Tròn 20 năm trước, ông Võ Văn Kiệt gửi một bức thư nổi tiếng nêu quan điểm và tư tưởng của ông về nhiều vấn đề chiến lược của Việt Nam cho Bộ Chính trị ĐCSVN.
Ngày 09/8/1995, cố Thủ tướng Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt đã gửi một bức thư cho Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khuyến nghị, cảnh báo và nêu quan điểm về một số vấn đề được cho là có tầm chiến lược đối với Việt Nam vào thời điểm đó.Tròn 20 năm sau sự kiện này, trao đổi với BBC từ Hà Nội, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban cố vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời các thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nhìn lại bối cảnh, ý nghĩa của bức thư này và cho rằng tư tưởng trong bức thư 'Gửi Bộ chính trị" của ông Võ Văn Kiệt vẫn còn giữ nguyên giá trị và tính thời sự. Bà nói với BBC hôm 08/8/2015: "Tôi nghĩ cả bốn điểm cốt lõi trong thư của ông Võ Văn Kiệt đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị thực tế của nó.
Lẽ ra Việt Nam đẩy tới theo hướng đó thì sẽ có thể có lợi hơn cho mình rất nhiều trong phát triển... trong những năm sau này Việt Nam lại trở thành càng ngày càng lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Những hướng đi đó, tôi nghĩ không thật là trúng Bà Phạm Chi Lan
"Mặc dù Việt Nam cũng đã phát triển nền kinh tế của mình theo hướng thị trường, cũng theo đổi khá nhiều, nhưng Việt Nam cũng vẫn định hướng cho mình là một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Và do quan niệm theo xã hội chủ nghĩa đó cho nên trên thực tế nó đưa Việt Nam tới tình trạng là 20 năm sau bức thư của ông Võ Văn Kiệt, 20 năm sau những cột mốc có thể tạo thay đổi cho Việt Nam thì Việt Nam cũng vẫn có một nền kinh tế nửa thị trường, nửa nhà nước chỉ huy.
Do lý do này, theo bà Phạm Chi Lan, người cũng từng là Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, thì Việt Nam đã ở một tình thế 'rất khó phát triển'.
Nhà quan sát và phân tích kinh tế, chính trị Việt Nam nói tiếp:
"Thậm chí trong thời gian gần đây lại còn có những động thái cho thấy trên thực tế là Việt Nam lại quay trở lại theo hướng kinh tế nhà nước nhiều hơn.
"Ví dụ như với việc phát triển một loạt tập đoàn kinh tế nhà nước, được coi như những quả đấm thép, dồn rất nhiều nguồn lực nhà nước vào đó.
"Hoặc là vài năm gần đây trong khó khăn về kinh tế, thì lại quay trở lại đầu tư công chiếm vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, thì nó không hoàn toàn theo định hướng đó, theo định hướng đúng đắn của kinh tế thị trường, mà đáng lẽ Việt Nam cần phải hướng tới phát triển.
'Hướng đi không trúng'
Bức thư gửi Bộ Chính trị của ông Võ Văn Kiệt 20 năm trước gây sự chú ý như một sự kiện nổi bật, đánh động nhiều giới trong nước, trong đó có nội bộ của Đảng Cộng sản, khi ông đặt ra một loạt vấn đề quan trọng như thách thức và cơ hội trong bối cảnh cục diện thế giới 'ngày nay' vào thời điểm đó.
Hay ông đã nêu vấn đề về năng lực quản lý nhà nước của Việt Nam khi đó thế nào, các vấn đề về xây dựng, vị thế, vai trò của đảng và gợi mở cải tổ đổi mới ra sao.
Đặc biệt ông cũng đặt vấn đề về quan điểm của ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt là Bộ Chính trị nên ra sao trước vấn đề có tính quan điểm, đường lối được đặt ra khi đó là 'chệch hướng hay không chệch hướng' sau gần mười năm Việt Nam tiến hành mở cửa tính từ cột mốc đại hội đảng lần thứ VI (1986), cải cách kinh tế, nhưng có vẻ vẫn còn chậm trễ, thu hẹp trong cải tổ thể chế, đổi mới chính trị, quan điểm, đường lối, nhất là trong mở cửa và hội nhập quốc tế, khu vực.
Đáng lẽ ra nếu mà có thể theo tiếp hướng đó để Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo công cuộc phát triển của đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn thì sẽ hơn rất nhiều, nhưng sau này cũng có những cái về vai trò của đảng thì tôi nghĩ cũng vẫn phải hoạch định lạiBà Phạm Chi Lan
Bà Phạm Chi Lan bình luận tiếp về ý nghĩa, giá trị và tính thời sự của bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt:
"Hay trong quan hệ hợp tác quốc tế cũng vậy, Việt Nam lẽ ra trong bối cảnh đã là thành viên của Asean, đã thiết lập quan hệ với các đối tác quan trọng ở các nước phương Tây trên thế giới như vậy, thì lẽ ra Việt Nam đẩy tới theo hướng đó thì sẽ có thể có lợi hơn cho mình rất nhiều trong phát triển.
