Kỳ 1: Ma trận của “Người đỡ đầu”
Trong vai một trí thức thất nghiệp, may mắn tìm được một “người đỡ đầu”, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có hơn 1 tháng trời thâm nhập mô hình kinh doanh theo mạng (bán hàng đa cấp) để “làm giàu” cùng Tập đoàn Quốc tế Vision (Vision International People Group).
Ngoài một số ít người được phong là VIP, dưới cái mác của người thành đạt nhờ Vision, cứ thuyết trình để gây dựng hệ thống và “trao cơ hội cho người có ước mơ”, số còn lại đang theo đuổi giấc mơ làm giàu từ bán hàng đa cấp. Mỗi khi chứng kiến, chúng tôi thấy có gì nghèn nghẹn trong lòng.
Khác với chuyện đi xin việc làm bình thường là nộp hồ sơ, phỏng vấn, thử việc..., để gia nhập vào mạng lưới bán hàng đa cấp, việc đầu tiên là tiếp cận với những người được coi là đang nằm trong hệ thống, gọi là “người đỡ đầu”. Để tránh sự quan tâm của những người nói không với đa cấp, với ngành chức năng, việc tiếp cận này cũng phải được thực hiện theo con đường… tiểu ngạch.
Hàng trăm người dân chăm chú lắng nghe bí quyết làm giàu cùng Cty Vision
tại Nhà hàng tiệc cưới Queen Place.
Qua nhiều ngày lân la tại một lớp học kỹ năng kinh doanh theo mạng, tôi cũng tìm được một “người đỡ đầu” để dẫn dắt mình bước chân vào “con đường làm giàu”. Những gì mà tôi được nghe, với cách diễn thuyết cực kỳ điêu luyện, có thể nói liền vài chục phút mà không vấp váp, ai cũng nghĩ mình chuẩn bị giàu có đến nơi. Cứ như “người đỡ đầu”, nếu làm việc tích cực trong 3 tháng, nhiều lắm là 1 năm thì kể từ đó trở đi, đang ngủ tôi cũng có tiền! Và thay vì làm việc cật lực trong vòng 5 năm tôi mới mua được ô-tô thì thời gian đó sẽ rút ngắn lại rất nhiều. Không chỉ giàu có, tôi và gia đình sẽ được hưởng thụ với các chuyến du lịch nước ngoài hoành tráng trích từ lợi nhuận khổng lồ của tập đoàn.
Theo giới thiệu thì “người đỡ đầu” của tôi tên Nguyễn. Trước đây, anh là một công chức Nhà nước, làm việc ngày 8 tiếng, thu nhập mỗi tháng 5 triệu đồng. Từ ngày tiếp cận được “công cụ Vision” do một “người đỡ đầu” khác mang lại, chỉ làm việc theo kiểu tranh thủ, anh đã thiết lập được hệ thống bán hàng theo mạng, mỗi tháng bỏ túi hơn 30 “chai” (30 triệu đồng). Rồi anh từ bỏ đồng lương của Nhà nước để dành hết tâm sức cho công việc mới, loại công việc không cần vốn, không cần thời gian, không phải lao tâm khổ tứ.
“Người ta hay ác cảm với bán hàng đa cấp. Nhưng em phải tin rằng đây là công việc nhàn rỗi nhất, dễ dàng nhất, hợp pháp nhất và có thu nhập vào hạng cao nhất” - Nguyễn nói rồi đưa cuốn sổ ghi chép ra vẽ các mô hình kinh doanh cũng như những bước đi để thực hiện ước mơ trong một đời người. Anh nói, nhiều nước ở bên Tây, 90% dân số lao động với các loại hình kinh doanh bình thường chỉ nắm 10% giá trị tài sản quốc gia. Trong khi đó, 10% dân số còn lại, hầu hết là các nhà tài phiệt, chủ các tập đoàn lớn với mô hình kinh doanh hiện đại đã thâu tóm 90% giá trị tài sản của cả nước. Chưa hết, nếu ta làm việc theo cách bình thường, muốn có 2 tỷ đồng, với thu nhập bình thường có lên 10 triệu đồng/tháng đi nữa thì cũng phải hơn 20 năm lao động cật lực, không ăn uống, không tiêu pha. Các nhà hoạch định kinh doanh gọi bi kịch này là “cuộc sống làm chủ chúng ta”. Ngược lại, cũng với mục đích kiếm từng đó tiền, lợi nhuận mà kinh doanh theo mạng mang lại có thể rút ngắn hành trình xuống còn 5 năm với khoảng hơn 40 triệu đồng/tháng. Cái này gọi là “chúng ta làm chủ cuộc sống”. “Vậy em sẽ chọn cách nào?” - Nguyễn hỏi trong khi tôi miệng chữ O, mắt chữ A gật gù tâm đắc.
