ĐẠO LÝ CHÂN CHÍNH
Ngày xưa tại một làng chài nọ, có một thanh niên chuyên nghề đi câu cá kiếm sống để nuôi vợ con, trên đường về thấy một người ăn xin hình như đã đói khát năm ba ngày, với vẻ mặt tiều tụy khốn khổ. Chàng thanh niên thương tình, bắt trong giỏ cá của mình vừa đi câu về, cho người ăn xin một con cá.
Người ăn xin đã nướng ăn và tạm thời qua cơn đói khát. Chàng thanh niên về đến đầu xóm vui vẻ kể lại câu chuyện mình đã làm được một việc thiện ích để cứu một người hoạn nạn. Khi nghe nói như thế, anh bạn hàng xóm lắc đầu và nói rằng, việc làm của anh như vậy chưa chắc là đã giúp cho người kia sống tốt hơn. Cho con cá chỉ là bước đầu để giúp người kia qua cơn đói khát, đó là điều tốt, nhưng cậu hãy nên cho người ăn xin cái cần câu, để ông ta tự mình đi câu kiếm sống hằng ngày mới được.
Ngày hôm sau chàng thanh niên đó rủ thêm anh bạn hàng xóm cùng đi câu cho vui để có người tâm sự chuyện trò. Khi trở về, hai người gặp lại người ăn xin kia đang nằm chèo queo bên vệ đường với vẻ mặt hốc hác. Chàng thanh niên thấy thế tội nghiệp quá, liền cho người ăn xin cá và anh hàng xóm thì cho người ăn xin cái cần câu.
Cả hai trên đường đi về nhà trong tâm trạng hân hoan vui vẻ vì đã làm được một việc thiện ích. Trong lúc hai người đang hào hứng bàn tán sôi nổi về việc nên cho con cá hay cái cần câu, thì họ lại gặp một người đi đường khác, liền kể sự việc cho người đó nghe và mong rằng anh ta góp ý dùm. Anh bạn này lại lắc đầu nói như thế là không được hoàn mỹ cho lắm.
Các cậu làm như vậy vẫn chưa là giải pháp tốt nhất. Cho người ăn xin con cá hoài thì họ sẽ ỷ lại mà không chịu siêng năng làm việc? Còn cho họ cái cần câu rồi mà không chỉ cho ông ta, cách câu như thế nào để ông ta câu được nhiều cá. Nếu như vậy sẽ không giúp người đó thể hiện lòng tự trọng và tích cực siêng năng làm việc để kiếm miếng ăn.
Cuối cùng ba người cùng kết bạn với nhau và ngày hôm sau cả ba người cùng tiếp tục đi câu cá. Khi trở về, ba người vẫn gặp người ăn xin đang nằm cheo queo, bỏ chiếc cần câu nằm kế bên. Chàng thanh niên trẻ nhất, lại tiếp tục cho người ăn xin cá, còn anh bạn hàng xóm sửa lại cái cần câu, anh bạn mới thì nói về phương pháp câu cá một cách chi tiết và tỉ mỉ, từ mắc mồi câu cho đến phương pháp câu từng loại cá….
Nhà thông thái ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu nói: “Các cậu đã làm những việc như thế rất hợp đạo làm người, thế nhưng ta vẫn nghĩ người ăn xin kia vẫn bị đói khát như thường, vì quan niệm sống của họ quá thiển cận và bi quan. Và chắc chắn người ăn xin đó vẫn chịu đói khát bởi thói quen chấp nhận số phận đã an bài. Các cậu biết nguyên nhân vì sao không?
Cả ba chàng thanh niên đều ngơ ngác, mong nhà thông thái giải thích cho tường tận dùm. Nhà thông thái vừa cười, vừa nói: Thứ nhất là người ăn xin quen sống với nghề này nhiều năm, nó đã ngấm vào xương máu và tủy của ông ta, đó là thói quen thâm căn cố đế của một số người quan niệm rằng số mình như vậy, nên không cần phải siêng năng làm lụng, bươn chải để kiếm miếng ăn. Chính vì vậy, ta phải hướng dẫn cho ông ta cách suy nghĩ về quan niệm sống bằng cách tin sâu nhân quả, tin chính mình quyết định cuộc đời?
Thứ hai là, ai cũng có thể biết không phải cứ thả mồi xuống là đã có cá liền, đôi khi phải kiễn nhẫn câu cả tiếng, cả buổi…có khi cả ngày không được con nào. Muốn câu được cá, người đó phải kiên trì bền bỉ để đạt được mục đích.
Thứ ba là có một yếu tố cực kỳ quan trọng, tại sao cả đời ông ta chỉ đi ăn xin, đó chính là niềm tin mù quáng của ông ta đối với số phận của mình. Có lần tôi hỏi anh ta. Sức khỏe của ông vẫn dồi dào như vậy, tại sao không học một nghề gì đó để kiếm sống hoặc có thể đi câu cá cùng với mọi người?
Ông ta không cần suy nghĩ liền trả lời ngay: “Ông và người khác giỏi, tôi không thể nào theo ông được, tôi sinh ra là đã mang thân phận của kẻ ăn xin rồi, cha mẹ tôi ngày trước cũng làm nghề cái bang, số tôi khổ từ trong bụng mẹ, tôi đành chấp nhận số phận đã an bài!
