Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Hoài Trần

- Hủ tục gây sốc: Đào mộ yểm bùa để diệt 'ma trùng'


Khi người thân đột nhiên sinh bệnh trùng với lúc trong họ có người chết, người nhà sẽ mang cuốc xẻng đi xới tung mộ người chết để yểm bùa.

 
Người dân 2 thôn Xuân Thiên Thượng và Xuân Thiên Hạ (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), bao đời nay còn lưu truyền hủ tục rùng rợn gọi là ‘ma trùng’.
 
Bà Phạm Thị Manh (trú thôn Xuân Thiên Hạ) rưng nước mắt khi kể lại câu chuyện gia đình mình:
 
Vào tháng 7/2005, ông Võ Văn Dương (chồng bà) chết vì căn bệnh ung thư. Đúng 1 tuần sau, ông Võ Văn Hải (người trong họ) đang khỏe mạnh bỗng nhiên mắc chứng ‘bệnh lạ’, chân tay co giật liên hồi, cơ thể suy nhược, tinh thần sa sút.
 
Nửa đêm nằm ngủ, ông Hải thường la hoảng, nói trong cơn mơ thấy ông Dương hiện về đè lên người. Nghe vậy, người chú ông Hải quả quyết: ‘Chắc là linh hồn chưa siêu tán của ông Dương về ám rồi đây’.
 
Những người trong gia đình ông Hải cũng đồng tình phải quật mộ ông Dương lên để diệt cho kỳ được con ‘ma trùng’.
 
Nghe phong phanh mộ chồng sắp bị đào lên, bà Manh phải cầm đèn pin ra ngồi canh mộ. Suốt 1 tháng trời, cứ tầm chiều tối là bà và đứa con gái lại thay phiên nhau ra canh mộ đến sáng mới về. Lo lắng, sợ hãi khiến bà Manh cũng đổ bệnh.
 
Hoặc vụ việc xảy ra hồi đầu năm 2011, cụ ông Phạm Chương (85 tuổi) trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh do tuổi già sức yếu.
 
20 ngày sau, đứa cháu gái cùng họ với cụ là Nguyễn Thị Kim Mai đang khỏe mạnh bỗng nhiên phát bệnh nặng. Bố mẹ cháu Mai thấy vậy vội đi nhờ thầy bói tìm cách chữa trị.
 
Thầy bói phán rằng, đứa trẻ bị ‘âm hồn’ của người mới chết trong họ ‘ám’, muốn bắt đi cùng!
 
Tin lời nói ấy là thật, bố mẹ cháu bé tức tốc gọi điện từ TP HCM ra cho người nhà ở Huế hỏi xem trong họ tộc mình có ai vừa chết không.
 
Ông Phạm Hến (SN 1944, trú thôn Xuân Thiên Thượng), tức ông nội cháu bé nghi ngờ cái chết cách đó 21 ngày của cụ Phạm Chương có liên quan.
 
Phần mộ cụ Phạm Chương được đắp lại sau khi bị đào bới, phóng hỏa. Ảnh: Công an TP Đà Nẵng.
Ngay tối hôm đó, ông Hến gọi cháu là Phạm Phúc (SN 1962, người trong thôn) đến uống rượu và kể rõ sự tình. Hai người bàn định kế hoạch đào trộm mộ cụ Chương để yểm bùa chú với hy vọng cứu được mạng sống đứa cháu ở TP HCM.
 
Đêm 4/3/2011, ông Hến và Phúc vác cuốc xẻng, mang theo xăng dầu đến mộ phần của cụ Chương. Hai người đào một cái hố sâu hơn 1m ngay giữa quan tài người chết, sau đó nhét đầy rơm rạ rồi rưới xăng phóng hỏa, trừ tà.
 
Họ cứ nghĩ đã diệt được con ‘ma trùng’ là đứa cháu sẽ khỏe mạnh trở lại nhưng bệnh tình đứa bé ngày càng nặng hơn, gia đình phải đưa bé đi bệnh viện cấp cứu.
 
Mấy ngày sau, anh Phạm Tiến (con trai cụ Chương) từ TP Huế về quê để làm lễ cúng tuần cho cha bỗng tá hỏa khi nhìn thấy đất đai quanh mộ bị xới tung.
 
Nóng giận, anh Tiến vác dao sang nhà 2 ông Hến, Phúc ‘hỏi tội’. Không vừa, ông Hến và Phúc lớn tiếng thóa mạ. Rất may mọi người kịp thời can ngăn nên chưa xảy ra hậu quả.
 
Vụ việc sau đó được trình báo lên chính quyền và công an địa phương.
 
Trong buổi hòa giải tại hội trường thôn, 2 ông Hến và Phúc sau một hồi quanh co đã chịu xin lỗi và mong được gia đình bị hại tha thứ.
 