Được thể, kỹ năng thuyết trình, hùng biện của Nguyễn như đẩy lên cao độ, vừa chỉ tay vào không trung như mấy người chém gió và tiếp tục. Rằng, giai đoạn khó khăn nhất của quá trình kinh doanh theo mạng là 3 tháng 10 ngày đầu tiên. Tôi chột dạ, sao lại có cái khoảng thời gian lạ lùng giống như sản phụ ở cữ vậy! Anh vẫn tiếp tục, đó là thời gian để rèn luyện tính kiên trì của một doanh nhân, vì có thể sẽ không có một nguồn thu nhập nào trong khi phải dùng hết kỹ năng để thiết lập quan hệ. “Như anh đây, 100 ngày đầu tiên chỉ đủ tiền đổ xăng, mời những người có tên trong kế hoạch kinh doanh của mình uống cà-phê. Nhưng khi đã thiết lập được tầng 1 (tức là như tôi bây giờ) thì thu nhập sẽ càng ngày càng cao. Tài khoản được mở từ Tập đoàn càng ngày càng đầy. Nếu em kinh doanh bình thường thì nội chuyện vay vốn, doanh thu, thị trường là đã đủ đau đầu. Còn kinh doanh theo mạng, khi đã có 5 người dưới tầng của mình thì có muốn phá sản cũng không được” - Nguyễn lại rít thuốc rồi huơ tay chém vào không khí.
Người dân tập trung tham gia chương trình đào tạo bán hàng đa cấp do Cty Vision tổ chức
tại nhà hàng Queen Place.
Theo lý giải, nếu thiết lập được 5 người vào mạng lưới thì lợi nhuận mà 5 người đó làm ra sẽ có phần trăm tự động chảy vào tài khoản của mình. Và 5 người đó, mỗi người thiết lập được 5 người khác thì mình có phần trăm của 25 người. Chỉ vài năm thôi, mạng lưới có thể lên đến cả trăm người. Thị trường của ta ngày càng rộng, mặt chân đế rộng thì chẳng làm sao mà sụp đổ được cả, trong khi đó, kinh doanh truyền thống thì thị trường ngày càng hẹp đi, có thể bị phá sản, nhảy cầu bất cứ lúc nào. “Một mình em không thể làm việc mỗi ngày 24 giờ được. Nhưng nếu em có khoảng 25 người thôi, thì mỗi ngày họ chỉ cần làm việc 1 tiếng đồng hồ, mỗi tiếng làm khoảng 100 nghìn thôi thì họ đã làm ra 2,5 triệu đồng. Chẳng phải tiền tự động chảy vào tài khoản của em, nằm ngủ cũng có tiền là gì” - Nguyễn nới cái cà-vạt ra, hình như anh nói liên tục nên nóng trong người.
Tôi ngờ nghệch hỏi: “Em thực sự muốn thử cơ hội này, vì cũng chẳng có gì để mất. Nhưng không dễ để có được kỹ năng như anh. Vậy em phải làm gì để có thể có thu nhập hằng tháng, trước mắt đủ sống là được?”. Nguyễn tự hào: “Em đã tìm được cơ hội đó rồi, từ nay anh sẽ là người đỡ đầu của em. Em sẽ được tăng vốn, chưa phải là tiền (anh nhấn mạnh từ “chưa”, chứ không phải là “không”), mà là kiến thức, mối quan hệ, thời gian và các cuộc điện thoại thường xuyên cho anh”. Bắt đầu từ tối nay, em sẽ được tiếp xúc với các VIP để được đào tạo và tham gia hội thảo để rèn luyện kỹ năng kinh doanh. Chúc mừng em đã tìm thấy công cụ làm giàu. Có hàng trăm người, thậm chí hàng nghìn người như em ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế sẽ giàu có trong nay mai. Với Vision!”.