Câu chuyện được dừng lại nơi đây, để mọi người cùng suy nghĩ mà tìm ra giải pháp giúp đỡ người ăn xin kia thay đổi quan niệm sống. Thái độ sống phải được rèn luyện thường xuyên nhờ sự định hướng đúng đắn, bởi tác động của gia đình người thân, nhà trường và xã hội, không thể ngày một ngày hai mà có được, và tự thân mỗi người phải kiên trì bền bỉ theo đuổi mục đích cho đến khi thành công viên mãn.
Qua câu chuyện trên, chúng ta rút ra một bài học quý báu về cuộc đời, mỗi người tuy theo sự huân tập mà có quan điểm sống khác nhau. Hạng người thứ nhất quá bi quan nên chấp nhận số phận đã an bài, chính vì vậy họ không siêng năng tích cực làm việc, bởi họ nghĩ rằng số họ đã nghèo, có cố gắng cho mấy cũng lại nghèo thôi.
Nếu chúng ta nói số phận con người là cố định, không thể thay đổi được thì người giàu sẽ ỷ lại, họ sẽ hưởng thụ ăn chơi sa đọa đến khi phước hết, họa đến làm sao trở tay cho kịp, rồi than phân trách phận, oán trời trách đất, đổ thừa tại bị thì là… Còn người nghèo thì lại nghĩ rằng, dù có siêng năng, tinh cần cũng mất công vô ích cho nên chẳng cần phấn đấu vươn lên làm mới lại chính mình, cuối cùng nghèo lại càng nghèo thêm.
Nếu như ai sống mà chấp nhận số phận đã an bài thì khó lòng mà vươn lên làm mới lại chính mình. Như bản thân chúng tôi nếu không có ý chí và nghị lực làm lại cuộc đời, thì tôi đã rũ xương trong lao tù nghiện ngập vì thói quen đam mê dính mắc trong mê muội. Những người chấp nhận số phận đã an bài, là do thấy biết sai lầm không chịu tích cực tư duy, trước ai làm sao thì mình bắt chước làm vậy, đành chấp nhận cuộc đời trong tối tăm mờ mịt.
Nghèo khổ thiếu thốn khó khăn là do nhiều đời trước không biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia hoặc hay gian tham trộm cướp lường gạt của người khác, làm ít mà muốn hưởng thụ nhiều tiêu xài hoang phí. Đa số người nghèo khổ thiếu thốn khó khăn dễ sinh ra những tư tưởng mông lung, mơ ước hảo huyền lúc nào cũng mong cầu thần linh hay đấng quyền năng nào đó giúp đỡ, ban cho sự sống tốt đẹp mà tự đánh mất chính mình.
Từ cuộc sống thiếu thốn nghèo hèn, con người thường hay ước mơ những điều viễn vông, huyền hoặc, mà không biết rằng mọi sự nên hư, thành bại trong cuộc đời đều do mình tạo lấy, mình siêng năng làm việc và gieo trồng phước báo thì cuộc sống sẽ ấm no đầy đủ.
Đây là tư tưởng và thái độ tiêu cực của một số người thiếu hiểu biết và không tin sâu nhân quả, thích ăn không ngồi rồi, muốn không làm mà vẫn có ăn, từ đó sinh tâm biếng nhác, bê tha, hậu quả là mình và gia đình người thân, phải chịu thiếu thốn khó khăn.
Đạo Phật là một tôn giáo có chất liệu rất thực tế trong đời sống con người. Đạo Phật có mặt trong cuộc đời là để phục vụ cho lợi ích nhân loại và muôn loài. Đạo Phật luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần nhân quả và khả năng giác ngộ của con người, bởi vì không ai có đủ quyền năng để ban phước giáng họa cho ta cả, mà chính ta là chủ nhân của bao điều họa phúc.
Ta muốn làm ra của cải vật chất thì phải biết kết hợp nhiều nguyên nhân, trước tiên con người phải siêng năng, cần cù lao động, biết áp dụng nhân quả vào trong đời sống hằng ngày. Thí dụ, như muốn có trái xoài, trước tiên ta phải có miếng đất trống để trồng và phải có hạt xoài, hay cây xoài giống rồi phải ra công chăm sóc tưới tẩm, bón phân trải qua ít nhất hai ba năm trở lên mới có được kết quả.
Theo quan niệm của một số người thời xa xưa, họ cho rằng đời sống con người là do đấng tạo hóa hay thần linh thượng đế hoặc ông trời tạo ra và sắp đặt theo số phận. Ai tin và chịu theo các Ngài thì được hưởng ân sủng tối cao, ngược lại, ai không tin, không làm theo ý các ngài thì sẽ bị đọa vào chỗ khốn cùng. Họ cho rằng con người sinh ra đều có số mệnh định sẵn, đã có sự an bài, con người khó có khả năng vươn lên vượt qua số phận tối tăm để làm mới lại chính mình. Chính vì vậy một số người thường nói số trời đã định nên họ phó mặc cho cuộc đời, không chịu phấn đấu vươn lên để sống đời an vui, hạnh phúc.
Nếu chúng ta nói rằng sống trên cuộc đời này giàu nghèo, sang hèn như thế nào đều do số mệnh đã định sẵn thì con người đều bất lực, xuôi tay phải chấp nhận sống theo mệnh lệnh của một người nào đó mà ta không hề biết họ là gì, ở đâu?
