Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Hoài Trần

- Từ nay xin chừa

Câu chuyện tiền thân Sigàlà (Jatakà 501) thuật lại sự kiện năm trăm vị triệu phú xuất gia làm Tỷ-kheo tại Kỳ Viên vào thời Đức Phật tại thế.


Một hôm vào khoảng nửa đêm, tâm tư liên hệ đến phiền não khởi lên, nhóm người ấy khởi tâm tham luyến những phiền não mà họ đã tự mình từ bỏ.

Chuyện này là chuyện xảy ra bình thường trong đời sống. Mặc dù người tự nguyện xuất gia là có ý muốn được giải thoát khỏi những phiền não; nhưng vì các phiền não đó vốn gây ra do thói quen nên rất khó bỏ. Cũng thế, một người phát tâm hành động vì những mục tiêu tốt đẹp thì tạm loại bỏ được những ham muốn, tức giận vào lúc ban đầu. Sau đó, những phiền não lại “hồi sinh”. Chỉ việc “giác ngộ” về tư tưởng thôi chưa đủ. Đó là trường hợp những người có tâm tốt, muốn làm điều tốt. Còn những người có tâm không tốt, không tự mình từ bỏ các thói xấu, mà chỉ dùng một mục tiêu có vẻ tốt làm bình phong để kiếm lợi cho mình thì tham lam, tức giận còn phát sinh nhiều hơn nữa.

Bậc Đạo sư, vào chính giữa đêm khởi lên ngọn đuốc nhất thiết trí, tìm hiểu xem các Tỷ-kheo ấy sống như thế nào. Ngài biết được các Tỷ-kheo ấy khởi lên phiền não.

“Nhất thiết trí” là trí biết về tất cả mọi điều, cũng có tài liệu Phật học gọi là “trí toàn giác”, “toàn tri”. Một trong các khả năng của “nhất thiết trí” là có thể đọc được suy nghĩ của các chúng sinh. Khả năng này được các tài liệu Phật học gọi là “tha tâm thông”. Việc “tìm hiểu các Tỷ-kheo” có lẽ được thực hiện bằng tha tâm thông. Đó là công dụng của việc “khởi lên ngọn đuốc nhất thiết trí”.

Như người mẹ chỉ có một đứa con đối với đứa con độc nhất của mình, như người một mắt với mắt của mình, bậc Đạo sư bảo vệ các đệ tử của mình vào mọi lúc. Khi các đệ tử của Ngài khởi lên các phiền não, Ngài chặn đứng, không để các phiền não này tăng trưởng.

Đoạn văn này nói lên sự quan tâm chăm sóc của Đức Phật đối với các đệ tử của mình. Người mẹ chỉ có một đứa con thì mọi hy vọng, mọi sự chú ý dồn vào đứa con đó. Một người hai mắt thì nếu hư một mắt vẫn còn nhìn được. Một người một mắt thì nếu hư mắt đó thì chẳng còn con mắt nào. Vì thế, người đó rất quan tâm đến “con mắt còn lại” của mình.

Rồi bậc Đạo sư từ hương phòng bước ra, với âm thanh dịu ngọt gọi Trưởng lão Ananda, vị giữ kho tàng Chánh pháp:

– “Này Ananda!”.

– “Bạch Thế Tôn, thưa có việc gì?”. Trưởng lão đi đến đảnh lễ và đứng một bên.

– “Hãy mời tất cả các Tỷ-kheo trú ở chỗ trải vàng giá bạc triệu đến tại hương phòng”.

Âm thanh của Đức Phật “dịu ngọt”. Đó là kết quả của việc tu tập từ tâm. Người có từ tâm thì giọng nói sẽ dịu ngọt. Ananda là em họ và là thị giả lâu năm của Đức Phật. Trong thời gian bên cạnh Đức Phật, ngài Ananda nghe tất cả các bài giảng và ghi nhớ. Khi có cuộc kết tập Tam tạng lần thứ nhất, ngài là người đọc các bài giảng ấy lại. Các bài giảng ấy bắt đầu với câu“Như vậy tôi nghe”. Vì thế, Ananda còn được gọi là “vị giữ kho tàng Chánh pháp” hay là “thủ kho Chánh pháp”. Đức Phật bảo ngài Ananda mời các Tỷ-kheo ở chỗ “trải vàng giá bạc triệu”. Tinh xá Kỳ Viên được gọi như vậy vì triệu phú Cấp Cô Độc đã dát vàng toàn bộ chỗ ấy khi mua khu vườn của Thái tử Kỳ-đà.

