Sử Việt
Có huyệt phát đế vương nhưng vì bị Nguyễn Ánh dùng gián điệp xúi dại nên anh em Tây Sơn đào sông khiến khí mạch phát tán sự nghiệp ngắn ngủi.
Vua Quang Trung một đời võ công cái thế, đã thống nhất đất nước sau mấy trăm năm chia cắt, lại mấy ngày đánh tan mấy chục vạn quân Thanh xâm lược. Tuy nhiên, ông làm vua được mấy năm, mọi công việc sắp xếp giang sơn còn đang tiến hành thì ông đột ngột băng hà, để lại bao nuối tiếc cho lịch sử.
Cũng vì nuối tiếc mà xung quanh sự ra đi của ông, lâu nay tồn tại khá nhiều truyền thuyết khác nhau. Một trong những cách giải thích ấy có liên quan đến ngôi huyệt kết của gia đình Tây Sơn trên vùng Bình Khê.
Cuốn sách Thế giới có gì thần bí của Nguyễn Hoàng Điệp và Hoài Giang có dẫn ra mấy truyền thuyết. Một thuyết nói rằng: Nguyễn Huệ được ngôi mộ tổ ở Ngũ Hành Sơn đắc địa nên thông minh anh hùng xuất chúng. Theo truyền thuyết này còn nói mả phát tích nhà Quang Trung nằm trong một dãy núi đá hình một đàn voi nằm án ngữ phương Nam. Đó là kiểu đất: Nam phương bạch tượng lai triều, tướng quân xuất trận. Nghĩa là trong đàn voi đó, có một con voi trắng quay đầu ngoảnh lại kết huyệt ứng vào Quang Trung nên vị vua này nhanh nhẹn, thông minh, oai hùng.
Nhưng sau đấy, Quang Trung bị một thầy địa lý Tàu làm phản. Hắn tâu với Quang Trung rằng: Con voi trắng này là một con voi bướng bỉnh, không chịu thuần phục thì không bao giờ thâu tóm được cả đất nước, nhà vua cần triệt bỏ con voi đó đi, bằng cách đổ trấu vào đốt, hun cho nó chết. Quang Trung nghe làm theo, thế là hỏng mả. Thầy địa lý Tàu bỏ trốn lúc nào không biết.
Lại một thuyết khác, nói kỹ hơn về sự liên quan giữa huyệt kết với sự nghiệp triều Tây Sơn. Thuyết ấy nói thế này: Triều Tây Sơn có một viên quan tên là Trần Huy Đống tinh thông phong thủy. Ông này tương truyền là cháu ngoại thánh địa lý Tả Ao, và là tác giả của bộ Địa cơ bí lục.
Nghe Trần Huy Đống tinh thông phong thủy, vua Quang Trung cho mời ông vào xem hai ngôi mộ (song táng) trên núi Một, xã Hoành Sơn, Bình Khê. Xem xét kỹ địa hình, Đống biết đây là kiểu đất “Sư tử ngủ” rất quý nhưng đã bị ba con rồng: Đà Hằng, La Dĩ, Cửa Tiền triệt phá.
Những con sông là do trước đó Ngô Nhân Tịnh (gián điệp của Nguyễn Ánh và bọn thầy địa lý Tàu) đã xui ba anh em nhà Tây Sơn đào. Trần Huy Đống xem xong than tiếc nói rằng: Nếu ba con sông đào chậm lại một giáp thì Quang Trung không những làm đế nước Nam mà còn làm chủ Bắc quốc. Người này sẽ chẳng khác gì Nỗ Nhĩ Cáp Xích, gốc rợ Kim, 200 năm trước đã được kiểu đất “Cửu long tranh châu” ở Kiến Châu nên đã bình được bốn bộ ở phía Bắc, diệt được nhà Minh, làm chủ Trung Nguyên lập ra nhà Thanh.
Vua hỏi Đống: Kiểu đất sư tử ngủ dậy sớm là không tốt? Đống nói: Kiểu đất này dậy sớm như hoa nở bị thúc ép. Có nở nhưng mau tàn. Nếu nó càng dậy muộn thì càng phát lớn. Sau đấy Đống khuyên nhà vua bỏ ý định cầu hôn và đòi đất Lưỡng Quảng. Quang Trung gạn hỏi lý do thì Đống tâu thật: Kiểu đất bị cả 3 con sông triệt phá, con sư tử bị cả 3 dòng nước tạt vào mặt đã thức dậy sớm hơn kỳ hạn hai giáp. Nó có thể làm giảm tuổi thọ của người hưởng phúc địa, gia cảnh bất hòa, bất mục, huynh đệ tương tàn. Nếu nay đòi đất, cầu hôn, sẽ gây thêm hiềm khích với cường bang, trong ngoài đều thù địch thì làm sao chống nổi. Việc này nhà vua làm ngày nào sẽ gây nên hậu quả chẳng lành ngày đó.
Nghe Đống Nói, Quang Trung bán tín bán nghi hỏi có cách nào hóa giải được 3 con sông? Đống tâu lại: Chỉ riêng con sông Đà Hằng cũng đủ làm hư huyệt khí, chứ chưa kể đến 2 con sông đào sau. Nay có lấp bằng cả 3 con sông, hàn được thổ thì cũng không sao cứu vãn nổi. Bởi lẽ con sư tử đã thức, không thể ngủ lại như trước. Nó đã bị ba con sông làm gián đoạn long mạch, tiêu tan tú khí hội tụ.
Quang Trung lại hỏi: Ta có thể di táng hai ngôi mộ đến một kiểu đất quý khác? Đống trả lời: Thưa bệ hạ đất có tuần, dân có vận, đất quý không bao giờ kết phát hai tuần. Đời người không ai có được vận quý đến 2 lần. Nếu không vua chúa các đời trước làm chủ các vùng đất quý, khi thấy triều đại suy vong, liền chuyển mồ mả đến vùng đất quý khác, như thế thì một dòng họ có thể làm vua hoài không dứt…
Sau đấy vào năm 1792, vua Quang Trung sai sứ sang Tàu cầu hôn, đòi đất. Lúc này Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân nhớ lại lời can của Đống, khuyên vua từ bỏ ý định, nhưng vua không nghe và nói: Ta muốn dò ý, thử lòng Thanh quốc, chứ không chủ tâm gây chiến, ắt không dẫn đến can qua. Tiếc thay sứ bộ vừa đến Lạng Sơn thì hay tin dữ nhà vua băng hà đột ngột. Sứ giả liền phải vội vã quay về.
Theo KIẾN THỨC