Thật tế có phải vậy không? Trong khi đó thế giới lúc nào cũng hỗn loạn, chiến tranh, binh đao, con người đối xử độc ác với nhau, lại thêm nạn thiên tai, lũ lụt, sóng thần, động đất, nghèo đói, dịch bệnh, chết chóc đau thương hàng loạt… chẳng lẽ đấng tối cao cũng tạo ra những điều đau khổ và sự bất công ấy hay sao?
Nếu con người và muôn loài đều do một đấng thần linh thượng đế quyền năng tạo ra, tại sao lại có sự sai biệt quá lớn trong thế gian này nhiều đến như vậy? Kẻ sang người hèn, kẻ giàu người nghèo, kẻ trắng người đen, kẻ cao người thấp, kẻ sống lâu, người chết yểu, kẻ thông minh, người dốt nát.v.v…
Nhờ tu chứng dưới cội Bồ-đề, đức Phật đã thấy rõ mọi sự sai biệt trong cuộc đời này đều do nhiều nhân duyên hòa hợp lại mà hình thành. Trong bầu vũ trụ bao la này, không có cái gì do một nhân mà thành để bảo tồn sự sống. Nếu nói cái gì cũng do trời quyết định thì tại sao có sự bất đồng và sự sai biệt trên thế gian này, không ai giống ai. Nếu thượng đế có khả năng ban phước giáng họa, thì tại sao không ban phước lành đến cho tất cả muôn loài?
Nếu số mệnh đã được sắp đặt sẵn, định sẵn thì thật là tai hại vô cùng, ai lỡ làm những việc xấu ác thì đổ thừa số phận tôi như thế, sẽ không cố gắng phấn đấu vượt qua lầm lỗi của mình. Đạo Phật không chấp nhận số phận đã an bài, con người khi làm được việc gì thành công thì nói nhờ trời, còn khi thất bại thì đổ thừa tại trời, nói như vậy là oan cho trời quá. Người nào có quan niệm như thế thì vô tình đánh mất chính mình, làm ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Trong khi đó, mỗi con người chúng ta đều có khả năng tư duy, nhận xét, suy luận, quán chiếu và có thể vận dụng sự hiểu biết của mình mà áp dụng vào trong cuộc sống, để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc.
Phật nói: “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Tất cả mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này đều dựa trên nền tảng nhân quả nghiệp báo mà có sự sai khác nên không ai giống ai về hình tướng và quan niệm sống. Tất cả đều do duyên tốt hay xấu của mình đã tạo ra trong quá khứ mà cho ra kết quả trong hiện tại.
Đức Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn, giàu lòng từ bi, đầy đủ trí tuệ, Ngài luôn thương tưởng với tất cả chúng sinh làm sao giúp cho mọi người tin sâu nhân quả, tự tin chính mình, làm lành lánh dữ và sống có ích cho tha nhân. Sự ra đời của đạo Phật đã giúp cho mọi người biết cách làm chủ bản thân, đem lại giá trị hạnh phúc thật sự cho tất cả chúng sinh. Mọi sự tốt đẹp, phải quấy, nên hư, thành bại đều do chính mình tạo lấy, không ai có quyền ban phước, giáng họa hay sắp đặt số phận con người.
Từ xa xưa một số người họ lợi dụng quyền thế của mình, nên tuyên truyền con người và vạn vật sinh ra trong cõi đời này đều do một đấng thần linh thượng đế tạo ra, ai không chấp nhận tu tập theo sự hướng dẫn của họ sẽ bị đọa lạc vào chỗ khốn cùng. Còn ai chịu nghe lời thần linh, thượng đế thì sẽ hưởng được quả báo tốt đẹp, nhưng có mấy được như thế.
Đức Phật dạy rằng, trong mỗi người chúng ta, ai cũng có khả năng giác ngộ, khả năng giải thoát, chỉ vì chúng ta không chịu thừa nhận, không chịu suy xét thấu đáo cho nên đã tạo ra những nỗi khổ niềm đau mà làm tổn hại cho nhau.
Quan niệm số phận đã an bài dẫn đến ỷ lại và lười biếng, là căn bệnh trầm kha của một số người ăn không ngồi rồi, làm ít mà muốn hưởng nhiều nên dễ đi vào con đường tội lỗi. Ngày nay, trên đà phát triển quá nhanh, con người bị kích động bằng nhiều hình thức hấp dẫn. Phòng trà, bia ôm, vũ trường, quán nhậu làng nướng, mọc lên như nấm. Phim ảnh, sách báo đồi trị công khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức để thu hút, hấp dẫn con người.
Thói quen lười biếng, muốn hưởng thụ nhiều đã dễ dàng đưa con người ta vào vòng tội lỗi, đây là một vấn nạn lớn mà các nhà chức trách đang đau đầu vì sự quản lý chưa chặt chẽ bởi nhiều hình thức trá hình. Nhu cầu phát triển ngày càng cao về văn minh vật chất cũng dễ kéo theo những tệ nạn xã hội.