Tôi cảm ơn rối rít và tỏ vẻ khâm phục anh sát đất rồi háo hức chuẩn bị tâm thế cho một khóa đào tạo mà sau này mới biết là những kịch bản câu nhử người dân, hoặc kém hiểu biết, hoặc bất chấp mánh lới để “cột thế” người thân, bạn bè.
Kỳ 2: VÀO LÒ ĐÀO TẠO KỸ NĂNG LÀM GIÀU
Các buổi đào tạo kỹ năng bán hàng đa cấp của Vision thường được tổ chức vào tối thứ hai và thứ sáu trong tuần. Không chỉ người Đà Nẵng mà có cả người Quảng Nam, Quảng Ngãi, TT-Huế cũng lặn lội đường xa tới. Cảm giác đầu tiên của tôi là choáng ngợp bởi một hội trường rộng lớn có sức chứa khoảng 400 người. Những lớp đào tạo này có vẻ như được tổ chức bí mật, cách điều hành tựa như những buổi truyền đạo trái phép, người đứng trên sân khấu là giáo chủ, những người ngồi dưới như những tín đồ chỉ có nghe, ghi chép và... vỗ tay.
“Người đỡ đầu” đưa cho tôi một tấm vé vào cổng với gương mặt tỏ ra nghiêm khắc: “Lần sau là phải đi sớm đấy nhé. Không làm giàu thì thôi, có quyết tâm là phải thực hiện nghiêm túc. Đến sớm để còn giao lưu với các đội nhóm, làm quen với những người thành đạt”.
Tôi phải lách qua rừng người để vào hội trường. Nhiều nhóm người còn tụ tập ở sân, hành lang để “người đỡ đầu” phát vé cho các buổi đào tạo sau. Điểm đặc biệt của mạng lưới kinh doanh đa cấp là nếu mới tham gia như tôi, cứ thấy nó thậm thò thậm thụt thế nào ấy. Chỉ có những người cùng mạng mới biết nhau, chỉ có “người đỡ đầu” mới có vé để vào cổng. Ngược lại, nếu đơn thương độc mã đến đây thì không có cách nào để vào lớp học. Sau này tôi mới biết đây là cách quản lý để làm cho công việc này trở nên quan trọng, thu hút sự tham gia của những người đang có lửa làm giàu hừng hực, đồng thời cũng là cách để quản lý người lạ, không đưa thông tin đến các cơ quan chức năng.
Lớp đào tạo kỹ năng làm giàu cùng Vision tại hội trường Bưu điện TP Đà Nẵng luôn đông nghịt.
Trong tiếng nhạc kích động, tôi làm quen với một anh trung niên quê Đại Lộc, Quảng Namđể “giao lưu đội nhóm”. Anh tên là Nguyễn Minh P., đã tham gia đào tạo được 2 tuần. Hỏi làm sao anh vào được mạng lưới này, anh kể có người quen ở Đà Nẵng, thấy anh ngoài những lúc làm mùa thì có thời gian nhàn rỗi nên “mời” tìm cơ hội làm giàu cùng Vision. “Tôi thấy ngoài việc đồng áng ra thì cũng chẳng bận bịu gì nên thử cho biết. Cứ chiều thứ hai và chiều thứ sáu tranh thủ ăn cơm sớm rồi chạy ra đây để học. Tôi chưa thấy những loại thực phẩm chức năng mà họ quảng cáo ở các quầy thuốc nhưng họ nói tốt, chữa được bệnh nan y. Và nếu giới thiệu được nhiều người mua thì có phần trăm. Vừa giúp người khác chữa bệnh, vừa có tiền thì tốt quá” - anh P. tâm sự. Tôi tỏ ra hiểu biết: “Vậy anh đã trở thành tầng 1 của hệ thống chưa?” thì anh P. nói “Chưa biết, nhưng người đỡ đầu nói phải photo chứng minh nhân dân, mở tài khoản và mua một bộ sản phẩm trị giá khoảng 8 triệu đồng thì sẽ chính thức trở thành người của Vision. Mua sản phẩm là để tích lũy điểm, còn mở tài khoản là để sau này mình bán được thuốc cho người khác thì tiền phần trăm tự động được chuyển vào”.
