Phóng sinh hình thức và thô thiển, tội nhiều hơn phúc!
Phóng sinh như thế nào cho đúng? Ý nghĩa thực sự của phóng sinh là gì? Chúng ta phải trả lời được những câu hỏi đó trước khi thực hiện nghi lễ phóng sinh, nếu không chúng ta có thể mắc thêm ác nghiệp.
Phóng sinh phải có tâm và hiểu biết
Rằm tháng Bảy, nhiều người tổ chức lễ phóng sinh để cầu nguyện cho gia đình, thân quyến. Ở nhiều chùa, chim cá vừa được thả ra, ngay lập tức có người bắt, vớt trở lại để bán tiếp. Phúc đâu chưa thấy, chỉ thấy tội trước mắt!
Chị Quỳnh Liên (Tp.HCM) kể, mấy hôm trước chị theo bạn đi phóng sinh ở chùa Diệu Pháp, thấy cảnh bạn thả cá phía trước, phía sau có người đi theo vớt, rồi lại mang bán cho hàng cá trước cổng chùa, rồi người khác lại mua thả, rồi lại vớt... Chị cứ băn khoăn tự hỏi "hành động phóng sinh như thế, còn ý nghĩa gì?".
Những con chim phóng sinh bị chết
Nhiều người lên chùa còn chứng kiến hiện tượng người bán chim phóng sinh cắt cụt cánh chim, làm cho chim yếu rồi đem bán cho khách đi chùa làm lễ phóng sinh. Nhưng số con bay được thì ít mà số con chết hoặc bị bắt trở lại thì nhiều. Trước những hình ảnh phản cảm đó có rất nhiều ý kiến phản đối nhưng tình trạng này vẫn diễn ra nhất là dịp lễ, Tết và Rằm tháng Bảy ở nhiều nơi.
Tiến sĩ Phật học, sư cô Nguyên Hương cho biết, việc bắt chim, đánh cá vì mưu sinh là việc làm không có lựa chọn khác cho một số người. Họ vì nghề nghiệp kiếm ăn và nuôi sống gia đình mà làm... nhiều khi miễn cưỡng. Nhưng những người chờ sẵn để bắt những con cá, con chim phóng sinh để trục lợi thì đó là việc làm tham lam và thiếu hiểu biết trầm trọng, có thể gọi là ác nghiệp.
Theo TS. Nguyên Hương, người đi chùa hay có ý định làm lễ phóng sinh không nên mua từ những người này, không được tiếp tay cho những kẻ cơ hội trục lợi từ hành động mang tính từ bi của mình. Đức Phật khuyên mọi người làm gì cũng nên xuất phát từ cái tâm và phải có hiểu biết đúng đắn.
Trong đạo Phật phát triển sau này, phóng sinh chỉ là một phương tiện để tu tập. Về mặt hình thức phóng sinh có nghĩa là mình đừng có cùm kẹp mà để cho các loài vật được tự do. Còn về nghĩa bóng, phóng sinh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, hơn thua và thù hận... ra khỏi con người mình để mình được tự do. Ý nghĩa sâu xa của việc phóng sinh trong đạo Phật là như vậy chứ không phải là mua mấy con chim, con cá đem đi phóng sinh. Hiểu như vậy là rất hình thức và thô thiển.
Phóng sinh thế nào cho đúng?
Nhiều người hiểu nhầm nghi lễ phóng sinh như hiện nay là làm theo lời Phật dạy. Nhưng thực chất, đây là một nghi lễ xuất hiện sau này, ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc vì người Trung Quốc một thời coi trọng lễ nghi. Đạo Phật khi vào Trung Quốc cũng phải dùng phương tiện, nghi lễ đó để chuyển tải thông điệp từ bi và tôn trọng sự sống muôn loài. Nhưng do người đời vì ít suy nghĩ sâu xa, chỉ sao chép nghi lễ hình thức mà quên mất ý nghĩa thực sự của hành động.
Hãy để các loài vật được tự do
Theo TS. Nguyên Hương, khi cứu giúp một chúng sinh nào đó, người có tâm cũng phải làm hết sức lặng lẽ và tế nhị. Chọn nơi vắng vẻ, hay môi trường thích hợp với con vật mình định cứu giúp. Nơi đó con vật phải có cơ hội để sinh tồn và sống sót.
Làm bất cứ việc gì cũng nên đặt cái tâm và sự hiểu biết vào đó chứ không nên làm theo phong trào. Có nhiều người đã bỏ tiền triệu để mua chim phóng sinh nhưng lại cổ vũ việc ăn thú rừng, chim chóc, động vật quý hiếm khác...
“Chúng ta có rất nhiều cơ hội để làm thiện, thay vì dùng tiền mua cá, mua chim phóng sinh, chúng ta có thể tới thăm và tặng quà cho những cụ già neo đơn hay trẻ mồ côi và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác khi có cơ hội”- TS. Nguyên Hương cho biết.
Hiểu Khuê