NHÂN QUẢ KHÔNG CỐ ĐỊNH CÓ THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC
Trong Kinh A-hàm, đức Phật đưa ra ví dụ rất hay: “Có một nắm muối, nếu ta bỏ vào ly nước nhỏ thì ly nước ấy sẽ bị mặn, ta sẽ không uống được vì nước quá mặn. Cũng cùng một nắm muối đó, nếu ta bỏ vào một bình nước lớn, tuy có nắm muối hoà tan nhưng vì nước trong lu quá nhiều, cho nên nước hơi măn mẳn ta có thể dung xài hoặc giải khát tạm thời được. Cũng cùng một nắm muối đó, nếu ta đem bỏ vào một hồ nước lớn, tuy có nắm muối bỏ vào, nhưng nước trong hồ quá nhiều, do đó chúng ta có thể dùng xài bình thường.Nhà Phật dụ nắm muối là nghiệp xấu ác, còn nước là nghiệp thiện lành và khả năng tu tập của mỗi người. Tuy trong nhà Phật có nói rằng, gieo nhân nào gặt quả nấy, nhưng nhân quả do hành động của mình tạo ra từ thân, miệng, ý thì cũng từ chính mình ta có thể thay đổi, chuyển hóa được. Cũng như trước kia, lúc còn nhỏ, quý vị chưa biết hút thuốc, uống rượu, cờ bạc… đến khi lớn lên, hòa vào đời sống cộng đồng, quý vị thấy người ta làm điều đó, rồi quý vị bắt chước một vài lần nếu ai chịu tiếp tục huân tập một thời gian thì quý vị cũng biết hút thuốc, biết uống rượu, biết cờ bạc như ai vậy.
Khi chúng ta biết rõ đây là những tập nghiệp xấu thì từ đó ta ý thức biết được sự tác hại của nó, quý vị tự từ bỏ chứ không phải ai ép ta bỏ được. Nếu như chúng ta không tự ý thức, không chịu từ bỏ thì dù cho đức Phật có hiện tiền cũng không thể nào giúp cho ta bỏ được.
Nắm muối bỏ vào ly nước, Phật dụ cho nhân nào quả nấy để ám chỉ cho hạng người buông trôi theo số phận, chẳng chịu cố gắng làm lại cuộc đời vì nghĩ rằng số tôi như thế mà chấp nhận sống trong đau khổ lầm mê.
Nắm muối bỏ vào bình nước lớn là dụ cho người đã cố gắng bỏ những thói hư tật xấu, nhưng chưa bỏ được hoàn toàn, nếu kiên trì bề bỉ thì sẽ chuyển hóa được nghiệp tập xấu ác.
Hạng người thứ ba là hạng người hoàn toàn chuyển nghiệp xấu ác do biết tu thân, tu giới và tu tâm niệm rộng lớn cho nên đức Phật dụ cho nắm muối bỏ vào một hồ nước lớn.
Khi chúng ta tự ý thức được rằng, đây là việc làm sai trái có hại cho người và vật, thì tự mình can đảm buông xả hoặc từ bỏ là do ý chí của ta mạnh mẽ, thấy được việc làm sai trái mà mình mạnh dạn từ bỏ. Và ta nếu muốn từ bỏ vững chắc và lâu dài không bị tái phạm trở lại nữa, thì ta phải phát nguyện tu theo con đường Phật đạo, gìn giữ năm điều đạo đức, đời đời kiếp kiếp quyết tâm không tái phạm lỗi lầm xưa và dứt khoát không làm chuyện xấu đó nữa vì biết được sự tác hại của nó.
Ai hợp duyên với đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì niệm Phật Thích Ca Mâu Ni, ai thích Phật A-di-đà thì niệm Phật A-di-Đà, ai thích Bồ-tát Quán Thế Âm thì niệm Bồ-tát Quán Thế Âm…ai thích niệm hơi thở thì niệm hơi thở. Bất cứ danh hiệu Phật nào, danh hiệu Bồ-tát nào nếu ta nhiếp tâm, trì chí hướng về đức Phật đó, thì ta sẽ từng bước vượt qua những chướng duyên nghịch cảnh mà ngày càng sống tốt hơn. Tuy thân này phải chịu quả đau nhức, bệnh hoạn… nhưng tâm ta vẫn an nhiên tự tại, than đau mà tâm không đau.
Theo luật nhân quả thì có vay ắt phải có trả hay “gieo gió gặt bão”. Nếu nói một cách cứng ngắt như vậy, vô tình chúng ta cho rằng luật nhân quả là cố định, là bất biến, điều đó chỉ đúng một phần, chưa đúng hẳn. Vì sao? Nó chỉ đúng đối với những hạng người bèo dạt mây trôi, không đủ ý chí và nghị lực để buông xả thói quen xấu của mình.
Đạo Phật nói lý nhân quả là một chuỗi dài thời gian mang tính cách ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Khi ta gieo nhân phải trải qua một thời gian nhất định nào đó, nhanh hay chậm là tùy theo những duyên phụ thuộc mới cho ra kết quả trong hiện tại và mai sau.
Nhân nào quả nấy hay còn gọi là hiện báo gieo nhân liền gặt quả như người đói bụng ăn cơm liền no, đó là nhân quả hiện tiền. Vừa gieo nhân là có kết quả liền. Vì vậy mà người ta dễ hiểu lầm vấn đề nhân quả với số phận, nó chỉ đúng và phù hợp với hạng người chấp nhận số phận an bài, không chịu cố gắng vươn lên làm mới lại chính mình mà đành sống trong đau khổ lầm mê.
Khi gieo nhân thì phải chờ thời gian mới cho ra kết quả. Thí dụ, muốn có trái mít ăn, ta phải có một hột mít trồng xuống đất, rồi phải chờ đến ba bốn năm sau mới có trái mít, nhưng nếu thiếu sự chăm sóc, hay thời tiết không phù hợp, chưa chắc ta đã có mít ăn. Biết như vậy, chúng ta có thể thay đổi hoàn cảnh mà tạo ra kết quả sai biệt, không nhất thiết phải nhân nào quả nấy.
