Tiếng kèn ghê rợn vang khắp lâu đài ở Scotlen
Một người thợ được cử xuống thăm dò lâu đài Edinburgh và cất tiếng kèn báo hiệu, sau đó mất tích. Từ đó, thỉnh thoảng khắp lâu đài lại vang lên tiếng kèn ghê rợn đầy ai oán.
Một người thợ được cử xuống thăm dò lâu đài Edinburgh và cất tiếng kèn báo hiệu, sau đó mất tích. Từ đó, thỉnh thoảng khắp lâu đài lại vang lên tiếng kèn ghê rợn đầy ai oán.
Chuyện kể rằng, vài trăm năm trước, sau khi phát hiện dưới nền lâu đài Edinburgh có rất nhiều đường hầm, người ta liền cử một người thợ xuống thăm dò và lấy tiếng kèn làm tín hiệu liên lạc với phía trên. Đang suôn sẻ, đột nhiên, tiếng kèn ngừng bặt. Đội cứu hộ vội vã lên đường, nhưng họ đã phải tay trắng ra về. Từ đó, thỉnh thoảng tiếng kèn lại vang lên trong lâu đài và vọng cả lên những con phố phía trên đường hầm ăn thông với lâu đài.
Lâu đài Edinburgh nhìn từ dưới lên. |
Ngoài tiếng kèn ai oán, não nề được cho là của người thợ xấu số kia, theo lời kể của nhiều người, lâu đài Edinburgh còn bị “ám” bởi tiếng trống được gióng lên bởi một con “ma” không đầu, cứ thùng thùng vào những đêm thanh vắng, trước khi tòa lâu đài bị kẻ địch tấn công. Nhiều du khách đến với lâu đài Edinburgh đã không thể nào quên những “trải nghiệm” ghê rợn ở đây. Trong số họ, có người đã nhìn thấy “chó ma” lang thang phía ngoài lâu đài, có người đột nhiên bị những bàn tay lạnh ngắt túm chặt…
Nhằm đi tìm câu trả lời cho những lời đồn về “lâu đài ma ám Edinburgh”, Tiến sĩ Richard Wiseman thuộc Trường Đại học Hertfordshire (Anh) đã quyết định khởi động dự án “săn ma”. Dự án này bắt đầu từ ngày 6/4/2001. Trong 10 ngày thực hiện dự án, Tiến sĩ Wiseman đã chia 240 tình nguyện viên (được lựa chọn trong số hàng chục nghìn du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, với tiêu chí chỉ những người không biết gì về những lời đồn đại ma ám ở lâu đài Edinburgh mới được tham gia) thành 24 nhóm.
Một khách du lịch đang đi xuống ngục tối của lâu đài Edinburgh. |
Những nhóm tình nguyện viên này được trang bị hàng loạt thiết bị "dò ma" kỹ thuật cao như máy chụp ảnh nhiệt, máy cảm biến địa từ, máy dò nhiệt, thiết bị nhìn ban đêm và máy ảnh kỹ thuật số. Tiến sĩ Wiseman cử họ tới trải nghiệm cả ở những khu vực được cho là “có ma” lẫn những nơi chưa từng bị đồn đại. Kết quả thu được đã khiến bản thân Tiến sĩ Wiseman, một người không tin vào sự tồn tại của ma quỷ, phải bất ngờ. 51% tình nguyện viên đóng chốt ở những nơi bị coi là "ma ám" đã gặp phải những cảm giác dị thường như: Nhìn thấy những hình ảnh mờ ảo, cảm giác như bị ai đó theo dõi, cảm giác bỏng rát ở cánh tay, cảm thấy một người vô hình chạm vào mặt, cảm thấy ai đó đang giật quần áo, nhìn thấy một bóng ma mặc tạp dề da ở đúng vị trí mà có người từng nhìn thấy.
Các nhà nghiên cứu đang tìm dấu vết của “ma”. |
Một trong những nữ tình nguyện viên đã trải qua một đêm "rùng rợn" đến nỗi cô phải òa khóc. Đêm đó, chỉ có mình cô ở trong một căn hầm tối với chiếc máy quay. Gần như ngay lập tức, cô nghe thấy tiếng ai thở từ góc phòng và hơi thở ngày càng mạnh. Cô nghĩ rằng cô nhìn thấy một ánh sáng nào đó trong góc phòng nhưng cô không dám quay lại. Bằng chứng duy nhất là một vài bức ảnh kỹ thuật số chụp được những đốm sáng dày đặc và một làn sương lạ.
Fran Hollinrake - một người đã xem xét nhiều nơi bị ma ám trong một thời gian dài - không hề ngạc nhiên về kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Wiseman. “Mọi người trên toàn thế giới đều nhìn thấy những thứ giống nhau. Vì thế chắc chắn phải có cái gì trong đó”, cô nói. Có thể những kết quả khoa học của ông Wiseman không thuyết phục nhưng điều quan trọng nhất là những điều huyền bí đã nhận được sự quan tâm xứng đáng từ các nhà khoa học.
Cũng giống như nhiều tòa lâu đài được xây dưới dạng pháo đài khác, Edinburgh có một hệ thống ngục tối dùng để giam cầm và tra tấn các tù nhân. Một số người cho rằng sau khi bỏ xác tại đây, linh hồn của các tù nhân không được siêu thoát, vẫn ở lại “ám” nơi mà họ đã sống những tháng ngày không có ánh sáng và khao khát tự do. Tương truyền có một tù nhân thèm muốn nhìn thấy ánh sáng mặt trời đến nỗi anh ta đã liều mình trốn trong một xe chở phân với hy vọng được mang ra khỏi lâu đài rồi trốn thoát theo đường hầm. Không may, chiếc xe đó đã đổ thẳng phân xuống những vách núi đá lởm chởm nhọn hoắt phía dưới lâu đài. Ước mơ tự do của người tù nhân đã kết thúc bằng một cái chết đau đớn và linh hồn của anh ta vẫn bị bám chặt bởi mùi hôi thối khó chịu. Khách đến thăm lâu đài nói rằng bóng ma của tù nhân này thường cố gắng đẩy họ ra khỏi tường của lâu đài.
Theo Công Lý
http://www.ngaynay.vn/Tieng-ken-ghe-ron-vang-khap-lau-dai-o-Scotlen-p279090.html