Âu khi 5 chiếc thuyền tỵ nạn bị lật và giết chết 1.500 người. Sau đó, sự việc bé trai Syria xảy ra và khiến cho cả thế giới bừng tỉnh về vấn đề này.
Bức ảnh cậu bé Syria trôi dạt vào bờ biển là bức ảnh gây chấn động nhất thế giới. Ảnh: AP
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO), đã có gần 474.000 người di cư và tị nạn đã vượt biển Địa Trung Hải đến châu Âu trong năm nay. Trong đó, hơn 2.600 người thiệt mạng, cao hơn gần 20% so với năm ngoái.
Hiểm họa mang tên IS
IS trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng trên toàn thế giới trong năm qua. Hiểm họa từ phiến quân IS thực sự rõ rệt từ ngay thời gian đầu của năm 2015. Với mức độ tàn bạo khét tiếng, nhóm này liên tục thực hiện các vụ chặt đầu hay thiêu sống cùng các hình thức hành quyết man rợ thời Trung cổ.
Cụ thể, chúng tuyên bố hành quyết hai nhà báo người Tunisia bị mất tích hồi tháng 9/2014. Ngoài ra, chúng còn tuyên bố bắt con tin người Nhật Bản Kenji Goto (người mặc áo da cam) và phi công người Jordan Maaz al-Kassasbeh. Tuy nhiên, sau đó IS đã thẳng tay sát hại họ một cách dã man.
Tấn công tòa soạn Charlie Hebdo
Ảnh: AFP
Những tháng đầu tiên của năm 2015, cả thế giới không khỏi bàng hoàng về vụ xả súng tại tòa soạn Charlie Hebdo, một trong những sự kiện chấn động thế giới và gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa từ các nhóm khủng bố Hồi giáo, điển hình là phiến quân IS.
Cụ thể, sáng 7/1/2015, hai tay súng mặc áo trùm kín đầu, mang theo súng AK bất ngờ xông vào tòa soạn báo Charlie Hebon tại Thủ đô Paris rồi dùng súng tiểu liên bắn xối xả, làm 12 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Không dừng lại ở đó, một loạt các vụ tấn công xảy ra liên tiếp trong những ngày sau đó ở kinh đô nước Pháp.
Đánh bom đền Erawan
Ảnh: AP
Vụ đánh bom đền Erawan, Thái Lan xảy ra ở một giao lộ tấp nập giữa trung tâm thủ đô Bangkok, tối 17/8. 20 người, trong đó phần lớn là du khách Trung Quốc, thiệt mạng, và hơn 130 người bị thương. Một số nghi phạm đã bị bắt giữ. Giới chức nước này cho rằng mạng lưới buôn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã gây ra vụ đánh bom để trả thù Thái Lan sau một cuộc trấn áp.
Động đất ở Nepal
Ngày 25/4, một trận động đất kinh hoàng 8,1 độ Richter đã xảy ra ở Nepal khiến hơn 9.000 người thiệt mạng và 23.000 người bị thương. Ngoài ra, nó còn phá hủy rất nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba
Một trong những bước ngoặt đánh dấu việc hâm nóng trở lại mối quan hệ lạnh nhạt giữa Mỹ và Cuba đó là vào ngày 11/3, hai nước chính thức nối lại đường dây điện thoại liên lạc trực tiếp bị cắt đứt 15 năm.
Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama ngày 11/4. Ảnh: AP
Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên của lãnh đạo hai nước sau hơn nửa thế kỷ thù địch, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương, điều dường như không tưởng đối với nhiều thế hệ người Cuba và Mỹ trước đó.
Tai nạn hàng không
Vào ngày 4/2, chỉ 37 giây sau khi cất cánh, chiếc máy bay trên gặp sự cố ở động cơ bên phải và rơi xuống đường cao tốc gần đó. 58 hành khách đã thiệt mạng và 15 người may mắn sống sót.
Trong ba tháng đầu năm 2015, thế giới đón nhận nhiều tin tức buồn về các tai nạn hàng không. Cụ thể, sau vụ của chiếc QZ8501, chiếc Trans AirAsia của Đài Loan, một máy bay A320 số hiệu GWI18G của hãng giá rẻ Germanwings (Đức) trên con đường từ Tây Ban Nha đến Đức và rơi xuống vùng núi Alps, miền Nam nước Pháp làm toàn bộ 150 người tên máy bay thiệt mạng.
Hiện trường vụ rơi máy bay GWI18G tại vùng núi Alps, miền Nam nước Pháp
Thảm họa giẫm đạp tại thánh địa Hồi giáo Mecca
Người chết và bị thương nằm la liệt trên đường phố. Ảnh: AP
Ít nhất 717 người hành hương thiệt mạng và 863 người khác bị thương trong vụ giẫm đạp xảy ra ngày 24/9 tại thánh địa Hồi giáo Mecca ở Saudi Arabia. Đây được xem là thảm họa tồi tệ nhất giáng xuống cuộc hành hương thường niên của người Hồi giáo 25 năm qua. Thảm họa xảy ra khi hai nhóm lớn người hành hương gặp nhau tại một giao lộ trên đường tới nơi thực hiện nghi lễ “ném đá trừ tà” tại Jamarat.
Lễ hội hành hương Hajj là một trong những dịp tập trung đông người nhất thế giới và là một trong những sự kiện linh thiêng nhất của các tín đồ Hồi giáo. Saudi Arabia đã chi hàng tỷ USD để mở rộng không gian của các thánh đường ở thành phố Mina song thảm họa vẫn xảy ra. Sự cố này như lời cảnh tỉnh đến giới chức Saudi rằng họ cần tiếp tục hành động để ngăn những vụ việc tương tự.
Khủng bố liên hoàn tại Paris
Ảnh: Reuters
Một loạt 6 vụ tấn công khủng bố liên hoàn, gần như đồng thời tại Paris tối 13/11 khiến ít nhất 153 người thiệt mạng, đã khiến cả thế giới rúng động. Tất cả đều được thực hiện một cách lạnh lùng, tàn nhẫn và dường như để trả đũa việc Pháp tấn công IS tại Syria. Đích thân tổng thống Pháp, Francois Hollande đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Pháp và ra lệnh phong tỏa biên giới quốc gia này.
Tháp Eiffel ở Paris tỏa ánh sáng theo ba màu trên quốc kỳ Pháp hôm 16/11. Ảnh: AP
Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất vào Paris kể từ Thế chiến II và cũng là lần thứ hai trong năm Paris rúng động vì bị tấn công khủng bố sau vụ xả súng tại trụ sở tạp chí trào phúng Charlie Hebdo.
Vụ bắn rơi Su-24 của Nga
Phi cơ Su-24 của Nga bốc cháy và rơi xuống một khu vực đồi núi phía Bắc Syria sau khi bị chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngày 24/11. Ảnh: Reuters.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố bắn hạ Su-24 với lý do máy bay Nga xâm phạm không phận. Tuy nhiên, phía Nga lại cho biết phi cơ của họ đang hoạt động ở Syria và chính chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ mới đi vào không phận Syria.
Căng thẳng giữa Moscow và Ankara ngay sau đó tăng cao. Nga đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế như cấm nhập khẩu một số loại thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ, dừng một số dự án. Nga còn tố Thổ Nhĩ Kỳ trục lợi từ việc buôn lậu dầu với Nhà nước Hồi giáo (IS), cáo buộc Ankara bác bỏ.