Như vậy, nói nhân nào quả nấy thì không đúng hẳn, tùy theo điều kiện, nhân duyên mà cho ra kết quả. Chúng ta không thể nói một chiều nhân nào quả nấy một cách cứng ngắt như vậy được. Nếu nói nhân nào quả nấy thì những người tu hành như chúng tôi có lợi ích gì cho ai đâu?
Khi xưa ta chưa biết tu, thì mình gieo tạo nghiệp xấu ác như lường gạt, trộm cướp làm khổ đau cho nhiều người. Giờ ta biết tu rồi, biết quán chiếu, biết xem xét thấy được sự tác hại của nó mà dứt khoát chừa bỏ.
Như chúng ta đang chạy xe với tốc độ nhanh khi thắng gấp thì cái chớn của nó cũng xa hơn xe chạy tốc độ chậm, cũng vậy ai tạo thói quen xấu nhiều thì sự tu hành cũng sẽ khó khăn hơn người bình thường. Những người xuất gia tu hành thọ dụng vật thực, của đàn-na tín thí, nhờ sự giúp đỡ của Phật tử về phương tiện vật chất, tiền bạc của cải. Như vậy, chúng tôi có phải trả món nợ nhân quả này hay không? Nếu chúng ta cứ khẳng định nhân nào quả nấy, vay tiền trả tiền, vay bạc trả bạc, thì chắc chắn người xuất gia không thể trả hết nợ được.
Người xuất gia tu hành như chúng tôi, thọ nhận sự cúng dường của đàn-na tín thí sẽ trả những món nợ vật chất ấy bằng hình thức khác. Người xuất gia tu hành thọ nhận sự cúng dường của đàn-na tín thí, họ phải trả món nợ ấy bằng sự tu hành chân chính, hóa độ chúng sinh, truyền bá lời Phật dạy, chỉ cho mọi người biết được nhân nào dẫn đến quả an vui hạnh phúc, nhân nào dẫn đến sa đoạ khổ đau, thì coi như trả được cái nợ cơm áo gạo tiền. Bởi tiền bạc của cải quý phật tử giúp cho Tăng ni ăn thì hết, còn chúng tôi hướng dẫn chỉ dạy cho mọi người cách sống làm người tốt trong hiện tại và mai sau, thì coi như chúng tôi đã trả nợ rồi. Chỉ sợ những ai không chịu tu hành đàng hoàng mà còn bê tha hưởng thụ quá đáng, mới phải chịu mang lông đội sừng để trả món nợ lạm dụng của người khác.
Tiền bạc quý Phật tử giúp ăn năm ba tháng thì hết hoặc nhiều lắm được vài ba năm là cùng, còn Phật pháp chân chính giúp cho mình chuyển hóa tham lam, sân giận và si mê, quý Phật tử có thể cảm nhận được hạnh phúc tràn đầy mà không ai có thể lấy được. Trong kinh đức Phật thường nói, trong các hạnh bố thí, bố thí chính pháp là thù thắng hơn tất cả, vì giúp cho mọi người được sống an vui, bình yên và hạnh phúc trong hiện tại và mai sau.
Nhân quả tốt xấu theo ta như bóng với hình dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không bao giờ bị mất. Chúng ta có thể qua mặt được luật pháp thế gian, nhưng không thể nào trốn tránh sự tác động của nhân quả khi đủ nhân duyên. Người biết tu khi gặp quả xấu đến thì không đổ thừa tại, bị, thì, là…, không than phân trách phận mà luôn biết rằng, nhân quả tốt xấu đều do mình tạo ra, nên càng siêng năng tinh tấn tu hành.
Do đó, tất cả quả tốt hay xấu mà chúng ta đang thọ nhận trong hiện tại, gốc từ nhân đã gieo trồng từ trước kia. Cho dù ta có tu thành Phật đi nữa vẫn phải chịu quả báo nhiều đời còn xót lại, chỉ có điều người tu hành chân chính khi quả xấu đến, chấp nhận chịu mà không phiền muộn khổ đau cho nên an nhiên tự tại.
Nói nhân nào quả nấy thật không sai đối với những người chịu chấp nhận buông trôi theo số phận, mặc tình chạy theo dòng đời ai làm sao ta làm vậy, ai làm bậy ta làm theo chẳng cần suy nghĩ, nhận định đúng sai gì cả. Người yếu đuối, bạc nhược, thấp hèn thiếu ý chí sẽ chấp nhận cuộc đời như bèo dạt mây trôi, nhân như thế nào thì quả như thế ấy “nhân nào quả nấy” hay “ gieo gió gặt bão”.
Định hướng cuộc đời, chọn nghề nghiệp chân chính và siêng năng làm việc.
Người Phật tử chân chính, các nhà hảo tâm và những người có tấm lòng vàng bằng tình người trong cuộc sống mà sẵn sàng san sẻ giúp đỡ người bất hạnh để họ có cơ hội làm mới lại chính mình. Nếu chúng ta giúp người không đúng cách sẽ dễ dàng bị họ lợi dụng lòng tốt của mình mà ỷ lại không chịu siêng năng làm ăn đàng hoàng.