Bên tay trái tôi, một cô gái khoảng 25 tuổi đang tranh thủ đưa tài liệu mua từ tập đoàn ra đọc. Cô nói tài liệu này ai mới nhập môn cũng phải mua, cũng như thuốc ấy, không có ngoài thị trường, chỉ được bán thông qua người đỡ đầu, mỗi bộ hơn 200 nghìn đồng. Cô gái tên Phương, người Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng. Phương nói người anh con bác cũng được mời tham gia đào tạo, hai anh em cùng một người đỡ đầu. “Em cũng mới mua tài liệu, nộp bản photo chứng minh thư thôi chứ chưa mua thuốc của tập đoàn. Nếu thấy thuận lợi thì sẽ vay mượn mua một bộ sản phẩm, vừa tích lũy điểm để ký hợp đồng vừa dùng cho mình, nghe giới thiệu thì thuốc rất tốt cho phái nữ” - Phương tâm sự.
Tôi đang định đi xuống phía dưới lớp học để “làm quen” với các “đồng nghiệp” sau này thì bị “người đỡ đầu” chặn ngay lại và dặn: “Ngồi nghe nhạc lấy hưng phấn và trao đổi với người trong nhóm. Em chưa đủ trình độ để giao lưu với những người thành đạt”. Chuyện này, sau này tôi mới hiểu, nếu để cho “đệ” của mình nghe lỏm chuyện của những người khác thì có nguy cơ bị mất tầng 1. Nhiều người kinh nghiệm kể lại rằng, có người vừa thiết lập được mạng lưới gồm 5 người ở tầng 1 nhưng những người này lại có bạn ở “nhánh” khác. Khi nghe quảng cáo về sự thành đạt, về độ tận tình và cơ hội thăng tiến, họ đã tìm cách trốn “người đỡ đầu” cũ tìm một “minh chủ” mới. Có một cuộc “nội chiến” ở những “người đỡ đầu” trong mạng lưới kinh doanh đa cấp là người nào thu hút được nhiều “fan” tham gia mạng lưới của mình thì sẽ thành đạt hơn, thứ hạng cao hơn và cũng nghe đồn là thu nhập khủng hơn. Vì về lý thuyết đa cấp, hệ thống càng nhiều tầng thì lợi nhuận sẽ tăng theo cấp số nhân. Vậy thì dù lý thuyết là phải cộng sinh, phải đoàn kết để xây dựng tập đoàn nhưng chẳng ai dại gì mà đem gà của mình nuôi cho người khác mang đi chọi.
Tôi quan sát cả hội trường rộng lớn thì thấy không còn chỗ trống! Cứ dăm bảy người một nhóm, trong nhóm có một người “cầm cái” thuyết trình liên hồi, những người còn lại chăm chú nghe và gật đầu. Anh Nguyễn gom cả nhóm chúng tôi lại và nói: “Các anh chị xem đi. Vision đã mang lại cơ hội cho rất nhiều người. Khối người khác đang ao ước tham gia hệ thống kinh doanh hiện đại này nhưng chưa có chỗ. Trong số này, khối người đã có thu nhập vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Nhiều người còn là sinh viên, nhiều người giàu có nhờ dám bỏ việc nhà nước để đi theo Vision”.
Lớp “đào tạo nâng cao” được Vision tổ chức vào ngày 14 và 28 hằng tháng.
Tiếng nhạc đột nhiên dồn dập với cường độ mạnh. Một người dẫn chương trình hét lên trong loa rằng chúng ta sắp được diện kiến một con người thành đạt đi lên từ bệnh tật và nghèo khó. “Để tôn trọng sức lao động của anh, sự say mê theo đuổi của anh, sự lì lợm trước dư luận của anh, chúng ta hãy đứng dậy và dành cho anh một tràng pháo tay theo nhạc”. Cả hội trường đứng dậy vỗ tay theo bước chân của người mà “người đỡ đầu” của tôi nói đã đạt đến cấp “VIP 3 sao”, thu nhập mỗi tháng cả trăm triệu đồng. Lúc này, sự tưởng tượng về một lớp truyền đạo trái phép của tôi là có lý khi ngoài vỗ tay theo sự hướng dẫn của người cầm micro, mọi người còn nhìn anh một cách ngưỡng mộ. Dù rất ngượng ngùng nhưng tôi vẫn cố vỗ tay một cách đầy phấn khích. “Người đỡ đầu” nhìn tôi rất hài lòng!
