Thảm sát nối tiếp thảm sát: Tội ác đến từ đâu
Trong mỗi con người ngoài tính thiện còn có một con quỷ, chỉ cần có cơ hội bị kích thích, kích động là trỗi dậy. Tính ác tiềm ẩn là thế! Mỗi cá nhân cần phải cảnh giác với tính ác của chính mình.
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ giết người man rợ, giết nhiều nạn nhân cùng một lúc, cách giết người thì... tàn độc, ghê rợn. Pháp trị nghiêm minh, nhưng bao nhiêu án tử hình mà tội ác dã man vẫn xảy ra. Giải pháp nào để con người đối xử với nhau trong tình nhân ái?
Ngày 2.7, Vi Văn Hai (tức Mằn) giết 4 mạng người Tày Poọng ở Tương Dương, Nghệ An làm cho dư luận cồn lên “trời long đất lở” chưa kịp dịu xuống thì 5 ngày sau cả nước lại rúng động bởi hai tên sát nhân Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến cùng một lúc giết 6 sinh mạng ở Bình Phước bằng kiểu sát nhân man rợ và tàn bạo như thời trung cổ. Dư luận vừa “thở phào” vì hung thủ cả 2 vụ sát hại người tàn độc đã bị bắt thì đùng một cái... chiều tối 12.8 lại thêm 4 người dân tộc Dao bị giết bởi nghi can Đặng Văn Hùng ở Yên Bái. Thảm sát nối tiếp thảm sát đặc biệt nghiêm trọng chỉ trong vòng hơn 1 tháng khiến những trái tim sắt đá cũng rung lên, những lòng dạ thờ ơ vô cảm cũng dâng trào phẫn nộ và cái đầu trăn trở nghĩ ngợi phải đặt ra câu hỏi: Tội ác đến từ đâu?
Vi Văn Hai |
Đặng Văn Hùng |
Nguyễn Hải Dương |
Giải thích thế nào khi Vi Văn Hai (Mằn, 20 tuổi), ở bản Phồng, Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An vào vườn nhà anh Lò Văn Thọ hái chanh rồi nảy sinh mâu thuẫn; quá mù ra mưa, Mằn lấy dao đi rừng chém chết người cãi nhau với mình? Không dừng ở đó, cái gì đẩy cơn hiếu sát cuồng lên, Mằn tiếp tục giết thêm 3 người nữa là vợ, con và mẹ anh Thọ.
Cắt nghĩa thế nào khi nghi can Đặng Văn Hùng 26 tuổi sát hại 4 người trong gia đình anh Trần Văn Long ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, Yên Bái chỉ vì chuyện mâu thuẫn cá nhân ruộng rẫy?
Hóa ra, những cái chết thảm khốc không đáng xảy ra khởi nguồn từ những chuyện vặt vãnh và chỉ là mâu thuẫn cá nhân nhỏ nhặt quan hệ ứng xử hàng ngày “quá mù ra mưa”, chuyện bé xé thành chuyện to, rồi bột phát như ngọn lửa bùng cháy trong những cái đầu bốc hỏa quá nóng thiếu kiềm chế. Ở đây có câu chuyện dân trí thấp, cả hai vụ thảm sát ở Nghệ An và Yên Bái thì các sát thủ đều là những kẻ thất học, đầu óc tối tăm; sát thủ và các nạn nhân đều là người dân ở khu vực rừng núi, giao thông cách trở. Kinh tế khó khăn tự cung tự cấp, nhà cửa tuềnh toàng, bản làng heo hút xa vắng, thiếu hiểu biết pháp luật, sống bản năng hoang dã. Họ đều không được trang bị kỹ năng sống và phòng vệ, không biết kiềm chế, làm chủ ý nghĩ và hành động giữ thân sống mới là việc đầu tiên. Không biết nhường nhịn, nhẫn nhục, bớt nóng giận, chỉ khăng khăng ăn thua bởi cái bản ngã quá lớn, hành động bột phát... đến khi lãnh đủ cái chết thì đã quá muộn.
