Quân đội TQ muốn mở rộng không lực để đối phó với VN
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc kêu gọi chính phủ Bắc Kinh cho mở rộng hoạt động giám sát trên không và khả năng tấn công với các phi đạn hành trình cao tốc và các máy bay ném bom thế hệ mới để đối phó với các ‘mối đe dọa’ từ Việt Nam, Đài Loan, Ấn Độ, Nhật, và Mỹ.
Trong phúc trình không được công bố công khai, Học viện Tư lệnh Không quân Trung Quốc liệt kê Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, và Việt Nam là ‘các mối đe dọa’ đối với không phận quân sự của Bắc Kinh cho tới năm 2030, theo tường thuật của hãng thông tấn Kyodo vừa được báo chí Ấn trích dẫn.
Ngoài ra, báo cáo cũng nhắc tới 2 chuỗi đảo chiến lược là các khu vực phòng không chính yếu của Trung Quốc trong tương lai. Chuỗi đảo đầu tiên nối liền Okinawa, Đài Loan, và Philippines được nói là khu vực mà giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc xem là thành trì phòng thủ quan trọng, nhất là để chống lại sự hiện quân sự của Hoa Kỳ. Chuỗi đảo thứ nhì bao gồm một vùng rộng hơn trải dài từ chuỗi đảo Izu của Nhật tới đảo Guam và ra tận Tân Guinea mà theo báo cáo là có thể sẽ được Trung Quốc dùng để mở các cuộc tấn công.
Giữa lúc kế hoạch khuyếch trương của hải quân Trung Quốc với một tàu sân bay thứ nhì và một máy bay ném bom mới đang khiến thế giới chú ý, cuộc khảo sát vừa kể cho thấy không lực Trung Quốc cũng đã khởi sự phát triển một sách lược mở rộng tương tự.
Cuộc nghiên cứu kêu gọi chính phủ Trung Quốc đầu tư 9 loại trang thiết bị chiến lược để đối phó với các ‘mối đe dọa.’ Trong số thiết bị đó có các phi đạn hành trình cao tốc phóng từ trên không, các máy bay vận tải cỡ lớn, máy bay chiến đấu thế hệ mới, máy bay tấn công không người lái, các vệ tinh không quân, và các loại bom đạn tự hoạt có điều khiển chính xác.
Phúc trình nói quân đội hùng mạnh của Trung Quốc cần mở rộng khả năng giám sát trên không và khả năng tấn công tới vùng Tây Thái Bình Dương, bao gồm các khu vực gần Nhật Bản.
Phúc trình do viện nghiên cứu của tổ chức chuyên đào tạo lãnh đạo cho không quân Trung Quốc soạn thảo từ tháng 11 năm ngoái.
Báo cáo của học viện này cũng đề nghị hợp tác giữa không quân với hải quân để tăng cường khả năng phòng không trong Vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc lập ra ở Biển Hoa Đông cách đây hai năm và nhấn mạnh tới nhu cầu gia tăng hoạt động tập huấn hỗn hợp.
Phúc trình không đề cập tới việc liệu các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông có nằm trong khuôn khổ kế hoạch quốc phòng của Bắc Kinh hay không.
Tuy nhiên, tiến độ dự án hiện đại hóa không lực Trung Quốc hiện đang chậm hơn so với dự kiến.
Theo IBTimes, South China Morning Post, New Indian Express, Kyodo.