Thật ngạc nhiên là với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng nhưng “VIP 3 sao” đang đứng trên sân khấu hoành tráng kia là người tôi vừa gặp ngay ở cổng vào. Anh được mấy “đệ” chở đến bằng chiếc Wave cũ, đội mũ bảo hiểm dỏm mấy chục nghìn như người ta vẫn bán ở vỉa hè. Cũng con người này, sau buổi thuyết giảng về cách làm giàu đã đi uống nước mía giá rẻ ở chân cầu Sông Hàn cùng những người mà anh đã mời lên một cách “ngẫu nhiên” trước hội trường để kể về sự giàu có của anh từ khi tham gia kinh doanh cùng Vision.
Kỳ 3: "VIP 3 sao" có hàng chục người thân bị bệnh nan y?
(Cadn.com.vn) - "VIP 3 sao" được giới thiệu có tên là Lê Hoàng Ân, "người đỡ đầu" rỉ tai tôi nói rằng, thu nhập của anh cỡ 250 triệu đồng/tháng. Anh đứng trên sân khấu với hai tư cách: vừa là người mang ơn, vừa là người ban ơn. Anh mang ơn vì Tập đoàn Vision đã cho anh cơ hội, và giờ anh lại mang cơ hội đó đến với những người đang háo hức chờ đợi dưới hội trường. Từ chỗ rất nghèo, người nhà toàn bị bệnh nan y, giờ anh trở nên giàu có, còn người thân đã hết bệnh. Đúng là một mũi tên trúng 2 đích!
Ân vẫy tay cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt của cả hội trường và hãm lại những tràng pháo tay phấn khích. Tôi phát hiện ra rằng, những tràng pháo tay ở lớp đào tạo này thường bắt đầu bằng một vài nhóm người được bố trí đều ở từng khu vực và cũng dừng lại đúng lúc ở những khu vực này. Đó đều là gà, là mồi, là hoạt náo viên kín đáo của lớp học. Đội hình này xoay vòng như chiến thuật bóng đá mini qua từng buổi học. Những ai mụ mị vì chuyện làm giàu sắp trở thành hiện thực thì không bao giờ phát hiện ra, thậm chí nếu họ quên vỗ tay hưởng ứng thì còn bị "người đỡ đầu" nhắc nhở và kết luận là "chưa mặn mà"?.
"VIP 3 sao" Lê Hoàng Ân
"Thần tượng" bắt đầu bằng câu hỏi hướng tới hội trường: "Theo các bạn, tiền có mua được sức khỏe không?". Cả lớp đồng thanh "Không!". Ân im khoảng 10 giây, tỏ ra buồn phiền rồi nói rằng: "Đúng nhưng chưa đủ!". Ai cũng tẽn tò và cảm thấy hối hận vì đã làm phật ý anh, chưa tìm được suy nghĩ chung với một người được xem là điển hình của việc làm giàu không khó. Ân kể rằng: "Trước đây tôi vẫn quan niệm là tiền không mua được sức khỏe, nhưng từ khi biết được Tập đoàn Quốc tế Vision, tôi đã nghĩ lại".
Anh kể khi còn làm việc xa nhà (ở TPHCM), mẹ anh ở Bình Dương bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người phải ngồi xe lăn. Những ngày tháng vừa vất vả vì phải lo việc làm vừa chạy đi chạy về chăm sóc mẹ khổ vô kể. Anh nghĩ số gia đình mình suốt đời nghèo khổ không bao giờ ngẩng mặt lên được. Thế rồi trong lúc tuyệt vọng, anh được một người quen chỉ cho mấy loại thuốc của Vision. Lúc đầu anh tặc lưỡi thôi thì có bệnh vái tứ phương, lành thì càng tốt, không lành cũng khỏi phải ân hận. "Phép nhiệm màu đã đến, sau 21 ngày tôi về thăm mẹ thì thấy mẹ đi băm băm, không thấy chiếc xe lăn đâu nữa. Tôi mừng phát khóc, từ đó tôi hoàn toàn tin vào Vision. Còn các bạn, giờ các bạn có tin là tiền mua được sức khỏe không?". Vài tiếng vỗ tay đơn lẻ ở từng khu vực, theo phản ứng dây chuyền, cả phòng râm ran không ngớt, có người quá khích còn huýt sáo, la hét không ngừng.
Rồi Ân tập trung thời gian giới thiệu bộ 16 sản phẩm là thực phẩm chức năng của Vision với sự mang ơn tột độ. Tôi giơ tay xin phát biểu, và hỏi rằng: "Em không thấy sản phẩm của Vision ở các hiệu thuốc. Vậy mua bằng cách nào?". Ngay lập tức "người đỡ đầu" giật tay tôi kéo xuống. Ai cũng nhìn tôi cười, như tôi chưa hiểu gì hết. Ai cũng biết, muốn mua sản phẩm chỉ có thông qua "người đỡ đầu", vì qua đó, họ được trích phần trăm như việc môi giới. Anh Ân tỏ ra thông cảm và giải thích rằng, nếu sản phẩm của Vision được bày ra bán thì không còn là Vision nữa. Chúng tôi chỉ trao cơ hội cho những ai cần nó mà thôi. "Bán hàng có 3 cách: bán bằng hiện vật như rau cá ngoài chợ, bán bằng lời hứa như ngân hàng, bảo hiểm và bán bằng chính kết quả sử dụng. Chúng ta kinh doanh theo cách thứ ba" - Ân nói và lấy kết quả mẹ anh lành bệnh để giải thích. Đồng thời nhấn mạnh với mọi người, chỉ có một cách để có sản phẩm, là thông qua "người đỡ đầu". Đến đây, "người đỡ đầu" quay qua tôi hằm hè vì anh suýt mất một cơ hội tích lũy điểm bán hàng và phần trăm bán sản phẩm.
Sau khi kết thúc bài giảng làm thế nào để có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, Lê Hoàng Ân (thứ 3 hàng bên trái) cùng các cộng sự ra đường Bạch Đằng uống nước mía vỉa hè.
Càng nghe chuyện, thấy Lê Hoàng Ân mới giàu có được trong thời gian gần đây, chứ trước thì là một hoàn cảnh rất thương tâm. Bởi ngoài mẹ anh, hầu hết người nhà và bạn bè đều bị các chứng bệnh khó chữa. Nhân nói đến việc thiếu canxi có thể dẫn tới 147 thứ bệnh và anh kể chuyện người chú thường xuyên bị tụt canxi, bị lão hóa xương. Rồi người cô cao huyết áp, ông bác bị tiểu đường hay người bạn u xơ tuyến tiền liệt. Chao ôi, sống quanh những người bệnh tật, bất hạnh và đáng thương vô cùng. Nhưng giờ, họ đã khỏe mạnh cả, chỉ có sản phẩm của Vision mới làm được điều đó. Tôi chợt nghĩ, nếu quả thật có sự thần kỳ như vậy thì rồi cũng đến ngày các bệnh viện dẹp hết, lương y, bác sĩ cũng thất nghiệp, chẳng còn ai bệnh tật, đau ốm nữa. Cuộc đời lý tưởng biết bao!
Ân chuyển qua bài giảng về công cụ bán hàng và liệt kê ra 11 cái cần có trước khi bắt tay vào làm giàu. Công cụ đầu tiên là chính mình vì mình là "tấm danh thiếp sống của Cty", mặc dù có hỏi Cty đóng ở đâu thì chắc chắn sẽ được trả lời là kinh doanh theo mạng không cần Cty. Quan trọng nhất là mỗi người phải có bộ 16 sản phẩm trị giá khoảng 8 triệu đồng, là điều kiện để tham gia mạng. Tiếp theo là sách hướng dẫn, cuốn giới thiệu sản phẩm, đĩa và album giới thiệu những người thoát hiểm (bệnh tật) và thoát nghèo nhờ Vision cũng như các đầu báo, các tờ rơi cùng những tạp chí không chính thống. Những thứ này muốn có được đều phải mua thông qua "người đỡ đầu", mỗi bộ khoảng 200 nghìn đồng.
Đến đây, một người tỉnh táo có thể dễ dàng nhận ra cách kinh doanh được coi là hiện đại: muốn trao cơ hội làm giàu thì điều kiện cần là phải bỏ ra khoảng hơn 8 triệu đồng để tìm hiểu và dùng thử sản phẩm. Vì sao phải như vậy? Câu trả lời cho dù có hỏi hàng nghìn lần thì vẫn được giải thích là "có dùng thì mới tin, có tin thì mới giới thiệu được cho người khác" - đây cũng là câu chuyện bi hài của bán hàng đa cấp.
Lê Hoàng Ân kết thúc buổi đào tạo trong tiếng vỗ tay râm ran không ngớt, anh hiên ngang đi giữa hội trường như trong một buổi vinh danh. Ra khỏi phòng đã có mấy "đệ" nổ xe máy chờ sẵn, anh đội chiếc mũ bảo hiểm dỏm lên xe rồi cùng một nhóm người mà trước đó anh đã "ngẫu nhiên" gọi lên trước hội trường để chứng minh cho sự thành đạt, phóng thẳng ra quán nước mía vỉa hè dưới chân cầu Sông Hàn "đập phá".
* KỲ 4: CÂU CHUYỆN “ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG” VÀ “TẮC KÈ GẬT GÙ”
(Cadn.com.vn) - Khi các “tín đồ” mê làm giàu bắt đầu “say” với những khoản thu nhập trong mơ mà lớp đào tạo kỹ năng vẽ ra, các thủ lĩnh sẽ hướng họ tới những thủ thuật, mánh lới để gạt bỏ dư luận, tiếp cận thị trường. Nói thị trường cho nó có tính kinh doanh nhưng thật ra, đối tượng mà họ hướng tới, trước thì người thân, sau là bạn bè, kể cả người lạ. Phải làm sao để bỏ ngoài tai những lời khuyên của gia đình, thậm chí là chấp nhận cả việc tẩy chay? Phải làm sao để rủ họ tham gia càng nhiều càng tốt?
Buổi học tiếp theo mà tôi được tham gia bắt đầu bằng một không khí rất buồn. Người đầu tiên lên tâm sự về chuyện làm giàu tự giới thiệu là Phan Thị Thanh Mai (người Đà Nẵng) sinh ra trong một gia đình có người... chết trẻ! Trước đây chị làm tại một Cty nước ngoài, có nhiều thứ nhưng luôn lo sợ về sức khỏe cũng như nghĩ sẽ không có cơ hội thành đạt. “Nhưng giờ trước khi bưng bát cơm ăn, Mai thầm cảm ơn Vision và những người đã cho Mai cơ hội. Giờ Mai mạnh khỏe, có tiền và không lo nguy cơ di truyền chết trẻ nữa” - cô làm mặt buồn trước hàng trăm người. Người thứ hai là “VIP 2 sao” Trương Thị Phượng (quê Điện Hồng, Điện Bàn) lại tâm sự là chị bị cái bệnh đau đầu suốt 14 năm qua, đã từng phải vào Bệnh viện Tâm thần, tưởng chừng như nó sẽ theo chị đến suốt cuộc đời nếu không bước chân vào Vision.
Cũng may mà câu chuyện bệnh tật kết thúc sớm, để cả lớp háo hức tiếp tục học kỹ năng. Phượng nói sẽ trở lại sau bài giảng của một người cực kỳ thành công là anh Trần Văn Đức.
Thị phạm phương pháp “2 chọi 1” để thuyết phục người thân tham gia kinh doanh đa cấp.
Đức nói, “chúng ta phải có 3 niềm tin lớn: tin vào sản phẩm, tin vào chính mình và tin vào “người đỡ đầu”. Anh dẫn nhập chuyện này để giới thiệu sự trở lại của người phụ nữ bị bệnh đau đầu tới 14 năm, đã từng vào Bệnh viện Tâm thần có tên Trương Thị Phượng. VIP 2 sao này tái xuất để truyền đạt những thủ thuật lôi kéo người vào mạng lưới bán hàng đa cấp cũng như phải tôn sùng và trao quyền tuyệt đối cho “người đỡ đầu”. Cô thống nhất với mọi người một quan điểm là “Kinh doanh truyền thống đè lên nhau mà sống, mạnh tiền là sống. Còn kinh doanh theo mạng là làm giàu cho tất cả mọi người”. Để thành công thì bạn phải mời được càng nhiều người tham gia càng tốt, nhưng khi chưa đủ bản lĩnh thì công việc của bạn chỉ là tìm người, còn việc thuyết phục đã có người khác lo. “Đầu tiên, các bạn chỉ cần nói với người thân, bạn bè của mình rằng là mình có thể giới thiệu một công việc làm vào giờ nhàn rỗi mà thu nhập lại rất cao. Còn người ta hỏi đó là công việc gì thì đừng bao giờ nói. Hãy dẫn họ tới tham gia hội thảo và gặp người đỡ đầu” - Phượng truyền đạt.
Trương Thị Phượng đi giữa hàng người ngưỡng mộ vì trong mắt họ, chị đã làm giàu,
khỏe mạnh sau 14 năm bị bệnh đau đầu, có lúc phải vào bệnh viện Tâm thần.
Người phụ nữ có tiền sử về bệnh liên quan đến thần kinh này ví người nhà, bạn bè như người khát nước đi trên sa mạc, hãy cho từng giọt để họ càng uống càng khát, càng muốn sở hữu. Cũng như bán hàng đa cấp, phải khơi dậy sự hiếu kỳ và tò mò của người khác, đừng kể tất cả mọi chuyện chỉ trong một lần gặp gỡ. Cô ví von: “Khi thuyết phục họ bắt đầu tham gia, bạn hãy là một người giới thiệu việc làm. Đến khi dẫn họ đi gặp người đỡ đầu tại một quán cà-phê, một quán nước, bạn hãy là một con tắc kè chỉ biết gật gù, tán thưởng người đỡ đầu. Đừng nói hớt, đừng thể hiện sự lôi kéo bằng mọi cách. Đó mới là nghệ thuật xây dựng mạng lưới. Tóm lại, để đưa người khác vào mạng lưới thì chúng ta phải dùng phương pháp 2 chọi 1. Một bên là bạn và người đỡ đầu, bên còn lại chính là người chúng ta có ý định thuyết phục”. Phượng cũng vẽ lại sơ đồ thị trường của kinh doanh theo mạng gồm 3 phần trong một hình tam giác: thị trường nóng là cha mẹ, anh chị, người thân; thị trường ấm là bạn bè, đồng nghiệp, bạn học; thị trường lạnh là những người lạ mà chúng ta tập làm quen. Trong số này, những người mới nhập môn như chúng tôi thì nên khai thác thị trường ấm chứ đừng nói với cha mẹ mà bị tống cổ ra khỏi nhà, đừng thuyết phục người lạ mà bị... ăn chửi. Vì đối với kinh doanh theo mạng cũng có 3 dạng người, gồm: những người chưa nghe, chưa thấy, chưa biết; những người biết sơ sơ và những người cố tình không nghe. “Kinh doanh truyền thống thì tiền nhiều đồng nghĩa với vốn nhiều. Còn kinh doanh theo mạng thì vốn chính là danh sách người quen, càng nhiều người quen chúng ta càng giàu” - Phượng đúc kết.
Kết thúc buổi huấn luyện về thủ thuật lôi kéo người khác tham gia mạng lưới bán hàng, VIP 2 sao Trần Văn Đức trở lại với màn PR cho Cty và lấy dũng khí cho các “học viên”. Dù người cực kỳ mảnh khảnh nhưng anh luôn cố ưỡn ngực ra mà nói rằng: “Sau 17 năm thành lập, Vision đã có 104 người kiếm được 1 triệu USD. Các bạn phải tin là mình có thể làm được mọi việc vì vua Louis XIV đã từng nói rằng, muốn thành công một việc cho tới cùng thì trước hết hãy nghĩ là mình làm được. Căn bệnh nghiêm trọng nhất trong thế kỷ XXI không phải là ung thư, tiểu đường hay cao huyết áp mà là bệnh tự ti, hạ thấp mình. Chúng ta hãy quyết tâm làm giàu với Vision”.
Phóng sự: Đông A (còn nữa)