Có nhiều sự việc rất trái ngang làm cho dư luận “dậy sóng” bởi những người được giúp đỡ, họ không có thiện chí làm ăn mà cứ mong chờ sự giúp đỡ và ỷ lại từ người khác. Chính vì vậy mà có người trách móc, có người giận dữ, nhưng cũng có người cảm thông cho nỗi khổ niềm đau của họ, do không tiếp thu được chân lý của cuộc sống.
Có một điều mà chúng tôi trăn trở trong nhiều năm qua, là những nhà hảo tâm, người Phật tử chân chính phải làm từ thiện như thế nào cho đúng cách, để giúp cho những người gặp khó khăn cải thiện cuộc sống trong hiện tại và tương lai ngày càng được tốt hơn.
Chúng ta vẫn biết rằng, chia sẻ với người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình là một hành động cao đẹp, cần được khuyến khích rộng rãi trong xã hội nhằm nâng cao đời sống cho mọi người. Nhưng giúp đỡ bằng cách nào để cho mình và người được lợi lạc thật sự. Người ta thiếu thốn khó khăn hơn mình, mình bỏ ra chút tiền để giúp họ vượt qua nỗi đau bất hạnh, với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhưng sự giúp đỡ ấy chỉ giúp được trước mắt mà chưa giải quyết được vấn đề lâu dài.
Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng đã từng gặp những người ăn xin, và cũng mở lòng ra mà cho họ một chút tiền, dù là nhỏ nhoi. Lòng trắc ẩn, sự thương tâm muốn sẻ chia hay nâng đỡ một ai đó luôn có trong mỗi con người. Có những người già cả, yếu đuối bệnh tật không có sức lao động nên buộc phải ngửa tay xin tiền, từ lòng hảo tâm của người khác để duy trì cuộc sống.
Nhưng cũng có rất nhiều người trông khỏe mạnh, còn sức lao động cũng đi ăn xin, bởi đồng tiền kiếm được quá dễ dàng mà ít tốn công nhọc sức nhiều. Đấy là chưa kể đến các đường dây chăn dắt trẻ em để đi làm ăn xin, lợi dụng lòng tốt của mọi người để làm những điều bất chính, xã hội vẫn thường lên án những phần tử xấu này.
Câu chuyện cái cần câu và con cá đáng để chúng ta suy gẫm? Việc giúp người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách trao cho họ “con cá” hay cái “cần câu” đã được rất nhiều người bàn đến từ lâu, chính chúng tôi đã từng trăn trở và thao thức, phải làm cách nào để giúp người bất hạnh vượt khó và thoát khỏi nghèo đói và bất hạnh.
Nhiều người cho rằng, chính cái sự giúp đỡ không đúng cách, thay gì các tổ chức, cơ quan chức năng nên có những chính sách hỗ trợ lâu dài như giúp người bất hạnh được học nghề, và động viên khuyên nhủ họ tin sâu nhân quả, siêng năng làm việc là cách thức vượt thoát nghèo cùng khốn khổ nhanh nhất. Muốn giúp người vượt qua bế tắc trong lâu dài, chúng ta cần cho họ một cái “cần câu” và hướng dẫn cách sử dụng cái “cần câu” để làm sao câu được nhiều con cá.
Trong nhiều năm qua chúng tôi làm từ thiện khắp cả ba miền Nam, Trung, Bắc nơi nào có đủ duyên thì chúng tôi đến vừa trao cho họ con cá, cái cần câu và niềm tin về nhân quả để mọi người có ý thức và trách nhiệm hơn mà biết cách thoát khỏi nghèo khổ để vươn lên vượt qua khó khăn, chúng tôi luôn động viên và khích lệ họ cố gắng siêng năng làm việc, biết tiết kiệm trong chi tiêu.
Hiện nay rất nhiều tổ chức từ thiện trên thế giới đang đáp ứng nhu cầu cần thiết để giúp họ có cơ hội học hành, đào tạo và hỗ trợ việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một trong những cách thức làm có hiệu quả về lâu về dài, tức là trao cái “cần câu” cho họ và sự hiểu biết chân chính.
Để có cơ hội được giúp đỡ nhiều người bất hạnh vượt qua khó khăn và biết cách hoàn thiện chính mình. Vào ngày 15 tháng 02 năm 2008 chúng tôi đã thành lập Hội ấn tống từ thiện duyên lành sau chuyến đi từ thiện tại chùa Hội An Huyện Vĩnh Cữu Tỉnh Đồng Nai phát quà cho 300 hộ gia đình nghèo. Lúc này vai trò của chúng tôi là phó giám đốc ĐPNN kiêm trưởng ban từ thiện, do Thượng tọa tiến sĩ Thích Nhật từ làm chủ tịch.
Từ đó chúng tôi có những suy nghĩ lại, phải cho con cá và cái cần câu cùng với sự hiểu biết chân chính, có niềm tin nhân quả, tin chính mình có khả năng chuyển hóa, mới mong giúp mọi người vượt qua khó khăn trong hiện tại và mai sau. Tinh thần “trao cái cần câu trong khi giúp họ con cá” được thực hiện triệt để với phương châm “tốt đạo đẹp đời”, xây dựng cho con người biết tự lực vươn lên, vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh.
Nhiều câu lạc bộ, các nhà thiện nguyện, các nhà hảo tâm cũng luôn trăn trở là sự giúp đỡ không chỉ đến được đúng đối tượng mà còn có thể giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên làm mới lại chính mình bằng tinh thần cầu tiến và lòng tự trọng.
