Những chuyện ăn bớt, ăn xén của từ thiện, cứu trợ bão lụt hoặc những đàn dê, đàn gà ủng hộ dân nghèo “đi lạc” vào nhà bí thư chủ tịch xã nọ, huyện kia xảy ra nhiều nơi tuy gây cười, phẫn nộ cho nhiều người, nhưng đó vẫn chỉ là chuyện "cướp cơm chim", tham nhũng vặt của những quan tham nhũng, tép riu cấp thôn, cấp xã mà thôi.
Nhưng những chuyện chướng tai, gai mắt ấy không dừng ở đó. Nhiều nơi, từ Thanh Hóa đến Cà Mau đã xuất hiện những cuộc "hội thảo khoa học" về thuốc, về thực phẩm chức năng, những cuộc khám sức khỏe miễn phí đình đám... tìm dân nghèo làm phúc, treo "đầu dê -từ thiện" rất to, nhưng mục đích chính là bán món "thịt chó- thực phẩm chức năng", một số nơi còn bán nồi, niêu, xoong, chảo được đôn giá lên rồi kèm với thuốc chữa bệnh "miễn phí".
Nạn nhân của những vụ lừa đảo mỹ miều này là bà con nông dân nghèo vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, nơi người dân vốn thiếu ăn, thiếu thuốc men thường xuyên, lại thật thà dễ tin vào lòng tốt của thiên hạ. Những vụ lừa đảo như vậy không thể không có sự đồng lõa, tiếp tay của một số cán bộ biến chất.
Không còn là chuyện "cướp cơm chim", cũng không phải do lơ là, nhẹ dạ mà đó là những vụ lừa đảo có tổ chức do một số công ty TNHH lập ra với mục đích có thể khẳng định là moi tiền dân nghèo. Những "nhân danh", những "mục đích cao cả", đã được tận dụng tối đa mà phần thiệt thòi thuộc về người dân. Đây rõ ràng là điều rất xót xa, là thực tế không thể phủ nhận. Lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn, nhiều bao nhiêu cũng là chính đáng, đáng tôn trọng. Nhưng nhân danh từ thiện hay những gì gọi là cao cả khác để moi tiền dân là cướp bóc, lừa đảo đến mức không thể chấp nhận.
Người nghèo và dân vùng sâu, vùng xa khi nghe tin được "khám bệnh miễn phí" là mừng rơn vì cả đời họ chưa chắc đã được một lần gặp bác sĩ. Họ không có tiền xe, tiền tàu đi khám, cũng không có cả tiền trả công thầy thuốc, nay bác sĩ về tận nơi, lại miễn phí thì còn gì bằng! Nhờ đó mà họ đặt niềm tin vào mấy ông (phải gọi là) lang băm khi những tay săn tiền này vẽ ra cho họ đủ thứ bệnh "thích hợp" với hàng hóa mang theo.
Người dân tin ở Trời Phật, bòn mót đồng tiền cuối cùng "cúng dường tam bảo", nhưng đã có một bộ phận không nhỏ nhà sư biết uống bia, hút thuốc lào, ăn thịt chó - dùng những đồng tiền thiêng liêng ấy cho ăn xài cá nhân và gia đình, thậm chí làm giàu!
Người dân luôn sẵn lòng biết ơn người đi trước, luôn muốn ghi công xứng đáng những đóng góp của cha ông qua tưởng niệm, tượng đài hay những công trình văn hóa khác. Nhưng tượng đài hàng ngàn tỷ cũng có khi được nhân danh để làm giàu cho cá nhân mà những kẻ phải ra tòa trong vụ tượng đài Điên Biên Phủ mười năm trước là một chứng cứ.
Kẻ ăn cắp có thể được tha thứ vì đã nhận mình là kẻ ăn cắp, ở tù để trả nợ đời. Nhưng nhân danh lòng nhân ái, nhân danh Trời Phật hay thánh thần để móc khố người nghèo thì ngay cả địa ngục nếu có cũng vẫn còn quá nương nhẹ với họ.