Theo truyền thuyết, bậc Đạo sư suy nghĩ như sau: “Nếu Ta chỉ gọi năm trăm Tỷ-kheo ấy thôi, họ sẽ nghĩ rằng: bậc Đạo sư đã biết các phiền não khởi lên trong nội tâm chúng ta. Tâm tư họ sẽ bị dao động, sẽ không có thể chấp nhận pháp thoại”. Do vậy bậc Đạo sư mới nói: “cho mời tất cả”.

Đoạn văn trên giải thích lý do của câu nói “hãy mời tất cả”. Nếu mời chỉ riêng các Tỷ-kheo có phiền não thì họ sẽ biết rằng Đức Phật đã đọc được các suy nghĩ của họ. Đoạn văn cũng chứng tỏ rằng Đức Phật đã dùng “tha tâm thông” để biết các suy nghĩ đó. Các suy nghĩ của con người luôn được giấu kín, người ta có thể tự do trong các suy nghĩ của mình. Nếu giao tiếp với một người có thể đọc được suy nghĩ của mình thì người ta thường rất e ngại. Vì thế, Đức Phật “mời tất cả”.

Bậc Đạo sư bằng Phạm âm nói với các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo, chớ có trầm tư ba tầm bất thiện này. Tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm”.

“Tầm” có nghĩa là tìm kiếm. “Dục tầm” có nghĩa là “sự tìm kiếm, sự hướng tâm đến ham muốn”. “Sân tầm” là “sự tìm kiếm, sự hướng tâm đến sự giận ghét”. “Hại tầm” là “sự tìm kiếm, sự hướng tâm đến sự gây ra điều có hại”. Danh từ Pali của “Tầm” là “vitakka”. Khi ta chợt nghĩ đến Hanna Montana, ta sẽ bắt đầu có định hướng tìm kiếm các thông tin về Hanna Montana. Đó chính là một “tầm”. Sách Thanh Tịnh Đạo luận của ngài Buddhaghosa (Thích nữ Trí Hải dịch, NXB Tôn Giáo 2001, tr. 231) viết: “Tầm (vitakka) có nghĩa đánh mạnh vào. Nó có đặc tính là hướng tâm, để tâm trên đối tượng. Nhiệm vụ của nó là quất vào: đối tượng đánh vào, quất vào hành giả là do tầm. Thể hiện của tầm là sự dẫn tâm đến đối tượng… Tầm có nghĩa sự chạm xúc đầu tiên của tâm với đối tượng… Tầm có can dự, đó là sự can thiệp đầu tiên của ý thức vào lúc khởi tâm đầu tiên, như một con chim dang đôi cánh khi sắp liệng, như một con ong lao vút tới một cái hoa sen khi nó muốn theo dõi mùi hương của hoa”. Trong thời đại mạng internet hiện nay, “tầm” có ý nghĩa là “sự truy cập”. Theo Anh ngữ, “tầm” là “search” hay là “searching”. Khi muốn truy cập về Chuyện tiền thân ta chỉ cần gõ vào Google chữ Chuyện tiền thân, thì sẽ có một loạt các trang web hiện ra để truy cập, đó là tầm. Một ví dụ thô thiển về “dục tầm” là “truy cập các trang web về tình dục”.