Nếu như sát thủ Vi Văn Hai có vẻ đần, lơ ngơ và Đặng Văn Hùng ra vẻ ăn chơi ngổ ngáo, sát hại nhiều người nhuốm màu sắc bản năng hoang dã vẫn là chủ yếu và bột phát giết người thì Nguyễn Hải Dương chủ mưu giết 6 sinh mạng gia đình ông Lê Văn Mỹ ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước lại rất tỉnh táo, sặc mùi thực dụng thời hiện đại kinh tế thị trường. Dương lên kế hoạch bài bản, tỉ mỉ, sát thủ có âm mưu, tính toán: ‘Trước đó, Dương... mua súng bắn bi, súng bắn điện, dao dài 30cm, dao bấm có lưỡi 7cm, và sim rác, găng tay, khẩu trang bịt mặt, băng keo...”. Để tạo chứng cớ ngoại phạm, Dương lên kế hoạch sát hại các nạn nhân và phương án tẩu thoát. Trường hợp này phạm tội ở môi trường hoàn cảnh xã hội công nghiệp hiện đại, chứ không phải nơi hoang sơ rừng xanh núi đỏ nên tính chất tội phạm chuyên nghiệp hơn. Thường là xã hội phát triển cao thì tội phạm cũng tinh vi, chuyên nghiệp mà các “bố già” cầm đầu mafia và các vụ sát thủ cướp nhà băng ở các nước phương Tây kể ra không bao giờ hết chuyện.
Nhà văn M.Gorki khi bàn về tác phẩm Anh em nhà Karamazov của Dostovski đã chỉ ra các vụ giết người dã man đều có nguyên nhân xã hội một khi “tất cả những gì mang tính người đều bị truy bức, tất cả những gì mang tính thú vật đều được cổ vũ” và điều đó sẽ tiếp tục xảy ra ở xã hội có hoàn cảnh tương tự. Xã hội Việt Nam hiện đại không cổ vũ tính thú vật, nhưng vô cảm thì tăng nhân ái thì giảm và người ta đang lơ là việc giáo dục nhân tính. Nếu môi trường sống trong lành, ấm áp, giàu tình thương yêu thì sự tranh giành, lường gạt, dối trá sẽ bớt đi và những kẻ phi nhân tính cũng bớt hung hãn. Đời sống bất ổn, bất trắc thì sẽ sinh ra nhiều tội phạm ghê gớm.
Chúng ta đang đứng trước cơn lốc của nền kinh tế thị trường. Kinh tế công nghiệp, con người chịu quá nhiều trước áp lực sinh tồn. Cái bản năng sinh tồn bắt đầu từ hoang dã, sẵn gien trong con người, nhưng một khi đã là chúa tể của muôn loài thì con người giết đồng loại tinh vi, khôn khéo hơn, cộng với bức xúc áp lực cuộc sống công nghiệp thì tính ác bị kích hoạt tận cùng.
Hành vi không kiểm soát được cái đầu tăm tối đã bị giông bão kinh tế thị trường bủa vây, đè nén. Áp lực mưu sinh như cái lò xo bị ép, khiến hầu hết con người mệt nhoài với chuyện kiếm ăn, làm giàu, thụ hưởng... khiến nhiều người bị sốc, bị stress. Kinh tế công nghiệp mang đến cho con người nhiều của cải vật chất, nhưng nó cũng kịp quật tơi bời hầu hết con người hiện đại mang bệnh tâm thần ít hoặc nhiều. Mặt khác, sách báo, phim ảnh, games bạo lực, ma túy sinh khốn quẫn,... với những cảnh giết người rùng rợn, man rợ nhan nhản, có thể khai thác và đọc, xem từ lúc còn rất nhỏ và bất cứ lúc nào, mà không bị ngăn cấm.
