‘TRAI MÙNG MỘT,
GÁI HÔM RẰM’
SINH ‘GIỜ PHẠM’
Xinh đẹp, ngoan ngoãn, có học thức, chẳng ai ngờ được số phận người con gái này lại long đong, lận đận như vậy. Người ta nói rằng, chị khổ bởi là “gái hôm rằm”
Phải rất khó khăn chúng tôi mới động viên được chị Nguyễn Thị H. (29 tuổi, ngụ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) kể về chuỗi bi kịch chị phải gánh chịu trong cuộc đời đầy oan nghiệt của mình. Xinh đẹp, ngoan ngoãn, có học thức, chẳng ai ngờ được số phận người con gái này lại long đong, lận đận như vậy. Người ta nói rằng, chị khổ bởi là “gái ngày rằm”.
Chuyện ở gia đình có ba người sinh “giờ phạm”
Nói chuyện với chúng tôi, chị H. cho biết : “Tôi là con người khá thực dụng, không tin nhiều vào bói toán. Tuy nhiên, khi chứng kiến những điều trớ trêu, bất hạnh xảy ra với mình, tôi cũng dần tin về sự truân chuyên của những người sinh đúng vào lời nguyền “trai mùng một, gái ngày rằm”. Hình thức cũng chẳng đến nỗi nào, lại được ăn học đàng hoàng, tuy nhiên vì mang tiếng gái ngày rằm mà rất nhiều chàng trai đến rồi lại bỏ đi”.
Chị H. nói rằng, mình sinh ngày 15/7/1986, (ngày âm là ngày rằm tháng 7 (lễ Vu lan, xá tội vong nhân). Khi đó, ở cái làng quê vẫn còn nhiều hủ tục, việc một cô gái sinh đúng ngày rằm tháng 7 là điều gì đó ghê gớm lắm.
Bất cứ ai ốm đau, dù nặng hay nhẹ, người ta lại đổ tại chị sinh vào giờ phạm. Cứ thế, chị H. lớn lên trong sự gièm pha, kỳ thị của xóm giềng. Ngày đó, người khổ nhất chính là mẹ chị H. Bà bị nhà chồng đay nghiến, láng giềng xỉa xói vì cái “tội” đẻ không biết chọn ngày.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chị H. thi đậu vào trường đại học Lao động và xã hội. Ở làng chị, mảnh đất “khỉ ho cò gáy”, việc một người con gái thi đỗ đại học được xem là điều gì lạ lùng lắm. Tuy nhiên, khi nghe tin H. đỗ đại học, không chỉ xóm giềng mà chính những họ hàng của chị cũng bĩu môi mà nói rằng: “Nó có học thế, học nữa thì số cũng khổ, cũng chẳng ra cái gì”. Và rồi, không biết trùng hợp hay lời nguyền có thực, cuộc sống sau này của H. chìm trong nỗi cơ cực về tinh thần.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá trên tay, H. xin vào làm công đoàn ở một công ty gần nhà. Có việc làm, lại xinh đẹp, bao nhiêu chàng trai đến trồng cây si trước nhà. Thế rồi, các cuộc tình cứ chớm nở lại vụt tắt một cách kỳ lạ.
Những chàng trai đến, nói lời yêu rồi lẳng lặng ra đi mà không một lời giải thích. Chuyện lạ kỳ này kéo dài suốt 5 năm. Sau này H. mới biết, họ yêu chị, muốn lấy chị làm vợ nhưng không vượt qua được rào cản gia đình.Có lẽ, chẳng gia đình nào lại muốn con trai mình lấy phải cô gái tuổi Dần lại sinh đúng ngày rằm.
Tuổi xuân của một cô gái thoảng qua như một cơn gió, H. ý thức được điều đó. “Cuối cùng cũng có một người đàn ông vượt qua được sự ngăn cản của gia đình, bỏ qua dư luận để đến với em. Anh ấy là chồng em bây giờ. Em biết rằng mẹ anh ấy đã phản đối và dọa sẽ từ mặt nếu anh quyết định lấy em làm vợ. Thậm chí, bà còn đánh tiếng cho gia đình em rằng sẽ ngăn cản cuộc hôn nhân đến cùng.
Bố mẹ em dù sốt ruột khi thấy con gái sắp lỡ thì nhưng vì lòng tự ái nên khuyên em dừng lại. Nhưng chúng em yêu nhau thật lòng, quyết vượt qua tất cả. Sự cấm cản chỉ dừng lại bằng một lễ cưới khi bụng của em cứ mỗi ngày một lớn hơn. Ngặt nỗi, khi đi xem ngày cưới, em mới biết chồng mình là trai mùng một. Và cũng từ đây, bi kịch gia đình bắt đầu xảy ra”.