Phương châm hoạt động của Hội ấn tống từ thiện duyên lành là dù cho cái “cần câu”, hay “con cá”, thì việc cốt yếu chính là thể hiện tình người trong cuộc sống, giúp họ vượt qua hoạn nạn bằng sự siêng năng làm việc có phương pháp và tin sâu nhân quả, để dứt ác làm thiện bằng ý nghĩ, lời nói và hành động.
Theo lời Phật dạy bố thí, giúp đỡ sẻ chia là việc đầu tiên mà người Phật tử chân chính cần phải thực hành, vì đạo Phật là đạo của tình thương, đạo của tỉnh thức, đạo của từ bi hỷ xả. Đạo Phật đi vào cuộc đời nhằm chuyển hóa phiền muộn khổ đau thành được an vui, hạnh phúc.
Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam được kết hợp với đạo thờ ông bà tổ tiên, cùng với tinh thần đoàn kết dân tộc, nhanh chóng hòa quyện triết lý sống cao đẹp của người dân như “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, và “một miếng khi đói bằng một gói khi no”….luôn nêu cao tinh thần ”tốt đạo đẹp đời”.
Hoạt động từ thiện là một biểu hiện tình người trong cuộc sống bằng trái tim có hiểu biết, để hỗ trợ tích cực cho xã hội được phát triển hưng thịnh, bền vững và lâu dài. Ban trị sự Phật giáo từ trung ương cho đến các Tỉnh thành địa phương, thường xuyên tổ chức các chương trình từ thiện nhằm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, để họ được vui vẻ và ngày càng sống tốt hơn.
Một thực tế không thể phủ nhận là hiện có rất nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội, xuất phát từ nguyên nhân nghèo đói, khó khăn của bản thân, gia đình. Những con người vốn sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh đói ăn, thiếu mặc, không nhận được tình cảm chia sẻ, đùm bọc của người thân và thiếu sự giáo dục của nhà trường, rất dễ nảy sinh những thói hư tật xấu, hoặc mặc cảm tự ti rồi sinh ra biếng nhác mà dính vào vòng tệ nạn xã hội.
Những đối tượng này, trước hết, cần được quý ban chính quyền các cấp quan tâm về giáo dục nhân cách sống, tạo điều kiện công ăn việc làm thích hợp và sẵn sàng áp dụng hình thức răn dạy nghiêm khắc, để giúp họ có ý chí tự lực là chính, không thể trông chờ sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện và những nhà hảo tâm.
Do tập khí thói quen huân tập trong nhiều đời, nên mỗi con người đều có sẵn bản tính tham lam và ích kỷ, do si mê chấp thân tâm này làm ngã mà chiếm đoạt của người khác bằng nhiều hình thức. Ngay cả những người tu chân chính cũng phải thường xuyên rèn luyện nhân cách đạo đức, mới mong vượt qua mọi phiền muộn khổ đau nhờ hạnh buông xả và không chấp trước.
Bên cạnh đó, tình thương yêu đồng loại cũng là bản tính của mỗi con người, bởi vì ai cũng có tâm Phật sáng suốt. Tuy nhiên, sụ hỗ trợ và giúp đỡ mọi người như thế nào mới là đúng, để cho người được giúp đỡ có cơ hội làm mới lại chính mình và sống tốt hơn.
Chúng ta không thể cứ lấy tiền ra là có thể bù đắp những tổn thương về mặt thể xác cũng như tinh thần, mà không quan tâm đến việc giáo dục, tạo công ăn việc làm, khuyên họ tin sâu nhân quả mà biết cách vượt qua nghèo khó.
Hiện nay nhà nước có chủ trương nhân đạo, việc cấm hành nghề ăn xin và đưa họ vào các trung tâm bảo trợ xã hội, tạo công ăn việc làm cho họ chính là cách cho họ cái “cần câu”, chứ không cho họ con cá nữa, để họ sống quãng đời còn lại có ý nghĩa hơn.
Mọi người thường cho rằng giúp đỡ người ăn xin, đó là cách thể hiện tình người trong cuộc sống. Thật ra, với người nghèo khổ, chúng ta có thể giúp họ một vài lần, nhưng không thể nào giúp họ suốt cuộc đời, ngoại trừ những người bại liệt hoặc bệnh tật trầm kha.
Bất đắc dĩ lắm, người nghèo khổ mới đi ăn xin vì họ không có nghề nghiệp chánh đáng hoặc quan niệm sai lầm. Có khi ăn xin là một nghề để kiếm sống nhẹ nhàng hơn những nghề khác mà lại có nhiều tiền. Mà đã gọi là nghề ăn xin thì người ta phải dung nhiều thủ đoạn tinh vi để thu hút người cho, chính vì vậy mà họ có thể làm tổn thương tấm lòng tốt của nhiều nhà hảo tâm.
Chủ trương của chúng tôi là cho cho con cá và cho họ cái cần câu cùng một lúc, hướng dẫn họ tin sâu nhân quả và siêng năng tu tập. Ngày nay có chính sách đưa người ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội để dạy nghề, để dạy họ lòng tự trọng tự kiếm ăn là cách làm có tính cách nhân đạo, giúp một số người không mặc cảm tự ti và ỷ lại lòng tốt của người khác. Có thể ban đầu họ sẽ cảm thấy chật vật, tù túng và khổ sở nhưng khi đã quen, họ sẽ mang ơn tất cả mọi người, vì họ kiếm sống bằng chính khả năng của mình.