"Thay vào đó trong những năm sau này Việt Nam lại trở thành càng ngày càng lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Những hướng đi đó, tôi nghĩ không thật là trúng."
Về vấn đề 'xây dựng Đảng' mà ông Kiệt đã đề cập trong bức thư, nhà quan sát phân tích tiếp:
"Hay là việc xây dựng Đảng thì cũng vô cùng cần thiết. Bởi vì chính Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng đã lãnh đạo Việt Nam trong bao nhiêu năm, trong thời gian chiến tranh, thì tất cả những công lao đóng góp của Đảng Cộng sản thì cũng đều được ghi nhận.
"Hay là khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công cuộc đổi mới của đất nước Việt Nam vào cuối năm 1986, thì cũng được tất cả người dân Việt Nam đánh giá cao, cũng như cộng đồng quốc tế hoan nghênh và ủng hộ quá trình đó.
Bức thư hai thập niên trước của cố Thủ tướng Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt, vẫn còn nguyên giá trị thời sự, theo bà Phạm Chi Lan.
"Thì đáng lẽ ra nếu mà có thể theo tiếp hướng đó để Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo công cuộc phát triển của đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn thì sẽ hơn rất nhiều, nhưng sau này cũng có những cái về vai trò của đảng thì tôi nghĩ cũng vẫn phải hoạch định lại, để làm sao cho nó thực sự đóng vai trò tiên phong hơn nữa trong công cuộc đổi mới của chính Việt Nam để vượt lên."
"Thì đáng lẽ ra nếu mà có thể theo tiếp hướng đó để Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo công cuộc phát triển của đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn thì sẽ hơn rất nhiều, nhưng sau này cũng có những cái về vai trò của đảng thì tôi nghĩ cũng vẫn phải hoạch định lại, để làm sao cho nó thực sự đóng vai trò tiên phong hơn nữa trong công cuộc đổi mới của chính Việt Nam để vượt lên."
'Phải thay đổi rất mạnh'
Đề cập tình hình, bối cảnh hiện nay của Việt Nam, nhìn lại bức thư của chính khách cao cấp của Đảng và nhà nước Việt Nam hai thập niên về trước, bà Phạm Chi Lan nêu quan điểm:
"Chính lúc này là lúc mà Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều thách thức của một giai đoạn phát triển mới khi mà Việt Nam đã tham ra được rất nhiều các hiệp định FTA (Hiệp định thương mại tự do) với các đối tác khác nhau, tới đây còn được tham gia vào TPP (Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương), khi mà TPP hoàn thiện.
Về thách thức hội nhập hoặc thách thức cạnh tranh của Việt Nam, thì tôi lo nhất là thách thức về cạnh tranh về mặt thể chế phát triển của Việt Nam, môi trường kinh doanh của VN. Mà cái đó nằm trong tay nhà nước, nằm trong sự lãnh đạo của Đảng CSVN - Bà Phạm Chi Lan
"Thì với bước phát triển như vậy, nó đòi hỏi nhà nước Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam phải thay đổi rất mạnh cách thức đối với Đảng là lãnh đạo, đối với nhà nước là cách thức quản lý đất nước của mình thì Việt Nam mới vượt lên được.
"Và trong những thách thức tới đây của Việt Nam thì thành thật mà nói, khi tôi vẫn hay đi chia sẻ với các doanh nghiệp ở các nơi về thách thức hội nhập hoặc thách thức cạnh tranh của Việt Nam, thì tôi lo nhất là thách thức về cạnh tranh về mặt thể chế phát triển của Việt Nam, môi trường kinh doanh của Việt Nam.
"Mà cái đó nằm trong tay nhà nước, nằm trong sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam," bà Chi Lan bình luận về bức thư của cố Thủ tướng Việt Nam.
Ông Võ Văn Kiệt sinh năm 1922, qua đời năm 2008, là một trong các chính khách hàng đầu của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới kinh tế của Đảng và nhà nước Việt Nam, thường được nhắc đến là giai đoạn "Mở cửa".
Ông từng là Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ từ tháng 8/1991 tới tháng 9/1997.
Trước đó, trong thời kỳ hậu cuộc chiến Việt Nam, ông còn nắm các chức vụ như Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1982-1989).
Cho tới nay, ông vẫn được đánh giá là một trong các chính khách lãnh đạo có đầu óc, tầm tư tưởng 'đổi mới và cấp tiến' hàng đầu trong số thành viên của Ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam qua các thế hệ lãnh đạo, chấp chính.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/08/150808_vovankiet_letter_politburo