“Phiền não khởi lên trong tâm không bao giờ là nhỏ mọn. Nó giống như là kẻ thù và kẻ thù không bao giờ là nhỏ bé. Có cơ hội kẻ thù sẽ gây nên tác hại. Cũng vậy, phiền não dù nhỏ bé khởi lên, được lớn mạnh, sẽ gây nên tác hại. Phiền não ví như thuốc độc làm chết người, như mụt ngứa mọc trên da, như con rắn lục, như lửa sét đánh, chớ có nắm giữ lấy, nên sợ hãi chúng”.

Đức Phật nói tới các nguy hiểm của việc “truy cập” đến ham muốn, giận ghét, gây hại. Mặc dù ban đầu nó rất nhỏ nhoi nhưng nó sẽ tăng trưởng nhanh chóng và gây hại lớn lao. Tương tự trong các vấn đề kinh tế xã hội. Người lãnh đạo ở một vùng chỉ cần phát khởi suy nghĩ định hướng tới lợi ích riêng của mình, lập tức có thể tăng trưởng thành các tệ nạn tham ô, cướp đất… làm ảnh hưởng tới sự nghiệp của cộng đồng, có khả năng làm cho cộng đồng đó sụp đổ.

“Khi nào phiền não khởi lên, với sức mạnh của giác sát, với sức mạnh của tu tập chớ để chúng trong tâm cho đến một sát-na, phải loại trừ chúng như giọt nước rơi khỏi lá sen. Các bậc hiền trí thuở xưa ghét bỏ phiền não, dầu cho hết sức nhỏ mọn, không cho nó khởi lên lại trong nội tâm, lập tức chế ngự phiền não ấy”. Nói vậy xong, bậc Đạo sư kể lại câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi vua Bramadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm một con dã-can, sống trong rừng trên một bờ sông.

Bồ-tát chính là tiền thân của Đức Phật. Trong quá trình luân hồi, Ngài đã trải qua nhiều kiếp sống là các thú vật. Cho dù là trời Đế-thích thì khi mạng chung cũng có thể trở thành thú vật. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào các suy nghĩ và tập quán khi còn sống. Chẳng hạn, một người yêu thích chó, quan tâm đến chó, chỉ thích sống với chó thì rất có khả năng khi mạng chung tái sinh thành chó. Đó gọi là những bất trắc trong việc tái sinh.

Có một con voi già bị chết trên bờ sông Hằng. Khi đi tìm mồi, con dã-can thấy thây chết ấy và nghĩ rằng: “Nay ta được cả một kho đồ ăn lớn”.

Đây là giai đoạn đầu của mọi rắc rối. Giai đoạn đầu của mọi sự bao giờ cũng xuất phát từ nhu cầu. Có nhu cầu thì mới tìm kiếm. Đặc biệt nếu có sự ham muốn, sự tìm kiếm còn mãnh liệt hơn nữa. “Khi đi tìm mồi” cho biết con dã-can có nhu cầu về thức ăn. Có nhu cầu về thức ăn thì bắt đầu “tầm” thức ăn. Khi gặp con voi chết thì việc tìm kiếm đó chuyển sang giai đoạn “khai thác”. Cũng vậy, khi tìm kiếm các mối lợi, anh X. thấy rằng vào ngành T. thì sẽ có cách kiếm được lợi. Khi tìm được con đường để vào ngành đó thì cũng sẽ nghĩ “ta nay được món lợi lớn”. Ở một phía khác, chị Y. cũng muốn thi đậu vào đại học nhằm có công việc kiếm sống sau này. Tìm được ngành C. thích hợp với mình, Y. nghĩ “Ta nay được một ngành có thể thỏa mãn ước mơ của mình”.

Nó đi đến cắn cái vòi, giống như cắn cái cày. Nó nghĩ đó không phải là đồ ăn được. Nó cắn cái ngà, giống như cắn cái xương. Nó cắn cái tai giống như cắn cái vành thúng sàng lúa. Nó cắn cái bụng giống như cắn cái thúng đựng hạt. Nó cắn cái chân giống như cắn cái cối. Nó cắn cái đuôi giống như cắn cái chày. Nó nghĩ: Đây không phải là món ăn được.