Chúng tôi hằng tháng vào Trung tâm bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa Tỉnh Bình Dương để giúp đỡ bà con trại viên một chút vật chất, sau đó chúng tôi tổ chức chương trình kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống bằng cách sám hối và đọc Kinh Hạnh Nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm để giúp họ có đủ niềm tin và bằng lòng với những gì đang có trong hiện tại. Nhờ vậy mà họ cảm nhận được niềm vui và sống hòa thuận trong tình thương yêu chân thật.
Nói đến trung tâm Chánh Phú Hòa là một trung tâm kiểu mẫu có bước thay đổi mang tính nhân văn và đạo đức, nên đã được nhà nước chính quyền sở tại cho xây dựng một ngôi chùa trong trung tâm tên là Phước Thiện đúng với ý nghĩa cao quý của nó. Hôi ấn tống từ thiện duyên lành, không những cho con cá mà còn cho cái cầu câu và hướng dẫn đạo lý làm người theo lời Phật dạy.
Giờ đây, giám đốc cùng cán bộ nhân viên và tất cả bà con cùng vui sống với nhau bằng tình trong cuộc sống, họ học tập rèn luyện lao động tốt để hưởng những sản phẩm mà chính từ đôi tay của họ làm ra. Ngoài những chính sách đặc biệt của nhà nước giúp họ có miếng ăn chỗ nghỉ an toàn, không phải lo toan bận bịu những thứ khác, họ còn được các nhà hảo tâm thường xuyên đến giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần.
Hiện tại bây giờ họ lại yên tâm hơn, bởi vì họ đã một phần nào thấm nhuần Phật pháp nhờ những lời chia sẻ và động viên của chúng tôi, họ không còn oán trời trách đất, đổ thừa tại bị thì là….và họ đã cố gắng nhiều hơn nữa trong việc tu tâm sửa tánh nhằm chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc, ngay tại đây và bây giờ.
Nhiều người đã coi ăn xin là một nghề, họ ngồi không mà xin tiền, vì họ cho rằng nghề này dễ kiếm sống và ít mệt nhọc hơn. Có lẽ, đó chỉ là một sự biện hộ cho sự lười biếng của họ mà thôi. Chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều người già trên 70 tuổi vẫn còng lưng buôn gánh bán bưng trên khắp các nẽo đường. Lại có những bà mẹ lượm ve chai nuôi cả một bầy con ăn học đến nơi đến chốn…
Bản thân chúng tôi đã làm từ thiện trong rất nhiều năm, vậy mà vẫn có một số người họ vẫn lợi dụng để lừa đảo. Chúng tôi đã bị rất nhiều lần như thế thậm chí số tiền lên đến vài chục triệu, từ đó chúng tôi thao thức trăn trở tìm ra giải pháp giúp người mà không bị kẻ ác lợi dụng.
Chúng tôi rất hoan nghinh sáng kiến và việc làm của thành phố Đà Nẵng được cả nước ca ngợi là thành phố có văn hóa, có văn minh, có hiểu biết, có tình thương, nơi đây không còn nghề cái bang nữa, nhờ quyết định đúng đắng và kiên quyết triệt để của quý ban chính quyền các cấp. Mới đầu thì chúng ta thấy việc làm đó dường như đánh mất tình người, nhưng khi suy xét lại việc làm đó mang tính nhân văn và đạo đức, vì tình thương hơn là ghét bỏ và giúp cho họ thể hiện lòng tự trọng cao.
Còn nếu chúng ta cứ tiếp tục thể hiện lòng từ bi thương xót, bố thí giúp đỡ người khác, điều này rất tốt trong trường hợp cứu tế khẩn cấp như thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt hoặc những tai nạn bất ngờ. Ngược lại chúng ta giúp người khác mà vô tình tạo cho họ tính ỷ lại, hoặc lười biếng thì coi như ta tuy có từ bi mà thiếu trí tuệ.
Việc chăm lo giúp đỡ những người cơ nhỡ, khó khăn cũng là việc làm từ thiện chung cho tất cả mọi người, chúng ta phải có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau bằng tấm lòng vị tha. Nhà nước và mọi người cùng đóng góp xây dựng thì chắc chắn trong tương lai đất nước ta sẽ thoát nghèo mà vươn lên sánh vai cùng thế giới.
Ở các nước tiên tiến, họ vận động người dân đóng góp vào quỹ từ thiện bằng cách cho đặt hộp từ thiện khắp mọi nơi. Hiện tại rãi rác có một sớ nơi cùa đất nước ta đang làm và đã làm như thế, bên ngoài ghi rõ mục đích làm gì để mọi người tùy hỷ phát tâm, nhằm bảo trợ cho những người bất hạnh khó khăn.
Chúng tôi rất hy vọng rằng với chủ trương đúng đắn và kịp thời của quý ban chính quyền các cấp, tiên phong trong công việc đóng góp cho vay vốn chăn nuôi và sàn xuất có sự hướng dẫn nhiệt tình, sẽ đem lại cơm no áo ấm cho mọi người. Đây cũng là trách nhiệm chung, nhà nước và nhân dân cùng làm tùy theo khả năng.
Nhờ vậy họ sẽ có con cá và cái cần câu bằng sự hiểu biết chân chính, nhằm giúp cho họ sống có ý thức trách nhiệm hơn, để họ biết cách vươn lên siêng năng làm việc trong sáng tạo, bằng chính đôi bàn tay và khối óc của họ.