Trai mùng một, gái ngày rằm lấy nhau, nhiều người nói rằng đây là đại họa. Mặc dù có bầu nhưng H. về làm dâu trong sự ghẻ lạnh của bố mẹ và họ hàng nhà chồng. Chị sống cam chịu và chỉ biết chia sẻ những buồn vui, lo lắng với chồng. “Em đi siêu âm các bác sỹ nói rằng trong bụng là một bé gái. Không biết số em khổ hay ông trời muốn trêu đùa em mà em chuyển dạ đúng ngày 14/4/2013 (âm lịch).
Thấy vợ chồng em đưa nhau đi viện chuẩn bị đẻ, bố mẹ chồng em lo lắng. Tuy nhiên, họ không lo cho sức khoẻ của em, của cháu nội họ mà lo vì mai lại chính là ngày rằm. Lên đến viện, sau khi xem các dấu hiệu, các bác sỹ nói rằng khả năng, em sẽ sinh vào đúng sáng 15”, H. ngậm ngùi kể.
Nghe tin dữ, bố mẹ chồng H. mặt tái mét như trúng gió độc. Họ chụm đầu vào nói chuyện gì đó rồi nói với vợ chồng H. rằng phải mổ đẻ để lôi đứa con gái ra khỏi bụng mẹ trước “giờ thần”.
Mặc dù không đồng ý nhưng trước sự cương quyết của bố mẹ chồng, H. nuốt nước mắt vào trong chấp nhận. Rồi ca mổ đẻ cũng được thực hiện. Đứa trẻ sinh đúng 11h30 ngày 14 trong sự mãn nguyện của bố mẹ chồng. Tuy nhiên, ngay hôm đó, mẹ chồng H. đi xem bói thì thầy phán rằng, cô cháu gái của bà mặc dù được mổ đẻ đưa ra trước nhưng “số” nó vẫn sinh ngày rằm.
Việc ba người sinh chạm lời nguyền được xem là “tam sát” chắc chắn sẽ có người phải bỏ mạng. H. bỗng òa khóc nói với chúng tôi : “Số em khổ, số con em cũng khổ theo. Chưa đầy tháng, thỉnh thoảng mẹ em lại bắt đưa đi đến nhà thầy để làm lễ trừ tà, yểm bùa.
Do mổ đẻ, không được bú sữa mẹ nên con em yếu, ốm đau suốt ngày, thấy vậy, họ hàng nhà chồng lại vin vào cái cớ “số” nó đẻ đúng ngày rằm nên mới khó nuôi như vậy. Nhiều đêm, trước sự ghẻ lạnh của nhà nội, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc”.
Là người từng nhiều năm gắn bó tại các tỉnh miền núi phía bắc, chuyên gia Cấn Văn Bình, Chủ nhiệm câu lạc bộ Làng thiền – Định khí công – Dưỡng sinh kể cho chúng tôi về một quan niệm rợn người tại vùng đất Xuân Sơn (tỉnh Phú Thọ) và một vài bản vùng cao tỉnh Tuyên Quang.
Nói chuyện với chúng tôi, ông Bình chia sẻ: “Hiện nay tại vùng đất Xuân Sơn vẫn còn lưu giữ lại những câu chuyện kỳ bí, rùng rợn liên quan đến “ma cà rồng”. Theo họ, “ma cà rồng” là loại quỷ chuyên đi hút máu người và chỉ xuất hiện vào ban đêm.
Những năm 70 của thế kỷ trước, khi về nghiên cứu văn hóa nơi đây, tôi bất ngờ khi người ta lại gắn những đứa trẻ được sinh vào ngày mùng một và ngày rằm là “ma cà rồng”. Họ ngăn cản con em mình chơi với những người sinh vào hai ngày này bằng những câu chuyện ghê rợn về “ma hút máu người”. Ban đầu, tôi không hiểu tại sao họ lại làm như vậy”.
Sau này tìm hiểu, chuyên gia Bình mới vỡ lẽ, người dân vùng cao đồn rằng, những đứa trẻ sinh chạm lời nguyền thường nghịch ngợm, hư hỏng, hay ốm đau và mắc bệnh tật. Chính vì thế, vì muốn ngăn con em mình chơi với những đứa trẻ kia, sợ lây bệnh, nhiễm thói hư hỏng, phá phách, họ thêu dệt nên câu chuyện rùng mình về “ma cà rồng “rồi gán ghép. Chính vì thế, tại vùng cao này, những người sinh vào mùng một và hôm rằm rất khó lấy vợ chồng cùng quê.