Khi đã xác định được đối tượng, con dã-can bắt đầu tìm thức ăn trên đối tượng ấy. Khi đó nó phát hiện ra mọi sự cũng không dễ dàng cho lắm. Cũng vậy, khi đã xác định một ngành T. “có ăn”, anh X. sẽ bắt đầu tìm cách vào vị trí “có ăn”. Khi đó, anh X. sẽ bắt đầu thấy các rắc rối của bộ máy, không dễ gì mà leo lên ngồi ở các vị trí có ăn. Tương tự, khi chị Y. học ngành C., chị bắt đầu thấy nhiều khó khăn chuyên môn cần phải vượt qua.

Sau khi không tìm được chỗ nào ăn được, nó cắn nhằm chỗ đại tiện thời giống như cắn cái bánh mềm. Nó nghĩ ta tìm được chỗ ăn mềm trên cái thân này.

Sau một hồi xoay xở và có ý muốn bỏ cuộc, con dã-can cắn nhằm chỗ ăn được. Tương tự, anh X. cũng bắt đầu có đường tiến thân trong ngành mà anh chọn. Còn chị Y. cũng theo học ngành C. một cách suôn sẻ.

Nó ăn từ chỗ ấy trở đi. Đi vào trong bụng ăn quả thận, quả tim… Khi khát, nó uống máu. Nó nằm dài trong bụng voi để ngủ. Rồi nó suy nghĩ: ‘Thân con voi này giống như cái nhà khiến ta sống thoải mái. Khi ta muốn ăn thời thịt đầy đủ. Vậy sao ta lại phải làm chỗ ở khác’. Nghĩ vậy, condã-can không đi đến chỗ khác, chỉ ăn thịt trong bụng con voi và sống ở đấy.

Ở trong bụng con voi quả thật tiện nghi cho con dã- can. Mọi nhu cầu đều có đủ. Tương tự, anh X. làm trong ngành mà anh chọn cũng thấy có thể sống được, anh “ăn cũng T.” mà “nghỉ cũng T.”, “đi chơi cũng với người trong ngành T.”, “chuyện trò cũng ngành T.”, “bức xúc cũng ngành T.”, “thương, ghét người trong ngành T.”, “bàn luận về người trong ngành T.”. Đời sống của X. bị bao trùm trong ngành T. Sống với người trong ngành T. còn nhiều hơn sống với gia đình. Anh X. bắt đầu thấy mình không thể hòa nhập với đời sống muôn màu muôn vẻ của xã hội được nữa. Chị Y. học trong ngành C. thấy cũng được, “ăn cũng C.” mà “nghỉ cũng C.”, “đi chơi cũng với người trong ngành C.”, “chuyện trò cũng ngành C.”, “bức xúc cũng ngành C.”, “thương, ghét người trong ngành C.”, “bàn luận về người trong ngành C.”. Đời sống của Y. bị bao trùm trong ngành C. Sống với người trong ngành C. còn nhiều hơn sống với gia đình. Chị Y. cũng thấy không thể rời bỏ chuyên môn được. Thấy Z. học ở ngành C. mà lại ra làm ở ngành K. thì chị Y.nói: ‘không làm đúng chuyên môn, vậy học ngành C. để làm gì’. Khi thực hiện một công việc đúng như ý ta muốn, ta sẽ bước vào giai đoạn thứ hai: thấy “sự ngọt ngào”, thấy“vị ngọt”của công việc đó và bị công việc đó ám ảnh, chi phối toàn diện. Hoàn toàn tương tự như con dã-can quyết định sống trong bụng con voi. Điều đó củng cố cho ý muốn của người thực hiện.

Thời gian trôi qua, với sự xúc chạm gió mùa hè và sự hun nóng của tia nắng mặt trời, thân xác con voi già ấy bị khô và nhăn nhúm lại. Cửa vào của con dã-can bị đóng kín. Bụng con voi không có ánh sáng. Con dã-can bị sống cách biệt với thế giới bên ngoài. Khi thân xác con voi bị khô héo, thịt bị khô, máu bị cạn, con dã-can không tìm được lối ra. Nó hoảng sợ chạy chỗ này chỗ kia để thoát ra ngoài. Nó trồi lên sụp xuống trong bụng con voi như một cục bột trong cái nồi đang sôi.

