Anh là thợ đào giếng - người hùng từ đời giản dị
Họ là những người bình thường, rất bình thường, lẫn trong hàng triệu người vô danh hàng ngày lặng lẽ kiếm sống trên đất nước này. Nghề của họ cũng lạ, là nghề thổ mộc, rất nặng nhọc mà dân thành phố ít hình dung được: đào giếng.
Thực ra thì không có một cái nghề này chuyên nghiệp bởi chẳng ai được đào tạo cả, có điều làm mãi thành quen, thành nghề, thành chuyên nghiệp. Vùng Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, đất sét, đất bazan... phải đào rất sâu mới có nước. Vùng nông thôn hoặc vùng ven thành phố chưa có nước máy, phải cần họ. Các gia đình làm nhà phải cần họ đào hầm rút...
Cứ lặng lẽ thế cho đến tối qua, cháu Nguyễn Trần Tú Anh ở ấp Tân An, xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên tỉnh Bình Dương vô tình bị lọt xuống cái giếng do một gia đình khoan vô tình để hở miệng. Cái giếng khoan sâu 80m, nhưng chiều rộng chỉ 40 cm. May là cháu chỉ tụt xuống chừng 20m thì kẹt lại, và lơ lửng ở đấy 9 tiếng đồng hồ. Khoảng 200 người gồm cảnh sát cứu hộ và nhân dân đã trắng đêm cứu cháu bé. Hình dung, ngay cả trời sáng thì dưới ấy cũng tối đen, giếng như cái quan tài dựng ngược, thế mà bé kiên cường đứng trong ấy 9 tiếng đồng hồ trong đêm chờ giải cứu. Những người giải cứu chuyên nghiệp, đã một mặt dùng đến 3 máy xúc đào rộng ra để cứu cháu, mặt khác trấn an tâm lý cho cháu để cháu không hoảng loạn, không ngủ, không ngất, không giãy giụa để tụt sâu hơn, mặt nữa bơm ô xi và tiếp nước, sữa cho cháu...
Cháu bé 7 tuổi sau 9h mắc kẹt đã được các "anh hùng đào giếng" đưa lên an toàn
Nhưng nghịch lý là càng dùng máy đào thì cháu càng bị tụt xuống. Lực lượng cứu hộ đã phải thả dây thắt sẵn thòng lọng để cháu ngoắc vào tay để không tụt xuống nữa. Và lúc này người ta phải mời những người thợ đào giếng vô danh.
Hình ảnh lấm lem bùn đất của người hùng đêm qua đã làm lay động trái tim hàng triệu người theo dõi vụ việc
Họ có 5 người, đã vào cuộc quyết liệt, bằng tay, bằng kinh nghiệm kiếm sống hàng ngày, và bằng tình yêu thương cháu bé, cả cảm phục nữa, cảm phục tinh thần dũng cảm của cháu bé, và bằng cả suy nghĩ đơn giản: việc phải thì làm... Họ làm đến mức, anh Trần Lê Phương, người trực tiếp bò từ giếng bên này sang chỗ cháu đang đứng trong tư thế hai tay giơ lên đầu suốt mấy tiếng đồng hồ, mặt áp chặt vào ống nước, khi bế được cháu lên mặt đất đã quỵ tại chỗ. Nhìn tấm ảnh anh lấm lem đất đỏ nửa quỳ nửa nằm trên đất khi đưa cháu lên không ít người đã chảy nước mắt. Anh nói với nhà báo, đang ở nhà thấy người ta kêu đi đào giếng cứu người thì đi thôi chứ có gì đâu mà lên báo, và cũng không hề nghĩ ai sẽ trả công cho mình. Ngay chiều nay, được biết chính quyền thị xã Tân Uyên đã thưởng nóng cho những người tham gia cứu hộ cháu Tú Anh. Các lực lượng tham gia cứu hộ được thưởng 55 triệu đồng, riêng nhóm thợ đào giếng 5 người được thưởng 5 triệu đồng.
Từ vô danh các anh vụt trở thành anh hùng. Rất nhiều người đã coi các anh là những anh hùng. Và rồi các anh lại về với những công việc kiếm sống thầm lặng hàng ngày, các anh lại... vô danh như hàng triệu người bình lặng trên đất nước này. Tất nhiên không ai mong có sự cố như vừa rồi để mình nổi tiếng, nhưng xã hội sẽ bình an lên rất nhiều, con người sẽ tự tin lên rất nhiều, đất nước sẽ ấm áp lên rất nhiều... khi trong từng người vô danh đều ẩn chứa những phẩm chất anh hùng. Và cũng chỉ mong trong mỗi chúng ta đều có một “thợ đào giếng”...
Theo Văn Công Hùng (Khám Phá)