Con người học cái hay thì chậm, học cái dở thì nhanh. Người ta băn khoăn bởi những tên giết người tàn độc như Vi Văn Hai, Đặng Văn Hùng, Nguyễn Hải Dương đều là các chàng trai không xăm trổ, không có vẻ bặm trợn dao búa, không tiền án tiền sự... Vi Văn Mằn được tiếng “rất hòa đồng với mọi người, chưa khi nào thấy anh ta to tiếng đập đánh hay chửi bới bất cứ ai”, lại “được tiếng là ngoan”. Người ta bảo “tẩm ngẩm tầm ngầm đấm chết voi”. Hiền với cục tính chỉ cách nhau sợi chỉ mỏng manh. Cục tính dễ nổi nóng giận bất chợt, cái đầu bốc hỏa thì mất hết lý trí, không kiểm soát được hành động, khi ấy chỉ còn thủ ác không biết ghê tay. Đặng Văn Hùng dù là có vẻ nghênh ngáo, nhưng vẫn chưa có tiền sự, chưa đưa vào diện công an theo dõi. Ông Nguyễn Hải – bố kẻ thủ ác Nguyễn Hải Dương, nói: “Thằng Dương và thằng Tiến là bạn bè thân thiết, hiền lành, ai cũng mến, vậy sao giết người được? Lại giết cái Linh, người mà thằng Dương thương yêu nhất".
Trong mỗi con người có một con quỷ, hoặc là con thú dữ máu lạnh đói khát đang ngủ quên, chỉ cần có cơ hội bị kích thích, kích động là trỗi dậy. Tính ác tiềm ẩn là thế! Mỗi cá thể cũng cần phải cảnh giác với tính ác của chính mình.
Động cơ gây án của Hai và Hùng là bột phát vì mâu thuẫn cá nhân lặt vặt, còn Nguyễn Hải Dương thì cay cú trả thù vì bị phụ tình. Người ta bảo: “số người bị thương vì tình yêu còn nhiều hơn cả số người bị thương vì bom đạn". Trẻ người non dạ, bốc đồng, cứ khư khư tự tôn và sống chỉ vì bản ngã nên không biết “cùng với học cách yêu là học cách chia tay”. Chia tay trong hòa bình, chia tay có văn hóa thì sẽ đỡ đau đớn, tổn thương và hậu quả sẽ không nặng nề. Vả lại, con người dễ bị tha hóa, từ tình yêu đến thù hận và gây tội ác chỉ gang tấc. Dương xuất thân con nhà nghèo đã từng được gia đình ông Lê Văn Mỹ chiều chuộng, được người tình yêu thương, bỗng nhiên bị cắt và rơi xuống địa ngục sa mạc hóa.
Cay cú. Hằn học. Tiếc nuối rồi thù hận sinh ra ác thú cũng chẳng có gì khó hiểu.
Thành ngữ dân gian nói rằng: “Vua cũng thua thằng liều”; hoặc: ‘Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, “một sự nhịn chín sự lành”, chứ “ăn miếng trả miếng” sẽ ra nông nỗi tang thương như ở Nghệ An, như ở Yên Bái. Người xưa nói: “Họa hổ, họa bì, nan họa cốt/ Tri nhân, tri diện, bất tri tâm" (nghĩa là: Vẽ hổ chỉ có thể vẽ da không thể vẽ xương, chỉ biết hình tướng bên ngoài chứ không thể biết được trong lòng con người). Cũng vì quá tin người mà gia đình ông Lê Văn Mỹ ở Bình Phước “nuôi ong tay áo”. Trong xã hội người hiện đại, con người sống phải có niềm tin nhưng cũng rất nên cẩn trọng và hoài nghi.
Pháp trị phải nghiêm minh, nhưng bao nhiêu án tử hình mà tội ác dã man vẫn xảy ra. Vậy thì, phải nghĩ đến dùng... nhân trị? Giáo dục hướng thiện ngay trong bụng mẹ, trong mỗi gia đình: Biết yêu thương từ ngọn cỏ cành cây, nhìn người già và người tật nguyền phải biết xót xa, thương cảm hơn là khinh bỉ, miệt thị. ‘Tiên học lễ, hậu học văn” dường như thời nào cũng đúng, chỉ có xã hội nhân văn thì tội ác man rợ mới không có vườn ươm!
Tuổi trẻ & đời sống