Đây là giai đoạn thứ ba đối với những người bị công việc bao trùm, đặc biệt là đối với những người làm điều bất thiện. Giai đoạn thứ ba này còn gọi là giai đoạn “thấy nguy hiểm”. Con dã-can, sau khi thỏa cơn ám ảnh về miếng ăn bắt đầu thấy sự bất tiện khi ở trong bụng con voi. Tương tự, anh X. bắt đầu thấy nhiều điều “không nói ra thì không ai biết”. Chi Y. bắt đầu thấy “trong chăn có rận”. Cũng vậy, nếu những người đã làm điều xấu, “tay nhúng chàm” thì bị ám ảnh hoàn toàn và sống trong bầu không khí gần như không lối thoát.

Sau một vài ngày, một cơn mưa lớn đổ xuống làm mềm thân xác ấy, làm phồng lên và trở lại trạng thái cũ. Con đường đại tiện được mở ra và hiện rõ như sao chói sáng. Con dã-can thấy lỗ mở ấy nói rằng: nay ta được sự sống. Nó từ đầu con voi nhảy tới, chạy vụt ra, đầu đập vào con đường đại tiện và thoát ra ngoài. Nhưng tất cả lông trên thân bị bầm dập đều dính vào con đường đại tiện.

Con dã-can thoát khỏi trạng thái bị bao trùm, bị nhốt một cách vất vả, khó khăn. Cũng vậy, X. có thể thoát ra khỏi trạng thái “bị ngành T. ám”, Y. có thể thoát ra khỏi trạng thái “bị ngành C. ám”. Tuy nhiên, điều đó cũng không phải dễ dàng gì.

Với tâm tư dao động, với cái thân trụi lông, nó chạy một lát và ngồi xuống, quay lại nhìn thân mình và suy nghĩ: Khổ này do ta tạo chứ không phải ai khác, vì duyên tham, vì y cứ vào tham nên ta làm như thế ấy. Từ nay trở đi ta sẽ không để cho tham chi phối nữa. Ta sẽ không đi vào thân con voi nào nữa. Với tâm tư xúc động, nó nói lên bài kệ:

Ta không có làm nữa, Không có làm, làm nữa, Ta thấy xác con voi,

Như vậy ta hoảng sợ.

Nói xong, con dã-can chạy xa khỏi các con voi. Nếu thấy xác một con voi, nó không quay nhìn lại. Từ đấy về sau nó không còn bị tham chinh phục nữa.

Giai đoạn này gọi là giai đoạn “từ bỏ”. Sau khi có nhu cầu; thấy được vị ngọt; thấy được sự nguy hiểm thì con dã-can chuyển sang trạng thái từ bỏ. Con dã-can là tiền thân của bậc Bồ-tát thì được như vậy. Còn anh X., chị Y. không biết có “từ nay xin chừa” hay không?

Bậc Đạo sư sau khi kể lại pháp thoại, nói với các Tỷ-kheo: Này các Tỷ-kheo, chớ để cho phiền não nội tâm tăng trưởng. Ngay tại chỗ hãy nhiếp phục chúng. Nói vậy xong, bậc Đạo sư trình bày các Sự thật. Cuối bài giảng về sự thật Ngài nhận diện tiền thân: Con dã-can là tiền thân của Ta vậy. Sau câu chuyện, 500 vị Tỷ-kheo ấy chứng được quả A-la-hán. Trong số Tỷ-kheo còn lại, một số chứng quả Dự lưu, một số chứng quả Nhất lai, một số chứng quả Bất lai.

Ghi chú: Bài viết có sử dụng bản Việt dịch Chuyện Tiền thân Đức Phật (II) thuộc Tiểu Bộ kinh, tập 5, do Hòa thượng Thích Minh Châu và Giáo sư Trần Phương Lan thực hiện. „

Hoài Trần

About Hoài Trần -

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :