'Cô giáo gợi ý đóng góp đầu năm, ai dám nộp tiền ít hơn?'
Trước thềm năm học mới, không ít phụ huynh học sinh phải ngược xuôi chạy tiền để lo cho con đến trường. Tuy nhiên, họ lại mơ hồ trước việc nhà trường thu phí tự nguyện.
“Ai cũng đóng cả, mình không đóng cho con sẽ bị thiệt thòi…”
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh đang có con em theo học tại Trường tiểu học Nguyễn Du (phường 1, TP.Vĩnh Long), các khoản thu đầu năm học 2015 là gần 750.000 đồng/học sinh, chưa kể tiền thu hội phí mà phụ huynh tự nguyện đóng. Cụ thể, phí Bảo hiểm y tế là 543.375 đồng; Bảo hiểm thân thể là 100.000 đồng; tin nhắn học đường là 80.000 đồng; bảng tên, logo với giá 2.000 đồng/cái.
Một phụ huynh (xin được giấu tên) nói: “Đầu năm lo xoay tiền không xuể, nào phải đóng tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, tiền tin nhắn, tiền hội phí,.... Thậm chí, tôi phải hỏi tiền vay với lãi suất cao bên ngoài để đóng các khoản tiền cho con. Người ta sao thì mình vậy, đóng nộp cho xong chứ chẳng hiểu rõ phí nào là phí bắt buộc phải đóng và phí nào là tự nguyện (?!).Khi phụ huynh thắc mắc có nhất thiết phải đóng thêm phí Bảo hiểm thân thể hay không thì giáo viên chỉ giải thích qua loa: “Ai cũng đóng cả, mình không đóng cho con sẽ bị thiệt thòi…” Thấy vậy, nên mọi người cứ “bóp bụng” đóng nộp răm rắp mà chẳng cần quan tâm mình sẽ tham gia với công ty bảo hiểm nào và quyền lợi được hưởng là gì”.
Các khoản thu đầu năm
Tuy nhiên, đa phần bậc phụ huynh không biết rằng “bảo hiểm thân thể” chỉ với tính chất tự nguyện, không bắt buộc phụ huynh, học sinh phải mua như bảo hiểm y tế. Nhưng không hiểu sao nhà trường không giải thích tường tận cho phụ huynh nắm về những quy định này, nhất là các gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Khoản phí gọi là tin nhắn học đường (80.000 đồng), nhiều phụ huynh không đồng tình do mức phí quá cao. Một số phụ huynh cho biết, trong suốt 1 năm học có khi họ chỉ nhận khoảng 20 tin nhắn.
Để làm rõ, chiều cùng ngày, PV có mặt tại trường Tiểu học Nguyễn Du để liên hệ công tác. Ông Trần Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường tiểu học này cho biết: “Trước khi triển khai các khoản thu đầu năm đến cha mẹ học sinh, nhà trường có đã có tổ chức họp hội đồng sư phạm. Tuy nhiên, đến khi họp phụ huynh thì giáo viên các lớp lại không giải thích rõ, khiến phụ huynh mơ hồ.
Cụ thể, khoản thu bảo hiểm y tế là 543.375 đồng/học sinh mà giáo viên đề trên bảng chỉ là minh họa, đó là mức phí tham gia cao nhất (?!). Trên thực tế, khoản thu Bảo hiểm y tế, thì phụ huynh học sinh chỉ cần đóng 217.350 đồng, tham gia từ 6 tháng trở lên là được. Riêng Bảo hiểm thân thể thì là hoàn toàn tự nguyện.
Phần phí tin nhắn học đường, nhiều phụ huynh phản ánh không sai. Nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều trường hợp học sinh nhà trường phải nhắn nhiều tin nhắn thông báo liên tục…”.
Trường tiểu học Nguyễn Du
Khi PV đặt vấn đề, tại sao buổi họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm các lớp lại không nêu rõ đâu là khoản thu tự nguyện, đâu là bắt buộc khiến nhiều phụ huynh ngộ nhận “thông báo bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu”. Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du giải thích: “Có thể do phụ huynh học sinh không thắc mắc nên giáo viên các lớp không giải thích”.
Không được “ép” học sinh
Ngày 24/8, trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Lý Đại Hồng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long cho biết: “Để chuẩn bị cho năm học 2015 – 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 911/SGDĐT-GDTrH về việc “Hướng dẫn thu đầu năm và đồng phục cho học sinh” gửi cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố trong địa bàn tỉnh; Hiệu trưởng các trường THPT, THCS – THPT.
Trong công văn còn nêu rõ, nhà trường không được thu các khoản sau: tiền điện, tiền nước sinh hoạt, tiền bảo vệ, tiền vệ sinh, tiền tạo cảnh quang môi trường, tiền mua ghế ngồi cho học sinh sinh hoạt chào cờ,…; Các đơn vị trường học phải thông báo công khai đến cha mẹ học sinh và học sinh các khoản thu đầu năm;
Đối với kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải thực hiện theo quy định tại Điều 10 theo Thông tư “Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh” số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phiếu thông báo về các khoản thu trái quy định
Cũng theo ông Hồng, các trường không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh mà là tự nguyện. Thế nhưng, lại có điểm trường thực hiện trái với quy định này.
Cụ thể, một giáo viên chủ nhiệm của trường Tiểu học Nguyễn Du lại gửi bản photocopy thông báo đến cha mẹ học sinh về các khoản thu như đã được ấn định sẵn như tiền “hội phí” thu như năm qua là 100.000 đồng, phụ huynh có thể đóng cao hơn.
“Cô giáo đã nhắn như vậy rồi thì có phụ huynh nào đóng dưới số tiền trên?", một phụ huynh ý kiến.
Ngoài ra, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Sẽ chấn chỉnh ngay “Liên quan đến các khoản thu đầu năm khiến nhiều bậc phụ huynh thắc mắc, Sở sẽ thông tin ngay đến các trường, chỉ đạo làm rõ về các khoản thu và chấn chỉnh ngay việc giáo viên không giải thích cụ thể đến cha mẹ học sinh về các khoản thu tự nguyện hay bắt buộc”, ông Lý Đại Hồng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long khẳng định với PV báo Người Đưa Tin. |
Thanh Lâm