“Người dân tộc nơi đây dùng tuổi vợ chồng để tính đứa trẻ trong bụng là trai hay gái. Sau đó để tránh lời nguyền, nếu thấy dấu hiệu đứa trẻ sinh vào ngày mùng một hoặc rằm, họ liền cho sản phụ uống một thứ nước xay từ loại lá kích đẻ. Nhiều sản phụ do chưa đến ngày đẻ, uống nhiều nước lá đến nỗi nôn ọe, mặt xanh nanh vàng. Tôi nghe nói, loại lá này kích đẻ rất nhanh nhưng không tốt cho đứa trẻ.
Chính vì vậy, không ít đứa bé sinh ra ảnh hưởng của nước lá nên ốm đau, thậm chí là chậm phát triển. Tuy nhiên, để con cháu mình tránh lời nguyền, tránh bị gắn với cái tên “ma cà rồng” nên họ chấp nhận. Hơn 40 năm không đặt chân lên Xuân Sơn, tôi cũng không biết hủ tục này có còn được thực hiện ở vùng núi này hay không nữa”, chuyên gia Bình chia sẻ.
TỤC BÁN KHOÁN CON
Sinh một đứa con như ý đã khó, nhưng nuôi con cái còn khó trăm bề. Những đứa trẻ khi sinh ra dễ nuôi không nói gì, nhưng sau khi sinh lại èo uột bệnh tật khiến khó nuôi. Có khi đứa nhỏ được sinh ra nhằm vào ngày “trai mùng một gái hôm rằm”. Nên trong tập quán xưa và nay còn có tục “bán con”.
Bán con theo nghĩa bóng, tức nhờ một người trong họ hàng hay làng xóm, đến dạm mua rồi nuôi dùm, khi đứa trẻ đủ một Giáp (12 năm) phải trả lại cho cha mẹ ruột, nên còn gọi là tục “bán khoán con”. Còn điều kiện nuôi nấng trong 12 năm, do hai gia đình cùng thỏa thuận.
Phần đông các gia đình mở tục bán khoán con có hai lý do chủ yếu : thứ nhất do đứa trẻ là con trai, thứ hai thuộc con cầu con khấn (cầu tự), không muốn đứa trẻ phải yểu tử. Theo văn hóa thần bí, tâm linh do đứa trẻ xung khắc với cha mẹ ruột, nên xung kỵ, hay con sinh ra gặp tật bệnh khó nuôi, cần được “ly tổ” mới hóa giải được.
Trong tục bán khoán còn có những tục lệ khác. Đa số người ở miền Bắc, cha mẹ thường đem đứa nhỏ đến đền Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương) nơi thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (nay thường những nơi có phối tự thờ Đức Thánh Trần). Sắm một mâm xôi con gà, vàng nhang hoa quả cùng một tờ sớ xin bán khoán con cho Đức Thánh Trần bảo bọc nuôi dưỡng trong một số năm.
Cúng bán con xong, ngay tại đền họ đổi ngay họ tên cho con mình, thí dụ tên trong giấy khai sinh là Phạm Văn X. thì sau này phải gọi là Trần Quốc Y. (Trần Quốc là họ của nhà Trần), có người còn đổi cả ngày tháng hay năm sinh theo ngày bán con cho Thánh.
Khi trở về nhà hay ngay tại đền, cha mẹ ruột liền bỏ con trước cửa, sẽ có người được hai bên bàn bạc từ trước (thường là người hợp vía, hợp tuổi với đứa trẻ), thấy cha mẹ đứa trẻ đã bỏ đi xa mới ra bế về nhà nuôi dưỡng.
Có gia đình chỉ nhờ nuôi trong một vài ngày lấy huông rồi đến xin lại, có người nhờ nuôi một số năm đã xin với Đức Thánh Trần. Sau này đứa trẻ có đến ba cha hai mẹ, ba cha là cha ruột, cha nuôi và cha đỡ đầu Đức Thánh Trần, hai mẹ là mẹ ruột cùng mẹ nuôi.
Trong tục bán khoán cho Đức Thánh Trần, cả hai gia đình đều không dám đánh đòn hay răn dạy đứa trẻ, vì đánh đứa trẻ như đánh con của Thánh, đứa trẻ còn được nuông chiều, ăn mặc sung sướng hơn cả cha mẹ đôi bên. Nhiều gia đình còn lo xa, nếu đứa trẻ là con trai, họ xỏ một bên lỗ tai trái cho đeo bông giả gái, như cho ma quỷ không nhận ra đứa trẻ để bắt đi.
Đến thời hạn bán khoán đã hết, gia đình đứa trẻ lại mang mâm xôi con gà, rượu trà hoa quả vàng nhang và tờ sớ đến đền, khấn xin được đưa con về nhà cha mẹ đẻ nuôi dạy. Lúc này đứa trẻ mới được gọi bằng tên thật, và gia đình dạy dỗ chúng như bao đứa trẻ khác.
(trích trong cuốn “Hiệp Hôn Định cuộc” của Nguyễn Việt, đã xuất bản năm 2008)