Ông Hến trình bày nguyên do xâm phạm mồ mả trái pháp luật cũng chỉ vì tư tưởng lạc hậu, mê tín dị đoan, thiếu hiểu biết.
 
Được biết, năm 2006, ông Hến đã từng đi đào trộm mộ của người phụ nữ trong họ tộc để chữa bệnh cho người con bác ruột.
 
Theo quan niệm lâu đời của người dân nơi đây, khi một gia đình đã bị ‘ma trùng’, nếu muốn sống yên ổn thì phải mời thầy lang về cúng bái rất kỹ lưỡng, yểm bùa chú đuổi tà ma.
 
Cũng có khi người khỏe vừa đổ bệnh, người thân trong gia đình cầm cuốc, xẻng, gậy gộc, ôm rơm rạ, củi… ra mộ người mới chết đó (đã hóa thành ‘ma trùng’), đốt lửa bên mộ, đào quan tài lên quay hướng về phía khác.
 
Sau đó ‘đội quân’ đi triệt con ‘ma trùng’ phải tìm hướng khác về nhà, không được đi về con đường cũ, nếu không ‘ma trùng’ theo dấu về bắt người tiếp.
 
Trường hợp gia đình bà Nguyễn Hương, khi chồng bà qua đời, có người nói là ông chết vào ngày trùng tang, ông sẽ bắt vài người trong dòng họ đi theo.
 
Chưa đầy 1 tuần, cháu Trần Thi Sương đi học về bỗng dưng lăn đùng ra, người co giật, mê man bất tỉnh.
 
Gia đình hốt hoảng tìm cách chữa trị cho cháu nhưng không thấy đỡ, anh em trong gia đình cho rằng ông Trần Đức (chồng bà Hương) về bắt cháu Sương, liền chạy ra quật mộ ông Đức lên để diệt con ‘ma trùng’ cho cháu Sương có cơ hội sống.
 
Mấy năm trôi qua mà bà Hương vẫn chưa hết nghẹn ngào: ‘Lúc thấy như vậy, tui cũng chỉ biết lặng người đi không nói được gì hết, để cho họ đào mộ ông nhà diệt ‘ma trùng’ cứu sống người chứ biết làm răng được. Nếu không cho thì con họ chết oan, tui lại mang tội suốt đời’.
 
Quan niệm về ‘ma trùng’ và việc triệt hạ nó đã trở thành hủ tục từ rất lâu, ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân ở 2 thôn Xuân Thiên Thượng và thôn Xuân Thiên Hạ.
 
Những năm trở lại đây người chết đều được xây mộ kiên cố để tránh những trường hợp đào bới lênyểm bùa theo quan niệm ‘ma trùng’. Việc đào mộ người chết không chỉ làm ảnh hưởng đến thế giới tâm linh mà còn xúc phạm đến người còn sống.
 
Các cụ cao niên trong làng kể về hủ tục ‘ma trùng’. Ảnh: Công an TP Đà Nẵng.
Không để hủ tục tồn tại
 
Theo cụ Phạm Đối, cao niên trong làng, ‘việc đào bới mộ người chết lên để yểm bùa theo quan niệm ‘ma trùng’ có từ lâu đời.
 
Theo quan niệm của tục ‘ma trùng’, khi có người trong họ tộc bị chết, con cháu họ hàng bỗng dưng phát bệnh một cách khó hiểu hoặc nằm mơ thấy điềm chẳng lành, người ta cho rằng chính vong hồn người mới chết đó đã ám.
 
Vậy là họ dùng xăng, dầu phóng hỏa để ‘hù dọa’ hồn ma. Do là người cùng họ hàng, quen biết nhau nên khi phát hiện ra chuyện, người dân không báo lên chính quyền mà tự tìm cách giải quyết’.
 
Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân cho biết: ‘Trước đây người dân truyền miệng nhau là con ‘ma trùng’ bắt người sống, rồi nghe thầy lang lén lút ra mộ người chết đốt lửa, đào bới mộ lên ‘hăm dọa’ hồn ma.
 
Nhưng trong vài năm trở lại đây, chính quyền xã Vinh Xuân nói riêng và Thừa Thiên – Huế nói chung đã tích cực nỗ lực hướng đến thay đổi nhận thức của người dân.
 
‘Ma trùng’ kéo theo hệ lụy không nhỏ, làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân gây tâm lý hoang mang.
 
Chính quyền địa phương cũng có nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền, vận động, bài trừ hủ tục ghê rợn này, đồng thời tiến hành xử lý mạnh tay những trường hợp vi phạm, cố ý lôi cuốn người dân vào hủ tục đó’.
 
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi.
 
Nguồn: Baodatviet.vn

Hoài Trần

About Hoài Trần -

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :